Đeo bùa ngũ sắc, hái thuốc nam vào 12 giờ trưa trong ngày Tết Đoan Ngọ có ý nghĩa gì? - TIN TỨC GIẢI TRÍ

Breaking News

Đeo bùa ngũ sắc, hái thuốc nam vào 12 giờ trưa trong ngày Tết Đoan Ngọ có ý nghĩa gì?

Vua ban quạt cho hoàng thân, dân đi hái thuốc nam vào 12 giờ trưa trong Tết Đoan ngọ

Theo GS.TS Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, ngày Tết Đoan Ngọ trong các triều đại phong kiến, trong cung đình và dân gian có những nghi thức và phong tục khác nhau.  Trong cung đình, dưới thời Lê, vua và triều đình long trọng tổ chức nghi lễ cúng tế tổ tiên, lễ thường triều và ban yến, ban quạt cho các quan thể hiện quyền uy của bậc thiên tử và mang giá trị nhân văn sâu sắc.

Đeo bùa ngũ sắc, hái thuốc nam vào 12 giờ trưa trong dịp Tết Đoan Ngọ xưa có ý nghĩa gì? - Ảnh 1.

Tái hiện không gian Tết Đoan ngọ trong cung vua ở Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: NĐL.

Các nghi thức tế lễ được tổ chức ở Thái Miếu và điện Chí Kính. Ngày Tết Đoan Ngọ có một nghi lễ đặc biệt là lễ ban quạt. Nhà vua tiến hành ban quạt cho các quan. Lễ ban quạt cho các quan được tổ chức thể hiện quyền uy của bậc thiên tử. Để chuẩn bị cho nghi lễ này, triều đình giao cho bộ Hộ cấp phát tiền công để chuẩn bị quạt ban trong ngày Tết Đoan Ngọ.

GS.TS Nguyễn Quang Ngọc cho biết thêm rằng, để chuẩn bị cho nghi lễ này, triều đình giao cho bộ Hộ cấp phát tiền công để chuẩn bị quạt ban trong ngày Tết Đoan Ngọ. Làng Đào Xá thuộc tổng Ngọc Cục, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương xưa (nay là làng Đào Quạt, xã Bãi Sậy, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên) được giao trọng trách làm quạt ban. Quạt sau khi làm xong được đệ tiến vào Văn miếu, Vũ miếu và vua sai ban cho Hoàng thân, Vương thân, quan văn võ đang tại chức, binh doanh các cơ, đội thuộc Bộ.

Trong thời tiết nóng bức của ngày Tết Đoan Ngọ, nghi thức ban quạt là sự thể hiện sự quan tâm đặc biệt của nhà vua giành cho các quan. Ân điển ban quạt của nhà vua còn ý nghĩa sâu sắc là ban "Phúc lành, sức khỏe, bình an".

Đeo bùa ngũ sắc, hái thuốc nam vào 12 giờ trưa trong dịp Tết Đoan Ngọ xưa có ý nghĩa gì? - Ảnh 2.

Những chiếc quạt to do nghệ nhân chế tác được trưng bày trong không gian Tết Đoan ngọ ở HTTL. Ảnh: HTTL.

Ngoài những nét đặc sắc về nghi lễ cung đình, trong dân gian, ngày Tết Đoan Ngọ cũng có những phong tục hết sức độc đáo như tục "giết sâu bọ", hái lá làm thuốc nam, đeo bùa ngũ sắc....

Ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch là lúc thời tiết giao mùa, các côn trùng sâu bọ phát triển. Theo quan niệm xưa, việc ăn trái cây đầu mùa và đặc biệt là các loại cây chua, chát như mận, vải, dứa… để diệt các "sâu bọ" có trong người. Việc ăn trái cây không chỉ giúp tăng cường đề kháng cho cơ thể mà còn thể hiện mong muốn hoa thơm trái ngọt và cuộc sống sung túc của ông bà xưa.

Tục hái lá làm thuốc theo quan niệm của người xưa truyền rằng, 12 giờ trưa là thời khắc dương khí tốt nhất vì mặt trời sẽ tỏa ra ánh nắng nhiều nhất trong năm, do đó các loại cây lá hái trong thời gian này có tác dụng chữa bệnh rất tốt. Các loại cây thường hái sẽ là các loại cây cỏ có tác dụng chữa bệnh như các bệnh ngoài da hay các bệnh đường ruột. Sau khi hái về, người dân sẽ đun nước tắm hoặc xông hơi để phòng hoặc trị bệnh.

Đeo bùa ngũ sắc, hái thuốc nam vào 12 giờ trưa trong dịp Tết Đoan Ngọ xưa có ý nghĩa gì? - Ảnh 3.

Nhiều hoạt động đặc sắc trong dịp Tết Đoan ngọ được tái hiện lại tại HTTL. Ảnh: NĐL.

Bùa ngũ sắc (còn gọi là dây trường mệnh, bùa tua bùa túi) được khâu từ các mảnh lụa hoặc the vụn thành hình các loại quả có ở địa phương và buộc chỉ ngũ sắc kết tua để xua đuổi côn trùng chống gió còn là vật trang sức, cầu may mắn, bình an. Thế kỷ XX, có một con phố nhỏ của Hà Nội chuyên làm những chiếc bùa ngũ sắc vào dịp Tết Đoan Ngọ - đó là phố Hàng Mụn.

Đây là một phố của dân nghèo, cuộc sống trông vào buôn bán vặt trong chợ và khâu vá, may thuê cho các cửa hàng may. Cũng vì không có vốn nên những người nghèo khó này đã mua vải vụn các màu của thợ may đem về may mũ, yếm dãi cho trẻ em, thứ mũ múi nhiều màu đính mặt kính nhỏ, họ làm những dây bằng chỉ ngũ sắc đeo các thứ "bùa tua bùa túi", khánh bằng thiếc. Sau Cách mạng tháng Tám phố Hàng Mụn đổi thành phố Hàng Bút. Tên phố Hàng Mụn xưa gắn liền với một phong tục độc đáo ngày Tết Đoan Ngọ đã đi vào ký ức của người dân Hà Nội một thời.

Tái hiện nhiều phong tục đặc sắc trong Tết Đoan ngọ xưa

Nhằm tôn vinh truyền thống văn hóa của dân tộc, phát huy giá trị văn hóa cung đình của khu di sản Hoàng Thành Thăng Long, nhân dịp Tết Đoan Ngọ Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức chương trình "Tết Đoan Ngọ xưa và nay" năm 2022, với mong muốn mang đến cho du khách những sản phẩm du lịch đặc sắc, đậm dấu ấn văn hóa truyền thống.

Đeo bùa ngũ sắc, hái thuốc nam vào 12 giờ trưa trong dịp Tết Đoan Ngọ xưa có ý nghĩa gì? - Ảnh 4.

Du khách tham quan không gian "Tết Đoan ngọ xưa và nay" ở HTTL. Ảnh: HTTL.

Chương trình "Tết Đoan Ngọ xưa và nay" năm 2022 bao gồm: hoạt động trưng bày và hoạt động thể nghiệm nghi lễ ban quạt trong hoàng cung xưa kia.

Lần đầu tiên Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội tái hiện không gian nghi lễ ban quạt trong Cung đình ngày Tết Đoan Ngọ và trưng bày bộ sưu tập quạt của nghệ nhân Dương Văn Đoàn; Trưng bày chiếc quạt mang tính chất cung đình có kích thước 2,4m đề bài thơ của vua Lê Hiến Tông viết trên quạt năm 1503; Trưng bày một số quạt dành cho vua, hoàng hậu và quan được phỏng dựng dựa trên các nguồn tư liệu.

Ngoài ra, đến với không gian trưng bày, du khách còn được tìm hiểu những phong tục độc đáo của ngày tết Đoan Ngọ như tục "giết sâu bọ", tục đeo bùa ngũ sắc thông qua những chiếc bùa ngũ sắc được phục hồi dựa theo hiện vật đang được lưu giữ tại Bảo tàng Quai Branly (Cộng hòa Pháp) và không gian đầy màu sắc của một cửa hàng trên phố Hàng Mụn xưa, tục hái thuốc nam đề cao tri thức dân gian dùng thảo mộc chăm sóc sức khỏe con người và trưng bày quạt trong đời sống xưa và nay... thông qua hệ thống trưng bày hiện vật, pano, tranh vẽ diễn giải sẽ mang lại nhiều điều bất ngờ và hấp dẫn.

Du khách còn được nghe Nhà sử học Lê Văn Lan nói chuyện về các nghi lễ Tết Đoan Ngọ trong cung đình xưa, nghệ nhân ẩm thực Nguyễn Ánh Tuyết giới thiệu tục "giết sâu bọ" trong ngày tết Đoan Ngọ, nghệ nhân Dương Văn Đoàn giới thiệu về quy trình làm quạt…

Đeo bùa ngũ sắc, hái thuốc nam vào 12 giờ trưa trong dịp Tết Đoan Ngọ xưa có ý nghĩa gì? - Ảnh 5.

Không chỉ được tham quan mà du khách còn được trải nghiệm làm quạt, làm tranh của làng nghề truyền thống. Ảnh: HTTL

Đặc biệt, trong chương trình khai mạc, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp Hội Di sản văn hóa Thăng Long và Công ty Ỷ Vân tái hiện nghi lễ ban quạt trong cung đình Thăng Long. Đây là nghi lễ độc đáo trong hoàng cung Thăng Long diễn

Nhân dịp này, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã trao tặng cho Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long-Hà Nội 4 cây ngô đồng để trồng tại Hoàng thành Thăng Long. Đây là loại cây quý, gắn với mảnh đất cố đô Huế. Mỗi mùa xuân về hình ảnh ngô đồng trổ hoa tím biếc ven dòng sông Hương hay trong Đại nội Huế đã tạo cảnh sắc thơ mộng tuyệt đẹp cho cố đô.

Theo tư liệu lịch sử, ngô đồng được vua Minh Mạng đưa về trồng ở sau điện Thái Hòa và trước điện Cần Chánh. Nhà vua còn lệnh cho bộ Công cử người lên vùng núi Trường Sơn tìm thêm giống cây quý này để nhân rộng trồng ở Kinh thành Huế. Cách đây vài năm, cây ngô đồng đã được Công ty công viên Cây xanh Thành phố Huế và Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế nhân giống đại trà thành công, đáp ứng nhu cầu trồng loại cây này của người dân thành phố.

Bốn cây ngô đồng là tình cảm, tấm lòng của người Huế dành choThủ đô Hà Nội, càng ý nghĩa hơn khi được trồng ở Hoàng thành Thăng Long. Trồng ngô đồng để đón phượng hoàng bay về, tức là đón niềm vui, hạnh phúc, mong ước nhà nhà an vui, thái bình. Loài cây "vương giả chi hoa" sẽ góp phần tạo cảnh quan đẹp cho khu di sản, tôn vinh những giá trị quý giá của mảnh đất nghìn năm văn hiến.

 

No comments