Đọc sách cùng bạn: Sự sống là quan trọng nhất - TIN TỨC GIẢI TRÍ

Breaking News

Đọc sách cùng bạn: Sự sống là quan trọng nhất

Đọc sách cùng bạn: Sự sống là quan trọng nhất - Ảnh 1.

Cuốn tiểu thuyết "Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín" của nhà văn Nguyễn Một. (Ảnh: ST)

Đây là một cuốn tiểu thuyết viết về chiến tranh. Nguyễn Một tiếp cận chiến tranh từ góc độ người dân thường chứ không phải góc độ người lính. Anh không ở trong quân ngũ nên không có hiện thực chiến trường. Nhưng anh có hiện thực cuộc sống thời chiến ở quê hương mình (Quảng Nam) và ở trong chính gia đình, họ mạc, làng quê mình. Từ những sự kiện được thấy, được nghe, được biết, nhà văn đã nhào nặn thành một tác phẩm văn chương để nói về chiến tranh theo cách diễn giải của mình.

TỪ GIỜ THỨ SÁU ĐẾN GIỜ THỨ CHÍN

Tác giả: Nguyễn Một

Liên Việt & Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2023

Số trang: 335 (khổ 15,5x23,5cm)

Số lượng: 2000

Giá bán: 198.000đ

Trục tác phẩm đi theo quan hệ của hai người trẻ có thể coi là nhân vật của cuốn tiểu thuyết: Sơn và Diễm. Cả hai đều sinh vào giữa những năm 1950 và bắt đầu lớn lên trong thời kỳ chiến tranh bùng nổ và diễn ra ác liệt. Sơn từ quê Quảng Nam được cha mình là ông Trần Ruộng gửi vào Đồng Nai trọ học tại nhà ông Trần Văn Duy, một người thân, một người anh nuôi của cha. Sứ mệnh người cha trao cho người con khi rời nhà là bằng bất cứ giá nào cũng phải trốn lính, không được đi lính cho bên nào cả, phải giữ toàn thân để có người nối dõi về sau. Bởi trước Sơn là bốn người anh trai đã đi lính cho cả hai bên: anh Hai và anh Tư theo Việt Cộng, anh Ba và anh Năm theo Quốc gia. Cha Sơn sợ bốn người con trai này sẽ đều bị chết trong các cuộc giao tranh giữa hai bên. Và kết cuộc ba người đã chết (anh Ba, anh Tư, anh Năm). Anh Hai thì sống sót, nhưng khả năng duy trì nòi giống không còn.

Diễm là con gái của ông chủ nhà Sơn trọ học. Giữa cô nữ sinh trung học xứ Đồng Nai xinh đẹp và cậu trai làng miền Trung đã phát sinh tình cảm từ sớm. Bố Diễm là sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Anh trai của Diễm (Hai Tâm) cũng vô lính dù. Diễm là cô gái theo đạo. Mối tình của Sơn và Diễm lớn dần theo thời gian, vượt qua những trắc trở trong cuộc sống thời chiến. Nhưng theo đà cuộc chiến đến hồi kết thúc, rồi kết thúc, cuộc tình này đã tan vỡ. Diễm vượt biên và lấy chồng là người đã từng theo đuổi mình trước đây. Sơn dù không muốn dính líu với bên nào nhưng thời thế xô đẩy đã thành một quan chức ở Hà Nội trong bộ máy của bên thắng cuộc với một cuộc hôn nhân không hạnh phúc cho đến khi anh quyết định thành thật với mình và tổ chức từ bỏ tất cả chức vụ trở về quê làm một người dân thường.

Bởi trong sâu thẳm tâm hồn mình Sơn là một chú bé nhà quê gắn bó với ruộng đồng, với đàn trâu thân quen như những người bạn. Trong những câu chuyện Sơn tâm sự với Diễm đều là những chuyện về quê nhà, về đàn trâu có tên con Pháo, con Xanh, con Cò, đặc biệt là về con Pháo – con trâu trắng lẻ loi, cô độc trong đàn, không ai muốn nuôi vì theo phong tục nuôi trâu trắng dễ sinh họa. Với Diễm những câu chuyện đó của người yêu gợi sự tò mò, lạ lẫm, thích thú vì cô sống ở thành thị, chưa bao giờ biết đời sống thôn quê. Nhưng với Sơn đó là niềm vui sống, là khát vọng được sống với đất đai, đồng ruộng trong cảnh thanh bình, không chiến tranh. Anh muốn cảnh sống tự nhiên giữa thiên nhiên như của những người dân Thượng ở sóc Bưng Sê mà anh bị bắt vào trên đường trốn lính (tr. 188). Khát vọng sống đó cũng là của cả gia đình Sơn. Bố anh, ông Trần Ruộng vốn là tá điền làm thuê đã được ông nội Diễm đổi lại tên thành Trần Viết Điền. Đến lượt mình ông bố đã đặt tên cho năm người con trai những cái tên đều gắn với đất đai: Viên (anh Hai), Trì (anh Ba), Giang (anh Tư), Thuỷ (anh Năm) và Sơn (cậu Út).

Chiến tranh đã quét lưỡi hái thần chết trên khắp đất đai xứ sở. Nó hạ gục một cách tàn nhẫn, lạnh lùng, thản nhiên những người dân thường. Rất nhiều những cái chết không hiểu từ đâu đến, do ai gây ra được kể trong cuốn tiểu thuyết này của Nguyễn Một. Đạn bắn từ bên nào đến thì cũng găm vào da thịt người, cũng đốn ngã những thân người, cũng cướp đi những sinh mạng người. Chiến tranh mà! Chiến tranh là thế! Đến cả những người cầm súng của bên này hay bên kia khi ngã xuống cũng đều là nằm xuống đất, vùi trong đất như mọi sinh linh khác, dù họ có được bên này vinh danh là "hy sinh vì tổ quốc" và bên kia là "tận nghĩa với quốc gia".

Đây là đoạn nhà văn kể về cái chết của ba người anh của Sơn thuộc hai bên chiến tuyến. "Viên sĩ quan quay lại ra lệnh và những người lính Chung Sự nhanh chóng liệm hai quân nhân đồng đội của họ. Sau khi liệm xong hai đồng đội, họ ngần ngừ với thi hài của anh lính Việt Cộng, người con thứ tư của ông Ruộng. Thượng sĩ Lê Lý kéo viên sĩ quan nói chuyện riêng, sau đó viên sĩ quan ra lệnh cho những người lính liệm cả thi hài của anh lính Việt Cộng bỏ vào hòm của những người dân mang tới. Sau khi kê hai ghế sắt, họ để ba chiếc hòm trước nhà lấy hai cờ vàng ba sọc đỏ phủ lên hai chiếc hòm, còn cái thứ ba để trống. Họ đứng hai bên quan tài. Viên sĩ quan khấn vái xong, những người lính đưa súng lên và bắn loạt đạn tiễn biệt đồng đội. Viên sĩ quan chia sẻ việc chính phủ và quân lực Việt Nam Cộng Hòa ghi nhận công lao của ông bà Trần Viết Điền, gởi cho ông thư mời lên tiểu khu nhận tiền trợ cấp tử tuất một lần, tiền dưỡng lão ông bà hàng tháng." (tr. 219 - 220). 

Đó là phía quân đội của anh Ba và anh Năm. Còn phía quân đội của anh Tư: "Đêm ấy những đồng đội của liệt sĩ Trần Viết Giang cũng lén từ khu tháp Chàm về thắp hương cho anh. Không có lá cờ Mặt Trận lớn chỉ có lá cờ nhỏ đặt lên đầu hòm và người chỉ huy quân du kích cũng trao cho ông bà Trần Điền tờ giấy viết tay công nhận con ông bà là liệt sĩ, hẹn đến ngày miền Nam được giải phóng sẽ ghi công. Ông Ruộng cũng tiếp đón họ như những người lính Việt Nam Cộng Hòa." (tr. 221). Họ đã được quân đội của mình tiễn biệt với tư cách người lính. Nhưng trong mắt dân làng cả ba người bị chết đều là nạn nhân của chiến tranh. Bởi vì cả ba là anh em ruột trong một nhà, là những người quen biết trong làng trong xóm. Ba và Năm vẫn biết cha mình có tiếp tế cho phía bên kia, và khi biết anh Hai bị thương cần chạy chữa họ vẫn đưa thuốc men về cho cha để giúp anh. Chiến tranh đã xô đẩy những con người máu mủ ruột rà dạt về hai phía chĩa súng vào nhau.

Trong hoàn cảnh thời thế đó Sơn muốn làm người ở giữa hai bên theo ý cha mình là một sự lựa chọn dường như bất khả thi. Việc tác giả để Sơn làm nhân vật kết nối, dẫn chuyện là một cách viết. Nhưng chính thái độ thụ động, cam chịu của Sơn trong cuộc chiến như cũng có một ý đồ tư tưởng của nhà văn. Con người không chọn để được sinh ra, nhưng nó được quyền chọn cái sống khi đã sống ở đời, chứ không phải chọn phe phái. Sơn đã bị chiến tranh xô đẩy và đè bẹp. Cuộc đời Sơn đã bị chiến tranh tước đoạt ý nghĩa sống. Đó có phải cũng là thân phận đất nước?

Lỗi tại chiến tranh. "Chiến tranh là gian trá mà! Dân tộc ngu ngốc mới để chiến tranh xảy ra. Chiến đấu cái gì, quê hương cái gì? Vô nghĩa hết! Sự sống là quan trọng nhất!" (tr. 38). Đó là lời ông Tư Duy nói với con trai Hai Tâm hăng máu đòi ra trận bên phía Quốc Gia. "Thằng Sơn không theo Mỹ, cũng không theo các anh, nó không theo ai cả. Anh để nó lại lo hương hỏa cho chúng tôi. Anh đi đi, đừng lôi thôi!..." (tr. 50). Đó là lời ông Ruộng nói với con trai Hai Viên khi người anh định kéo người em theo về phía Việt Cộng.

Cuối cùng nguyện ước của ông Ruộng đã được đền đáp. Từ Mỹ, Diễm gửi một lá thư cho Sơn báo tin anh đã có một đứa con trai nối dõi cho ông bà – kết quả của lần chia tay cuối cùng giữa hai người trước khi Diễm vượt biên. Đứa con trai được Diễm đặt tên là Trần Viết An Đông như tâm sự của Sơn hồi hai người còn yêu nhau muốn sau này có con sẽ cho con mang tên làng mình. Đứa con đó được Thành chồng Diễm chấp nhận và nuôi nấng. Cái kết này về mặt nghệ thuật có vẻ đột ngột, như kiểu "kết thúc có hậu", nhưng về mặt nội dung tinh thần lại như là một ý gửi gắm của tác giả. Chiến tranh giày xéo đất đai, huỷ diệt sự sống, nhưng sự sống vẫn tiếp diễn. Sự sống sẽ lại được phục sinh.

Bởi tất cả sự hung bạo của chiến tranh do con người tạo ra là diễn ra trong khoảng thời gian Chúa bị hành hình đóng đinh câu rút trên cây thánh giá ở đồi Sọ (Gongotha). Nhà văn Nguyễn Một (sinh 1964) là một người theo đạo. Nhân vật Diễm của anh là một người theo đạo. Mở đầu cuốn tiểu thuyết là cảnh Sơn đứng chờ Diễm bên ngoài ngôi nhà thờ cổ trên Cù Lao hướng mặt ra sông Đồng Nai. Anh nghe vọng ra tiếng cha xứ đang đọc kinh đoạn chúa Jesus bị giải lên đồi Sọ. "Sơn không hiểu vì sao cái chết của người đàn ông đội mũ gai mà các tín đồ công giáo gọi là Chúa có thể cứu rỗi thế giới này. Nhưng Sơn lại nghĩ cả tỷ người trên thế giới này tin vào điều đó chắc hẳn phải có lý do gì đó rất linh thiêng. Quan trọng nhất là Diễm tin với sự thành kính thì chính Sơn cũng lay động" (tr. 14).

Kết thúc cuốn tiểu thuyết là cảnh Sơn sau khi đọc xong thư của Diễm báo tin mình có đứa con trai thì chợt nghe tiếng chuông nhà thờ cổ và nhớ lại lời cha xứ hồi nào đọc tiếp lời kinh kể chuyện Chúa bị đóng đinh: "Lúc đó vào khoảng giờ thứ sáu, tối tăm liền bao trùm cả mặt đất cho đến giờ thứ chín. Mặt trời trở nên u ám, màn trong đền thờ xé ra làm đôi ngay chính giữa." (tr. 333). Con người gây chiến tranh giết hại nhau chính lúc Chúa bị giết. Nhưng rồi Chúa sẽ phục sinh. Nên sau hồi ức Sơn thấy "hồi quang hoàng hôn lóe sang bên bãi bồi".

Và Nguyễn Một gõ bàn phím xong cuốn tiểu thuyết "Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín" của mình vào mùa phục sinh 2023. Một cuốn tiểu thuyết về chiến tranh bằng bút pháp hiện thực, sau hai cuốn trước với lối viết huyền ảo ("Đất trời vần vụ" và "Ngược mặt trời"). Một cuốn tiểu thuyết chỉ kể chuyện ở ngôi thứ ba về những chết chóc, đau thương, mà kể một cách bình thường như đó là chuyện thường ngày, ghìm nén sự đau đớn tột cùng vào lời kể nên nỗi đau càng đau hơn. 

Một cuốn tiểu thuyết trong đó không có nhân vật riêng mà chỉ có một nhân vật chung là người dân thường chết bởi chiến tranh. Có thể đòi hỏi nhiều hơn ở nhà văn về mặt tiểu thuyết, nhưng đọc xong tác phẩm người đọc thấy ghê sợ, hãi hùng và chán ghét chiến tranh, thấy sự sống là điều quan trọng nhất, vậy là tác giả đã tạo được cảm giác ấn tượng cho người đọc.

Hẹn bạn lần tới với những cuốn sách mới khác.

Hà Nội, 19/6/2023

No comments