NSƯT Đỗ Kỷ: "Người ta không chỉ vu khống tôi đánh bạc, làm ngơ cho vợ cặp bồ..."
Anh có 28 năm gắn bó với sân khấu Nhà hát Kịch Việt Nam, 14 năm công tác ở Cục Nghệ thuật biểu diễn. Đã bao giờ anh thấy tiếc bởi nếu ngày đó vẫn gắn bó với sân khấu thì đã là Nghệ sĩ Nhân dân từ lâu lắm rồi?
- Trong cuộc đời của tôi, chưa bao giờ phải hối tiếc bởi bất kỳ điều gì. Nói ra có thể mọi người không hình dung nổi nhưng quả thật tôi là người ít phấn đấu nhất. Đây có lẽ là lần đầu tiên tôi thú nhận điều này. Từ thời còn học cấp I và cấp II, trong khi các bạn cố gắng phấn đấu để sớm được kết nạp vào Đội TNTP, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh… thì tôi an phận với việc học của mình. Vào Đảng cũng thế, tôi làm việc và sống theo nề nếp của mình, mọi người nhìn thấy thì kết nạp chứ không phải tôi cố gắng phấn đấu để được kết nạp.
Tôi theo học lớp diễn viên ở Nhà hát Kịch Việt Nam năm 1978. Tháng 6/1982, vừa học xong được 3 tháng thì đến tháng 9/1982 tôi đi bộ đội, cùng với Quốc Khánh, Trung Anh, Trọng Trinh. Tháng 11/1984, tôi đi bộ đội về thì được giao vai nhỏ trong vở "Nhân danh công lý" thi ở Thanh Hóa. Sau đợt đó, Nhà hát có mang hai vở diễn vào TP.HCM dự Liên hoan Sân khấu là vở "Nhân danh công lý" và vở "Lịch sử nhân chứng". Vở "Lịch sử nhân chứng", tôi được giao một vai và khi dự Liên hoan thì được trao huy chương. Sau đó, Nhà hát thấy tôi hoàn thành tốt công việc, sống kỷ cương – gương mẫu nên cho tôi kết nạp Đảng.
Thời đó, việc đề bạt lên làm quản lý hoặc lãnh đạo không như bây giờ, cứ thấy ai có năng lực, làm việc tốt, sống có kỷ cương… là đề bạt lên thôi. Tôi được đề bạt lên làm Đoàn phó rồi Phó Giám đốc Nhà hát.
Trong 28 năm gắn bó với nghề diễn, tôi chưa bao giờ được làm trưởng, chỉ toàn làm phó. Thời điểm tôi được học nhiều nhất là khi làm Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam. Từ sơ cấp, trung cấp rồi cao cấp Lý luận Chính trị, Quản lý Nhà nước… cứ có lớp nào ngắn hạn là tôi đều đi học hết.
Những năm 90 – 91 của thập niên 90, sân khấu bắt đầu ít khán giả, mọi thứ trở nên khó khăn. Mỗi lần đi diễn, hai vợ chồng đều phải đưa con đi theo, đến giờ diễn đặt con nằm trong hậu đài nhờ đồng nghiệp trông, mình chạy ra diễn xong lại chạy vội vào trông con. Đã có lúc tôi định bỏ nghề diễn đi làm công việc khác để cuộc sống bớt cơ cực hơn nhưng khi bàn với vợ (NSND Lan Hương – PV) thì cô ấy không đồng ý. Để cải thiện thu nhập, tôi chuyển qua rất nhiều việc như viết kịch bản, lồng tiếng phim truyền hình...
Nhiều lúc ngồi nghĩ lại, tôi thấy cuộc đời mình không có gì là phấn đấu hay cống hiến cả. Ở một khía cạnh nào đó, tôi đến với công việc trước hết vì mưu sinh vì nếu không đi làm thì chết đói. Chưa bao giờ tôi nghĩ mình làm việc để được ghi nhận, tặng huy chương này, giải thưởng nọ. Vì thế, trong vụ tôi bị trượt danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, tôi đón nhận mọi thứ rất bình thường.
Nghĩa là ngay cả lý do anh đến với sân khấu năm 1978, mọi thứ cũng bắt đầu bằng miếng cơm manh áo chứ không phải vì tình yêu?
- Năm 1978, tôi vừa học xong phổ thông, đang chờ gọi đại học thì nghe loa thông báo Nhà hát Kịch nói Trung ương (nay là Nhà hát Kịch Việt Nam - PV) tuyển diễn viên với những chế độ ưu đãi rất hấp dẫn. Chẳng hạn, hồi đó mỗi người dân bình thường chỉ được mua 8kg hay 10kg gạo thì nếu đi học kịch sẽ được mua thêm vài kg. Ngoài ra, mỗi tháng còn được nhận 18 đồng tiền phụ cấp, mấy cân đường và mấy hộp sữa. Thời điểm đó, mọi thứ đều khó khăn, ai cũng đói khổ nên nghe chế độ đãi ngộ như vậy tôi bị cuốn theo.
Tôi giấu gia đình mang hồ sơ đi nộp và thi tuyển đến vòng cuối rồi tôi mới báo cho phụ huynh biết. Thực ra, bố tôi không thích tôi đi văn công, không phải vì ông quan niệm "xướng ca vô loài" mà vì 4 ông anh tôi đều làm công nhân hết nên ông rất muốn tôi học hành tử tế để đi làm công chức cho ông nở mặt nở mày với bạn bè. Tuy nhiên, sau đó ông bà cũng ký đơn cho tôi theo học ở Nhà hát. Trong 28 năm gắn bó với sân khấu Nhà hát Kịch Việt Nam, điều tôi được nhiều nhất đó là những kỷ niệm.
Nếu lựa chọn một kỷ niệm trong rất nhiều kỷ niệm để nói về nghề diễn, anh sẽ kể kỷ niệm nào?
- Thời còn công tác ở Nhà hát Kịch Việt Nam, tôi được giao rất nhiều vai diễn. Bắt đầu là những vai siêu phụ, đến vai phụ rồi vai thứ chính và vai chính. Vai nào cũng là được sống với nhân vật, được trải nghiệm một cuộc đời khác hẳn đời mình. Vì thế, nếu hỏi tôi vai diễn nào đáng nhớ chắc là tôi không biết kể về vai nào. Nhưng nếu hỏi tôi về kỷ niệm với nghề diễn thì tôi có thể kể ngay ra được kỷ niệm gắn với bạn Trung Anh.
Tôi vẫn nhớ, thời điểm tôi được làm Phó đoàn đã cùng nghệ sĩ Quang Thái – Trưởng đoàn đưa anh em đi diễn ở mấy tỉnh Nam Trung Bộ, trong đoàn lúc đó có Trung Anh. Trung Anh có một căn bệnh mãn tính là đau bụng. Theo kế hoạch là tối hôm diễn ở Đức Phổ (Quảng Ngãi) xong, cả đoàn sẽ di chuyển về Hội An (Quảng Nam) để tối hôm sau diễn ở đó. Tối hôm đó, Trung Anh bị đau bụng cả đêm, sáng ra phải đưa đi bệnh viện cấp cứu. Tuy nhiên, do lịch đã lên từ trước, không thể hoãn chờ Trung Anh khỏe rồi mới lên đường được mà phải cắt cử một người ở lại chăm sóc Trung Anh trong viện, còn lại di chuyển ra Hội An để tối diễn. Nhưng vì Trung Anh đóng vai chính của vở diễn nên tình hình rất gay cấn. Tôi có bàn với chú Quang Thái hay là hoãn lịch diễn nhưng chú Thái nói không được, vé mời đã được lãnh đạo tỉnh phát cho đại biểu và nhân dân, không thể hoãn được. Không còn cách nào khác, tôi cho anh em chuẩn bị xong sân khấu rồi lui vào sau hậu trường đọc kịch bản và tập vai.
Có một điều rất hay là tôi nhớ kịch bản rất tốt. Vì thế, trong vòng 30 phút, vừa đọc kịch bản, vừa ăn tạm cái bánh mì vợ mua cho, tôi đã có thể lên diễn thay cho Trung Anh. Tối hôm đó, gọi là diễn cho "trót lọt" chứ hay thì không hay nhưng chú Quang Thái mừng lắm. Hôm sau, chú mời tôi với mấy anh em nữa đi uống bia ăn mừng. Đó là một kỷ niệm rất đáng nhớ đối với tôi.
Có không ít tin đồn rằng, thời điểm anh giữ chức Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam thì giữa anh với NSƯT Anh Dũng lúc đó là Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam đã có rất nhiều xung đột, mẫu thuẫn, đấu đá… buộc Bộ VHTTDL đã phải chuyển anh lên Cục Nghệ thuật biểu diễn?
- Tôi được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam từ năm 2002, đến năm 2008 thì chuyển lên Cục Nghệ thuật biểu diễn. Thời điểm NSND Doãn Châu – Giám đốc Nhà hát về nghỉ hưu theo chế độ thì NSƯT Anh Dũng được bổ nhiệm làm Giám đốc Nhà hát. Chuyện của giữa tôi và anh Dũng ban đầu xuất phát từ một sự hiểu lầm. Có người bảo với tôi rằng, anh Dũng đi nói với mọi người là tôi "chơi xấu" anh ấy sau lưng. Nghe được thông tin ấy, hôm họp lãnh đạo Nhà hát, tôi đã đem chuyện này ra để làm rõ và mọi chuyện đã được hóa giải. Chính anh Dũng thừa nhận là không có chuyện đó và luôn xem tôi là người em tốt.
Tuy nhiên, việc tôi đi khỏi Nhà hát Kịch Việt Nam lại không liên quan đến anh Dũng mà là sau 7 năm giữ vai trò Phó Giám đốc thì phải tiến hành thủ tục bổ nhiệm lại. Nhưng lúc đó, trong khóa diễn viên kịch của chúng tôi có nhiều xung khắc, mâu thuẫn, không còn tốt đẹp như trước… nên tôi chán. Tôi cũng đã làm đơn xin không giữ bất kỳ chức vụ gì về chính quyền, đoàn thể mà chỉ làm đạo diễn bình thường.
Trước đó mấy năm, NSND Trọng Khôi có bảo tôi sang làm Chánh Văn phòng Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam nhưng tôi xin cho thời gian suy nghĩ, sau một thời gian tôi làm đơn xin sang Hội thì NSND Lê Tiến Thọ có phê vào đơn là tôi có năng lực lãnh đạo, xứng đáng ở lại để điều hành Nhà hát hơn là qua Hội.
Sau đó, bên Vụ Tổ chức – Cán bộ của Bộ VHTTDL có mời tôi lên để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng. Tôi cũng bày tỏ nguyện vọng là xin được thôi giữ các chức vụ về chính quyền, đoàn thể… Nếu buộc phải thuyên chuyển công tác thì với tư cách là người Đảng viên, tôi xin chấp hành mọi sự điều động, phân công. Và đúng 1 tuần sau, tôi nhận được quyết định chuyển tôi sang làm Phó phòng Nghệ thuật ở Cục Nghệ thuật biểu diễn. Khi về công tác ở Cục Nghệ thuật biểu diễn, tôi gần như buông bỏ mọi thứ. Tôi không tham gia bất kỳ chức vụ nào trong các tổ chức, đoàn thể nữa.
Vậy còn tin đồn NSƯT Anh Dũng sau đó cũng bị cho thôi làm Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, chuyển công tác lên Cục Nghệ thuật biểu diễn do anh đứng sau đơn thư kiện cáo thì thực hư thế nào?
- Sau khi tôi được điều chuyển lên Cục Nghệ thuật biểu diễn thì gần như không liên quan gì đến Nhà hát Kịch Việt Nam nữa và càng không liên quan gì đến anh Dũng. Nhưng sau đó, tôi có nghe anh Dũng bị rất nhiều đơn thư tố cáo. Người ta tố anh ấy gian lận năm sinh, bằng cấp, trình độ… rất nhiều chuyện.
Vào một buổi sáng, khoảng 6h sáng, tôi nhận được điện thoại của anh Dũng bảo "Kỷ ơi, anh lên chỗ em rồi". Tôi ngạc nhiên hỏi: "Sao lại thế, anh đang ở Nhà hát mà". Anh Dũng bảo: "Bây giờ anh mới hiểu, em mới là người tốt, chúng nó chơi anh em à!".
Khi được điều chuyển về Cục Nghệ thuật biểu diễn thì anh Dũng chỉ làm chuyên viên. Tức là nếu xét về chức vụ thì anh ấy là cấp dưới của tôi. Mọi người bảo tôi phân công cho anh ấy làm việc nọ, việc kia… nhưng tôi đùa: "Anh ấy lên dưỡng thương, phân công gì". Và đúng nghĩa là những năm tháng công tác ở Cục, anh Dũng gần như không phải làm gì, khi nào thích thì đến, không thích thì thôi.
Còn các tin đồn bảo anh em tôi mâu thuẫn, đấu đá nhau là sự đặt điều nhằm chia rẽ tình cảm anh em. Nếu thực sự chúng tôi mâu thuẫn với nhau thì việc Bộ VHTTDL điều chuyển cả hai anh em về cùng một phòng ở Cục khác nào đẩy chúng tôi vào thế căng thẳng hơn.
Tôi chuyển lên Cục Nghệ thuật biểu diễn chưa được 1 tháng thì chị Phương Thanh – vợ anh Dũng mất và người anh ấy báo tin đầu tiên là tôi. Sáng hôm sau, tôi chạy qua nhà anh Dũng từ rất sớm, anh Dũng bảo: "Anh giờ rất bối rối, có gì nhờ em giúp anh một tay tổ chức tang lễ cho chị". Tôi bảo "Vâng, em đến đây là để hỏi anh về việc đó". Tức là nếu không phải người trong cuộc, không biết được nội tình, chỉ đứng ngoài nghe lỏm rồi phỏng đoán và phao tin thì mọi việc sẽ rất sai lệch.
Vậy thời điểm NSƯT Anh Dũng bị điều chuyển lên làm "quân" của anh ở phòng Nghệ thuật, anh có sự khó xử nào không, ít ra trước đó người ta cũng là cấp trên và tiền bối của mình?
- Không. Chúng tôi đều là những người được Bộ VHTTDL điều chuyển, sắp xếp vị trí và công việc. Và trong quá trình làm việc, tôi chưa bao giờ nghĩ mình là cấp trên của anh ấy cả. Nếu có việc gì giao cho anh Dũng thì tôi bao giờ cũng nói: "Em nhờ anh làm giúp em việc này", nếu anh ấy bận thì tôi tự làm chứ không ra lệnh.
Vậy anh có bao giờ đặt câu hỏi, những đơn thư tố cáo mình trong đợt xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân vừa qua có liên quan đến những câu chuyện trong quá khứ, khi anh đang công tác ở Nhà hát Kịch Việt Nam?
- Hôm trước tôi cũng có hỏi Lan Hương: "Tại sao người ta ghét anh đến thế nhỉ?", vợ tôi bảo rằng: "Không, người ta ghét em đấy!". Xong rồi hai vợ chồng ngồi phân tích thì cũng thấy có lý. Xuất phát điểm tất cả đều như nhau nhưng Hương kém về gia thế (bố mẹ Hương ngày xưa làm công chức nên không giàu có), nhà lại không phải ở phố cổ nên luôn bị xem là "con nhà quê'. Rồi khi ra trường lại thường xuyên được giao đóng các vai chính mà những người đó lại không được như thế nên sinh ra những ganh ghét, đố kỵ, tị hiềm… Chứ cơm không ăn của nhau, nhà không ở của nhau, không tranh chồng, không cướp vợ… của nhau, sao họ lại ghét mình được.
Nhưng nếu NSND Lan Hương bị ghét thì thời điểm chị ấy làm hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, họ lại không có bất kỳ đơn thư nào. Tại sao họ lại đổ cái sự ghét vợ lên đầu chồng?
- Tôi nghĩ là họ biết không có lý gì để làm đơn thư tố cáo vợ tôi cả nên không kiện. Vì bản thân Lan Hương từ Nghệ sĩ Ưu tú lên Nghệ sĩ Nhân dân đều có một quá trình phấn đấu rất rõ ràng. Các thành tích về huy chương, giải thưởng đều thừa so với quy định. Đạo đức, lối sống, sự cống hiến, sức ảnh hưởng… đều được nhìn nhận rất rõ. Bởi thế nên không có lý gì lại đi gửi đơn kiện Lan Hương cả. Lúc đầu có chút ồn ào nhưng sau đó đã được giải quyết rất nhanh.
Nhưng đến tôi thì mọi thứ như là sự tích tụ. Tôi cũng từng đảm nhận nhiều chức vụ và nhiều năm làm quản lý nên họ nghĩ tôi sẽ có nhiều sơ hở hơn và do đó mà có đơn thư. Tôi cũng nghĩ, có thể do đôi khi tính tôi thẳng thắn quá nên người ta cũng ghét nữa.
Theo như những gì anh chia sẻ thì có nghĩa là anh đã biết rõ những người làm đơn tố cáo mình?
- Thú thật là tôi đã nghe vài người rỉ tai cho biết mình có đơn thư trước khi có trát thông báo của Cục Nghệ thuật biểu diễn. Tuy nhiên, vì hồi đó chỉ là nghe nói lại, chưa có văn bản nào đáng tin cậy nên tôi vẫn "bán tín bán nghi". Bây giờ thì tôi đã biết rõ nội dung đơn thư người ta tố cáo mình có những vấn đề gì. Toàn bộ các vấn đề người ta tố cáo tôi trong đơn thư là xảy ra trong thời gian tôi làm ở Nhà hát Kịch Việt Nam và chỉ cần đọc qua đơn thư này tôi đã biết người tố cáo tôi là ai. Tại sao tôi biết họ, vì tôi sống và làm việc 28 năm ở Nhà hát Kịch Việt Nam, ai sống thế nào và ăn ở ra sao, tôi cũng nắm rõ được phần nào. Người đứng đơn tố cáo tôi cũng từng phao tin vợ tôi cặp với đại gia nên được mua tặng ô tô khi chúng tôi còn công tác ở Nhà hát Kịch Việt Nam. Sau này người ta còn phao tin vợ chồng tôi ly hôn nhưng vẫn đóng kịch là đang hạnh phúc nữa.
Khi đọc đơn thư người ta tố cáo mình tôi thấy rất buồn cười. Có những chuyện người ta chỉ nghe người khác nói lại chứ không chứng kiến nên không biết được sự thật. Có những chuyện người ta nghĩ ra để vu khống cho tôi.
Người ta bảo tôi tổ chức đánh bạc, bị công an bắt… vậy nhưng sự thật có phải thế đâu. Bởi nếu tôi bị bắt thì công an họ vẫn còn bằng chứng chứ. Các đồng nghiệp của tôi ở Nhà hát Kịch Việt Nam phải biết vụ này chứ. Rồi người ta bảo tôi lợi dụng quyền hạn và chức vụ để đưa anh trai vào Nhà hát "trục lợi bảo hiểm".
Sự thật là thời điểm anh trai của Lan Hương chạy thận thì chú Trọng Khôi còn làm Giám đốc Nhà hát, tôi mới chỉ là Phó đoàn kịch… tôi làm gì có quyền để ký hợp đồng với bất kỳ ai. Nhưng đúng là khi anh trai chạy thận, gia cảnh khó khăn… Lan Hương cũng có lên nói chuyện với Ban Giám đốc xin cho anh trai được vào làm việc ở Nhà hát Kịch Việt Nam để có hợp đồng, có bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, sau đó tôi gạt đi, bảo không phải làm thế mà khó xử cho các chú.
Tức là người ta chỉ đi nghe lỏm thôi, không biết sự thật nên làm đơn tố mà không có căn cứ. Vì không có căn cứ nên khi Hội đồng xem xét đơn thư vào cuộc thẩm tra, làm rõ nội dung đơn thư tố cáo… đã kết luận hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân của tôi vẫn đủ điều kiện để trình lên Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương chứ.
Cho đến giờ tôi vẫn không hiểu, vì sao người ta lại mất nhiều thời gian với những đơn thư tố cáo vô căn cứ kiểu này. Tôi nghĩ rằng những đơn thư kiểu như thế này luôn làm mất quá nhiều thời gian của các cơ quan chức năng khi giải quyết.
Thông thường, nếu ai đó tố cáo mình không đúng sự thật thì mình có quyền khiếu kiện lại. Anh có định làm việc này để đòi sự công bằng và danh dự cho mình?
- Có chứ, tôi sẽ làm đến cùng. Tôi không chỉ làm để đòi công bằng và danh dự mà còn để những người đứng sau, những người ẩn danh sau đơn thư tố cáo kia phải lộ diện.
Trong quá trình làm nghệ thuật, anh đảm nhận rất nhiều vai trò: diễn viên, tác giả kịch bản, lồng tiếng, đạo diễn… Nhưng phải chăng đóng phim mới là công việc đưa lại cho anh nhiều nguồn thu nhập hơn?
- Năm 1980, khi bắt đầu có phim truyền hình, tôi là một trong những người tham gia bộ phim đầu tiên của Trung tâm Nghe – Nhìn (nay là Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam - VFC) của Đài Truyền hình Việt Nam. Hai bộ phim để ra mắt Trung tâm này thời đó, một phim quay kiểu phim truyền hình, một phim quay dạng sân khấu truyền hình. Lúc đó, tôi tham gia cả hai phim. Vai của tôi không phải vai chính đâu nhưng cát sê đã rơi vào 6 chỉ vàng. Nhưng thời đó không có điều kiện để quay phim liên tục như bây giờ mà vài ba năm mới có một phim để đóng. Lâu dần, tôi mới chuyển qua làm công việc lồng tiếng. Chính chị Đỗ Lan Hương, anh Tất Bình, Trần Nhượng… là những người đã dìu dắt tôi đến với công việc này. Khi thạo nghề rồi thì lồng tiếng lại là công việc chính của tôi.
Đến năm 1994, chương trình Văn nghệ Chủ nhật ra đời, chính chị Đỗ Lan Hương rủ tôi cùng tham gia phim "Mẹ chồng tôi" của đạo diễn, NSND Khải Hưng. Ngày đó, cứ công việc gì làm được ra tiền để cải thiện đời sống thì tôi đều làm. Các công việc liên quan đến phim ảnh như: tổ chức sản xuất, lồng tiếng, phó đạo diễn nhắc vở, lo phục trang đạo cụ… tôi đều đã kinh qua.
Tôi bắt đầu bén duyên với công việc lồng tiếng năm 1991, với bộ phim "Oshin". Và cuối cùng, chính công việc này lại mang đến tôi thu nhập tốt nhất. Thời đó, sân khấu bước vào thời kỳ thoái trào, không có khán giả nên diễn viên các nhà hát cũng phải "chân trong, chân ngoài" làm thêm để có thêm thu nhập. Đó cũng là lý do tôi nhận làm rất nhiều việc và làm không có thời gian nghỉ ngơi.
Ngày xưa, cố NSND Hoàng Dũng từng chia sẻ, những người làm công việc lồng tiếng mang lại thu nhập rất cao và giúp nhiều người đổi đời từ nghèo lên giàu?
- Đúng là thời đó công việc lồng tiếng rất "hot", vì Đài nhập về rất nhiều phim truyền hình dài tập để phát sóng, diễn viên biết lồng tiếng ở phía Bắc cũng không nhiều. Chúng tôi suốt ngày phải ăn ngủ trong phòng lồng tiếng để làm gối đầu các phim truyền hình dài tập cho kịp "chạy" sóng. Thời đó tôi lại làm "bầu" lồng tiếng nữa nên suốt ngày phải trụ ở phòng thu, có việc gì còn giải quyết.
Đấy là giai đoạn chúng tôi tiêu tiền không phải nghĩ vì kiếm được kha khá. Nhưng đó cũng chính là giai đoạn anh trai của Lan Hương và anh trai của tôi đều bị bệnh nan y. Tất nhiên, chúng tôi không thể chi được toàn bộ tiền thuốc men, chữa bệnh cho anh mình nhưng cũng có một ít để hỗ trợ. Có những thời điểm khó khăn, anh nào cũng cần tiền để chạy chữa, chúng tôi phải dốc hết cho các anh lo cho anh mình, đến mức không còn tiền để mua cho con bộ quần áo mới.
Tại sao ngần đó năm làm nghệ thuật, giữa anh với NSND Lan Hương – vợ anh rất ít khi đóng chung với nhau?
- Có lẽ từ khi tham gia phim ảnh đến nay thì phim "Nếp nhà" là phim duy nhất vợ chồng tôi đóng chung. Lần đó, ông em tổ chức sản xuất mời tôi tham gia phim với vai ông chồng nhưng tôi từ chối. Tôi bảo với cậu ấy rằng, vợ chồng đóng với nhau mà hay thì người ta lại bảo vợ chồng chẳng lẽ lại đóng không hay; mà dở thì người ta lại bảo vợ chồng mà đóng thế kia thì… hỏng. Nhưng cậu ấy đi tìm mấy bận mà vẫn không tìm ra được người đóng vai ông chồng nên quay lại năn nỉ tôi vì hôm sau phim phải quay rồi. Nghĩ bụng "chẳng lẽ thằng em nó ăn vạ mình mà mình không giúp" thế là nhận lời đóng. Trong phim có những cảnh trên giường âu yếm… tôi bàn với đạo diễn thay đổi lại kịch bản.
Nếu sau này có những kịch bản mời vợ chồng anh cùng tham gia, trong đó cũng có những cảnh gần gũi, riêng tư… anh có sẵn sàng nhận lời?
- Chuyện đó cũng lại phải tính. Tại vì giữa chúng tôi có một nguyên tắc, những gì của hai vợ chồng, chỉ hai vợ chồng biết, không nên để bàn dân thiên hạ biết. Trong những cuộc sinh hoạt đông người, mọi người xem hình ảnh thì đều thấy, chúng tôi chưa hề có một bức ảnh nào ôm ấp nhau, tình tứ nhau cho ra vẻ vợ chồng cả. Vợ chồng đâu phải lúc nào cũng kè kè bên nhau, phải ôm ấp nhau mới là hạnh phúc.
Song hành với nhau từ thuở hàn vi, bây giờ đã lên ông, lên bà nhưng vẫn luôn bên cạnh nhau như hình với bóng. Điều gì khiến vợ chồng anh không bao giờ biết chán hoặc có những sự giận hờn?
- Có những lúc đài truyền hình mời chúng tôi lên trò chuyện, họ tách vợ chồng riêng ra để hỏi một câu giống nhau xem hai người có trả lời giống nhau không, kết quả là chúng tôi trả lời không khác nhau chút nào. Ngồi lý giải chuyện như thế này rất khó, vì chúng tôi nghĩ thế nào thì nói ra thế ấy. Nhưng phải thừa nhận, ở với nhau lâu đâm ra giống nhau. Và chúng tôi là giúp nhau càng hoàn thiện và tích cực lên.
Có một điều giúp chúng tôi tránh được va chạm trong cuộc sống hàng ngày đó là khi ai đó có gì chưa ổn, người kia sẽ nhắc nhở ngay. Người được nhắc nhận ra điều chưa ổn của mình thì cũng phải sửa ngay.
Một điều nữa, bây giờ có rất nhiều người đàn ông, giữa đám đông cứ thích mình oai hơn, hiểu biết hơn vợ. Họ cứ nghĩ đó là điều hay. Nhiều người còn mỉa mai tôi: "Ông xem thế nào, vợ Nghệ sĩ Nhân dân rồi mà ông mới chỉ là Nghệ sĩ Ưu tú", tôi bảo: "Chả sao cả, bình thường". Vì thực tế, từ ngày xưa tôi đã nói với vợ: "Nghề của mình tuổi thọ không cao, tuổi thọ làm nghề của phụ nữ cũng không dài bằng đàn ông. Vì thế, em cứ về đích trước đi, anh về sau cũng chẳng sao cả. Anh xem thành công của em là thành công của anh". Bây giờ cũng thế, vợ nghỉ hưu nhưng đi làm suốt ngày, nhà chỉ còn tôi với mẹ vợ, tôi vẫn rất vui vẻ và lấy đó làm chuyện thường tình.
Cảm ơn NSƯT Đỗ Kỷ về những chia sẻ!
No comments