Nghịch lý thị trường âm nhạc: Nhạc trực tuyến bùng nổ nhiều ca sĩ vẫn không đủ CD để bán
Nhạc số bùng nổ, thị trường CD thu hẹp
Sự bùng nổ của công nghệ nhạc số và dịch vụ streaming trực tuyến khiến số người sử dụng đĩa vật lý (CD, DVD) nghe nhạc ngày càng giảm sút. Theo thống kê vào năm 2019, trên thế giới, sản phẩm âm nhạc định dạng vật lý chỉ chiếm khoảng 1/4 doanh số bán hàng.
Sự thắng thế của nhạc số là dễ hiểu khi những tiến bộ vượt bậc của công nghệ có thể cho phép công chúng dễ dàng tiếp cận những sản phẩm âm nhạc chỉ sau một cú click đơn giản vào website hay ứng dụng trên điện thoại. Đa phần các sản phẩm phát hành trên Youtube, Spotify và các trang âm nhạc trực tuyến đều không yêu cầu người dùng phải trả phí, trong khi chất lượng bản ghi ngày càng được nâng cao.
Nằm trong xu thế chung, số lượng CD ra mắt mỗi năm tại thị trường âm nhạc Việt Nam cũng giảm mạnh. Trong một cuộc trò chuyện với PV Dân Việt, ca sĩ Trọng Tấn – giọng ca hàng đầu của thể loại nhạc cách mạng cho biết: "Tôi đã phải dừng phát hành cách đây mấy năm, không ra đĩa gì nữa. Đó là thực trạng chung của thị trường, không chỉ riêng tôi. Hiện nay, Youtube đã cho phép con người tiếp cận cả 1 triệu lượt xem trong một ngày. Sau này, rất có thể sẽ có những nhà hát số - nơi những nghệ sĩ chính thống, nghệ sĩ opera biểu diễn, khán giả muốn nghe chỉ việc thanh toán qua internet. Tôi vẫn duy trì kênh Youtube, ra những video để gặp gỡ khán giả của mình".
Chia sẻ với truyền thông, nam ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cũng từng nhận định, bây giờ, ít nghệ sĩ nào dám in 10.000, 20.000 bản DVD hay CD cùng một lúc. Khi mới phát hành, họ chỉ có thể in trước khoảng 5.000 bản rồi tùy vào nhu cầu thực tế của thị trường rồi in tiếp.
Quang Lê - giọng ca bolero từng có doanh số đĩa kỷ lục cách đây 3 năm cũng tuyên bố thay đổi hình thức phát hành sang định dạng USB, hướng tới các khán giả sở hữu xe ô tô riêng, hoặc các phương tiện giao thông công cộng khác.
Nhiều nghệ sĩ Việt vẫn không đủ CD để bán
Tuy nhiên, những năm trở lại đây, thị trường âm nhạc thế giới dường như có sự thay đổi nhất định. Tháng 8/2020, tại Mỹ, có 11,5 triệu bản đĩa than được bán ra, tăng 9,9 triệu bản so với cùng kỳ năm năm trước đó. Tại Anh, doanh số bán đĩa than năm 2020 cao nhất trong 3 thập kỷ qua. Càng ngày, càng nhiều người yêu nhạc đầu tư những dàn âm thanh chất lượng, họ có nhu cầu sở hữu sản phẩm vật lý và nghe âm nhạc chất lượng cao.
Tại Việt Nam, thị trường băng đĩa cũng chứa những tín hiệu đáng mừng. Chia sẻ với PV Dân Việt, anh Lâm Thời Đại, Giám đốc của Hãng đĩa Thời Đại - nơi đảm nhiệm việc phát hành cho nhiều nghệ sĩ hàng đầu cho biết: "Tin vui là các nghệ sĩ hợp tác với Hãng đĩa Thời Đại trong suốt 5 năm qua đều có doanh số tốt. Đó là những nghệ sĩ dám làm album trước (có thể dự định ban đầu chỉ là album nhạc số) nên đây cũng được xem như là một bước “chọn lọc tự nhiên”. Khác với single, thì album cần sự theo đuổi quyết liệt và tốn nhiều chất xám, tiền bạc, thời gian của các ca sĩ. Sản phẩm vậy lý (CD, Vinyl hay Cassette) là một bước cuối tổng kết lại quá trình sáng tạo này".
Anh cũng tiết lộ, Hoàng Thuỳ Linh, Lê Cát Trọng Lý, Cá Hồi Hoang, Phùng Khánh Linh, AMEE, Lân Nhã… đều là những nghệ sĩ có số lượng đĩa bán chạy.
Trò chuyện với PV Dân Việt, nữ ca sĩ Phạm Thu Hà khẳng định đĩa than cô ra mắt không đủ để bán cho người hâm mộ, họ cũng luôn chờ đợi cô ra mắt các sản phẩm mới: "Thị trường thưởng thức âm nhạc đã có rất nhiều thay đổi. Những ảnh hưởng của các trào lưu âm nhạc mới của thế giới Âu Mỹ, Hàn... cũng ảnh hưởng mạnh đến thị hiếu người nghe ở Việt Nam. Càng nhiều dòng nhạc thì khán giả càng bị phân nhỏ ra theo những thị hiếu riêng biệt khác nhau. Dòng nhạc Hà đang theo đuổi là classic cross-over - là một dòng nhạc kén người nghe nhưng họ lại là những người rất trung thành với thị hiếu của mình. Đến một lứa tuổi trải đời đủ nhiều, người yêu nhạc sẽ luôn chọn dòng nhạc classic và semiclassic để gắn bó".
Trong khi đó, nữ ca sĩ Lan Anh cho biết những album nhạc bolero, nhạc trữ tình của chị bán rất tốt dù thị trường đĩa nhạc giảm sút: "Do thị trường thay đổi, các trung tâm băng đĩa hiện tại đều trả lại hết CD cho ca sĩ, thay vì giữ lại để hợp tác bán như trước đây. Những album gần đây tôi thường tự phát hành, xin giấy phép và không qua các trung tâm băng đĩa. Bên cạnh việc chia sẻ thông tin về album mới trên mạng xã hội - nơi có nhiều khán giả gắn bó với mình, những cửa hàng băng đĩa quen thuộc cũng thường liên hệ để nhập về và bán hết nhanh chóng. Một đĩa nhạc hay sẽ được cộng đồng yêu nhạc lan truyền và lùng sục, dẫn tới CD bị "cháy". Đĩa của tôi vẫn bán rất tốt, đặc biệt là một số tỉnh thành như Hải Phòng, Quảng Ninh".
Ca sĩ Lan Anh cũng nói thêm, ban đầu chị chỉ định ra đĩa để tặng mọi người nghe cho vui… nhưng khi bán thử thì bán rất tốt. "Chẳng hạn, đĩa "Thương hoài ngàn năm" mới đây nhất, đĩa vừa mới cầm trên tay mà sáng hôm sau số lượng người mua đĩa đã đủ tiền để tôi hoàn vốn đầu tư sản xuất" - nữ nghệ sĩ chia sẻ.
Rõ ràng, các sản phẩm âm nhạc vật lý vẫn có chỗ đứng riêng trước sự thay đổi của thị trường. Bên cạnh việc đem về lợi nhuận, các đĩa nhạc còn góp phần giúp nghệ sĩ ghi dấu ấn trong chặng đường sáng tạo, lưu giữ lại các giá trị nghệ thuật họ cống hiến cho công chúng. Thực tế trên cũng là câu trả lời cho những lo ngại về việc băng đĩa sẽ biến mất trên thị trường, trước sự phát triển ồ ạt của nhạc số trong giai đoạn hiện tại.
Kỳ 2: Bí quyết nào giúp nghệ sĩ bán được CD trong thời đại nhạc số bùng nổ?
No comments