Kể chuyện làng: Làm sao quên được những trận mưa lũ quê tôi - TIN TỨC GIẢI TRÍ

Breaking News

Kể chuyện làng: Làm sao quên được những trận mưa lũ quê tôi

Sinh ra ở làng quê nghèo Trạch Phổ (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) thuộc vùng thấp trũng, người dân quê tôi ngoài việc lo chuyện cái ăn cái mặc còn canh cánh trong lòng nỗi lo mùa bão lụt. Nhìn đàn kiến vội vàng nối nhau tha mồi, rồi chuồn chuồn bay thấp, hoa tời lời nơi bờ tre nở… là biết lũ lụt sắp kéo về.

Lớn lên giữa khúc ruột miền Trung nắng lắm mưa nhiều, trong ngăn kéo ký ức tuổi  thơ, những đứa trẻ con nghèo quê tôi còn giữ mãi nhiều kỷ niệm buồn vui. Nhớ và ám ảnh nhất là những lần mưa bão tràn về. Ừ, thì mãi còn đó ký ức về trận lụt năm 1983, trận bão năm 1985 và đặc biệt là trận lụt thế kỷ năm 1999 ở miền Trung.

Kể chuyện làng: Làm sao quên được những trận mưa lũ quê tôi - Ảnh 1.

Bão lụt ở quê tôi. Ảnh: Trần Văn Toản

Nhớ trận lụt năm 1983 khủng khiếp. Lúc đó, tôi còn là cậu bé học lớp 5 trường làng. Buổi sáng đi học về, bất ngờ nước cuộn chảy lên quá nhanh. Tôi cùng thằng Tèo, thằng Quang cởi truồng, lấy áo quần bọc sách vở đội trên đầu mà lội qua đoạn có cống nước chảy xiết phía trước nhà họp của xóm. Nước lên ngang ngực, ngợp quá, thằng Quang bị nước tống mạnh, nó nghiêng người và bọc áo quần sách vở bị nước cuốn trôi. Lội lên được nhà họp của xóm, mặt tái mét, vừa lạnh, vừa sợ, cả ba đứa khóc mếu máo.

Chao ôi! Chẳng mấy chốc những ngôi nhà tranh lọt thỏm giữa biển nước mênh mông. Bố tôi bồng bế các anh em tôi lên trên cái tra đựng lúa (người dân quê tôi hầu như nhà nào cũng có cái tra. Vài tấm ván hay vài khúc tre ghép lại với nhau đặt gần dưới nóc nhà để đặt từng bao lúa khi thu hoạch). Đây vừa là nơi chứa lúa để ăn dần trong năm, vừa là nơi trú lụt khi nước chảy vào nhà và dâng cao. Cơn lũ năm đó kéo dài từ ngày 28/10 đến 1/11. 

5 ngày bữa có bữa không, bụng đói meo. Lụt, tuổi thơ chúng tôi thì hồn nhiên yêu thích vì được vén quần lên tận bẹn mà lội nước, mà chơi trò đua thuyền lá; rồi tắm mưa; cất rớ hay được chèo ghe quanh xóm, quanh làng khi nước bắt đầu rút. Còn người lớn như bố mẹ, ông bà thì nẫu ruột nẫu gan. Mỗi lần nhìn mưa giăng, nước lại dâng nhanh, mẹ tôi than thở: "Lạy ông, đừng mưa nữa. Ngang nớ được rồi ông ơi!"(ông trời). Lụt đi qua, bố tôi bật chiếc ra-đi-ô ấp chiến lược màu đỏ dùng pin nghe thời sự. Nhiều năm sau đó, cứ mỗi mùa mưa lũ về, bố tôi lại nhắc đến hậu quả trận lụt năm 1983 đầy ám ảnh… 

Cơn lũ ùa về, cả tỉnh có 2.100 ngôi nhà bị sập, 252 người chết, 115 người bị thương, 1.151 ngôi nhà bị nước cuốn trôi. Đó là trận lụt lớn đầu tiên mà tôi chứng kiến được khi tôi lên mười. Nước rút, xóm làng xơ xác. Cả xóm tôi cùng đến chia buồn với nhà chú Dưng có đứa con vừa qua đời trong trận lụt. Tiếng khóc xé lòng xé ruột. Nhìn cảnh đó, mắt tôi cay xè. 40 năm đã đi qua, vợ chồng chú Dưng đã ngoài 70, nhưng nỗi đau mất con thì vẫn cứ đọng mãi trên khóe mắt buồn.

Kể chuyện làng: Làm sao quên được những trận mưa lũ quê tôi - Ảnh 2.

Tình người sau bão lụt. Ảnh: Trần Văn Toản

Tốt nghiệp cấp 3, tôi trúng tuyển vào Đại học Sư phạm. Rời mái trường huyện, tôi lên phố trọ học. Ra trường, tôi được phân công về dạy ở trường Quốc Học Huế. Tôi được nhà trường cho ở trong một căn phòng nhỏ của khu tập thể giáo viên, đối diện với cư xá học sinh. Trận lụt lịch sử 1999 xảy ra đầu tháng 11. Tôi nhớ mãi sáng ngày 2/11/1999 đó, khi tôi đang chuẩn bị lên lớp thì em Tuệ ở phòng 3 cư xá hốt hoảng gõ cửa: "Thầy ơi, nước tràn vào sân trường rồi!".

Chưa đầy 2 tiếng sau, nước chảy mạnh, lên cao. Tất cả giáo viên và học sinh đang ở trong khu tập thể í ới gọi nhau lên tầng 2 của trường để tá túc. 11 giờ trưa, điểm danh xem còn em nào chưa lên được không. 4 ngày trôi qua, thầy trò chia nhau từng gói mì tôm, từng bát cơm nấu bằng bếp dầu khi nhão, khi cháy. Đói, mệt và lo lắng. Ngày dài lê thê. Đứng trên tầng 2 nhìn xuống sân trường, nước mênh mông. Nước ngập hàng điệp anh đào, nước ngập tất cả lối đi. 

Đêm, trong bóng tối, thầy trò ngồi bên nhau kể đủ thứ chuyện; rồi nghêu ngao hát… cho quên đi cái bụng đang đói cồn cào, cho đêm qua mau để vơi đi nỗi sợ. Đình Vũ, cậu học sinh lớp chuyên Toán tiếc nuối vì quyển sách vừa mua chưa kịp đọc bị xé từng trang khi nước vào phòng cư xá; Thanh Hồng lớp chuyên Văn thì cứ khóc thút thít vì lo không biết bố mẹ ở quê thế nào. Quanh nồi cơm thiếu lửa, thầy trò ngồi ăn ngon lành. Những chiếc bàn học bây giờ được kê sát nhau làm thành tấm phản để ngả lưng qua đêm. Chưa bao giờ tình cảm thầy trò gần gũi, thân thương như lúc này.

Đưa mắt về hướng bắc, quê nhà tôi ơi! Nước chắc phải lên quá cửa sổ... Bố mẹ tôi, 3 em nhỏ sau tôi đang trốn lụt ở đâu, có gì ăn không?… Lòng tôi như lửa đốt.

Kể chuyện làng: Làm sao quên được những trận mưa lũ quê tôi - Ảnh 3.

Những con đường nước ngập lối đi. Ảnh: Trần Văn Toản

Ngày 5/11 nước rút, thầy trò trở lại khu tập thể. Quyển giáo án viết bằng tay của tôi trộn với bùn non nhão nhoẹt trong phòng. Sách vở, đồ dùng của học sinh trong cư xá tả tơi như một bãi rác.

Cơn đại hồng thủy đi qua, bùn đóng thành lớp trên mái nhà, xác súc vật chết tấp hai bên đường, treo trên ngọn cây. Tôi và các em học sinh cuốc bộ quanh phố tận mắt nhìn thấy cảnh tượng hãi hùng sau cơn đại hồng thủy. Người chết vớt lên, người thân đến nhận mặt, những chiếc hòm gỗ đặt trước Đài tưởng niệm chiến sĩ trận vong tại thành phố Huế (quen gọi là Bia Quốc Học) làm thắt lòng người. Nghĩ lại giờ vẫn còn ám ảnh.

Kéo dài một tuần lễ, cả miền Trung (từ Quảng Trị đến Bình Định) chìm trong biển nước. Trận đại hồng thủy đã nhấn chìm 20 huyện, thị xã miền Trung, làm 595 người chết (riêng Thừa Thiên Huế có đến 372 người chết), 41.846 ngôi nhà, 570 ngôi trường bị sụp đổ và bị cuốn trôi. Tổng thiệt hại ước tính gần 3.800 tỷ đồng tính tại thời điểm đó. Những con số đó vẫn chưa nói hết nỗi đau thương mất mát. Bởi bao trùm lên là sự ra đi không bao giờ gặp lại của người thân bị lụt cuốn trôi hay có người bị chìm trong thác lũ khi phải cứu người gặp nạn.

Kể chuyện làng: Làm sao quên được những trận mưa lũ quê tôi - Ảnh 4.

Chiếc thuyền nhỏ dùng di chuyển quanh vườn khi lũ về. Ảnh: Trần Văn Toản

Đã hơn 20 năm cơn đại hồng thủy năm 1999 đi qua, nhiều thầy cô giáo cùng ở khu tập thể với tôi đã nghỉ hưu, các cô cậu học trò năm đó lên tầng 2 của trường chạy lũ cũng đã bước qua tuổi 40… nhưng  ký ức về những ngày chứng kiến xứ Huế chìm trong biển nước thì không thể nào quên.  Trong những lần gặp gỡ, ôn lại kỷ niệm nơi mái trường Quốc Học, rồi những ngày ở cư xá, thầy trò tôi không bao giờ quên nhắc lại câu chuyện chạy lũ, về nỗi kinh hoàng của cơn đại hồng thủy. 

Nhớ lại những bữa ăn cơm sống với muối rang, rồi đêm nằm co ro thiếu chăn, thiếu ấm, cả thầy cả trò còn rưng rưng xúc động. Hữu Khoa, cậu học trò học lớp 10 ở phòng 3 năm đó giờ đã có vợ và 2 con, đang lập nghiệp ở Sài Gòn, mỗi lần nghe tin Huế bị bão lụt lòng lại không yên. Khoa điện thoại, nhắn tin hỏi thăm tôi rồi thầy trò không quên nhắc mãi câu chuyện về những ngày đối mặt với trận lũ 1999 ở trường Quốc Học.

Bão lũ đi qua, bao đau thương mất mát. Ký ức về thiên tai, bão lũ là ký ức buồn, chẳng ai mong muốn. Nhưng cất giữ trong ký ức đó lại là những câu chuyện ấm áp nghĩa tình. Nhớ về những trận lụt thế kỷ để trân quý thêm bài học đạo lý sống tốt đẹp, kinh nghiệm về sự sẻ chia và cách phòng chống cũng như khắc phục thiên tai bão lũ cho muôn đời.

Miền Trung anh dũng, kiên cường; miền Trung nắng lắm, mưa nhiều; miền Trung gian nan với bao mùa mưa bão. Trong và sau dông bão đất trời, hơn lúc nào hết tình người tỏa sáng. Lúc này, nghe Quang Linh hát Thương về miền Trung,  nghe Vân Khánh hát Mắt buồn miền Trung mà thấm  thía, mà xót xa.

Thương nhớ miền Trung trải qua mùa bão lụt, quặn lòng đất mẹ nhọc nhằn chông gai, ta lại càng khâm phục ý chí con người miền Trung sau cơn bão lũ. Họ vẫn đứng lên, vẫn kiên cường với một niềm tin vững chắc: Vẫn biết ngày mai qua bão lũ/ Lá vẫn xanh cây quả ngọt cành/ Miền Trung – cây cột thu lôi  ấy/ Nhận hết bão giông lại phía mình (Bùi Hoàng Tám).        

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; điện thoại liên hệ: 0903226305.

                                              

No comments