Giải mã bí ẩn cung điện thời Lê sơ nằm sâu dưới lòng Hoàng thành Thăng Long - TIN TỨC GIẢI TRÍ

Breaking News

Giải mã bí ẩn cung điện thời Lê sơ nằm sâu dưới lòng Hoàng thành Thăng Long

Nhận diện bộ mái cung điện thời Lê sơ qua các loại ngói

Dưới thời Lê sơ, Đại Việt là một quốc gia hùng mạnh ở khu vực Đông Nam Á. Các vua nhà Lê sơ đã tiến hành kiến thiết Kinh đô Thăng Long dựa trên cơ sở thành Thăng Long thời Lý, Trần nhưng xây dựng kiên cố, thành cao hào sâu và có sự ngăn cách nghiêm ngặt giữa các vòng thành. Trong Cấm thành, quần thể cung điện mới được xây dựng gồm có Kính Thiện, Vạn Thọ, Cần Chính, Tả hữu điện. Điện Kính thiên nằm chính giữa Cấm thành, là điện thiết triều, được xây dựng trên vị trí của điện Thiên An thời Trần.

Giải mã bí ẩn cung điện thời Lê sơ nằm sâu dưới lòng Hoàng thành Thăng Long - Ảnh 1.

PGS.TS Bùi Minh Trí tình bày tại toạ đàm “Nhận diện hình thái kiến trúc cung điện Việt Nam thời Lê sơ”. Ảnh: HTL.

Tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long, bên cạnh những dấu tích kiến trúc còn tìm thấy khối lượng lớn các loại hình di vật - vật liệu kiến trúc được trang trí cầu kỳ với các đồ án mang tính vương quyền và thần quyền như rồng, phượng, phản ánh trình độ công nghệ và những sắc thái rất riêng biệt của kiến trúc cung điện Việt Nam thời Lê sơ. Mặc dù vậy, hình thái kiến trúc cung điện thời Lê sơ chưa đủ cơ sở khoa học để nhận diện như kiến trúc thời Lý, Trần.

Để tiếp tục trao đổi, nghiên cứu sâu hơn về hình thái kiến trúc cung điện Việt Nam trong Hoàng cung Thăng Long, Viện Nghiên cứu Kinh thành tổ chức tọa đàm khoa học quốc tế "Nhận diện hình thái kiến trúc cung điện thời Lê sơ".

Theo PGS.TS Bùi Minh Trí – Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh thành cho biết, nghiên cứu phục dựng lại tòa điện Kính Thiên thời Lê sơ ở Hoàng thành Thăng Long là ước mơ, khát vọng, tâm huyết của các nhà khoa học và các nhà quản lý. 

Các cuộc khai quật ở khu vực "trục trung tâm" và khu vực "điện Kính Thiên" trong nhiều năm qua đã có nhiều phát hiện mới, cung cấp thêm nhiều tư liệu khoa học quan trọng cho những hiểu biết về diện mạo, quy mô của các công trình kiến trúc và quy hoạch không gian kiến trúc trong Hoàng cung Thăng Long, đặc biệt là về kiến trúc thời Lê sơ và thời Lê Trung hưng.

Phát hiện quan trọng nhất về kiến trúc thời Lê sơ đó là dấu tích nền móng của kiến trúc hành lang, các loại cấu kiện gỗ sơn son thếp vàng và số lượng lớn các loại ngói lợp mái cung điện có men màu vàng và men màu xanh lục.

Giải mã bí ẩn cung điện thời Lê sơ nằm sâu dưới lòng Hoàng thành Thăng Long - Ảnh 2.

Các hiện vật thời Lê sơ được tìm thấy trong khai quật khảo cổ ở Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: HTL.

"Thời kỳ này đã có những thay đổi rất cơ bản về quy hoạch không gian, về quy mô và kết cấu kiến trúc, đặc biệt là sự xuất hiện nhiều loại ngói men (ngói lưu ly) bên cạnh ngói đất nung mang phong cách đặc trưng, khác biệt hoàn toàn so với ngói thời Lý, Trần trước đó.

Ngói thời kỳ này phổ biến là ngói ống và ngói cong, trong đó ngói diềm mái là ngói câu đầu và ngói trích thủy giống như loại ngói lợp trên mái các cung điện cổ ở Trung Quốc hay Hàn Quốc. Từ phát hiện này cho thấy, bộ mái kiến trúc cung điện trong Hoàng cung Thăng Long thời Lê sơ vốn rất phong phú, đa dạng và có nhiều sắc màu nhất bởi sự đan xen tương phản từ các loại ngói men vàng, men xanh và ngói đất nung màu đỏ hay màu xám đen", PGS.TS Bùi Minh Trí cho biết.

Theo PGS.TS Bùi Minh Trí, trong các loại ngói kể trên, đặc sắc và khác biệt nhất là loại "ngói rồng" men vàng và xanh lục được tạo khối theo từng bộ phận của con rồng (đầu, thân, đuôi), khi ghép lại theo chiều dọc của mái nó sẽ tạo thành hình một con rồng hoàn chỉnh. 

Đây là loại ngói độc đáo nhất trong tất cả các loại ngói lợp mái cung điện cổ ở châu Á thời bấy giờ, đưa lại một sắc thái rất riêng biệt cho kiến trúc cung điện Việt Nam thời Lê sơ. Đáng lưu ý là loại ngói rồng đều xuất hiện ở cả hai loại men vàng và men xanh lục, trên đầu ngói thường trang trí in nổi hình rồng cuộn có phong cách như hình rồng trên đồ gốm ngự dụng. 

Qua nghiên cứu, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng, loại ngói rồng men vàng là loại ngói cao cấp nhất. Loại ngói này được sử dụng để lợp trên mái tòa chính điện trong Cấm thành, tức điện Kính Thiên, giống như trường hợp điện Thái Hòa (Cố Cung Bắc Kinh) hay điện Thái Hòa (Đại Nội Huế).

Kết quả nghiên cứu này cũng đồng nghĩa lý giải rằng, loại ngói men xanh lục và ngói đất nung màu xám hay màu đỏ trong hoàng cung Thăng Long thời Lê sơ chắc chắn có phẩm cấp thấp hơn ngói men vàng và nó được sử dụng ở nhiều công trình có những chức năng khác nhau và ở những không gian khác nhau.

"Bên cạnh nghiên cứu về các loại ngói lợp thân mái và diềm mái, chúng tôi đã đầu tư nghiên cứu so sánh về các loại ngói lợp trên bờ nóc, bờ dải của công trình. Từ đó, chúng tôi đã từng bước giải mã chức năng của từng loại ngói và thiết lập thuật ngữ/tên gọi cho từng loại ngói.

Trong đó, thành tựu nghiên cứu quan trọng nhất là đã xác định được chức năng của các loại linh thú, các loại ngói hộp và ngói thanh lợp trên bờ nóc, bờ dải của các công trình, bao gồm kiến trúc cung điện và kiến trúc cổng ra vào công trình", PGS Bùi Minh Trí nói thêm.

Cung điện thời Lê sơ độc đáo tới mức nào?

Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh thành cũng cho rằng, đối với thời Lê sơ, chúng ta có những cơ may hơn rất nhiều thời Lý, Trần. Trên đồ gốm thời Lê sơ có những hình vẽ về kiến trúc đấu củng được mô tả khá sinh động với nhiều tầng mái. Các cuộc đào xung quanh khu vực điện Kính Thiên cũng đã tìm thấy khá nhiều cấu kiện gỗ, bao gồm cột, xà, ván sàn và đặc biệt trong số đó có một số cấu kiện nằm trong kết cấu của hệ đấu củng, ví dụ như "bình áng".

Giải mã bí ẩn cung điện thời Lê sơ nằm sâu dưới lòng Hoàng thành Thăng Long - Ảnh 4.

Mô hình kiến trúc tráng men xanh - vàng thời Lê sơ được tìm thấy ở Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: HTL.

Tư liệu này minh chứng rõ rằng, kiến trúc thời Lê sơ cũng thuộc loại kiến trúc đấu củng. Đặc biệt, cuộc khai quật phía Đông điện Kính Thiên năm 2021 tìm thấy một mô hình kiến trúc men xanh lục rất đặc sắc. Trên mô hình này mô tả khá hiện thực bộ mái của công trình được lợp bằng loại ngói ống, có diềm là ngói câu đầu trích thủy và bộ khung của công trình là hệ đấu củng.

Đây là hệ đấu củng thuộc loại "liên đấu củng", tức là hệ đấu củng được thể hiện theo phương nằm ngang với mật độ cao và đấu củng không chỉ được bố trí ở trên đầu các cột mà còn được bố trí ở vị trí giữa các cột hay giữa các gian. Đồng thời, đây là loại "củng xuyên", là loại củng được kết hợp với đấu củng ngang đặt trên đầu cột chuyển góc để vừa hỗ trợ cho mái vươn rộng ra vừa hỗ trợ cho cột góc chịu lực.

Các tổ hợp đấu củng đặt ở nhiều vị trí trong bộ khung nhà và vươn ra bốn phía. Tại vị trí các góc mái, các tay củng được triển khai một cách bài bản về cả 3 hướng: góc hiên, mặt ngang và mặt đầu hồi của kiến trúc. Thuật ngữ chuyên môn gọi đây là "xuất tam đấu củng", tức là hình thức ba đấu củng theo phương ngang. Với hình thức này thì củng thường được cấu trúc với nhiều nhất là hai tầng củng nhô ra phía trước.

Giải mã bí ẩn cung điện thời Lê sơ nằm sâu dưới lòng Hoàng thành Thăng Long - Ảnh 5.

Phát lộ dấu tích cung điện thời Lê sơ trong đợt khai quật khảo cổ năm 2018. Ảnh: HTL.

Từ nghiên cứu này có thể thấy, kiến trúc đấu củng thời Lê sơ có cấu trúc tương đồng với mô hình đấu củng thời Lý, Trần, nhưng lại có điểm khác biệt khá quan trọng, đó là sự xuất hiện "bình áng" (bình áng thượng và bình áng hạ). Sự xuất hiện "bình áng" trong hệ đấu củng của thời Lê sơ phản ánh nét tương đồng với tạo tác kiến Trung Quốc thời Nguyên – Minh và hình ảnh này chúng ta cũng có thể nhìn thấy qua đấu củng trong kiến trúc Hậu cung chùa Bối Kê (Thanh Oai, Hà Nội).

Nhưng vấn đề xác định "đơn áng" hay "trùng áng" trong kiến trúc đấu củng thời Lê sơ sẽ là bước nghiên cứu mở rộng về sau. Cho dù có những nét tương đồng, nhưng chúng ta vẫn có thể nhìn thấy trên mô hình này cho thấy sự khác biệt khá thú vị giữa đấu củng Việt Nam và Trung Quốc, đó là sự tạo tác đầu rồng nhô ra trên tầng đấu củng (đầu ma diệp). Đây được xem là nét đặc trưng riêng biệt trong đấu củng của kiến trúc cung điện Việt Nam thời Lê sơ.

"Như vậy tư liệu hiện nay cho thấy, kiến trúc trong hoàng cung Thăng Long từ thời Lý, Trần đến thời Lê sơ đều phổ biến là kiến trúc đấu củng. Đây là phát hiện rất quan trọng, được xem là chìa khóa để giải mã về hình thái kiến trúc.

Mặt khác, bằng chứng của khảo cổ học cho thấy rằng, kiến trúc đấu củng thời Lê đều được sơn son màu đỏ và vẽ hoa văn bằng màu vàng thật. Điều này phản ánh rằng, kiến trúc cung điện thời Lê sơ vốn từng được thiết kế công phu, trang trí cầu kỳ và tráng lệ với nhiều màu sắc lộng lẫy, sang trọng, mang vẻ đẹp tương đồng với các cung điện nổi tiếng nhất ở châu Á thời bấy giờ", PGS.TS Bùi Minh trí nhận định.

No comments