Tiến sĩ âm nhạc Lê Y Linh: "Tôi luôn thấy hình bóng nhạc sỹ Hoàng Vân bên cạnh"
Nhân kỷ niệm bốn năm ngày mất của nhạc sĩ Hoàng Vân, gia đình nhạc sĩ mới cho ra mắt hai cuốn sách về cuộc đời và âm nhạc của ông. Cuốn thứ nhất mang tên "Nhạc và Đời" (Viện Âm nhạc) bao gồm mười lăm bài lý luận phân tích về các ca khúc và tác phẩm khí nhạc tiêu biểu do các nhà lý luận âm nhạc, nhạc sĩ, nhạc trưởng nổi tiếng viết và gần một chục các bài nổi bật của nhiều nhà báo, nhà văn, nhạc sĩ… viết về con người, cuộc đời của ông được tổng hợp từ nhiều năm. Phần phụ lục bao gồm danh sách tổng tập tác phẩm của ông hiện đã tìm được cũng như thư mục báo chí, sách, luận văn xung quanh cuộc đời và sự nghiệp của ông.
Cuốn thứ hai "Cho muôn đời sau" (Nhà xuất bản Kim Đồng) là một cuốn hồi ký - tiểu sử về cha mình thông qua các tác phẩm để đời của ông do con gái cả của nhạc sĩ Hoàng Vân – Tiến sĩ âm nhạc Lê Y Linh chắp bút.
PV Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với tác giả Lê Y Linh về cuốn sách này, cũng như những tình cảm chị dành cho cha.
Tôi lần giở từng kỷ vật cha để lại
Nguồn cảm hứng nào khiến chị quyết định viết cuốn sách "Nhạc sĩ Hoàng Vân - Cho muôn đời sau" ?
- Cha tôi tạm biệt trần thế trong giấc ngủ ngày 4/8/2018 (19 tháng chạp âm lịch, vài ngày trước ông Táo). Khi ông mất đi, phải rất lâu sau tôi mới có đủ can đảm mở lại những ngăn kéo ở dưới giường ông nằm, nơi chứa những di vật của ông những năm cuối đời.
Mấy chiếc ngăn kéo rất lớn, nên mất cả ngày mới sắp xếp được lại gọn gàng.
Tôi lần giở từng kỷ vật cha để lại. Ba bốn cuốn tiểu thuyết cổ điển tiếng Pháp và tiếng Anh trong đó có Je suis compositeur (Tôi là một nhà soạn nhạc) của Arthur Honneger mà tôi tặng ông vài tháng trước khi mất và ông đang chép lại những chương, những đoạn đắc ý.
Ba cuốn từ điển Hán − Việt, Anh − Việt, Pháp − Việt. Cuốn Thú chơi cổ ngoạn của Vương Hồng Sển. Một số bài báo viết về ông được các nhà báo gửi biếu, một cuốn tạp chí Âm Nhạc nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Hội Nhạc sĩ. Một chiếc hộp nhạc mà lúc lên dây cót, mở ra có tiếng nhạc thánh thót phát ra ông mua cho tôi khi vào Sài Gòn cuối những năm 1970, trong hộp có hàng tập ảnh đen trắng bé tí tẹo của tôi ngày còn thơ bé.
Tôi lên dây cót và nghe lại bài Người tình Lara sau hơn bốn mươi năm, bài hát chủ đề của bộ phim Bác sĩ Zhivago, ông mua cho tôi bản dịch cuốn này cùng bao cuốn khác hồi còn niên thiếu. Số tạp chí Âm Nhạc có bài báo khi tôi bảo vệ luận án và một tập ảnh tôi ông đưa đi phóng ra từ chiếc ảnh nhỏ in trong bài báo.
Những bài báo viết về buổi hòa nhạc tháng 6 năm 2005, khi Lê Phi Phi, em tôi, chỉ huy các tác phẩm khí nhạc của ông trong đó có Điện Biên Phủ. Rất nhiều bút và giấy nhưng không còn giấy nhạc nữa. Một cái triện và hộp mực cùng mấy cuộn giấy cổ dành cho việc viết thư pháp. Một tập nhạc thiếu nhi và thiếu niên khoảng 30 bài để riêng, 2 bài thơ.
Không có nhật ký, không có chuyện kể, chỉ có những bài báo, những bản thảo nhạc, những cuốn sổ tay sáng tác mà tôi dần dần tìm thấy ở các tủ trong căn nhà cổ mang màu thời gian từ hơn thế kỷ này. Ông không viết gì khác ngoài sáng tác nhạc, thơ và thư pháp.
Ngay cả khi gần mất, ông không còn sáng tác nữa, ông cũng không bao giờ có dự định viết hồi ký. Khi ông còn sống, sau khi thu thập các tác phẩm của ông, mỗi lần định hỏi ông, định biên tập, định in, định công bố… thì ông đều từ chối. Chúng tôi chỉ thật sự có thể bắt tay được vào công tác lưu trữ sau khi ông mất.
Cuối năm 2020, tôi tạm coi là qua được một bước đầu tiên trong việc tìm kiếm, sưu tầm và phân loại các tác phẩm của nhạc sĩ và có ý định cho nó một hình hài nào đó, nhưng ý tưởng viết một cuốn sách về cha chưa thật sự hình thành.
Một ngày cuối tháng 11/2020, trên đường về thăm mẹ giữa đại dịch, tôi đang cách ly y tế tại một khách sạn ở TP Hồ Chí Minh. Sáng đó tôi nói chuyện với cô bạn cùng phòng là nằm mơ thấy bố về nói chuyện rất vui. Đến trưa, sau một vài trao đổi, ý tưởng của cuốn sách dần hình thành và nhờ duyên ấy với NXB Kim Đồng, tôi đã có cơ hội để viết mặc dù lúc bắt tay vào viết tôi chưa hề có ý tưởng gì về bố cục và đường dẫn.
Chị xếp cuốn sách này vào thể loại nào?
- Bản thảo đầu tiên tôi đã thử viết như một người chấp bút viết lại hồi ký của ông, nhưng khi viết xong tôi không thấy bằng lòng. Đưa cho một hai người bạn quý đọc qua, họ cũng thấy cấu trúc có nhiều trúc trắc. Bởi vì đúng là phần đời tư "thật sự" chưa được đề cập nhiều, nếu viết về ông như ở ngôi thứ nhất e không thể hợp, tôi cũng không tin tưởng là mình có thể hiểu ông đến thế.
Chính vì vậy tôi đổi lại hoàn toàn bố cục, nội dung và đường dẫn chủ đạo của cuốn sách theo như bản in này. Thú thật tôi cũng không nghĩ rằng độc giả chờ đợi được biết nhiều chi tiết hơn về đời tư của ông và đây có lẽ là một khiếm khuyết của cuốn sách, vì việc viết và kể chuyện cùng với đời tư không phải là một việc dễ dàng đối với khả năng của tôi.
Chúng ta có thể coi cuốn sách này như một công trình khảo cứu điểm lại những tác phẩm chủ chốt của nhạc sĩ Hoàng Vân được đặt vào hoàn cảnh lịch sử ra đời của chúng, với kỳ vọng là sẽ diễn tả được một phần nào sự hiện diện và vai trò của âm nhạc nói chung trong giai đoạn lịch sử liên quan.
Qua những hồi ức được nghe bố, mẹ, và em tôi kể lại, qua việc đọc hàng trăm bài báo viết về tác phẩm và sự nghiệp của ông, tôi cố gắng dựng lại một phần môi trường gia đình và giáo dục, lịch sử và hoàn cảnh đã cho phép ông sáng tác những tác phẩm đã được ghi nhận. Sự ghi nhận ấy chủ yếu sẽ được trích dẫn qua lăng kính của các nhà phê bình, các nhà nghiên cứu, nhà báo, đồng môn, đồng nghiệp của nhạc sĩ.
Nhạc sĩ Hoàng Vân như chị chia sẻ không viết hồi ký, nhật ký, chị đã bằng cách nào để có được những thông tin về sáng tác, về cuộc đời của ông?
- Vào năm 1994, tôi đề nghị ông chép lại một số bài được ưa chuộng nhất để phục vụ cho mấy buổi hòa nhạc tại Paris (10 ca khúc). Cũng năm đó, ông có liệt kê cho tôi một danh sách gồm khoảng 20 bài với tựa đề "Những tình khúc Hoàng Vân 1991-1994", nhưng rồi tôi đã không làm được gì hơn.
Tới năm 2000, tư tưởng học đường thôi thúc, tôi đã lên kế hoạch sưu tầm tác phẩm của ông và đã nhờ các bạn tới Đài Tiếng nói Việt Nam tìm lại tất cả các bản ghi âm tác phẩm của ông (hơn 100 bản thu). Nhưng sau đó trong vòng hơn mười năm, vì quá bận rộn cho việc hoàn thành luận án cũng như công cuộc mưu sinh ở nước ngoài nên tôi cũng chỉ giữ ở đó. Đến năm 2015, ngày ông ốm nặng, tôi tập hợp được một thùng tổng phổ, đưa đi scan (khoảng 150 ca khúc, trong đó có khoảng một nửa chưa công bố).
Tôi đã xa nhà gần ba mươi năm nên việc đầu tiên là phải tới gặp rất nhiều người đã làm việc, đã sống, đã có dịp gặp gỡ nhạc sĩ để xác định các nguồn tư liệu, lượm lặt thông tin, và tôi vô cùng cảm ơn những người bạn, đồng nghiệp, người hâm mộ của ông suốt bao năm qua đã giúp tôi những công đoạn quan trọng.
Cũng rất may mắn nữa là nhờ các phương tiện thông tin hiện đại, tôi đã có được thêm những đầu mối khác để tiếp tục tìm kiếm tư liệu. Sau đó là việc, đọc báo, đọc sách, đọc tư liệu, khảo chứng… để phân tích và tổng kết các nguồn, đối chiếu thông tin, xác minh chéo, phân loại, sắp xếp bản viết, bản in, bản thu, truy tìm những tài liệu, những nhạc phổ, những bản thu còn thiếu.
Em tôi, nhạc trưởng Lê Phi Phi, chuyên trách việc khôi phục và thậm chí phải nghe lại các bản thu để ghi âm lại thành nhạc phổ, hiệu đính, chỉnh sửa để bổ sung hoàn thiện kho tư liệu.
Sau ba năm, hiện chúng tôi đã thống kê được 700 tác phẩm dưới nhiều hình thức: hàng trăm video về nhạc sĩ và về tác phẩm, 170 bản thu, hơn 500 bản nhạc viết tay, hơn 200 bản nhạc đã được in, hơn 10 phim truyện, hơn 200 bài báo và sách viết về ông…
Chúng tôi nghĩ rằng số tư liệu này có lẽ đã tập hợp được khoảng 70-80% số lượng tác phẩm của ông để lại. Hiện các tư liệu này đang dần dần được đưa trên trang web, bảo tàng số của ông, để bảo quản và vẫn tiếp tục được bổ sung đều đặn.
Cha tôi luôn đáp ứng những yêu cầu nhỏ nhặt của con gái
Xa nhà đã 30 năm để đi du học, ký ức nào về cha trong những năm tháng còn ở bên ông khiến khi nghĩ lại, chị thấy hạnh phúc và trân trọng nhất?
- Đó có lẽ là việc ông luôn có câu trả lời cho những câu hỏi của tôi, mặc dù tôi thuộc loại rất tò mò, điều gì tôi cũng hỏi. Ông như cuốn từ điển bách khoa đầu tiên tôi có trong cuộc đời.
Điều thứ hai là ông luôn đáp ứng các yêu cầu của con gái, từ những gì nhỏ nhặt. Ví dụ, ông đi công tác về được tặng chiếc bút rất đẹp, khi tôi hỏi xin ông lập tức lấy cho luôn. Thời gian công tác tại miền Nam, chỉ vì tôi muốn ăn chè Sài Gòn, ông đã từng mua mấy cốc, mang lên máy bay để về đưa cho con ăn thử.
Cuối cùng, có lẽ là việc ông mua cho tôi rất nhiều cuốn sách. Ngày bé, tôi là đứa mọt sách. Cha rất khuyến khích điều này và khi có sách mới lại tìm mua cho tôi. Đến bây giờ, trong tủ, tôi vẫn giữ rất nhiều đầu sách mà cha tặng.
Trong những lời cha dặn, tôi nhớ và áp dụng những câu sau đây mỗi ngày: "Ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay", "Việc hôm nay chớ để ngày mai", "Khi có hai con đường, nên luôn luôn chọn con đường khó hơn", "Tái ông mất ngựa", "Vouloir c'est pouvoir" (nếu quyết tâm thì sẽ làm được), "Tout excès est mauvais" (cái gì quá cũng không tốt), "Khiêm tốn là một trong những ưu điểm lớn nhất ", "Tầm sư học đạo", "Không thầy đố mày làm nên".
Người ta thường nói con gái với cha có một sợi dây gắn kết đặc biệt. Chị có bao giờ cảm nhận được sự gắn kết này?
- Với tôi, ông lúc nào cũng hiện diện trong cuộc đời. Trong đó, có một ký ức mà tôi nhớ mãi, đó là đúng lúc ông lìa xa cõi đời, tôi đang sắp xếp vali để về Việt Nam thì bất chợt nói với chồng: "Em lo quá, nhà có hai ông bà, nếu bây giờ ông đi, bà chắc sẽ buồn lắm". Đúng một tiếng sau thì Lê Phi Phi (nhạc trưởng Lê Phi Phi, con trai nhạc sĩ Hoàng Vân – pv) gọi cho tôi, em nói rằng cha đã qua đời.
Tại Pháp, tôi có nhiều công việc, đôi khi cũng tồn tại khó khăn, vướng mắc. Từ lúc ông qua đời, mỗi lần như vậy, tôi lại nhắm mắt và lẩm nhẩm: "Bố ơi, bố giúp con với". Vậy là dường như mọi thứ tự nhiên lại thuận lợi, may mắn hơn… Tôi nghĩ có lẽ giữa tôi và cha, luôn tồn tại một sự giao cảm đặc biệt nào đó.
Nghĩ đến cha, có điều gí khiến chị thấy tiếc nuối?
- Cũng có những tiếc nuối, tiếc nuối là ông đã không được nhìn thấy danh sách và biết (vì lúc sinh thời ông không bao giờ tìm hiểu và cần biết) mình đã sáng tác hơn 700 tác phẩm. Tiếc là ông đã không được nghe bản thu của những tác phẩm viết cuối đời.
Tiếc là ông đã không còn thời gian hoàn thành được một dự án về một bản giao hưởng lớn về loài người, về thời lập quốc như ông có mong khi đã ngoại tuổi tám mươi. Tiếc là nền giao hưởng và âm nhạc hàn lâm nước nhà với bao công sức và thành tựu của các đồng môn thế hệ ông và thế hệ sau đó hiện đã không bắt kịp nhịp phát triển của nước nhà trong những năm trở lại đây.
Cảm ơn những chia sẻ của chị!
Nhạc sĩ Hoàng Vân (tên khai sinh là Lê Văn Ngọ) sinh năm 1930 ở Hà Nội. Ông sáng tác từ năm 1951 và sớm nổi tiếng với các ca khúc được phổ biến rộng rãi tại vùng Tây Bắc, Việt Bắc như Chiến thắng Hòa Bình, Tin chiến thắng, Chiến thắng Tây Bắc... Năm 1954, ông sáng tác bài hát nổi tiếng Hò kéo pháo. Từ đây sự nghiệp sáng tác của ông bắt đầu nở rộ với nhiều ca khúc, hợp xướng, hòa tấu. Ngoài ra ông còn viết nhạc cho phim, kịch nói, chèo, cải lương. Ông được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật vào năm 2000.
No comments