Xem thiếu nữ Tày múa Dậm Thuông trong lễ hội Xo May, cầu mong một mùa lúa thóc, trâu bò đầy nhà
Xã Mường Lai (huyện Lục Yên) là một địa phương giàu truyền thống văn hóa, lịch sử cách mạng của tỉnh Yên Bái. Đây còn là vùng đất gắn với văn hóa sông Chảy, là một trong ba vùng văn hóa đặc trưng của tỉnh Yên Bái với những truyền thuyết, huyền thoại, trường ca Khảm Hải, hát Cọi, hát Khắp, hát Lượn, lễ hội, tiếng chiêng, tiếng trống âm vang trong mỗi bản làng...
Lễ hội Xo May có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tinh thần của nhân dân các dân tộc xã Mường Lai vào mỗi dịp tết đến Xuân về. Xo May tiếng Tày dịch nghĩa là "cầu may", cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt, bội thu.
Để chuẩn bị cho lễ hội, người dân các thôn trong xã chuẩn bị trang trí gian hàng của thôn mình từ sớm. Đến ngày hội, họ sẽ đem sản phẩm truyền thống của thôn làm ra như gạo, rau, bánh, rượu, các đồ dùng sinh hoạt, các mặt hàng thủ công đến sân vận động xã để tổ chức.
Cùng với đó, các hoạt động thi đấu thể thao dân tộc (đẩy gậy, tung còn, kéo co, bịt mắt bắt vịt) và trò chơi dân gian (nhảy bao bố, đi cà kheo…) sẽ diễn ra tại sân vận động xã. Ngoài ra, trong các ngày diễn ra lễ hội sẽ có các gian hàng bày bán các sản phẩm nông sản của bà con trên địa bàn.
Điểm mới năm nay, lễ hội sẽ tái hiện lễ đón dâu của người Tày với hình thức sân khấu hóa và màn múa Dậm Thuông với 300 diễn viên là người dân trong xã tự biên đạo và tập luyện trước đó gần 1 tháng. Ngoài ra, trong lễ hội Xo May còn có thêm hoạt động chọi dê và bắt chạch trong chum để nhân dân và du khách trải nghiệm.
Hiện nay, đời sống của người dân được nâng cao nên nhu cầu được tham gia lễ hội cũng được tăng cao. Do đó những năm gần đây, năm nào xã Mường Lai cũng tổ chức Lễ hội Xo May cho nhân dân được vui chơi trong những ngày đón Xuân và nghỉ ngơi sau những ngày xuống đồng cấy vụ Xuân.
Chị Hoàng Thị Hóa (xã Mường Lai, huyện Lục yên, tỉnh Yên Bái) chia sẻ: "Chúng tôi vui lắm! Tham gia lễ hội, chúng tôi và thôn bản tự chuẩn bị các đồ dùng, cổng trại, hàng hóa cũng như các vật phẩm trưng bày để du khách tham quan cũng như có thể mua làm quà".
"Đã thành thông lệ nên năm nào chúng tôi cũng mong đợi đến ngày để được tham dự lễ hội. Ngay sau khi cấy xong, chúng tôi bắt tay vào chuẩn bị cho ngày lễ luôn. Đặc biệt được xem màn múa Dậm Thuông truyền thống của dân tộc tày, rất vui và ý nghĩa. Chúng tôi đi tham dự lễ hội Xo May để cầu may mắn đến với gia đình trong năm mới" - chị Hóa nói.
Theo quan niệm của người Tày nơi đây, điệu múa Dậm Thuông như một hình thức mời thần linh chứng giám, vừa là để cảm tạ và cầu xin sự no ấm, may mắn cho một năm mới an lành, một mùa lúa thóc, trâu bò đầy nhà.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Triệu Văn Huấn - Bí thư Đảng ủy xã Mường Lai cho biết, lễ hội được tổ chức hằng năm trên tinh thần tự nguyện, tự giác tham gia các hoạt động của người dân. Những năm gần đây, bà con nhận thức đây là lễ hội của mình nên tự giác góp tiền, góp sức để làm. Các hoạt động, chương trình đều có sự thống nhất, phối hợp giữa chính quyền địa phương và các thôn.
Lễ hội Xo May năm 2024 đã thu hút hàng nghìn du khách tham gia, qua đó tạo không khí vui tươi, phấn khởi. Đặc biệt, lễ hội có ý nghĩa quan trọng trong việc gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Tày ở Lục Yên, Yên Bái.
No comments