Người đi từ Sông Thao náo nức
Thông qua những tác phẩm đó thấy ông không chỉ nặng lòng với văn hóa dân gian mà đâu đó thấp thoáng những gợi ý mang tính định hướng.
Hoàng Tiến Thắng – Nhà giáo
Đúng là tới năm 2007, khi đã 53 tuổi, ông Hoàng Tiến Thắng mới chính thức thành nhà giáo. Ông được trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội mời làm giảng viên Khoa Thiết kế mỹ thuật (TKMT). Cứ nghĩ là muộn song không ngờ "chậm nhưng mà chậm chắc", bởi từ năm 1980, sau khi tốt nghiệp Khoa Thiết kế mỹ thuật của trường Nghệ thuật sân khấu, anh sinh viên mới ra trường Hoàng Tiến Thắng về công tác tại Sở VHTT tỉnh Vĩnh Phú (nay tách ra là tỉnh Phú Thọ). Lý do mà ông lên "rừng cọ đồi chè" công tác là ông có quê gốc ở làng Đông Tảo, một làng quê thuộc huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, làng nổi tiếng với giống gà chân to từng được coi là gà "tiến vua" nhưng sinh ra và lớn lên trên "Đất Tổ Vua Hùng". Ông Thắng cho biết: "Hồi kháng chiến chống Pháp cha mẹ tôi công tác ở Chiến khu. Các cụ hợp duyên trên đó và sinh ra tôi. Thành thử tôi ngoài quê gốc ra còn có quê sinh thành nữa. Hai quê ông ạ".
Nhà nghiên cứu văn hóa Hoàng Tiến Thắng. (Ảnh: Tác giả cung cấp)
Mới chân ướt chân ráo tới nơi công tác thì anh họa sĩ thiết kế trẻ được tham gia làm thiết kế sân khấu cho vở chèo "Hận Thành Loa" do Đoàn chèo Vĩnh Phú dàn dựng để tham dự "Hội diễn sân khấu toàn quốc 1980". Rồi năm sau lại làm thiết kế cho vở cải lương "Khu tối mật" cho Đoàn Cải lương Hùng Vương, Vĩnh Phú. Với cái vốn ban đầu nhưng cũng thành công ấy mà sau đó tuy công tác ở Phòng Thông tin cổ động của Sở hay ở Nhà văn hóa tỉnh thì ông vẫn tham gia làm TKMT cho các đoàn nghệ thuật của tỉnh, với những vở như "Tình yêu của Yến Hoa", "Lôi Vũ"... Công việc TKMT cứ gọi là túc tắc ấy vậy mà cũng đủ kiến thức và kinh nghiệm cho ông trước khi bước vào làm "ông thầy" dạy môn Lịch sử tạo hình của trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội.
Ông Hoàng Tiến Thắng bằng kinh nghiệm thực tế của mình và bằng cảm quan giảng dậy đã quan niệm rằng: Tuy cùng học Lịch sử tạo hình bằng giáo trình của trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam nhưng đối với sinh viên chuyên ngành nghệ thuật sân khấu cần có những điều chỉnh cho phù hợp. Nếu như các họa sĩ tốt nghiệp các trường mỹ thuật sẽ cho ra những phẩm có tính độc lập thì sự sáng tạo của họa sĩ TKMT lại nằm trong một loại hình nghệ thuật tổng hợp.
Việc TKMT một vở diễn, một bộ phim, không chỉ là tạo dựng không gian, thiết kế phục trang hay hóa trang. Mà thông qua tác phẩm của mình, họa sĩ TKMT khẳng định được vai trò là một thành tố trong nghệ thuật sân khấu, điện ảnh. Ngôn ngữ tạo hình trong TKMT cho tác phẩm sân khấu, điện ảnh có yêu cầu đặc thù bởi nó phải tuân thủ những quy đình bắt buộc phục vụ cho mục đích tốt cao của vở diễn, của bộ phim. Đối với những tác phẩm sân khấu, điện ảnh thể hiện đề tài lịch sử thì vai trò của người họa sĩ TKMT càng đòi hỏi sự nghiêm túc và những kiến thức sâu sắc về văn hóa, về lịch sử, để tạo dựng không gian, thời gian cụ thể. Trong thực tế đã từng có những vở diễn, có bộ phim nhận được những phản ứng trái chiều của dư luận, công chúng về tính chính xác lịch sử thông qua kiến trúc và trang phục.
Theo như ông Thắng thì: Đành rằng nghệ thuật có hư cấu nhưng nhất thiết phải dựa vào những kiến thức lịch sử được ghi nhận. Khái niệm ước lệ đối với TKMT Sân khấu cũng như Điện ảnh yêu cầu tôn trọng lịch sử. Do đó các sinh viên của trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh rất cần và phải được nắm chắc về đặc điểm kiến trúc của các thời đại, của các quốc gia, các dân tộc.
Ông Thắng có chút trăn trở: "Giá như các sinh viên của trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh có điều kiện trang bị thêm một số kiến thức về Lịch sử - Văn hóa nữa thì tốt". Những trăn trở của ông cũng đáng để suy ngẫm. Tôi đế theo: "Như bộ phim gì gì đấy đang bị thiên hạ kêu rầm rĩ phải không ạ". Ông Thắng cười: "Vốn văn hóa đầy đặn sẽ giúp các nghệ sĩ nói chung, họa sĩ TKMT nói riêng bản lĩnh hơn trong sáng tạo nghệ thuật. Do đó sinh viên khi ngồi trên ghế nhà trường phải tiếp thu kiến thức cho thật chắc, thật vững thông qua người thầy cùng khả năng tự học của mình".
Hoàng Tiến Thắng – Nhà nghiên cứu văn hóa
Ông Hoàng Tiến Thắng cho hay: "Hồi còn làm cán bộ văn hóa ở địa phương có lần tôi được đọc một số văn bản nói về bài trừ mê tín dị đoan. Văn bản nêu như một "mệnh lệnh" mà không hề cho thấy mê tín dị đoan là như thế nào?". Thế là từ đó ông đã tâm niệm muốn bài trừ mê tín dị đoan thì trước tiên là cần phải hiểu, phải biết về mê tín dị đoan. Có vậy mới có cách làm đúng chứ không thể cứ thấy khói hương cúng bái là mê tín dị đoan.
Văn hóa dân gian cũng như các tục, tục lệ và nghi thức dân gian, nghi thức truyền thống ở nước ta rất đa dạng, rất nhiều hình thức. Còn nhớ có dạo do chuyện hầu đồng bị "liệt" vào dạng mê tín dị đoan nên môn nghệ thuật chầu văn bị cấm đoán. Ông Thắng tâm sự: "Hiểu rồi. Biết rồi. Mới có thể có được những kiến nghị đề xuất và biện pháp hợp với tinh thần của người dân, hợp với văn hóa tín ngưỡng của dân tộc và từ đó có định hướng lành mạnh.
Tôi đã từng đọc nhiều bài viết của Nhà nghiên cứu văn hóa Hoàng Tiến Thắng được ông công bố rải rác trên các báo và tạp chí (ông là cộng tác viên chuyên ngành văn hóa cho một số báo và tạp chí). Ví dụ như trong bài "Bản sắc văn hóa Việt tại các đền, đình, chùa" ông đã viết: "Trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, không chỉ thuần túy là lòng dũng cảm và ý chí bất khuất mà còn cần đến sức mạnh tiềm tàng của tri thức. Để có được điều này ông cha chúng ta đã phải rất bản lĩnh trong quá trình hội nhập và tiếp biến văn hóa với các nước xung quanh đặc biệt là những nước lớn. Sự tiếp thu có chọn lọc những tư tưởng triết học và văn hóa phương Đông, đã giúp người Việt có cơ sở để xây dựng cho mình một nền văn hóa độc đáo đậm đà bản sắc dân tộc".
Hoặc như trong bài "Rằm tháng Giêng và quá trình tiếp biến văn hóa" ông đã khẳng định: "Một giá trị nhân văn nữa mà lễ cúng rằm tháng Giêng có được trong quá trình Việt hóa, là sự gắn kết bền vững giữa các thành viên trong mỗi gia đình khi đứng trước ban thờ gia tiên, nhớ đến công đức của các bậc sinh thành, nhớ về cội nguồn".
Tôi nói đùa với ông Thắng: "Ngay cả ở lĩnh vực có tính nghiên cứu lý luận mà vẫn thấy bóng dáng của một người thầy. Nghĩa là biết đúng, hiểu đúng rồi thì nên nói cho mọi người cùng biết".
Hoàng Tiến Thắng – Nhà văn chiến sĩ
Ông Hoàng Tiến Thắng cho hay: "Về hưu rồi tôi mới có thời gian để nhớ lại và để viết về đồng đội mình". Nói rồi ông đứng dậy lấy tặng tôi cuốn tiểu thuyết "Lính trận Tây Nguyên", NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2019. Ông bảo: "Tôi viết về chính cuộc chiến đấu nơi chiến trường Tây Nguyên của sư đoàn 320 của tôi ông ạ". Được biếtc, trước đó ông đã in 2 tập truyện ngắn, đó là "Trận chiến trên cánh sóng" và "Chiếc vòi phun thời @", cả 2 tập truyện ngắn này ông cũng in ở NXB Hội Nhà văn, một tập in năm 2016 và một tập ra mắt năm 2019.
Một số tặng thưởng vì thành tích trong chiến đấu của chiến sĩ Hoàng Tiến Thắng. (Ảnh: Tác giả cung cấp)
Ông Thắng kể: "Năm 1971 tôi nhập ngũ sau mấy tháng huấn luyện tân binh thì tôi tạm biệt thị xã Phú Thọ yên ắng nép bên "Sông Thao náo nức sóng dồi/ Ai về Hà Nội thì xuôi cùng thuyền" để cùng đội hình sư đoàn 320 vượt Trường Sơn vào mảnh đất Tây Nguyên đại ngàn".
Ông đã sống và chiến đấu ở chiến trường gian khó này suốt từ năm 72 cho tới khi cùng đại quân ta rầm rập tiến về giải phóng Sài Gòn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ông đã kể cho tôi nghe về trận đánh cuối cùng hôm 29 tháng 4 năm 1975. Trận đánh ấy khá cam go bởi sư đoàn 25 quân đội Sài Gòn quyết "tử thủ". Để giành thắng lợi cuối cùng đã có gần 200 chiến sĩ Sư đoàn 320 Quân đoàn 3 anh dũng hy sinh, khi chỉ cách ngày toàn thắng chưa đầy 24 tiếng.
Hiện được biết ông đang viết và ấp ủ viết tiếp những câu chuyện chiến đấu mà ông đã tham gia, đã chứng kiến. Ông xúc động nói: "Nhiều đồng đội của tôi đã không có được cơ hội reo mừng thắng lợi. Họ đã ngã xuống trước bình minh". Tôi nói góp: "Mong sớm được đọc tiểu thuyết "Ngã xuống trước bình minh". Đúng là một sự hy sinh không có gì có thể đắp đổi được".
No comments