Kể chuyện làng: Nhớ hương cau quê nhà
Để rồi thi thoảng, từng cơn gió nhẹ đầu mùa hạ làm rụng trắng cả vạt hoa cau trước sân, khẽ khàng hít thở, ta lại bắt gặp hương cau, một mùi hương quen thuộc phảng phất, mang theo phong vị chốn làng quê yên ả thanh bình.
Làng tôi xưa kia nằm gối đầu bên ngọn núi Tù Và huyền thoại, được bao bọc bởi dòng sông Vũ Giang thơ mộng cổ tích cùng vô số hàng cau cứ hiên ngang rọi bóng, mọc thẳng tắp cùng thời gian. Tại vùng quê tôi, hầu như nhà nào cũng trồng cau. Gia đình nào thích sẽ trồng cả vườn trước vườn sau hoặc cả một vùng không gian rộng. Nhà nào ít điều kiện hơn thì trồng dăm, mươi cây tùy diện tích. Vốn là loài cây mọc thẳng đứng, cây cau không cành không nhánh, cứ thế mà vươn cao thẳng tắp với trời xanh gió lộng hoặc rì rào đong đưa những tiếng xạc xào thời gian. Cây cau, theo lời lý giải của các bậc cao niên trong làng, được xem như biểu tượng của quê hương, gắn kết nhiều tình cảm rất đỗi linh thiêng khó bỏ của cuộc sống đời thường trong mỗi gia đình, làng xóm.
Ở quê tôi, mỗi khi mùa hạ đến, những cây cau sau vườn nhà ngoại cũng sẽ bắt đầu vào mùa trổ bông. Những ngày còn thơ, cứ mỗi sớm mai thức vậy, tôi hay khẽ khàng bước ra vườn, ngẩn ngơ như bắt gặp làn nắng mỏng tinh mơ và màn sương đêm còn vấn vương đậu trên cành lá. Và ríu rít đâu đó trên những vòm lá xanh cao là tiếng chim hót chào ngày mới an lành. Đâu đó khắp khu vườn, tôi cũng thường bắt gặp những bông hoa cau thi nhau rụng trắng cả sân. Thỉnh thoảng, cơn gió nhẹ lướt qua, đưa hương cau thơm ngát lan tỏa yên bình khắp khu vườn.
Hương cau thường có vị ngọt ngào đầy thuần khiết. Mùa cây cau trổ hoa cũng là lúc những bông lúa ngoài đồng chín rộ, khiến hầu hết các khu vườn trong làng đều phảng phất lẫn quyện giữa hương cau với mùi hương lúa trổ. Đối với những đứa trẻ sinh trưởng ở nông thôn như khi ấy chúng tôi, hương hoa cau chính là mùi hương của tuổi thơ và quá khứ.
Hoa cau thoang thoảng, gợi cảm giác êm dịu, dễ chịu. Những buổi chiều êm đềm của tuổi thơ, bản thân tôi thường lặng lẽ ngồi cạnh gốc cau trong vườn, mải mê đọc sách, đến độ quên cả trời nhá nhem và tiếng mẹ gọi về ăn cơm tối. Hay thi thoảng, giữa những đêm trăng sáng, bản thân đang say giấc nồng bỗng khẽ khàng thức giấc vì tiếng động phát ra khi gió nồm làm ngã mấy sào quần áo xuống nền gạch. Khẽ nhìn ra ngoài sân, thấy những bóng cau đang nhảy múa, tôi giật mình, ngỡ như những cây cau cũng có linh hồn, đang đùa giỡn cùng ánh trăng vàng.
Ngẫm lại bọn trẻ con chúng tôi thời đó đã bày ra biết bao trò chơi từ cây cau. Đặc biệt, những thời điểm mùa cau trổ hoa rồi rụng khắp sân đầy ngõ, mấy đứa trẻ nghịch ngợm sau giờ học lại hí hửng ra nhặt hoa rồi gom lại cho vào rổ để dành bày trò chơi. Bọn trẻ con giàu tưởng tượng cứ thế ví hoa cau như món hàng và người mua trao đổi bằng những viên sạn tròn ngộ nghĩng
Cây cau trong ký ức tuổi thơ của tôi còn gắn liền với hình ảnh bà ngoại, mái tóc bạc phơ ngồi bên chiếc cối giã trầu. Bà ngoại tôi lúc nào cũng mang theo chiếc cối giã trầu bên mình, nâng niu nó như một kỷ vật đặc biệt. Bao giờ cũng thế, bà tôi thường bổ cau làm sáu miếng mỗi quả rồi tỉ mỉ quệt trầu bỏm bẻm nhai. Trong tâm thức những người dân làng quê, quả cau miếng trầu là khởi đầu cho biết bao câu chuyện ở chốn miệt vườn.
Bên cạnh đó, trầu cau vốn là thứ sính lễ không thể thiếu trong các lễ gia tiên, cưới hỏi của người Việt. Chính vì thế, vào mỗi dịp cưới hỏi ở các vùng lân cận, người ta thường lui tới nhà tôi để chọn mua những buồng cau làm lễ vật. Khi cau tròn căng khoe những chùm quả xanh trên cao, tôi thường xung phong giúp bà trèo cây hái cau bán cho thương lái.
Buồng cau thông thường sẽ được đặt ở vị trí trang trọng trong mâm quả có dán chữ song hỷ với mong muốn hai vợ chồng sẽ sống với nhau hạnh phúc và trọn vẹn. Cũng vì ý nghĩa thiêng liêng ấy mà bà tôi rất tỉ mỉ trong việc lựa chọn buồng cau đẹp nhất trong vườn để giao cho khách. Nhìn buồng cau nhà mình được chọn làm món sính lễ cho cuộc tân hôn luôn khiến bọn trẻ chúng tôi thêm phấn khởi và hào hứng.
Bản thân tôi nhớ nhất là mỗi sáng thức dậy đã thấy mẹ quét chổi sột soạt gom vén hoa cau ngoài ngõ vì những cơn gió lớn đêm qua thổi rụng trắng cả sân. Bà tôi cũng nhẹ nhàng kê chiếc chõng tre bên hiên nhà ngồi nhai trầu. Bà ngoại tôi vốn là người tỉ mỉ, thích thu vén nên cứ thấy những mo cau vừa rụng xuống đất là nhanh tay gom nhặt lại. Sau đó, tận dụng khoảng thời gian nhàn rỗi, bà tôi sẽ nhanh chóng cắt tỉa chuôi từ những mo cau nhỏ, nếu mo cau lớn sẽ được gọt cắt thành những cái quạt, rồi đem ra sân chằn cục đá lên ép thẳng và đợi nắng hong khô.
Những mo cau nhỏ bà tôi thường gấp lại bốn phía vào nhau rồi đem cất dự trữ ở nơi thoáng đãng trong nhà. Mo cau thường được tận dụng để đùm cơm cho cha mang theo đi rừng đốn củi. Cơm đùm mo cau, theo lời mẹ tôi kể lại thì giữ ấm được rất lâu và quan trọng là không bị mất vị thơm của cơm dù có mang đi xa và trải qua nhiều giờ đến đâu.
Ngoài công dụng đùm cơm, mo cau còn được người dân tận dụng để làm gầu múc nước giếng. Những ngày oi bức, chỉ có gầu nước ngọt mát rười rượi cũng đủ xua đi cái oi ả trưa hè cho bọn trẻ. Nếu mo cau để dành làm gáo thì lá cau sẽ được bà tận dụng để tước rồi bện thành chổi, tàu cau trở thành cán cầm, quét thật bền và sạch.
Khi cây cau đã quá già cỗi hoặc khi gia đình có nhu cầu, nhiều nhà sẽ tận dụng thân cây để làm nhà dựng cửa. Thân cây cau thường được các chú, các bác ở quê tôi chẻ làm mè, làm rui mái nhà, làm tấm liếp phên, làm nan giường cực kỳ bền và tiện lợi. Thậm chí, cả máng dẫn nước mưa khi cây cau chẻ đôi khoét bỏ phần ruột bấc, thật đơn giản mà bền bỉ qua năm tháng.
Cá nhân tôi vẫn nhớ khoảng thời gian trước đây, khi thuốc Tây còn ít và hiếm thì cau được tận dụng để trở thành những vị thuốc hữu hiệu trong nhà. Khi các anh chị em nhà tôi không may bị đứt tay chảy máu, mẹ sẽ ra vườn cạo vỏ cau rồi trộn với bồ hóng, xức lên vết thương giúp cầm máu và cũng rất mau lành.
Thời gian thấm thoắt qua mau, chúng tôi đã trưởng thành, rời khỏi quê nhà. Thi thoảng, có dịp quay về quê, nhìn hàng cau cứ thẳng tắp cao dần, mỗi mùa hoa nở lại thoảng lên mùi hương thơm nhẹ nhàng, khiến lòng tôi không khỏi nao nao nhớ về biết bao hoài niệm xưa cũ.
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.
No comments