NSƯT Trần Ly Ly: “Để hoàn tất các khâu cho Khai mạc SEA Games 31, những ngày qua tôi như con thoi đúng nghĩa”
Chỉ còn hơn 24 tiếng đồng hồ nữa là Lễ Khai mạc SEA Games 31 sẽ diễn ra tại SVĐ Quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội). Thời điểm này, ê-kíp thực hiện chương trình đang phải chạy nước rút để hoàn thiện tất cả các khâu trước khi bước vào sự kiện chính. Với tư cách là người "cầm trịch" chương trình, Tổng Đạo diễn Trần Ly Ly cũng gần như "thở không ra hơi" khi phải quán xuyến và sát sao tất cả các khâu.
Mấy ngày nay, Trần Ly Ly bị mất tiếng và mỗi đêm chỉ ngủ được khoảng vài tiếng. Nỗ lực của bản thân Tổng Đạo diễn Trần Ly Ly và ê-kíp thực hiện Lễ Khai mạc SEA Games 31 cho thấy một tinh thần đầy quyết tâm vượt lên mọi thử thách để vươn tới chiến thắng.
Trước giờ G, NSƯT – Tổng Đạo diễn Trần Ly Ly đã dành cho Dân Việt một cuộc trò chuyện.
Chỉ còn hơn 24 giờ nữa là chính thức diễn ra Lễ Khai mạc SEA Games 31 – Đại hội Thể thao Đông Nam Á được mong đợi nhất trong năm. Với tư cách là người "cầm trịch" chương trình Khai mạc và Bế mạc, bà có thể chia sẻ về công tác chuẩn bị hiện đã thực hiện đến đâu?
Tính đến thời điểm hiện tại, mọi công việc cho Lễ Khai mạc SEA Games 31 gần như đã hoàn tất. Ê-kíp đã có buổi sơ duyệt tại SVĐ Mỹ Đình vào tối 9/5 vừa qua. Và tối qua (10/5), ê-kíp đã bước vào tổng duyệt với sự có mặt của đông đủ nhân sự tham gia các khâu và các chuyên gia cố vấn. Sau buổi tổng duyệt, chúng tôi cũng đã ngồi với nhau để căn chỉnh một số tiểu tiết và trao đổi thêm về cơ chế vận hành sao cho trơn tru nhất khi biểu diễn trong Lễ Khai mạc.
Hiện tại, vấn đề còn vướng là phần kỹ thuật. Để âm thanh – ánh sáng – sân khấu thông được với nhau trên một không gian rộng như thế với rất nhiều đại cảnh của Lễ Khai mạc thì cần phải có sự hỗ trợ của hệ thống kỹ thuật phức tạp. Muốn để set-up đâu ra đó hệ thống này phải mất khá nhiều thời gian vì công việc tỉ mỉ, không được phép sai sót. Trong khi bên kỹ thuật lại có quá ít thời gian để chuẩn bị và thi công.
Vì sao ê-kíp lại chọn MC Đức Bảo và Phí Linh làm người dẫn cho chương trình Khai mạc SEA Games 31?
Trước khi lựa chọn MC Đức Bảo và Phí Linh, chúng tôi cũng đã nhắm đến khá nhiều ứng viên. Vì đây là chương trình mang tầm quốc tế nên đòi hỏi rất khắt khe về nhiều thứ, không thể nhắm mắt chọn đại được. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc từng ứng viên một, chúng tôi đã quyết định chọn Đức Bảo và Phí Linh.
Cả hai MC này đều là người dẫn chuyên nghiệp của Đài Truyền hình Việt Nam và nhiều sự kiện lớn mang tầm quốc tế. Về kinh nghiệm dẫn thì không còn gì phải bàn, về khả năng dẫn song ngữ cũng rất tốt. Cả hai có nền tảng kiến thức chắc chắn và có những am hiểu về thể thao. Điều quan trọng hơn cả đó là cả hai đều có giọng chuẩn Hà Nội – vì đây là sự kiện tổ chức ở tại Thủ đô Hà Nội nên điều kiện này là bắt buộc.
Tâm sự với chúng tôi, Đức Bảo và Phí Linh đều bày tỏ sự hân hoan và vui mừng khi có cơ hội được dẫn chương trình một Lễ Khai mạc Đại hội Thể thao Đông Nam Á lớn nhất khu vực. Mặc dù rất áp lực nhưng cả hai đều quyết tâm để hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Một số hình ảnh trong buổi tổng duyệt Lễ Khai mạc SEA Games 31. Clip: Hà Tùng Long
Phần kịch bản lời dẫn dành cho MC chúng tôi cũng đã hoàn tất. Sơ lược là phần kịch bản này dài đến 13 trang A4. Dĩ nhiên là vẫn có nhiều thay đổi vào giờ phút chót nhưng chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào tài dẫn dắt và xử lý tình huống của Đức Bảo và Phí Linh.
Ở thời điểm này, khi nhìn lại mấy tháng ròng rã cùng ê-kíp chạy đua với thời gian, thời tiết để chuẩn bị cho Lễ Khai mạc SEA Games 31, bà có thấy mình mạo hiểm?
Mấy hôm rồi, tôi gần như bị mất tiếng và mỗi đêm chỉ ngủ được khoảng vài tiếng. Mất tiếng không phải vì hò hét quá nhiều mà vì ngày nào cũng phải nói chuyện nhiều và phải chạy như một "con thoi" đúng nghĩa.
Nhớ lại, ngày 15/3, khi Việt Nam quyết định mở cửa sau một thời gian dài tập trung để phòng chống dịch Covid-19 thì lãnh đạo cấp trên mới quyết định làm Lễ Khai mạc. Trong thời khắc đó, Bộ VHTTDL, UBND TP. Hà Nội, Sở VHTT Hà Nội đã mời tôi đến chia sẻ "Chúng ta có nhiệm vụ này". Nhiệm vụ rất gấp rút và rất khó khăn nhưng phải thực hiện bằng được.
Trong tình thế này, tôi không có cách nào khác là "cưỡi lên lưng hổ", còn nếu bình thường tôi đòi hỏi phải có 1 năm chuẩn bị. Từ khâu sáng tạo kịch bản văn học, chuyển thể sang kịch bản sân khấu, xây dựng ê-kíp, triển khai các hạng mục, tuyển chọn diễn viên… đòi hỏi phải mất rất nhiều thời gian.
Dù áp lực rất lớn ngay khi nhận nhiệm vụ nhưng tôi cũng cảm thấy rất tự hào vì được cấp trên tin tưởng giao trọng trách này. Tôi xác định không phải ai cũng có được những may mắn như thế này trong quá trình làm nghề. Nghĩ là thế nhưng đúng là khi bắt tay vào công việc, tôi cũng khá chếnh choáng khi không biết bắt đầu từ đâu và như thế nào.
Việc đầu tiên tôi bắt tay thực hiện đó là gầy dựng một ê-kíp gồm: Ban Cố vấn, Đạo diễn Sân khấu, Đạo diễn Âm nhạc, Đạo diễn Múa… PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái là người am hiểu về nghệ thuật; PGS.TS Nguyễn Đức Cường là người am hiểu về sử học… đã tư vấn rất cặn kẽ và chi tiết từng phần trong kịch bản.
Nhạc sĩ Huy Tuấn là người đã khiến tôi vô cùng yên tâm khi giao cho anh phụ trách thời lượng âm nhạc 120 phút trong suốt chương trình khai mạc. Phải nói thêm rằng, phần âm nhạc trong chương trình Lễ Khai mạc SEA Games 31 là vô cùng đồ sộ. Mỗi một phút thôi đã phải sử dụng nhiều bản nhạc và màu sắc âm nhạc khác nhau. Âm nhạc trong chương trình cũng đòi hỏi phải phù hợp với tinh thần thể thao nhưng không xa rời nội dung các tiết mục trình diễn.
Đạo diễn Hoàng Công Cường cũng là người đã khiến tôi yên tâm về set-up sân khấu, nhất là phần hình ảnh qua hệ thống mapping, âm thanh, ánh sáng. Hoàng Công Cường là người vô cùng tài năng và nhiệt huyết. Anh đã giải bài toán được đưa ra trong một thời gian có thể nói là "không tưởng".
Hai đạo diễn múa Kiều Lê và Hồng Phong cũng rất nỗ lực giúp tôi trong phần dàn dựng các tiết mục múa. Bên cạnh đó còn có 20 đến 30 trợ lý các khâu, ngày nào cũng phải làm việc hết công suất và chạy đua với tiến độ. Rất … rất nhiều nhân sự khác mà tôi không thể kể ra hết.
Phải thú thật rằng, thời gian không cho phép chúng tôi làm những thứ mình khát khao nhưng chúng tôi vẫn cố gắng đạt được những điều tốt nhất trong phạm vi có thể, sức lực có thể, điều kiện có thể. Điều kiện ở đây là cả vấn đề tài chính, con người và sự phối hợp giữa các ê-kíp.
Cảm ơn NSƯT Trần Ly Ly đã chia sẻ.
No comments