Người lính trong thơ ca 30/4: "Bàn chân đất đi nhanh hơn lịch sử/Năm mươi ngày vượt quá ba mươi năm"
Thơ ca ngày toàn dân vui niềm sum họp. Clip: Trung Hiếu.
Sáng chúng tôi dồn đạn vào nòng/Chiều xanh trời ngẩng mặt đón trời xanh
Đề tài người lính là một trong những dòng chủ đạo góp phần làm nên sự phát triển rực rỡ của nền văn học nghệ thuật Việt Nam qua nhiều thời kỳ. Tính từ ngày Giải phóng miền Nam năm 1945 đến nay, 49 năm đã trôi qua, nhưng hình tượng người lính yêu nước, yêu dân, sẵn sàng hy sinh cho hòa bình, độc lập, tự do của dân tộc trong các tác phẩm thơ ca về ngày 30/4/1975 vẫn còn in sâu trong lòng nhiều người dân Việt Nam.
Gặp gỡ ông Nguyễn Văn Tường (quê Thái Bình), người cựu chiến binh mang quân hàm Đại tá vào một ngày cuối tháng 4, ông tâm sự với phóng viên Dân Việt: “Tôi là người lính trực tiếp tham gia chiến đấu trong ngày giải phóng 30/4. Hàng năm, cứ đến ngày này, đọc hoặc nghe lại các tác phẩm văn học nghệ thuật thời kỳ đó, tôi đều cảm thấy vô cùng tự hào và phấn khởi”.
Ông Tường cho biết, ông cùng đồng đội vốn là những công nhân, nông dân, trí thức... trong đó, phần lớn vừa rời ghế nhà trường đã bước vào cuộc chiến đấu với khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
“Những người lính tuổi mười tám, đôi mươi chúng tôi phải đi bộ từ miền Bắc vào miền Nam, vượt qua biết bao chặng đường gian nan, vất vả, nhưng chúng tôi mang tinh thần: "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai" như trong tác phẩm "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" được tác giả Phạm Tiến Duật sáng tác năm 1969. Cuối cùng, chúng tôi đã tới nơi và đã chiến đấu, chung sức chung lòng với đồng đội và nhân dân để làm nên được chiến thắng lịch sử vào năm 1975”.
Theo ông Tường, việc người lính được vào chiến trường để góp sức vì quê hương, đất nước là một niềm hạnh phúc lớn lao. Ông tiếp lời: “Trong gian khổ hy sinh, tình đồng chí đã làm nên sức mạnh chiến thắng kẻ thù. Tình đồng đội chia ngọt sẻ bùi đã đi vào trong những vần thơ, để rồi những câu thơ ấy lại thôi thúc, động viên chúng tôi cầm súng, xông lên đánh quân thù”.
Nói đến đây, ông Tường đặt bàn tay lên ngực rồi cất giọng đọc lại trích đoạn của bài thơ "Trên một chiếc xe tăng" (1971) được tác giả Hữu Thỉnh sáng tác với tâm thế đầy tự hào: "Năm anh em trên một chiếc xe tăng/Như năm bông hoa nở cùng một cội/Như năm ngón tay trên một bàn tay/Đã xung trận cả năm người như một…". Giờ đây, thi thoảng có dịp được gặp lại những người đồng đội từng "chung lưng đấu cật" với nhau trên chiến trường xưa, chúng tôi vẫn đọc lại bài thơ này để nhớ về một thời đã qua".
Hình ảnh những người lính sư đoàn như ông Tường tiến vào giải phóng miền Nam năm ấy xuất hiện trong thơ ca với vẻ đẹp bình dị nhưng rất hùng tráng và đậm chất sử thi. Đó là những người lính Cụ Hồ chân đất, “mũ lá sen xanh một khoảng rừng”. Ông Nguyễn Đức Mậu vừa là nhà thơ, vừa là người lính. Trong khoảnh khắc mà chiến tranh và hòa bình chỉ cách nhau trong gang tấc, ông đã viết nên những câu thơ diễn tả tâm trạng người lính say ngắm hiên ngang như quên cả chính mình: “Ngày 30 tháng 4/Sáng chúng tôi dồn đạn vào nòng/Chiều xanh trời ngẩng mặt đón trời xanh”.
Hòa trong bước chân của các binh đoàn chủ lực tiến vào giải phóng Sài Gòn, có nhiều cánh quân của các binh chủng văn học nghệ thuật. "Tháng tư" năm ấy hiện diện trong thơ ca với một niềm tin bất diệt của các thi sĩ - người lính về thời khắc lịch sử tạo bước ngoặt lớn cho dân tộc: “Tháng tư này tôi là người cầm cờ/Tôi là người lái tăng, tôi là anh pháo thủ/Tôi là nỗi chia ly, tôi là niềm đoàn tụ/Lòng muốn nhân lên khi đến với Sài Gòn” (Nguyễn Đức Mậu).
Hình tượng người lính trong thơ ca 30/4 đã trở thành "tượng đài bất diệt"
Bàn về hình tượng người lính được khắc họa trong thơ ca Giải phóng miền Nam, PGS.TS, nhà phê bình văn học Trần Thị Trâm chia sẻ: “Để toàn dân có một ngày pháo hoa vui niềm sum họp, không thể không nhắc tới công lao của những người lính đã hy sinh vì đất nước. Họ đã cùng nhau tạo nên một chiến thắng có cả “máu và hoa” như trong những vần thơ của Tố Hữu: "Ôi Việt Nam, từ trong biển máu/Người vươn lên như một thiên thần”.
Theo bà Trâm, thơ ca thời kỳ này thường đề cập đến một dạng nhân vật, đó chính là anh giải phóng quân. Anh giải phóng quân là hình tượng con người yêu nước nhất, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì tổ quốc, đại diện cho bản lĩnh, cốt cách, cho dáng đứng Việt Nam. Tố Hữu từng viết: “Tổ quốc cho anh dòng sữa tự hào/Thời đại cho anh ánh sao trí tuệ/Lịch sử sang xuân. Anh vào trận cuối cùng/Đại lộ Hồ Chí Minh, thác reo, quân đi cuồn cuộn/Anh đánh như sét nổ trời rung/Anh chuyển như lũ dông, bão cuốn…”.
Mỗi người lính bước vào chiến dịch Hồ Chí Minh bằng tất cả sự chủ động, tự tin, vững vàng nhất. Điều này cũng được thể hiện rõ qua thơ ca, có những vần thơ in đậm trong trái tim của bà Trâm tới tận bây giờ: “Chẳng hạn như những câu thơ của Anh Ngọc, ông viết rất ngắn gọn thôi, nhưng đã cho thấy được những sức mạnh to lớn của những người lính: "Bàn chân đất đi nhanh hơn lịch sử/Năm mươi ngày vượt quá ba mươi năm". Một câu thơ ngắn nhưng lại có ý nghĩa tổng kết, khẳng định một ‘bước chân lịch sử chỉ có 50 ngày”.
Ngày chiến thắng hiển thị trong thơ ca là khoảng thời gian mà các tác giả cho rằng: “Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ”. Người lính vui một niềm vui chung của toàn thể nhân dân, đó cũng là sự tự hào trước chiến công lẫy lừng của một dân tộc. Họ gặp nhau trong một khung cảnh thật đẹp và nên thơ: “Đoàn quân vẫn đi vội vã/Bụi Trường Sơn nhòa trời lửa/Chào em cô gái tiền phương/Hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn” (Nguyễn Đình Thi - Lá đỏ).
Được hưởng nền độc lập, tự do, nhân vật trữ tình là người lính sư đoàn, cũng chính là nhà thơ sáng tác nên tác phẩm “Ngày 30 tháng 4” đã vẽ lên “bức tranh” hòa bình thật gần gũi nhưng đẹp đến ngỡ ngàng: “Sư đoàn tôi vừa đi qua chiến tranh/Hoà bình đến trên bàn tay lắp đạn/Hái một trái sầu riêng đang độ chín/Cây sum sê dâng hết ngọt ngào/Chiến tranh có từ hồi gieo hạt/Ngày hoà bình/Trái chín nặng vòm cao” (Nguyễn Đức Mậu).
Hỏi bất kỳ người lính nào đã từng tham gia chiến đấu để Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, phóng viên đều được nghe chung một câu trả lời rằng, hình tượng người lính trong thơ ca thời kỳ này đã in sâu vào tiềm thức bao thế hệ độc giả và họ tin rằng các tác phẩm viết về người lính sẽ mãi còn được ngân vang “như những khúc khải hoàn dưới màu cờ hoa rực rỡ”.
PGS.TS, nhà phê bình văn học Trần Thị Trâm bày tỏ mong muốn: “Tôi hy vọng rằng những người sáng tạo các tác phẩm văn học thế hệ tiếp theo, sau một độ lùi lịch sử, họ sẽ có thêm những góc nhìn mới và viết về giai đoạn lịch sử đáng nhớ này của dân tộc nói chung, hình tượng người lính nói riêng một cách hay hơn nữa, để ‘lửa’ của chiến công 30/4 năm ấy vẫn mãi chói ngời như một trời phượng đỏ”.
No comments