Nhà sàn Bác Hồ đã được bảo tồn nguyên trạng trong 65 năm qua như thế nào? - TIN TỨC GIẢI TRÍ

Breaking News

Nhà sàn Bác Hồ đã được bảo tồn nguyên trạng trong 65 năm qua như thế nào?

Nhà sàn Bác Hồ được bảo tồn nguyên vẹn trong suốt 65 năm

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hằng - Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và làm việc nhiều nơi nhưng Khu Phủ Chủ tịch tại Hà Nội là địa điểm Người gắn bó lâu nhất trong 15 năm liên tục (1954-1969). Sau khi Người qua đời, nơi đây đã được Đảng và Nhà nước quyết định gìn giữ lâu dài nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hồ Chí Minh và trở thành Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch (viết tắt là Khu Di tích).

Nhà sàn Bác Hồ đã được bảo tồn nguyên trạng trong 65 năm qua như thế nào? - Ảnh 1.

Nhà sàn Bác Hồ trong Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh - Phủ Chủ tịch. Ảnh: Thanh Tùng.

Khu Di tích đã được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt và là một trong số rất ít các di tích lịch sử cách mạng của Việt Nam hiện còn giữ được gần như nguyên vẹn các bộ phận cấu thành nguyên gốc. Những di tích, tài liệu hiện vật, cảnh quan môi trường tại đây thể hiện chân thực, sâu sắc tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa kiệt xuất.

Nhà sàn là di tích trung tâm trong quần thể Khu Di tích, nơi đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế mong muốn đến thăm, tìm hiểu về cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhà sàn khánh thành ngày 17/5/1958 và gắn bó với Chủ tịch Hồ Chí Minh trong 11 năm, từ tháng 5/1958 đến tháng 8/1969. Trong giai đoạn này, Người đã lãnh đạo nhân dân vượt qua khó khăn thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng CNXH ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước.

Tại Nhà sàn, ngày 10/5/1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu thảo tài liệu Tuyệt đối bí mật (Di chúc) để phòng khi Người "đi gặp cụ Các Mác, cụ Lê nin và các vị cách mạng đàn anh khác thì đồng bào cả nước và đồng chí trong Đảng khỏi cảm thấy đột ngột". Di chúc được Chủ tịch Hồ Chí Minh viết trong thời gian từ năm 1965 đến năm 1969, trở thành một văn kiện lịch sử vô cùng quý giá, kết tinh trong đó những tư tưởng, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của một vĩ nhân suốt đời cống hiến hy sinh vì Tổ quốc.

Trong những năm đế quốc Mỹ leo thang đánh phá ác liệt miền Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh không đi sơ tán khỏi Thủ đô Hà Nội mà vẫn sống, làm việc tại Nhà sàn để chỉ đạo cuộc kháng chiến. Ngày 17/7/1966, Người đã ra Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước đoàn kết một lòng, kiên quyết chiến đấu đến thắng lợi cuối cùng. Lời kêu gọi "Không có gì quý hơn độc lập, tự do" của Người không chỉ cổ vũ nhân dân Việt Nam tiến lên giành thắng lợi mà sau đó đã trở thành chân lý thời đại. Cũng tại Nhà sàn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp thân mật một số đoàn khách trong không khí cởi mở, chân tình, không bị ràng buộc bởi nghi lễ ngoại giao. Phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn bè quốc tế.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết: "Cái nhà sàn của Bác chỉ vẻn vẹn có vài ba phòng, trong lúc đó tâm hồn của Bác lộng gió thời đại thì cái nhà nho nhỏ đó luôn luôn lộng gió và ánh sáng, phảng phất hương thơm của hoa vườn, một đời sống như vậy thanh bạch và tao nhã biết bao". Nhà sàn hiện nay được bảo tồn nguyên vẹn như những ngày cuối cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc để phục vụ công tác phát huy giá trị tuyên truyền giáo dục về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Công tác bảo tồn nhà sàn Bác Hồ được thực hiện như thế nào?

Bà Nguyễn Thị Xuân - Phòng Bảo quản, Môi trường di tích Khu Di tích Phủ Chủ tịch cho biết, sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa, công tác bảo tồn di tích, các tài liệu hiện vật tại Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch luôn được xác định là khâu công tác quan trọng và cần thiết, là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu được thực hiện liên tục trong suốt nhiều thập kỷ qua. Từ đó, bảo vệ trạng thái nguyên gốc và kéo dài tuổi thọ của các di tích, tài liệu hiện vật trong các nhà di tích và giữ nguyên trạng cảnh quan môi trường để mở cửa đón khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghiên cứu và học tập.

Nhà sàn Bác Hồ đã được bảo tồn nguyên trạng trong 65 năm qua như thế nào? - Ảnh 2.

35 tham luận đóng góp nhiều ý kiến quý báu để bảo tồn tốt hơn nhà sàn Bác Hồ. Ảnh: Hương Sen.

Trên thực tế, di tích Nhà sàn mở cửa đón khách tham quan 365 ngày trong năm, kể cả thời tiết mưa bão, cho nên sức phá hủy, sự tác động của thiên tai như bão, lốc, gió giật… đối với di tích là rất lớn. Nhà sàn lại nằm ở nơi thấp, trũng hơn, gần ao cá, xung quanh có nhiều cây cối. Cho nên để bảo vệ cây và nhà di tích không bị ảnh hưởng mùa mưa bão, cán bộ bảo quản đã áp dụng một số biện pháp phòng ngừa như triển khai chống bão bằng hệ thống dây sắt chằng từ 4 góc mái nhà sàn xuống dưới đất vừa có tác dụng chống bão vừa giảm được sự biến dạng di tích và cắt tỉa cành đối với cây to, tán rộng. Vào những ngày mưa to, gió lớn, xung quanh Nhà sàn được buông mành, chằng dây thừng và căng bạt để tránh mưa hắt và gió giật vào phần sàn gỗ, các cột nhà sàn.

Trong những năm gần đây, Khu Di tích đã phối hợp với Công ty khử trùng Việt Nam tiến hành phương pháp phòng trừ mối (kiểm soát mối) bằng công nghệ cao của Mỹ, không gây độc hại đến môi trường, con người và đã có hiệu quả. Việc sử dụng biện pháp diệt mối được thực hiện sớm, mở rộng phạm vi phòng ngừa không chỉ ở các công trình kiến trúc trọng điểm mà còn mở rộng xử lý mối ở các cây cổ thụ, các khu vực nền đất có khả năng mối tiềm ẩn làm tổ để tìm cách tiếp cận công trình di tích, tài liệu, hiện vật.

Thêm vào đó là ảnh hưởng gián tiếp của tác nhân con người như độ rung do tiếng ồn, khí thở, mùi bốc ra từ cơ thể… trong khi lại không thể lắp đặt được các trang thiết bị phòng ngừa. Đây là yếu tố gây nên bụi, bẩn cho di tích và các tài liệu, hiện vật, là môi trường thuận lợi cho nấm mốc, mối, mọt phát triển. Công việc loại bỏ bụi bẩn là công việc thủ công, được cán bộ bảo quản thực hiện hàng ngày vào trước và sau giờ đón khách tham quan. Tuy nhiên hiện vật bị bụi phải vệ sinh thường xuyên cũng gây ra nhiều mối nguy hại.

Cho nên để hiện vật không phải lau bụi thường xuyên, hạn chế khí thở, côn trùng, cán bộ bảo quản đã áp dụng biện pháp tạo ra tiểu môi trường bảo quản, tạo vật đệm giữa đại môi trường và tiểu môi trường bằng hộp mica chụp các hiện vật. Sau giờ nghỉ đón khách thì tắt điện nhà di tích, các cửa sổ, cửa ra vào, mành che hiên được đóng và buông xuống. Nhờ vậy, hiện vật đỡ bị bụi bẩn và hạn chế sự hư hại cho hiện vật do ảnh hưởng của môi trường xung quanh.

Thêm vào đó, việc bảo quản phía ngoài trần, dọn vệ sinh máng, mái của ngôi nhà cũng được thực hiện mỗi tuần một lần vào buổi chiều thứ hai nghỉ đón khách tham quan cũng giúp hạn chế bụi, bẩn cho các di tích và tài liệu hiện vật. Ngoài ra, khi đón các đoàn nguyên thủ quốc gia, các đoàn đại biểu cấp cao vào thăm trực tiếp tầng 2 Nhà sàn, để giảm lượng bụi bẩn và giảm xây xước sàn nhà, cán bộ bảo quản đã sử dụng tất vải để phục vụ các đoàn khách, như vậy vừa thuận tiện cho khách, vừa bảo vệ được di tích.

"Hiện nay việc tu bổ, tu sửa di tích đang đặt ra những yêu cầu rất lớn và còn tồn tại những quan điểm khác nhau. Bởi mỗi di tích có chu kỳ bảo quản riêng, do bị lão hóa cùng nguyên vật liệu xây dựng nên nó, nhất là di tích kiến trúc gỗ như Nhà sàn không thể tránh khỏi nguy cơ tự hủy hoại. Để tồn tại, kéo dài tuổi thọ di tích, chúng phải được chăm sóc, bảo quản tu sửa thường xuyên.

Khu Di tích đã tiến hành bảo quản theo chế độ định kỳ ngắn hạn, dài hạn và chống xuống cấp di tích. Đây là công việc khó, đòi hỏi cao về kỹ thuật chuyên môn và phải có sự đổi mới thường xuyên để kiểm soát và phát hiện kịp thời những hư hỏng và có kế hoạch tu bổ, sửa chữa kịp thời với quan điểm nhất quán: luôn chọn tu sửa nhỏ nếu điều ấy là đủ; đắn đo kỹ, nếu phải cần đến tu sửa vừa và một khi tu sửa nhỏ và vừa bất lực thì mới quyết định giải pháp tu sửa lớn nhưng cân nhắc thận trọng: ưu tiên cứu vãn tính nguyên gốc của thực thể hiện hữu trước các ưu tiên bền vững. Nguyên tắc xuyên suốt trong quá trình bảo quản, tu bổ là tránh tình trạng làm thay đổi biến dạng di tích.

Việc tu bổ định kỳ hàng năm được tiến hành từ việc xây dựng kế hoạch, báo cáo trình duyệt và triển khai thực hiện kế hoạch tu bổ sau khi được phê duyệt vào dịp Lăng Bác tạm ngừng đón khách vào viếng. Các hạng mục công việc thực hiện là: sửa chữa máng, mái, hệ thống thoát nước, sửa các phần nền nhà, sơn các phần xi măng, các phần nhà bằng gỗ, đánh lại vecni toàn bộ ngôi nhà…

Trong quá trình tu bổ, Phòng Bảo quản, Môi trường di tích đã phân công cán bộ khoa học theo dõi, thường xuyên bám sát công việc, giám sát từng phần công việc tu bổ, ghi chép vào sổ nhật ký để bổ sung cho hồ sơ di tích và điều quan trọng hơn là tu bổ, bảo dưỡng, bảo quản nhưng đảm bảo tối đa tính nguyên trạng của chúng", bà Nguyễn Thị Xuân cho biết thêm.

No comments