Những nhà văn, đạo diễn, nghệ sĩ xuất sắc nào được trao giải thưởng Đào Tấn 2023?
Giải thưởng Đào Tấn do Viện Nghiên cứu Bảo tồn và phát huy Văn hóa dân tộc và Tạp chí Văn hiến Việt Nam thành lập năm 2000 nhằm vinh danh các tập thể, cá nhân có các tác phẩm sân khấu, văn học, hội họa, nhiếp ảnh, âm nhạc xuất sắc… đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ, giao lưu, hội nhập của đất nước; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống dân tộc.
Nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng đã vinh dự được trao tặng giải thưởng cao quý này như: Giáo sư Trần Văn Khê, nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Bảo, nhà nghiên cứu (tuồng) Mịch Quang, nhạc sĩ Thuận Yến, GS.TS Nguyễn Thuyết Phong, GS.TS Thái Kim Lan, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, NSND Đàm Liên, NSND Bạch Tuyết... Năm nay, sau 4 năm tạm ngưng vì dịch bệnh, giải thưởng Đào Tấn tái khởi động với việc vinh danh 15 cá nhân xuất sắc thuộc nhiều lĩnh vực và 5 đơn vị nghệ thuật.
Đến dự lễ trao giải còn có Giáo sư Hoàng Chương - người sáng lập giải thưởng Đào Tấn. Nhiều năm qua ông mắc trọng bệnh, phải ngồi xe lăn, đi lại và nói năng rất khó khăn… nhưng ông vẫn đến tham dự và chúc mừng các văn nghệ sĩ, đơn vị nghệ thuật được trao giải đợt này.
Kết quả, hội đồng nghệ thuật đã trao giải thưởng Đào Tấn cho các đơn vị:
- Đội tuồng làng Kẻ Gám, xã Xuân Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.
- CLB tuồng xã Thạch Lỗi, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.
- Sân khấu Lệ Ngọc: Đơn vị sân khấu ngoài công lập thành công nhất.
- Nhà hát Chèo Hưng Yên: Giải Vở diễn xuất sắc: Vở chèo "Ván cờ oan trái" – Kịch bản: Bùi Vũ Minh – Đạo diễn: NSND Thúy Mùi
- Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An. Giải Vở diễn xuất sắc: vở "Bên dòng Long Khốt" (Kịch bản: Nguyễn Toàn Thắng – Chuyển thể và đạo diễn: NSND Triệu Trung Kiên)
Các văn nghệ sĩ xuất sắc nhận giải thưởng Đào Tấn:
- Cố nhà điêu khắc Nguyễn Sang với bộ tượng danh nhân VN và các bà mẹ Việt Nam anh hùng. Tính đến nay, Nguyễn Sang và vợ là nhà điêu khắc Kim Thanh đã sáng tạo hàng nghìn tượng chân dung trên nhiều chất liệu. Chiếm số lượng lớn trong số này là tượng các anh hùng dân tộc, các nhà cách mạng lão thành, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các Anh hùng LLVT nhân dân, tướng lĩnh, danh nhân văn hóa lịch sử... Tượng của Nguyễn Sang – Kim Thanh đã tham gia hơn 100 cuộc triển lãm chung trong nước và tổ chức 10 cuộc triển lãm riêng tại TPHCM, Hà Nội, Long An…
Nhà thơ Trần Nhuận Minh bày tỏ với Dân Việt: "Tôi là một nhà thơ nhưng lại rất tâm huyết với mảng nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu lịch sử và văn hóa. Trong 3 tác phẩm giúp tôi được vinh danh giải thưởng Đào Tấn lần này, 2 cuốn "Thời gian lên tiếng", "Đi tìm sự thật" tôi xem như tập 1 và tập 2 của những nghiên cứu, phát hiện về lịch sử, văn hóa thời Trần ở Hải Dương và Quảng Ninh.
Để viết được những cuốn sách này, tôi đã phải dày công đi đến từng nơi, gặp từng người và phát hiện được nhiều lỗ hổng, nhiều sai lầm trong nghiên cứu sử học của chúng ta. Có những sai lầm đến bây giờ không thể sửa chữa được, để lại những dấu ấn không lành mạnh.
Tôi rất vui mừng là khi công trình nghiên cứu của tôi được in thành sách, phát hành rộng rãi thì được nhiều nhà nghiên cứu, giới khoa học, lãnh đạo các cấp ở Quảng Ninh và Hải Dương quan tâm, ủng hộ. Đấy là lí do vì sao 2 tác phẩm ấy của tôi được trao giải thưởng Đào Tấn lần này. Tôi rất biết ơn Hội đồng giải thưởng đã chọn 2 tác phẩm của tôi để trao giải. Tác phẩm thứ 3 là "Đối thoại văn chương" – tôi viết chung với nhà phê bình văn học người Canada gốc Việt Nguyễn Đức Tùng.
Ông Tùng hỏi tôi 265 câu hỏi liên quan đến 4 mảng: quá trình sáng tác của tôi trong 60 năm cầm bút, những vấn đề liên quan đến văn học và lí luận văn học, những vấn đề đang tranh luận về văn chương và đánh giá lại – xếp hạng lại những giá trị của văn học Việt Nam. Tôi xem đây là một cuốn sách với những đề xuất, kiến giải của tôi trong hơn 60 năm cầm bút. Có những đề xuất lúc đầu bị phản đối rất gay gắt nhưng sau này lại nhận được sự đồng tình rất lớn".
- Nhạc sĩ Đình Thậm - tác giả hai ca khúc xuất sắc Thắm mãi tình anh và Đừng tưởng cảm tác từ cuộc đời và tư tưởng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nhạc sĩ Nguyễn Đình Thậm sinh ra và lớn lên tại Quảng Ngãi, lập nghiệp tại Đà Nẵng. Rất nhiều ca khúc của ông đoạt giải cao của Hội Nhạc sĩ Việt Nam và được yêu mến và phổ biến rộng rãi ở Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi. Hai ca khúc Nguyễn Đình Thậm vừa cảm tác từ cuộc đời và tư tưởng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng "Thắm mãi tình anh" và "Đừng tưởng" là hai ca khúc xuất sắc, đang được phổ biến rộng rãi.
- Nhà thơ Trần Nhuận Minh với bộ sách nghiên cứu phê bình: "Thời gian lên tiếng", "Đi tìm sự thật", "Đối thoại văn chương" (đồng tác giả Nguyễn Đức Tùng). Nhà thơ Trần Nhuận Minh năm nay bước vào tuổi 80. Ông là tác giả của 62 tác phẩm đã được xuất bản, bao gồm đủ các thể loại: thơ, trường ca, văn xuôi, lý luận phê bình, nghiên cứu văn học, sử học. Thơ ông đã được dịch ra 14 thứ tiếng, xuất bản và phát hành ở 18 quốc gia trên thế giới. Ông đã được trao Giải thưởng Nhà nước đợt II năm 2007. Năm 2020, ông được trao Giải thưởng Sông Mêkông. Lần này, Hội đồng giải thưởng Đào Tấn trao giải cho 3 công trình nghiên cứu lịch sử, văn hóa văn chương đặc sắc của ông: Thời gian lên tiếng, Đi tìm Sự thật và Đối thoại văn chương.
- Nhà viết kịch Hoàng Thanh Du với kịch bản "Lá đơn thứ 72", kịch bản về đề tài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong hai năm 2021 và 2022, kịch bản "Thiên Mệnh" viết về nhân vật lịch sử Trần Thủ Độ và kịch bản và "Lá đơn thứ 72" viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh của nhà viết kịch Hoàng Thanh Du được Nhà hát kịch Việt Nam và Sân khấu Lệ Ngọc dàn dựng rất thành công, gây tiếng vang lớn. "Thiên mệnh" được tặng huy chương vàng tại Liên hoan kịch nói toàn quốc 2021. "Lá đơn thứ 72" được tặng giải đặc biệt tại Liên hoan Quốc tế Sân khấu thử nghiệm 2022.
- PGS.TS Đoàn Thị Tình với các công trình nghiên cứu: "Trang phục người Việt xưa và nay", "Hóa trang mặt nạ sân khấu tuồng", "Mỹ thuật sân khấu Việt Nam". Suốt nửa thế kỷ qua, PGS.TS Đoàn Thị Tình luôn là một "người độc hành" tìm về nguồn cội tôn vinh vẻ đẹp của trang phục truyền thống trên sân khấu nước nhà... Kể từ cuốn sách nghiên cứu đầu tiên về trang phục Việt mang tên "Tìm hiểu trang phục Việt Nam" ra đời năm 1987, đến nay họa sĩ Đoàn Thị Tình đã cho ra mắt hàng chục cuốn sách, công trình nghiên cứu liên quan đến mỹ thuật trang phục của Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại, từ đời sống đến sân khấu, được giới chuyên môn đánh giá cao.
- Nghệ sĩ Phan Thanh Liêm, người sáng tạo và thực hành xuất sắc sân khấu Sân khấu múa rối nước thu nhỏ trong và ngoài nước 20 năm qua. Ông là người đã nhận ra sự hạn chế của mô hình sân khấu múa rối nước lớn, cồng kềnh, khó di chuyển, không thích hợp với một đoàn biểu diễn có ít người nên đã mày mò sáng tạo ra mô hình sân khấu múa rối nước thu nhỏ và cho ra mắt vào năm 2000. Từ đó đến nay, với sân khấu múa rối nước thu nhỏ cơ động của mình, Phan Thanh Liêm không chỉ dễ dàng lưu diễn khắp nơi trong nước mà còn liên tục đi tới hơn 20 nước Á Âu, Mỹ, giới thiệu nét độc đáo của văn hóa Việt với bạn bè quốc tế.
- Nghệ sĩ Bình Tinh, nghệ sĩ đã vượt mọi khó khăn, mất mát đau thương do dịch bệnh COVID-19, duy trì sự tồn tại và phát triển của Đoàn Cải lương Tuồng cổ Huỳnh Long TP HCM. Trong những ngày Sài Gòn chống chọi với dịch bệnh, Bình Tinh mất người thân là 5 nghệ sĩ gạo cội của đoàn tuồng cổ Huỳnh Long. Tuy nhiên, Binh Tinh đã nỗ lực từng bước phục sinh đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long, một tên tuổi lớn của sân khấu TP.HCM với thế hệ diễn viên mới, những vở diễn mới đầy sức sống, vừa thỏa mãn thế hệ khán giả trung thành vừa hướng tới lớp khán giả trẻ.
- Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán với bức ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp với nhạc sĩ Văn Cao và các bộ ảnh chân dung văn nghệ sĩ Việt Nam. Ông được giới văn nghệ sĩ ưu ái gọi là "Thống đốc ngân hàng ảnh văn nghệ sĩ Việt Nam" hay "Ông vua ảnh chân dung" các văn nghệ sĩ nổi tiểng. Trong 10 năm qua, với các triển lãm về nhạc sĩ Văn Cao, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, về các nghệ sĩ sân khấu, về nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, Hoàng Cầm… nhiếp ảnh gia này đã mang đến nhiều giá trị lịch sử nhân văn to lớn qua những bức ảnh. Trong đó, bức ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp với nhạc sĩ Văn Cao mùa xuân 1992 thực sự là một tuyệt tác.
- Giáo sư võ sĩ, họa sĩ, nhà điêu khắc Ngô Xuân Bính với hai triển lãm "Ego Người" và "Thông Linh" tại Bảo tàng Hà Nội. Họa sĩ, nhà điêu khắc, Ngô Xuân Bính đã tổ chức hai triển lãm lớn với hàng trăm tác phẩm nghệ thuật được trưng bày tại Bảo tàng Hà Nội trong 7 tháng, thu hút sự chú ý đặc biệt của hàng ngàn khán giả.
- NSND Thúy Mùi - Đạo diễn Chèo xuất sắc với 4 vở Chèo: "Khóc giữa trời xanh", "Những vì sao không tắt" (Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Hà Nam), "Ván cờ oan trái" (Nhà hát Chèo Hưng Yên), "Vang bóng một thời" (Đoàn Chèo Hải Phòng). Những vở chèo do nghệ sĩ Thúy Mùi đạo diễn đều chất lượng, hiện đại, hấp dẫn, mang đậm bản sắc. Các vở chèo này đều được đánh giá cao với 2 huy chương vàng, một huy chương đồng. Một trong những đặc điểm rất đáng quý là trong các vở nữ nghệ sĩ dàn dựng dù là về đề gì và cách tân táo bạo đến mấy cũng rất đậm chất chèo.
Chia sẻ với Dân Việt, NSND Trịnh Thúy Mùi cho biết: "Giải thưởng Đào Tấn là một giải thưởng lớn do Viện Nghiên cứu Bảo tồn và phát huy Văn hóa dân tộc và Tạp chí Văn hiến Việt Nam tổ chức. Tôi cảm thấy rất vinh dự khi được Hội đồng giải thưởng đánh giá cao và trao giải Đạo diễn sân khấu xuất sắc. Đây là một giải thưởng được nhìn nhận dựa vào cả một quá trình lao động nghệ thuật và cống hiến. Bản thân tôi trước nay không hào hứng lắm với các giải thưởng, chỉ mong muốn nhường lại cho lớp trẻ nhưng giải thưởng lần này là một động lực rất lớn và tôi rất trân trọng. Vì những người chấm giải đều là những cây đa cây đề có uy tín và kinh nghiệm trong làng nghệ thuật nước nhà. Bên cạnh niềm vui được nhận giải, tôi cũng thấy mình phải có trách nhiệm nhiều hơn trong việc tạo ra những tác phẩm nghệ thuật chất lượng, đỉnh cao và đào tạo được nhiều nghệ sĩ trẻ để thắp tiếp ngọn lửa nghệ thuật truyền thống".
No comments