Đã quá thời hạn gần 2 tháng vì sao những bất ổn ở Hãng phim truyện Việt Nam chưa được giải quyết?
Nghệ sĩ Hãng phim truyện Việt Nam hy vọng rồi lại thất vọng
Chia sẻ với Dân Việt, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân bức xúc: "Sau rất nhiều lần mất lòng tin vào những lời hứa của các cấp lãnh đạo, lần này, Chính phủ đã ra những văn bản có thời điểm cụ thể về việc xử lý dứt điểm sau thanh tra công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam nên chúng tôi đã tràn trề hy vọng. Ai cũng mong những lời hứa sẽ được cụ thể hóa bằng hành động và có kết quả rõ ràng.
Tuy nhiên, cho đến nay, ngày 25/4/2023 đã trôi qua, nhưng mọi thứ vẫn "vô tín hiệu", không có bất kỳ một sự hồi âm nào… Và niềm tin của chúng tôi lại tiếp tục tổn thương, chảy máu, cạn kiệt. Chúng tôi vẫn tiếp tục chờ đợi những tín hiệu tích cực nhưng không biết sẽ chờ đợi đến bao giờ".
Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân cho rằng, khi mọi việc chưa được xử lý dứt điểm thì cơ sở vật chất và hạ tầng kỹ thuật ở trụ sở Hãng phim truyện Việt Nam ở số 4 Thụy Khuê – Hà Nội càng xuống cấp trầm trọng, tới mức không thể cứu vãn được nữa. Đặc biệt là kho phim đang bị hỏng hóc nặng nề do không được bảo quản, bảo tồn. Và kho phim này mà mất thì nghĩa là Hãng phim cũng mất luôn.
Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) từng có hơn 600 văn nghệ sĩ, cán bộ, công nhân viên… làm việc. Hãng nổi tiếng với dòng phim cách mạng, trong đó có những tác phẩm đã đi vào lòng người như: Chung một dòng sông, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Em bé Hà Nội… Năm 2017, khi Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso) hoàn tất mua lại VFS, kể từ đó, các nghệ sĩ rơi vào thảm cảnh thất nghiệp, cơ sở vật chất đổ nát, hoang tàn, hãng phim đóng cửa, dư luận đầy bức xúc.
Mặc dù tháng 9/2018, kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP) số 1589/TB-TTCP ngày 19/9/2018 về "Công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam" chỉ rõ công tác cổ phần hóa có nhiều sai phạm, nổi bật là việc cho thuê văn phòng, thuê đất trái thẩm quyền, vi phạm quản lý tài sản, kinh doanh lỗ liên tiếp và VIVASO buộc phải xin rút khỏi hãng, nhưng tới nay, nhà đầu tư này vẫn lẫn lữa, chưa chịu thoái vốn.
Cổng vào hoen rỉ vào phía sau hãng phim, nay đã làm bãi đỗ xe. Ảnh: TM.
Những tưởng Hãng phim truyện Việt Nam sẽ phát triển rực rỡ khi có nhà đầu tư mới nhưng ngược lại, đơn vị đầu tư chiến lược VIVASO đã "bỏ mặc" cho hàng trăm cuốn phim quý mục nát, trang thiết bị sản xuất phim trở thành phế liệu, cán bộ diễn viên thất nghiệp, các dãy nhà làm việc hoang tàn, cũ bẩn.
Bên cạnh việc trụ sở tọa lạc trên khu đất "vàng" số 4 Thụy Khuê rơi vào cảnh tiêu điều, đổ nát... thì Hãng cũng phải đối mặt với tình trạng ngưng trệ hoạt động sản xuất phim; công việc và đời sống của cán bộ công nhân viên không được đảm bảo; không có nguồn tài chính để duy trì các hoạt động thiết yếu, kể cả việc bảo quản kho phim... Không ít lần các nghệ sĩ phải gửi đơn kiến nghị tới các cấp có thẩm quyền, kêu gọi tìm ra giải pháp kịp thời "cứu" nơi xem là "cánh chim đầu đàn" của điện ảnh Cách mạng Việt Nam.
Với tư cách Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, ông Đỗ Lệnh Hùng Tú thổ lộ, đã hơn 7 năm nay, toàn ngành điện ảnh vẫn không khỏi xót xa với câu chuyện cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam - đơn vị từng được coi là cánh chim đầu đàn của ngành điện ảnh. Tới bây giờ, số phận và tương lai của Hãng phim vẫn là vấn đề nổi cộm, nhức nhối chưa được giải quyết dứt điểm, khiến nhiều cán bộ công nhân viên đã và đang phải chịu biết bao thiệt thòi khi không có lương hàng tháng, không có bảo hiểm xã hội, nhiều cán bộ đến tuổi nghỉ hưu chỉ được hưởng chế độ thấp…
Sai phạm chồng sai phạm!
Từ khi bắt đầu triển khai thực hiện, việc chọn cổ đông chiến lược là Tổng Công ty vận tải thủy VIVASO mua chi phối cổ phần VFS đã gây nhiều tranh cãi khi ngành nghề chính của VIVASO là vận tải đường thủy. Việc VIVASO chỉ cần chi 32,5 tỷ đồng để sở hữu 65% VFS đặt ra rất nhiều nghi vấn vì việc xác định giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa như vậy là quá rẻ mạt, không đúng với giá trị thực tế cũng như quá rõ để nhận diện, VIVASO và những "đại gia" đứng sau muốn nhắm tới VFS vì những khu "đất vàng" có giá hàng ngàn tỷ đồng chứ không phải vì "mê" làm phim.
Thanh tra Chính phủ đã vạch sai phạm cụ thể cổ phần hóa ở Hãng phim truyện Việt Nam: lựa chọn tư vấn định giá doanh nghiệp và tư vấn cổ phần hóa chưa đảm bảo tiến độ theo kế hoạch. Ban Chỉ đạo cổ phần hóa để cho VFS tự lựa chọn đơn vị tư vấn định giá doanh nghiệp và tư vấn cổ phần hóa là vi phạm Luật Đấu thầu 2013.
VFS ký kết hợp đồng với hai đơn vị tư vấn định giá doanh nghiệp và cổ phần hóa nhưng chưa tuân thủ mẫu hợp đồng quy định. Việc chọn lựa và bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược có nhiều sai sót, như xây dựng tiêu chí và cam kết lựa chọn nhà đầu tư chiến lược chưa đáp ứng đầy đủ những yêu cầu thực tiễn với một ngành nghề kinh doanh đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật điện ảnh để lại hậu quả nhãn tiền là "xóa sổ" một hãng phim từng vang bóng một thời ở Việt Nam.
Thanh tra Chính phủ cho rằng, việc VFS ký các hợp đồng cho thuê nhà, đất tại số 4 Thụy Khuê (Tây Hồ, Hà Nội); góp vốn liên doanh bằng quyền sử dụng đất và đồng ý cho đối tác (Công ty TNHH Xây dựng Thương mại và Du lịch Sài Gòn) quản lý điều hành hoạt động cho thuê văn phòng hoặc thuê các công ty quản lý điều hành tại số 6 Thái Văn Lung, phường Bến Nghé, quận 1, TP. HCM là sai mục đích sử dụng, trái thẩm quyền.
Xót xa khi tận mắt thấy Hãng phim truyện Việt Nam đổ nát
Trước bức xúc của văn nghệ sĩ và dư luận được nêu ra nhân dịp Lễ kỷ niệm 70 năm điện ảnh cách mạng Việt Nam vừa qua, gần 5 năm sau khi có Thông báo Kết luận Thanh tra, Văn phòng Chính phủ phát đi Thông báo số 101/TB-VPCP ngày 28/3/2023 về việc xử lý sau thanh tra công tác cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam. Tại Thông báo này, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Thanh tra Chính phủ tiến hành kiểm tra ngay việc thực hiện Kết luận thanh tra về công tác cổ phần hóa VFS và thực hiện ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ về các nội dung liên quan.
Tại họp cuộc họp báo thường kỳ quý I vừa qua, phía Bộ VHTT&DL cho biết, cho đến nay, VIVASO vẫn không hợp tác tích cực để giải quyết vụ việc (chưa đưa ra văn bản, tính toán chi phí, tiến hành các thủ tục có liên quan, đề xuất cụ thể về số tiền muốn nhận lại để hoàn trả cho Nhà nước số cổ phần đã mua của VFS).
(4_ảnh 12) – Mặt tiền khu đất VFS trên phố Nguyễn Đình Thi được cho thuê làm quán ăn
Trực tiếp "mục sở thị" tại trụ sở VFS đầu tháng 6/2023 vừa qua, phóng viên ghi nhận tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, nhiều phòng làm việc, xưởng phim… tan hoang bị khóa trái đã hoen rỉ, cây dại lâu ngày mọc rễ bám vào công trình, hàng quán nhếch nhác bao bọc xung quanh… Một nhân viên có mặt tại đây cho biết: "Do đã lớn tuổi và có thâm niên công tác tại đây nên không đành lòng bỏ đi nơi khác, nhìn trụ sở hiện tại rất xót xa, lãng phí!".
Lễ kỷ niệm 70 năm điện ảnh cách mạng Việt Nam, càng thấy thấm thía cho hoàn cảnh bi đát của Hãng phim truyện Việt Nam cũng được thành lập tròn 70 năm. Có thể nói, việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam với khu "đất vàng" số 4 Thụy Khuê hiện vẫn là vấn đề nổi cộm, gây bức xúc dư luận chưa được giải quyết dứt điểm. Người hâm mộ nói chung cũng như ngành điện ảnh Việt Nam nói riêng rất mong muốn các cấp có thẩm quyền sớm quan tâm giải quyết dứt điểm những tồn tại như hiện nay của VFS.
No comments