Cậu bé thổi sáo bất ngờ được đóng vai Bác Hồ thời niên thiếu: "Lo lắng diễn xuất không thỏa mãn người xem"
Cảm xúc của Hữu Đại như thế nào khi nhận vai Bác Hồ trong phim Vầng trăng thơ ấu? Hữu Đại lo sợ điều gì nhất khi nhận vai?
- Nhận được vai Bác Hồ trong phim Vầng trăng thơ ấu, em rất bất ngờ, hạnh phúc nhưng cũng rất lo lắng. Em sợ nhất là không đảm đương được vai diễn lớn này.
Hữu Đại được chọn vào vai Bác Hồ như thế nào? Em đã từng đóng phim hay chưa?
- Trước kia em chưa từng đóng phim vì ở TP. Vinh không có đoàn phim hay lớp học nào. Em theo học thổi sáo tại trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An. Tại đây, cô chủ nhiệm gửi thông tin thử vai cho học sinh và em đã đăng ký.
Sau đó, đoàn phim đến trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An thử vai. Em cùng thử vai với rất nhiều bạn khác nhau. Khi diễn thử vai, em và các bạn làm theo sự hướng dẫn chỉ đạo của đoàn phim. Một tháng sau, bên đoàn phim mới thông báo em đậu vai gì.
Hữu Đại có học tập diễn viên đi trước nào trong việc thể hiện các nhân vật lịch sử?
- Em có xem một số phim lịch sử để học tập việc thể hiện các nhân vật lịch sử. Tiêu biểu là phim Hẹn gặp lại Sài Gòn do nghệ sĩ Tiến Lợi vào vai Bác Hồ.
Hữu Đại phải chuẩn bị gì cho vai diễn Bác Hồ?
- Em đọc kịch bản, tìm hiểu về Bác Hồ nhiều hơn đặc biệt là lúc Bác còn nhỏ qua các sách báo, tư liệu. Ngoài ra, em cũng tìm hiểu và học hỏi diễn xuất qua nhiều kênh khác nhau. Em cũng ý thức được việc cần giữ gìn sức khỏe thật tốt để tham gia và hoàn thành vai diễn.
Những khó khăn nào Hữu Đại phải đối mặt khi thể hiện nhân vật Bác Hồ? Chưa từng diễn xuất, Hữu Đại có gặp khó khăn khi phải thoại nhiều trong phim không?
- Vì em chưa từng qua trường lớp diễn xuất nên phải gấp rút tìm hiểu và học hỏi diễn xuất. Nhân vật Bác Hồ em cũng chưa từng được thể hiện trước đó nên em phải tìm hiểu và khắc họa nhân vật theo hình dung của mình sao cho phù hợp với kịch bản.
Việc khó nữa là em được sinh ra trong thời đại này nên để thể hiện một nhân vật lịch sử của thời đại trước cũng là một thử thách lớn đối với em.
Phần thoại em không gặp khó khăn vì em là người Nghệ An nên em cứ nói tự nhiên thôi. Em chỉ sử dụng một số từ địa phương thay cho từ phổ thông để phù hợp với địa phương Nam Đàn quê hương Bác Hồ.
Diễn một vai diễn lớn nhưng chỉ có trong tưởng tượng, em làm cách nào để lột tả được nhân vật?
- Trước tiên, em phải đọc và phân tích kịch bản (phần này có đạo diễn tận tình chỉ bảo hướng dẫn) để hình dung được nhân vật như thế nào. Điều may mắn là lứa tuổi của em cũng tương đồng với nhân vật. Đây cũng là điều quan trọng giúp em dễ nhập vai hơn.
Thứ 2, em là người Nghệ An nên có thể nói được tiếng Nghệ An một cách tự nhiên. Đồng thời, sau khi được hóa trang xong, em cũng tự tin hơn với việc đến gần với nhân vật.
Phần còn lại là diễn xuất, em cố gắng học từ các diễn viên trong đoàn, đạo diễn hướng dẫn. Em cũng tham khảo thêm các phim có các bạn nhỏ như mình đóng.
Trong quá trình tìm hiểu, Hữu Đại thấy điều gì khó thể hiện nhất ở vai Bác Hồ?
- Điều em thấy khó thể hiện nhất ở vai Bác Hồ đó là tâm trạng của một đứa trẻ tức giận nhưng bất lực khi chứng kiến mọi người bị bắt nạt, đàn áp.
Cảnh nào khó nhất đối với Hữu Đại?
- Đó là cảnh mẹ Loan và em Xin mất ạ!
Đạo diễn Hồ Ngọc Xum có khó tính không?
- Đạo diễn có cách làm việc rất chuyên nghiệp nên các diễn viên luôn ở trong trạng thái ổn định, hiểu được nhân vật và hết mình hoàn thành vai diễn.
Hữu Đại tương tác thế nào với các diễn viên chính đóng chung? Các bạn có hoạt động nào ngoài phim để tăng cảm xúc?
- Em rất thân thiết và xem mọi người như người thân của mình. Để tăng cường cảm xúc với các diễn viên chính, mỗi khi rảnh em cùng anh An (diễn viên vai anh Trai Bác Hồ trong phim - PV) học bài. Và em cũng thích làm việc đó một cách tự nhiên. Ngoài ra, em cùng mọi người trò chuyện, đi ăn, đi uống nước hoặc cùng chơi game, xem phim…
Kỷ niệm đáng nhớ khi đóng phim của Hữu Đại là gì?
- Kỷ niệm đáng nhớ nhất khi làm phim của em là quay cảnh chạy lụt ở Huế. Sau khi quay xong, nước đã ngập đường nên mọi người phải hối hả dọn đồ và lội nước về.
Đóng một nhân vật lớn, Hữu Đại có cảm thấy lo sợ phản ứng của khán giả?
- Em rất lo lắng mình diễn xuất không thỏa mãn được người xem, nhưng em cũng đã cố gắng hết sức nên rất mong khán giả đón nhận.
Hữu Đại có suy nghĩ thế nào về Bác Hồ, đặc biệt là sau khi tham gia phim?
- Bác Hồ là vị lãnh tụ, là anh hùng dân tộc mà em luôn tôn kính. Đặc biệt là sau khi tham gia phim, em nhận thấy, Bác Hồ được cả thế giới kính ngưỡng thì hoàn cảnh ra đời và lớn lên của Bác ảnh hưởng không nhỏ đến tư tưởng của Bác. Nhưng hơn hết, qua bộ phim em thấy được tố chất hơn người của Bác lúc còn là cậu thiếu niên. Tuy tuổi nhỏ nhưng Bác đã có những nhìn nhận về xã hội và con người vô cùng sâu sắc.
Theo cảm nhận của em, những bạn trẻ tuổi như em có thấy bộ phim dễ hiểu và sẽ có cảm nhận thế nào về phim?
- Theo cảm nhận của em, các bạn trẻ tuổi như em sẽ thấy bộ phim dễ hiểu, gần gũi và chân thực. Các bạn sẽ nhìn thấy bóng dáng của mình đâu đó trong phim.
Hữu Đại có sở thích gì ngoài thổi sáo? Ngoài đời, Hữu Đại có tính cách như thế nào?
- Tính cách ngoài đời của em hoạt bát, em cũng được nhận xét là tinh nghịch. Em thích làm sáng tạo, sở thích của em là nghiên cứu về khoa học kỹ thuật.
Hữu Đại có mong muốn trở thành diễn viên chuyên nghiệp không?
- Chuyện này em và gia đình chưa nghĩ đến, còn tùy duyên ạ!
Cảm ơn Hữu Đại đã chia sẻ thông tin!
Bộ phim Vầng trăng thơ ấu kể về thời niên thiếu của Bác Hồ và những năm Bác sống ở kinh thành Huế. Trên poster mới hé lộ hình ảnh Ngọ Môn – di tích kiến trúc thời Nguyễn, cổng chính phía Nam của Hoàng thành ở Huế và chân dung của những diễn viên trong tạo hình nhân vật trong phim. Hình ảnh gia đình 4 người gợi nhắc giai đoạn cụ Nguyễn Sinh Sắc và cụ Hoàng Thị Loan đưa các con vào Huế sinh sống năm 1895.
Bộ phim do đạo diễn NSƯT Hồ Ngọc Xum thực hiện, với sự tham gia của các diễn viên như: Trần Việt Bắc, Ngô Lệ Quyên, Phạm Hữu Đại, Lưu Văn An, Ali Quang Khải, Bạch Công Khanh, Kim Ngân, Hoàng Phúc, Đình Uy...
Kịch bản Vầng trăng thơ ấu do tác giả Đặng Thị Thanh Bình viết đã đoạt giải Ba trong cuộc thi Sáng tác kịch bản phim truyện điện ảnh năm 2020 do Cục Điện ảnh tổ chức.
No comments