Cuộc sống đơn thân, ở nhà thuê của nghệ sĩ Bạch Long - anh trai Thành Lộc vừa được phong tặng Nghệ sĩ Ưu tú
Từng được cả nước biết tới với vai Tôn Ngộ Không
Ngày 10/10, QĐ số 1173/QĐ - CTN đã được ban hành, công bố danh sách 102 nghệ sĩ được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. Trong số các gương mặt thuộc làng kịch phía Nam có tên của nghệ sĩ Bạch Long, gương mặt quen thuộc với nhiều thế hệ khán giả.
Nghệ sĩ Bạch Long tên thật là Nguyễn Thanh Tùng. Nam nghệ sĩ sinh năm 1959 trong gia đình giàu truyền thống nghệ thuật, với cha là NSND Thành Tôn, mẹ là NSND Huỳnh Mai và các chị em là Bạch Liên, Bạch Lý, Bạch Lê, Bạch Lựu, Thành Lộc. Nhờ đó, Bạch Long sớm được kế thừa năng khiếu nghệ thuật từ cha mẹ.
Theo lời kể của nghệ sĩ, thuở nhỏ ông khá ốm yếu nên cha mẹ ông phải đem đi "cho" để nhờ nuôi hộ. Ban đầu, Bạch Long được gửi cho một bà cô ruột của ba và nhận bà làm mẹ nuôi. Cũng bởi vậy, tuy là anh em ruột, nhưng hai nghệ sĩ Bạch Long và Thành Lộc không ở chung nhà. Dù vậy, họ rất thân thiết và gắn bó.
Ngay từ ngày nhỏ, nghệ sĩ Thành Lộc đã rất yêu thích ca hát. Do cha không ủng hộ, anh thường phải lén lén ra chơi cùng anh trai Bạch Long rồi đóng giả sân khấu. Hai anh em đang diễn thì thấy ba cầm roi ra tìm, nên cứ phải lén trốn đi.
Nghệ sĩ Bạch Lộc lên sân khấu từ năm 10 tuổi với người thầy đầu tiên là cố nghệ sĩ Minh Tơ (cha của cố NSND Thanh Tòng). Năm 1982, Bạch Long nhận vai Thánh Gióng trong vở "Phù Đổng Thiên Vương", và đây cũng chính là vai diễn đã ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả. Tiếp đó, Bạch Long còn thành công với các vai diễn võ tướng như Trần Quốc Toản, Phạm Cư Chích, Quách Thái Thọ…
"Năm 1992, cả nước bắt đầu biết tới nghệ sĩ Bạch Long khi tôi vào vai Tôn Ngộ Không. Giống như bên Trung Quốc thì có Lục Tiểu Linh Đồng, còn ở Việt Nam thì có Bạch Long vậy đó…" - nghệ sĩ Bạch Lộc từng chia sẻ.
Trong khi Thành Lộc gặp nhiều thuận lợi trong sự nghiệp, nghệ sĩ Bạch Long lại nhiều lận đận với nghề. Có giai đoạn anh thất nghiệp suốt 4 năm, phải sống nhờ sự giúp đỡ của học trò, đồng nghiệp. Vì thương anh, Thành Lộc nhiều lần gợi ý giúp đỡ, đưa về chung sống cùng nhưng Bạch Long từ chối. Nam nghệ sĩ cho biết mình không muốn là gánh nặng của em trai.
Từ những năm 2000, Bạch Long chính thức chuyển sang lĩnh vực kịch nói. Anh về sân khấu Idecaf và gắn bó với các vở chính kịch, hài kịch, kịch thiếu nhi suốt nhiều năm qua. Bạch Long cũng tiếp nối con đường sư phạm khi công tác giảng dạy tại trường Sân khấu Điện ảnh TP.HCM.
4 mối tình dang dở và cuộc sống đơn thân ở tuổi 64 của nghệ sĩ Bạch Long
Trong cuộc đời, nghệ sĩ Bạch Long từng có 4 mối tình sâu đậm và cũng để lại cho anh nhiều vết thương lòng. Năm 20 tuổi, anh có mối tình đầu đời khi quen một người hâm mộ. Cả hai quen nhau bốn năm thì mẹ nuôi Bạch Long bệnh nặng, cô gái đưa tiền để anh để chữa bệnh cho mẹ nuôi. Đến ngày mẹ nuôi Bạch Long mất, ba cô gái xuất hiện và hỏi Bạch Long: “Cậu lấy con tôi thì cậu lấy gì nuôi nó”. Bạch Long cảm thấy bản thân không đủ tự tin nên chia tay.
Năm 31, Bạch Long quen một cô thợ may ở đường Nguyễn Trãi TP. HCM. Đây cũng là fan nữ của nam nghệ sĩ. Cô ái mộ vai diễn Phạm Cự Trích của anh trong vở “Bão táp Nguyên Phong”. Bạch Long ở một mình nên mỗi năm vào đêm giao thừa, anh thường đến nhà người yêu dọn dẹp, lau nhà, dọn dẹp bàn thờ, cúng kiếng rồi chở cô ấy đi chùa. Tuy vậy, một thời gian sau, cô bất ngờ giới thiệu với anh chồng sắp cưới.
Mối tình thứ ba khiến Bạch Long khắc cốt ghi tâm chính là yêu người đẹp cao 1,7m. Quen nhau được một thời gian thì Bạch Long phát hiện cô gái đã có chồng nhưng không được hạnh phúc và sống ly thân trong thời gian quen nghệ sĩ. Anh quyết định chia tay để tránh rắc rối cho đôi bên.
Mối tình thứ tư là mối tình với Bạch Long là "lãng nhách" nhưng vẫn ghi dấu trong tim anh. Trong ngày sinh nhật của người yêu, anh mua chiếc nhẫn hình con rắn để tặng vì cô gái tuổi Tỵ. Bạch Long dặn người yêu nếu đeo không vừa thì ra tiệm vàng đổi. Ai ngờ, cô gái đổi nhẫn xong lấy luôn anh chủ tiệm vàng.
Ở tuổi 64, nghệ sĩ Bạch Long vẫn sống một mình, nam nghệ sĩ thuê một căn nhà nhỏ để sinh sống. Nghệ sĩ Bạch Long nói, anh lựa chọn cuộc chọn sống an phận với cuộc sống không nhà cửa, vợ con, chỉ mong không bị bệnh tật hành hạ những ngày tháng cuối đời như nhiều đồng nghiệp.
No comments