Kể chuyện làng: Về sông Cu Đê thưởng thức gỏi "bún sông"
Thượng nguồn của sông nằm ở xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang), còn hạ nguồn là cửa biển Nam Ô (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu). Sông được gọi là Cu Đê vì phần hạ lưu của nó chảy qua làng Cu Đê. Khi du khách du khảo bằng thuyền máy từ cầu sắt Nam Ô, đi ngược dòng sông Cu Đê lên hướng thượng nguồn, du khách sẽ trải qua nhiều làng mạc xanh tươi trù phú; những bãi ngô, bãi mía xanh tốt một màu, với non nước hữu tình, thơ mộng, và đậm nét hoang sơ kỳ thú.
Đặc biệt, vùng hạ nguồn của sông Cu Đê, nơi giáp với biển Nam Ô, vào mùa đầu hè xuất hiện loài thủy sinh có tên "bún sông" rất độc đáo mà không có nơi nào có được. Theo các lão ngư trú tại thôn Trường Định (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng), sông Cu Đê này từ lâu đã là nơi sinh sống của các loại hải sản như nuốc, sứa, các loại cá, ốc... Đặc biệt, năm nay, loại "bún sông" xuất hiện khá nhiều trong 10 năm trở lại đây, bắt đầu từ tháng Ba và đầu tháng Tư (Âm lịch). Tuy nhiên, không ai biết "bún sông" là loài thực vật hay động vật.
Một lão ngư cho hay, năm nay, loại "bún sông" này đã bắt đầu xuất hiện trên cửa sông Cu Đê từ đầu tháng Ba và vẫn tiếp tục hiện diện cho đến thời điểm hiện tại. Đối với những ai đã từng thưởng thức các món đặc sản ẩm thực của Nam Ô như cua đá, gỏi cá, cá đối cồi, cá bống cát, tôm đất, mứt biển... việc chưa từng thử một lần món gỏi "bún sông" Cu Đê có thể được coi là một sự lỡ hẹn đáng tiếc!
Nghe đồn, khu vực gần cửa sông Cu Đê đã xuất hiện nhiều bún sông, khiến cho xóm, thôn trở nên rộn ràng với hình ảnh người dân chèo ghe chở "thợ lặn" đi săn lộc trời, lặn sâu xuống đáy lấy bún sông. Cảnh mua, bán và sơ chế, chế biến món gỏi "bún sông", cũng như thưởng thức các món gỏi từ "bún sông" Cu Đê, tạo nên hương vị độc đáo của loại nguyên liệu này. Khi chúng tôi đến và đứng trên bờ để quan sát, chúng tôi nhận thấy nhiều ghe và thuyền trên sông đang rộn ràng đi vớt "bún sông".
Một lão ngư cho hay, "bún sông" chỉ phát triển trong môi trường nước chảy, trong và tinh khiết. Có những năm khi loại bún này đang phát triển gặp trời mưa hoặc nguồn nước ô nhiễm thì năm đó "bún sông" sẽ bị tàn lụi, không thu được gì. Năm nay, do thời tiết không mưa và nguồn nước tinh khiết nên được mùa "bún sông", người vớt bán với giá 80.000 đồng - 90.000 đồng/kg.
Muốn lấy "bún sông", người có sức khỏe tốt lặn sâu xuống trên 5 mét ở giữa dòng sông để vớt "bún sông". Mỗi một lần lặn, các "chuyên gia" chỉ vớt được khoảng 1- 2kg. "Bún sông" có sợi giống như bún gạo nhưng nhỏ hơn với màu xanh lợt hoặc màu hơi vàng, cuộn lại thành từng nắm nhỏ trông như "bún trứng", có người cho rằng "bún sông" là trứng của một loài "thỏ biển" nào đó?
"Bún sông" vớt lên được đại diện các nhà hàng, khách sạn lớn ở nội thành Đà Nẵng thu mua về chế biến món gỏi đặc sản trứ danh phục vụ cho du khách. "Bún sông" có thể làm nguyên liệu chính để chế biến món "bánh canh" hoặc món gỏi trứ danh.
Cách chế biến như sau, mua "bún sông" về rửa khoảng 10 lần bằng nước sạch và đựng trong thau. Sau đó, nấu nước sôi và cho vào vài muỗng cà phê muối rồi đổ bún vào thau và khuấy nhẹ khoảng vài phút, tiếp đó đổ vào rổ rá nhựa để thoát hết nước. Từ đây, bún sông cùng các nguyên liệu khác như dứa (thơm), dưa leo xắt lát mỏng, rau sống, rau thơm các loại để chế biến các món ăn.
Muốn làm món gỏi "bún sông" Cu Đê, trước tiên luộc chín thịt heo ba chỉ rồi xắt nhỏ. Tôm tươi sau khi lột vỏ trộn chung với thịt và hành tím đã băm nhuyễn rồi ướp gia vị như tiêu, bột nêm, nước mắm ngon vào trộn đều cho thấm.
Tiếp đến, bắc xoong lên bếp phi hành tím với dầu phộng cho thơm rồi trút hỗn hợp tôm thịt vào, đảo qua, đảo lại vài lần cho thấm. Khi nghe mùi thơm bốc lên thì nhấc xoong xuống và đợi cho xoong bớt nóng, cho "bún sông" đã sơ chế và các nguyên liệu khác như: dứa, dưa leo, bắp chuối, rau sống, rau thơm, đậu phộng rang giã dập, một ít nước mắm dằm ớt tỏi và vài muỗng cà phê nước chanh tươi vào trộn đều. Thế là, món gỏi "bún sông" đã hoàn thành và múc ra đĩa thưởng thức.
Nhìn đĩa gỏi "bún sông" trông rất bắt mắt bởi màu xanh lợt của "bún sông", màu cam của cà rốt, điểm xuyết trên nền mâm gỏi là màu vàng của dứa, màu xanh lá mạ của rau thơm, màu đỏ của ớt chín… Khi thưởng thức, món gỏi có vị chua chua, ngọt ngọt, thơm thơm, béo béo, giòn giòn của các nguyên liệu hòa quyện với vị ngọt của thịt, tôm thật là khoái khẩu. Và món ăn sẽ thăng hoa hơn khi nhâm nhi vài ly rượu và ăn cùng bánh tráng nướng giòn đã làm nao lòng và say lòng biết bao du khách, thực khách ven hai bờ sông Cu Đê.
Trong cái nắng đầu hè gay gắt, gắp một đũa gỏi "bún sông" đưa vào miệng, từng chút hương vị mát dịu lan tỏa đến khứu giác, vị giác với những sợi bún mềm mại, giòn ngọt, mát lạnh trên đầu lưỡi tạo nên một trải nghiệm khác biệt so với các loại rong, tảo khác. Vị mềm mại và dịu nhẹ khi thưởng thức còn được bổ sung thêm bởi hương vị mặn mòi của biển khơi hòa quyện với hương vị tinh khiết của dòng nước sông Cu Đê mát lạnh.
Ngoài ra, sự độc đáo của món ăn này có thể được giải thích bởi vị trí đặc biệt của khúc sông Cu Đê, nằm gần cửa biển và tiếp xúc với dòng nước biển hòa quyện, tạo điều kiện lý tưởng cho sự phát triển của loại thủy sinh mang tên "bún sông" này, tạo nên hương vị tuyệt vời đã góp phần tạo nên hương vị riêng biệt của một vùng đất phía Nam Hải Vân có làng chài cổ Nam Ô với những đặc sản lừng danh như: Nước mắm Nam Ô; Gỏi cá Nam Ô; Cá rô Xuân Thiều…
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; điện thoại liên hệ: 0903226305.
No comments