Kể chuyện làng: Cánh diều đưa ta về tuổi thơ
Một bầu trời tuổi thơ thật đẹp biết bao nhiêu!
Hồi nhỏ, mỗi độ hè về, lũ trẻ ở vùng nông thôn đã quen với đồng ruộng, ao chuôm không thể bỏ qua môn thả diều. Ngày đó, chúng tôi chỉ biết tự làm diều để chơi, đâu có nhiều tiền để sắm diều đẹp như ngày nay. Còn nhớ, tôi cùng cậu Thành và đám trẻ quanh nhà thường gọi nhau í ới làm diều. Chiếc diều tuổi thơ của lứa tuổi 9x - đầu năm 2000 nó mới "trần trụi" làm sao.
Diều được làm từ những tờ báo đã đọc, hay những tờ giấy, quyển vở đã bỏ cắt thành hình thoi to, nhỏ tùy mong muốn mỗi người. Khung diều được làm thành công là nhờ sự hỗ trợ của các ông hay các bố, các anh vót các thanh tre tròn nhỏ mà phải dẻo, để uốn cong tạo khung và có 2 thanh thẳng để buộc vào. Điều thú vị là chúng tôi lấy những hạt cơm nguội làm chất kết dính những mảnh giấy với nhau tạo thành diều, hoặc dùng keo hồ trắng sữa. Tay đứa nào cũng dính nhằng nhằng mà càng rửa càng khó sạch. Đuôi diều muốn dài và uốn lượn thì được làm bằng những tờ giấy báo mỏng nhất, cắt xé sao cho càng dài thì thả lên trời càng đẹp mắt.
Thú vị làm sao! Muốn có được những con diều tự chế như thế, chúng tôi hì hục làm cùng nhau. Có khi, các gia đình hoặc các tốp thi với nhau. Chiều tan học, khi ánh nắng chỉ còn lấp ló phía xa, lũ trẻ chúng tôi đem "chiến lợi phẩm" ra cùng chơi hoặc cùng thi. Đó! Diều của tuổi thơ tôi "trần trụi" như vậy đó, không công phượng, không siêu nhân hay công chúa mà chỉ là những tờ báo giấy hay tờ giấy đã học được tận dụng triệt để mà làm ra những chiếc diều bay lên cao.
Muốn diều bay được cao thì phải cần sự giúp sức của 2, 3 người. Đứa thì cầm diều chạy lấy đà, đứa thì cầm ống dây chạy phía trước đến khi diều bay lên thì người phía sau thả tay ra. Tất nhiên là không thể thiếu một đứa cổ vũ cho tinh thần của người chạy. Diều cứ thế bay từ thấp bay được lên cao nhờ sự điều chỉnh khéo léo của "người cầm lái", đây cũng là người vinh dự lắm. Tay nắm diều ở đây là những chiếc ống bơ sữa ông thọ đã dùng hết hoặc những que củi đẹp được cuộn hàng mét dây dù, dây cước để khi diều lên cao không bị đứt.
Đám trẻ chúng tôi gồm: tôi, cậu tôi, Liệu, Nga, Sơn, Nhường, Nhung, Hà, Nam… cùng hò hét những buổi chiều ở bãi cỏ gần ao ở nhà. Diều bay lên như đem theo những ước muốn trẻ thơ, niềm vui hạnh phúc, vô lo vô nghĩ bay lên trời.
Ngày xưa, trẻ con thả diều có hai niềm vui: Một là, chúng tôi được tự tay làm diều từ việc cắt, xé, dán đến việc dán diều giấy bằng cơm, rất đông vui, có khi còn được sự hỗ trợ của ông bà hay bô mẹ. Hai là, chúng tôi vứt những đôi dép tổ ong ở một góc, được chân trần chạy trên cỏ, trên mặt đất mà thả diều, hò hét, chạy nhảy tung tăng. Tuy đất cát có lấm lem mặt mũi nhưng đó lại là điều tuyệt vời của tuổi thơ dữ dội còn đọng lại trong tôi, mà tôi vẫn có thể cảm nhận được. Một tuổi thơ thật vui vẻ và đáng nhớ, đáng trân trọng!
Ngay này, trẻ con chơi thả diều đã có nhiều điều khác xưa. Trẻ có diều đẹp hơn, sặc sỡ hơn và mua dễ hơn và có cả lễ hội thả diều ở một số địa phương, tạo thành một không gian vui chơi diều tuyệt vời. Trẻ con được chạy trên những con đường đổ bê tông sạch sẽ và đẹp đẽ. Nhưng trẻ nhỏ vẫn cảm nhận được niềm thích thú khi thả diều.
Dù có khác nhau về thế hệ nhưng tuổi thơ của trẻ được thả diều bay cao, cùng bạn bè nô đùa và ngắm nhìn những cánh diều bay cao trong chiều gió lộng... Đó thực sự là một tuổi thơ đẹp, đáng có và đáng quý biết nhường nào đối với trẻ. Chính những thời điểm như thế này, được thấy những cánh diều bay cao của lũ nhỏ trên trời, lại chính là thời gian bình yên nhất, giữa cuộc sống bộn bề của người lớn chúng ta. Để rồi, những cánh diều vẫn cứ bay cao… bay cao nữa… theo gió kia, và những kỷ niệm về một tuổi thơ dữ dội luôn tồn tại trong tâm khảm mỗi chúng ta. Một tuổi thơ thật đẹp biết bao nhiêu.
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.
No comments