Chèo sân đình sẽ chết? (Kỳ 1): “Phi chèo bất hi hi hội” - TIN TỨC GIẢI TRÍ

Breaking News

Chèo sân đình sẽ chết? (Kỳ 1): “Phi chèo bất hi hi hội”

Mùa xuân, hầu hết các làng quê Bắc Bộ đều tổ chức hội làng nhớ ơn người khai canh, lập ấp, mang nghề về hay các anh hùng dân tộc. Hội to hay nhỏ đều phải có quan họ, ca trù, đặc biệt là chèo. Thế nên mới có câu "Phi chèo bất hi hi hội" (không có chèo thì hội làng không vui). Các trích đoạn chèo cổ và câu "Trình làng trình chạ/Thượng hạ tây đông/Tư cảnh hòa trung/Nghe tôi giáo trống/Trường không phong động/Cũng bởi trống tôi/Làng đã vào ngồi/Tôi xin diễn tích…" của Từ Đạo Hạnh (1072-1116) vẫn cất lên trên sân đình.

Cơ hội và sức ép với chèo

Chèo sân đình sẽ chết? (Kỳ 1): “Phi chèo bất hi hi hội” - Ảnh 1.

Chiếu chèo ở sân đình So (Quốc Oai, Hà Nội). Ảnh: Nguyễn Thị Thanh

Chèo ra đời muộn nhất cũng từ thời nhà Đinh, cách ngày nay hơn 1.000 năm. Người được sử sách ghi lại là Phạm Thị Trân - một phụ nữ tài hoa có công dạy hát, múa, nhạc (trong đó có hát chèo) cho cung nữ và binh lính nên được phong là Ưu bà. Thủa ban đầu, chèo là "trò nhại", tức là bắt trước hành động của con người, mô phỏng các hoạt động hàng ngày kết hợp với trò "nhời" (từ Việt cổ nghĩa là lời) nên còn gọi là tích hát. 

Thời nhà Đinh, chèo có dàn nhạc phụ họa nhưng chưa có múa. Khi hát và làm trò, "con hát" phải ứng khẩu, vì thế chỉ những người có năng khiếu thiên bẩm mới có thể trở thành "con hát". Thời nhà Lý bắt đầu xuất hiện "tác giả" đầu tiên (xưa gọi là Bác thơ) là Từ Đạo Hạnh, ông sáng tác những bài lẻ trong đó có các làn điệu nhưng chưa thành vở. Từ thời Lý đến thời Trần, chèo chủ yếu biểu diễn ở cung đình, phục vụ các lễ nghi của Phật giáo và các hoạt động tín ngưỡng.

Như các loại hình nghệ thuật khác, chèo cũng bị tác động bởi cơ chế. Năm 1427, Lê Lợi đánh tan quân Minh xâm lược, lập ra nhà Lê năm 1428, và một trong những việc Lê Lợi thay đổi đầu tiên là xóa bỏ điền trang của hoàng thân quốc thích, quý tộc nhà Trần, cho nông nô về quê, chia đất cho họ. Từ đây, vế đầu của thành ngữ "đất của vua, chùa của dân" đã thay đổi, xã hội có thêm sở hữu tư. 

Người nông dân thoát phận nông nô có nhiều thời gian hơn, đây là cơ hội của chèo. Nhưng cơ hội luôn đi kèm với sức ép, vì thế yếu tố nghệ thuật chèo cũng dần thay đổi. Giai đoạn này, chữ Nôm khá thịnh hành nên một số trí thức Nho đã sử dụng để viết kịch bản. Và "Huyết hổ phú" ra đời năm 1455, được cho là kịch bản đầu tiên dù chỉ có 120 câu.

Theo "Vũ trung tùy bút" của Phạm Đình Hổ (1768-1839), thời Cảnh Hưng, chèo lấy múa của tuồng và từ đây chèo có thêm múa. Vì chủ yếu sử dụng hai bàn tay nên các nhà nghiên cứu cho rằng, múa chèo chịu ảnh hưởng của múa Chiêm Thành. Trước đó, khi diễn "trò nhại", nghệ nhân khoa chân múa tay song không phải là múa vì múa phải tuân theo những qui tắc.

Trong bài khảo cứu "Múa chèo" đăng trên Tạp chí Văn nghệ (số 4/1981), nhà nghiên cứu chèo, GS Hà Văn Cầu (1927-2016) nhận định: Múa chèo xuất hiện từ thế kỷ 15, khi ông dẫn từ sách "Hí trường phả lục" in năm 1501 (cho đến nay chưa ai nhìn thấy cuốn này ngoài GS Cầu).

Trách nhiệm xã hội của chèo

Nhưng một thay đổi quan trọng tạo ra bước ngoặt là chèo tự nhận trách nhiệm xã hội trước khán giả. Trong các áng văn tế tổ ngành sân khấu cổ truyền xưa có câu: "(Chèo) Thay tạo hóa mà sinh thêm, vì đạo nghĩa mà dóng dả" và tuyên cáo: "Các bậc liệt thánh đã vạch đường chỉ lối, khuyến thiện trừ ác để rủ dài phúc chỉ về sau", muốn như vậy thì các nghệ nhân phải "nghìn thu cùng một tâm cơ". 

Một số vở chèo cổ sưu tầm được trong đó có "Trương ba trò", "Trương sinh trò" đã phê phán thói hư tật xấu trong xã hội, cả chuyện quan ăn tiền đút lót. Sống trong chế độ quân chủ mà dám phê phán quan là quá mạo hiểm, có khi phải đổi bằng mạng sống. Có lẽ vì tôn chỉ, mục đích của chèo như mong muốn của dân nên được yêu mến. Dân gian có câu: Ăn no rồi lại nằm khèo - Nghe giục trống chèo bế bụng đi xem.

Mê chèo tới mức khi chết được thờ là trường hợp của Nhị vị. Tương truyền Nhị vị là 2 đứa trẻ đắm đuối với chèo, cứ đâu có hát là đến. Một lần chen chúc vào đám hát, Nhị vị bị đám đông đè chết. Lúc chết, một đứa tay còn cầm trái thị, đứa kia tay cầm khúc mía. Từ đó trẻ em xem chèo tay cầm thị và mía sẽ bị đuổi ra. Khi hát, đào, kép cũng tránh chữ thị và mía, nếu ai phạm thì buổi hát hôm đó thế nào cũng có chuyện dở.

Chèo còn là liều thuốc an thần. Chuyện rằng, ngày 19/5/1883, quân Cờ Đen mai phục ở Cầu Giấy (Hà Nội) đã giết chết quan Pháp là Henri Rivière khiến đám lính tập (quân bản xứ hỗ trợ cho quân đội Pháp) vô cùng hoang mang. Để lấy lại tinh thần cho họ, một sĩ quan quân đội Pháp giao nhiệm vụ cho một viên đội tên là Nghị đi đón phường chèo về hát khoán nhiều đêm ở chợ Hôm (nay là 83 phố Huế).

No comments