Những bộ phim phơi bày nạn bạo lực học đường gây ám ảnh người xem - TIN TỨC GIẢI TRÍ

Breaking News

Những bộ phim phơi bày nạn bạo lực học đường gây ám ảnh người xem

Những ngày vừa qua, vấn nạn bạo lực học đường trở thành chủ đề nóng khi một vị phụ huynh trường quốc tế American Academy ở TP.HCM (ISHCMC-AA) tố con bị bạn đánh. Ngay sau đó, loạt phim đề cập đến vấn nạn này như: Bi thương ngược dòng thành sông; 13 Reasons Why... nhanh chóng được các "mọt phim" tìm kiếm trở lại.

13 Reasons Why xoay quanh anh chàng Clay Jensen (Dylan Minette) và cô bạn Hannah Baker (Katherine Landford) - một nữ sinh đã bất ngờ kết liễu cuộc đời mình và để lại mười ba cuộn băng tương ứng với mười ba lý do cô ra đi. Jensen vốn là một anh chàng nhút nhát, ít nói và sống nội tâm. Cậu theo học một ngôi trường trung học danh giá Liberty High trong thành phố và vô tình phải lòng Hannah Baker.

Những bộ phim phơi bày nạn bạo lực học đường gây sốc - Ảnh 1.

"13 Reasons Why" thẳng thắn phô bày vấn nạn bạo lực học đường. Ảnh: Netflix

Trong khi Clay đang cố gắng để thoát ra khỏi cái kén của mình để bày tỏ tình cảm với Hannah thì đó cũng là lúc cô quyết định rời khỏi thế giới, bỏ Clay cùng những học sinh khác ở lại trong sự hoang mang tột độ.

Ở 13 cuốn băng mà Hannah để lại, cô gái đã khuất lần lượt phô bày cho khán giả những hồi ức đen tối của một nữ sinh đáng thương, khi liên tục bị các bạn học quấy rối tình dục, bắt nạt công khai, miệt thị về thân thể và thậm chí là hãm hiếp. Chính sự thờ ơ và cho qua của nhà trường đã khiến cho những hoàn cảnh như Hannah phải tự kết liễu cuộc sống vì cảm thấy bế tắc và thiếu sự bảo vệ.

Cảnh phim nhân vật chính tự tử trong bồn tắm gây ra tranh cãi không hồi kết, bởi nhiều người cho rằng điều này sẽ gây ảnh hưởng xấu tới giới trẻ. Giám đốc của một số các trường Florida đã báo cáo với phụ huynh rằng, trường học của họ đã thấy sự gia tăng các hành vi tự tử và tự làm hại bản thân từ học sinh từng xem 13 Reasons Why trên Netflix. Tuy nhiên, mặt khác tác phẩm này cũng đem lại nhiều sự quan tâm từ phụ huynh tới vấn nạn trầm cảm và bạo lực học đường. Trên IMDB, phim được chấm 7,5/10.

Phim No Mercy (2019)

Sau 18 tháng ngồi tù do tự vệ chính đáng, Park In Ae trở về nhà với cô em gái thiểu năng Park Eun Hye của mình. Ngày hôm sau, cô bé đi học như ngày thường nhưng mãi vẫn chưa về nhà. Lo lắng cho sự mất tích bí ẩn của em mình, In ae đã tìm đến trường học và từ đây, cô phát hiện ra nhiều bí mật cũng như quyết tâm truy đuổi đến cùng những kẻ thủ ác đã bắt cóc em mình.

Trong hành trình đi trả thù, In Ae vô tình phát hiện ra nhiều bí mật kinh hoàng: em gái mình đã phải chịu vô số lần bạo lực học đường dã man như bị bạn bè ép uống rượu, phục vụ đàn ông một khoảng thời gian dài. Từ đó, In Ae truy tìm mọi dấu vết và trừng trị tất cả những kẻ xấu. Lần truy tìm nào của cô cũng khiến khán giả "rùng mình" nhưng "thỏa mãn" khi kẻ gây ra tội ác phải trả cái giá thật đắt.

Những bộ phim phơi bày nạn bạo lực học đường gây sốc - Ảnh 2.

"No Mercy" đề cập đến hành trình trả thù của người chị có em gái bị bạo lực học đường. Ảnh: JNC

Thời điểm mà No Mercy ra mắt, nạn bạo hành học đường, lạm dụng người thiểu năng và trên hết đó là việc xâm hại những người khuyết tật vẫn đang là thực trạng đáng lo ngại tại Hàn Quốc, khi luật pháp nước này dường như quá nhẹ tay với những hành vi ghê tởm như vậy. Một bình luận trên trang Reddit có viết: "Phim là nỗi căm giận mạnh mẽ cho những thân thể yếu đuối bị xâm hại và bắt nạt, cũng như là nguồn cảm hứng để chúng ta dũng cảm ngăn chặn các hành vi bạo lực học đường".

Phim Em của thời niên thiếu (2019)

Em của thời niên thiếu là lát cắt phản ánh hiện thực trần trụi, vạch trần những góc tối của cuộc sống và cụ thể ở đây là cuộc sống của những đứa trẻ. Thời niên thiếu mang theo niềm tin, một chút mộng tưởng của thiếu niên, mang theo bồng bột ngây dại, mang theo cả những sự bảo vệ âm thầm mà kiên định. Bộ phim của Trung Quốc lấy đi nước mắt, đồng thời cũng đem đến cho khán giả những giá trị quan sâu sắc.

Trần Niệm (Chu Đông Vũ) - cô học sinh mới chuyển đến một trường điểm - bị cuốn vào vụ án bạn học Tiểu Điệp tự sát. Là người từng tiếp xúc với Tiểu Điệp, Trần Niệm biết cô tìm đến cái chết vì bị bắt nạt nhưng không dám làm chứng, khiến vụ án bế tắc. Là người đắp áo khoác lên xác Trần Tiểu Điệp, Trần Niệm trở thành nạn nhân mới của nhóm nữ sinh cá biệt do Ngụy Lai lãnh đạo. Cô vô tình quen chàng thanh niên du côn Tiểu Bắc (Dịch Dương Thiên Tỉ) được anh bảo vệ. Một lần, khi Tiểu Bắc không kịp xuất hiện, Trần Niệm bị nhóm Ngụy Lai hành hạ, lột quần áo rồi tung video lên mạng. Trong một lần xô xát, Trần Niệm vô tình đẩy Ngụy Lai khiến cô ta tử vong.

Những bộ phim phơi bày nạn bạo lực học đường gây sốc - Ảnh 3.

"Em của thời niên thiếu" được đánh giá là bộ phim hay nhất 2019 của Trung Quốc. Ảnh: Henan Film Group

Ra rạp năm 2019, dù bị hoãn chiếu vài lần do kiểm duyệt, phim vẫn làm nên hiện tượng khi đạt doanh thu 1,5 tỷ NDT, vào top 10 phòng vé Trung Quốc 2019. Theo Variety, doanh thu toàn cầu của phim đạt 227,3 triệu USD. Trên các trang đánh giá phim, Em của thời niên thiếu nhận đánh giá tích cực.

Phim đạt 8.3 trên Douban với hơn 1 triệu lượt đánh giá, 7.6 trên IMDb và đạt 100% điểm cà chua trên Rotten Tomatoes. Nhà phê bình James Mudge viết trên Easternkicks: "Một trong những bộ phim Trung Quốc hay nhất trong vài năm qua". Tờ South Morning China Post đánh giá, phim là "để lại ấn tượng khó phai trong lòng khán giả".

Phim Bi thương ngược dòng thành sông (2018)

Trước Em của thời niên thiếu, Bi thương ngược dòng thành sông cũng là bộ phim gây được nhiều tiếng vang lớn. Phim quanh câu chuyện về Dịch Dao, một cô gái mất cha từ sớm và có mẹ làm nghề "massage" và đó cũng là lý do mà cô bạn đáng thương phải chịu nhiều sự khinh miệt. Nhưng đỉnh điểm nhất là khi cô phát hiện ra mình bị bệnh phụ khoa bởi những vị khách của mẹ lấy khăn tắm của cô sử dụng.

Những bộ phim phơi bày nạn bạo lực học đường gây sốc - Ảnh 4.

Bi thương ngược dòng thành sông khiến nhiều khán giả sang chấn tâm lý. Ảnh: TTQT

Trong một lần đi khám, cô bị bạn học bắt gặp và đồn thổi khắp trường. Không thể chịu đựng cuộc sống khắc nghiệt, bạn bè bắt nạt, người bạn thơ ấu cũng không đứng về phía cô, Dịch Dao tự gieo mình xuống dòng sông, kết liễu cuộc đời đầy bi thảm của chính mình

Phim xây dựng một kịch bản khá chân thực và gần gũi với thực tế, khi phơi bày hiện thực tàn khốc của những người trẻ đang vật lộn với vấn nạn bạo hành, bắt nạt trong trường học. Nạn nhân luôn một mình chống đỡ trước những đòn tấn công độc ác của đám đông. Chỉ cần một tin đồn không cần biết đúng sai được lan rộng và bàn tán rồi công kích đầy hả hê, thích thú và vô tâm trêu đùa trước nỗi đau của người khác, cũng tựa như hàng ngàn mũi kim độc chĩa vào trái tim của những tấm thân nhỏ bé.

Thời điểm Bi thương ngược dòng thành sông ra mắt, phim đã thu về 357 triệu NDT, đủ thấy làn sóng hưởng ứng của bộ phim dữ dội ra sao. Trên trang đánh giá phim Douban, phim nhận về số điểm 5,7/10, không phải bởi nội dung phim không hay mà do nhiều khán giả cảm thấy bị sang chấn tinh thần vì bộ phim này quá dễ gây tổn thương, khiến họ bị ám ảnh trong một thời gian dài.

No comments