Ra mắt bộ sách mới về Bác Hồ nhân kỷ niệm 79 năm ngày Quốc khánh 2/9 - TIN TỨC GIẢI TRÍ

Breaking News

Ra mắt bộ sách mới về Bác Hồ nhân kỷ niệm 79 năm ngày Quốc khánh 2/9

Bộ sách Rèn nhân cách – Luyện tài năng bao gồm những câu chuyện về Bác được các tác giả là giảng viên thế hệ 8X Tạ Văn Sang, Bùi Văn Như, Phạm Văn Hòa sưu tầm và kể lại một cách ngắn gọn, súc tích.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng về đạo đức, tác phong và phẩm chất cách mạng để các thế hệ thời đại mới học tập và noi theo. Sinh thời, bằng hành động, việc làm cụ thể, Bác đã luôn gợi mở cho chúng ta rất nhiều bài học thực tế về lòng yêu nước, thương nòi, tinh thần đoàn kết, nếp sống kỷ luật, giản dị, liêm khiết, suốt đời phấn đấu hi sinh vì sự nghiệp cách mạng, vì hạnh phúc của nhân dân.

Ra mắt bộ sách mới về Bác Hồ nhân kỷ niệm 79 năm ngày Quốc khánh 2/9 - Ảnh 1.

Bộ sách "Rèn nhân cách – Luyện tài năng" của NXB Kim Đồng. (Ảnh: NSX)

Giản dị, trước hết là lối sống đơn giản, không phô trương, không coi nặng tiền bạc. Giản dị từ cách diễn đạt, sinh hoạt, trang phục, nơi ăn chốn ở nhưng lại trọng nghĩa, trọng tình, tinh tế và sâu sắc trong đối nhân xử thế, được đồng bào, đồng chí và bạn bè quốc tế kính trọng.

Tiết kiệm là sử dụng chừng mực, đúng mức, không phí phạm tiền bạc, của cải, sức lực, thời gian. Tiết kiệm cũng được hiểu là sự dành dụm, tích lũy do biết quản lí, chi phí tiêu dùng đúng mức. Với Bác, tiết kiệm không chỉ là câu chuyện chiếc phong bì, tờ bản tin, bữa cơm… ở phòng làm việc, cơ quan, công xưởng mà còn rộng lớn hơn, tiết kiệm là đức tính hữu ích cho xã hội. Bác đưa ra những quan điểm về tiết kiệm một cách gần gũi, dễ hiểu và giúp mọi người ai cũng có thể thực hành tiết kiệm được.

Khiêm tốn là có ý thức và thái độ đúng mực trong việc đánh giá bản thân, không tự mãn, tự kiêu, không tự cho mình hơn người. Trong cuộc sống, khiêm tốn thể hiện từ lời ăn, tiếng nói, cách ứng xử, truy cầu học hỏi, không ngừng hoàn thiện bản thân. Để rèn luyện đức tính khiêm tốn đúng mức, chúng ta cần hạn chế khoe khoang hay phô trương, không coi mình là "bậc thượng đẳng" quan trọng hơn nhiều so với người khác, biết tiếp thu ý kiến và trân trọng những gì người khác mang lại cho mình. Đọc những chuyện kể về Bác, chúng ta nhận thấy trong bất kể hoàn cảnh nào, Bác Hồ cũng luôn là người mực thước, khiêm cung.

Yêu nước, tình yêu đất nước hay lòng ái quốc, là cảm xúc, tình cảm, tinh thần yêu thương tích cực dành cho quê hương, đất nước, cội nguồn của một cá nhân hay một cộng đồng. Tình yêu đất nước, quê hương thể hiện ở niềm tự hào về những thành tựu của văn hóa, lịch sử, truyền thống… cũng như mong muốn được bảo vệ, giữ gìn, cống hiến hết mình cho nhân dân, cho Tổ quốc. Đọc những chuyện kể về Bác, chúng ta thấy một cuộc đời tận trung với nước, tận hiếu với dân và tận hiến đời mình cho dân tộc Việt Nam.

Đoàn kết là kết thành một khối thống nhất, cùng hoạt động vì một mục đích chung. Tinh thần đoàn kết rất quan trọng, cần nhất quán, gắn bó, thống nhất một lòng, có thế sức mạnh và trí tuệ mới nhân lên, vượt qua được những thử thách của cuộc sống. Để rèn luyện đức tính đoàn kết, chúng ta nên rèn luyện, xây dựng tinh thần đồng đội, tăng cường kĩ năng hợp tác, giao tiếp, giải quyết vấn đề, gây dựng niềm tin, biết đồng thuận cũng như tôn trọng sự khác biệt. Trong suốt cuộc đời mình, Người cũng luôn tận tâm, tận lực quan tâm, nuôi dưỡng, gây dựng, gắn bó, đoàn kết mọi người, mọi nhà, mọi vùng miền, mọi tầng lớp nhân dân trong nước cũng như nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới.

Những câu chuyện kể ngắn gọn, ý nghĩa về Bác Hồ được giới thiệu trong bộ sách Rèn nhân cách – Luyện tài năng sẽ làm sáng rõ thêm những phẩm cách cao quý của một vị lãnh tụ – danh nhân văn hóa, suốt đời vì dân vì nước. Phẩm chất, tư cách, cuộc đời, sự nghiệp cách mạng cũng như những chuyện kể về Bác luôn để lại cảm xúc sâu đậm và có ý nghĩa sâu sắc với mỗi chúng ta.

No comments