Phim ngắn trên mạng: Vì sao độc hại và khó kiểm soát?
Với sự phát triển của mạng xã hội, sẽ có nhiều hình thức làm content (nội dung) đa dạng, phong phú mà một trong số đó, chính là những bộ phim ngắn, thường có đội dài 20 – 45 phút/ tập.
Các bộ phim này dĩ nhiên được làm ra với những hình thức kiếm tiền khác nhau, nhưng chủ yếu sẽ được trả tiền theo lượt view (lượt xem) và quảng cáo. Đối với các tài khoản YouTube Việt Nam, các YouTuber sẽ được chi trả từ 0.3 – 0.5 USD cho mỗi 1.000 lượt xem.
Tính ra trung bình mỗi view sẽ xấp xỉ 0.0003 – 0.0005 USD. Vậy nếu video đạt 1 triệu view thì YouTuber Việt sẽ nhận được khoản thù lao trung bình khoảng 7 triệu đồng. Đó là chưa kể, nếu kênh nhận được càng nhiều lượt đăng ký, thu hút nhiều view, lên tới vài trăm ngàn đến triệu người theo dõi thì có thể bật thêm các tính năng quảng cáo từ các nhãn hàng và ăn thêm lợi nhuận.
Lợi nhuận không nhỏ dẫn đến một số thành phần làm những bộ phim ngắn có nội dung câu khách "rẻ tiền", bất chấp hình thức có phản cảm ra sao.
Phim ngắn trên mạng: Đề tài càng "xấu", càng nhiều view
Nói đến đây, ắt hẳn nhiều người còn nhớ tới bộ phim Chạm mặt giang hồ, dài 45 phút, đạt 37 triệu lượt xem, với sự tham gia của các "giang hồ mạng" Phú Lê, Dũng Trọc và Đường "Nhuệ".
Điều đáng nói là các đối tượng này đều có tiền án, tiền sự cũng như vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Trong đó, điển hình như Đường "Nhuệ" đang chịu án 15 năm tù vì ăn chặn tiền hỏa táng, từng gây xôn xao và phẫn nộ trong dư luận một thời gian dài. Thậm chí, ca khúc nhạc phim được phát hành có tới 130 triệu lượt xem – một con số mơ ước đối với nhiều ca sĩ bây giờ.
Hay cách đây không lâu, Khá Bảnh – đối tượng "giang hồ mạng" khác phải chịu án 10 năm tù vì tội tổ chức đánh bạc, cũng từng là hiện tượng mạng một thời với nhiều phim ngắn thô tục, bạo lực và ảnh gây ảnh hưởng xấu tới giới trẻ.
Khi trào lưu "giang hồ mạng" chìm xuống, những bộ phim ngắn với hình thức thể hiện thô tục khác nhau lại tiếp tục tràn lan. Đơn cử một loạt phim ngắn mới ra mắt kể câu chuyện người vợ có chồng ngoại tình, người chồng không những không ăn năn mà vu cáo cho vợ phản bội với lý do vô lý. Sau đó, người chồng này đưa nhân tình về nhà ngay trước mặt vợ và đánh đập hành hạ, bắt vợ phục vụ như nô lệ…
Hay một phim ngắn khác, kể chuyện một anh chàng đưa nhân tình lớn tuổi về nhà, nói dối vợ là chị gái mình. Sau đó, anh chàng này lén lút qua lại với nhân tình ngay trong nhà và bàn kế hoạch hãm hại, chiếm đoạt tài sản của vợ.
Có cả những nội dung "trời ơi đất hỡi" như chuyện người mẹ chồng không biết vì sao ác cảm, căm ghét con dâu đến mức thường xuyên bịa chuyện với con trai để chia rẽ tình cảm vợ chồng. Thậm chí, mẹ chồng thuê giang hồ đột nhập vào nhà xâm hại con dâu và gọi con trai về bắt quả tang con dâu ngoại tình. Một số phim ngắn có nội dung vi phạm thuần phong mỹ tục như: chuyện loạn luân, con dâu quyến rũ bố chồng, mẹ vợ muốn gần gũi quá mức với con rể.
Chuyện loạn luân bố chồng và con dâu, mẹ chồng bạo hành con dâu tràn lan trên mạng. Ảnh: Chụp màn hình
Năm 2015, Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ra văn bản xử phạt Trung tâm tư vấn phát triển vì sức khỏe cộng đồng (Studio 19A, Nguyễn Trãi, Q.Thanh Xuân, Hà Nội) vì đã phổ biến phim ngắn: "Vụ thảm sát số 6" với mức phạt 25 triệu đồng, theo căn cứ vào Quy định tại khoản 4, điều 6, Nghị định số 158/2013/NĐ-CP.
Bộ phim này khi đó "phát hành" chưa được một tuần nhưng có lượt xem lên tới hàng trăm ngàn và gây bức xúc trong dư luận vì mô tả quá chi tiết, thô thiển, phản cảm, hành vi giết người bạo lực, vô nhân tính, tàn ác và có tính kích động bạo lực.
Khó khăn khi xử lý sai phạm với các phim ngắn trên mạng
Không chỉ có các video thời lượng 20-45 phút, sau thành công của TikTok, các nền tảng mạng xã hội lớn mà điển hình là YouTube và Facebook đã "lao vào" phát triển ứng dụng phát và chia sẻ video ngắn (short video).
Ðiểm mới của TikTok là nền tảng này có khả năng cho người dùng sử dụng nhiều tính năng như ghép nhạc, thêm hiệu ứng (filter - PV) hình ảnh và âm thanh, cách thức để video hiện lên trên xu hướng (trending - PV). TikTok cũng đưa ra nhiều chính sách để thu hút người dùng mới và tăng thời gian sử dụng mạng xã hội này như nhận tiền hoa hồng với lời mời bạn bè đăng ký tài khoản mới, nhận tiền để truy cập và theo dõi video liên tục 10 phút trong 14 ngày.
Kéo theo đó, các video ngắn độc hại không chỉ xuất hiện trên nền tảng TikTok mà lan rộng sang nhiều nền tảng Facebook Reel, YouTube Short, Instagram Reel (tính năng cho phép người dùng tạo ra các video ngắn trên Facebook, YouTube, Instagram – PV)…
Hầu hết các ứng dụng video ngắn đều là các nền tảng xuyên biên giới nên rất khó xác định đối tượng nào trực tiếp tham gia hoạt động quản lý, cung cấp các dịch vụ. Lý do là công ty chủ quản, pháp nhân đại diện, đơn vị cung cấp dịch vụ mạng xã hội của các nền tảng này thường được đặt tại các quốc gia khác nhau. Điều này khiến việc phát hiện, xử lý sai phạm đối với các nền tảng video ngắn không phải là việc đơn giản.
Theo thống kê từ Statista (Cơ sở dữ liệu thống kê về thị trường – PV), Việt Nam hiện là quốc gia đứng thứ 12 thế giới về tỷ lệ tăng trưởng người sử dụng mạng xã hội nhiều nhất. Theo đó, người dùng Việt Nam dùng gần 7 giờ đồng hồ mỗi ngày cho hoạt động Internet. Bởi vậy, khả năng tiếp nhận thông tin, lan truyền từ các nền tảng mạng tại Việt Nam rất lớn.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, trung bình mỗi tháng có hàng chục nghìn bài viết, video trên internet, mạng xã hội có nội dung liên quan đến Việt Nam, trong đó tỷ lệ không nhỏ các bài viết, video có nội dung xuyên tạc sự thật. Cụ thể, có 67% bài viết được phát tán trên mạng xã hội Facebook, số còn lại phát tán trên các kênh mạng xã hội YouTube, Blog cá nhân hoặc các kênh tin tức không chính thống.
Những đề tài phản cảm, chú trọng khai thác các vấn đề tiêu cực, những góc tối của xã hội, nội dung vi phạm chuẩn mực đạo đức vẫn tồn tại và tiếp cận người dùng mạng mỗi ngày, với chiêu thức cài cắm khó phát hiện hơn rất nhiều.
Hầu hết những người xem các nội dung phim chiếu mạng là để giải trí. Tuy nhiên, những đoạn phim thiếu tích cực, chứa chủ đề, hình ảnh, âm thanh nhạy cảm, thậm chí dung tục và phản cảm, có nội dung gây tranh cãi đã trở thành vấn nạn trên mạng xã hội hiện nay khiến dư luận vô cùng bức xúc. Những sản phẩm độc hại như thế này sẽ ảnh hưởng nặng đến tâm lý, thẩm mỹ người dùng, kéo theo những cái nhìn méo mó, lệch lạc về nhận thức xã hội.
(Còn tiếp)
No comments