Đạo diễn phim Cô gái xấu xí: Sitcom tình cảm éo le, “drama” chốn văn phòng sẽ hút khán giả
Phim sitcom cần tình tiết lôi cuốn, dàn diễn viên nổi tiếng, câu chuyện hấp dẫn. Anh có ý kiến gì về điều này?
- Theo tôi, những loại phim như sitcom, khán giả sẽ không cần người quá nổi tiếng. Người ta cần nội dung phim vì khi diễn viên quá nổi tiếng thì họ xem diễn viên đó diễn ra sao. Còn tôi muốn ngay từ tựa phim khán giả thấy tò mò hay có niềm tin phim sẽ hấp dẫn thì họ xem. Cho nên, tôi chọn người trẻ có năng lực tham gia để chuyển tải tốt nội dung phim. Thay vì dùng kinh phí để trả hết cho người nổi tiếng, tôi dùng kinh phí trang trải đều cho: nội dung, diễn viên, phim trường để mang đến một sản phẩm chất lượng đều cho khán giả.
Sản xuất phim sitcom bây giờ theo ý kiến của anh thì nội dung hài hay đậm chất "drama" sẽ cuốn hút khán giả?
- Tôi nghĩ bộ phim kết hợp cả hai gồm cả đời tư chồng chéo, tình cảm éo le và drama chốn văn phòng thì sẽ thu hút khán giả. Thế nên, chúng tôi quay phim và viết kịch bản song song. Khán giả cũng tham gia vào quy trình xây dựng kịch bản. Họ có thể góp ý thêm tình tiết gây cười hay sáng tạo theo cảm nhận, miễn gần gũi người xem. Từ đó ê-kíp biên tập sẽ lắng nghe và lựa chọn đưa vào kịch bản sản xuất ở phần tiếp.
Việc sử dụng ý kiến khán giả tiền ẩn hai mặt đối lập, đó là khi phim hay được khen thì là đáng mừng. Tuy nhiên, nếu khán giả không thích, góp ý trần trụi gay gắt thì anh chuẩn bị cho tình huống này chưa?
- Trên mạng xã hội luôn có ý kiến qua lại, tôi luôn lắng nghe, học hỏi qua đó tôi sẽ có cách làm phim tốt hơn. Chúng tôi đã quen điều này rồi, không đặt nặng nếu khán giả chê.
Việc đầu tiên để chúng tôi làm phim là vì đam mê, làm bằng cái tâm của mình, trái tim của mình cho khán giả, cho bản thân mình vui vẻ hơn thì cuối cùng sẽ cho ra một phim tử tế. Càng ngày phim sẽ gần gũi hơn và đến gần với khán giả, tôi tin như thế.
Điều này cũng nói lên vấn đề công ty thiếu kịch bản hay thu hút nên cần sự đóng góp của khán giả phải không anh?
- Kịch bản phim của một tác giả hay nhiều lắm là của một ê-kíp chỉ để áp ra câu chuyện cho khán giả. Ở phim sitcom mình có cơ hội làm kịch bản cùng khán giả. Còn kịch bản phim thì đã thiếu lâu rồi. Vì thế từ bao lâu nay chúng tôi xây dựng đội ngũ viết kịch bản từ trong nước, học ở nước ngoài về, người nước ngoài ở Việt Nam hiểu văn hóa Việt. Chúng tôi kết nối họ lại để xây dựng kịch bản.
Kịch bản hay cần hai phần đó là nội dung và kết cấu. Cái yếu của kịch bản Việt không phải là nội dung. Mỗi gia đình ở Việt Nam đều có "drama" có thể viết nên kịch bản. Nhưng chúng ta thiếu sự kết nối để kể sao cho kịch bản hấp dẫn. Tôi tin các câu chuyện, nội dung của kịch bản Việt đủ để viết nên một phim xứng tầm thế giới. Cái thiếu của chúng ta là cách viết, cách xây dựng kịch bản hay, lôi cuốn.
Kỹ thuật viết kịch bản là một tài năng của biên kịch, cho nên xây dựng kịch bản điều quan trọng là tính cách nhân vật. Tính cách nhân vật có cá tính đặc biệt đại diện cho những lớp người khác nhau trong xã hội… từ người làm công, lao động chân tay đến các "sếp" đều có liên hệ với nhau và có đặc trưng rất rõ nét. Sau 25 năm đi làm tôi đã trải qua nhiều xúc cảm của vai trò xét thử việc, nhận việc và sa thải nên tôi hiểu nỗi lòng của nhân viên với "sếp" và từ đó có thể cân bằng trong nội dung phim. Suy cho cùng tất cả đang đi chung con thuyền xây dựng kinh tế.
Anh chuẩn bị kinh phí sản xuất một phim sitcom ra sao để tránh vấn đề quảng cáo nhiều trong phim hiện nay khiến khán giả cảm thấy gượng gạo?
- Trong quá trình viết, tôi đã định điều tiết kinh phí để sản xuất phim. Còn nhãn hàng quảng cáo tìm đến tôi sẽ có sự sắp xếp sao cho hợp lý hơn. Thậm chí, tôi có thể thỏa thuận là nếu phim thành công hơn chúng tôi có thể viết cho các đối tác một kịch bản quảng cáo riêng mà không cần lồng ghép vào chuyện phim. Cách làm đó không ảnh hưởng nội dung mà vẫn có thu nhập. Đây cũng là điều mà tôi mong muốn!
Cảm ơn anh về những chia sẻ!
No comments