Văn nghệ sĩ cần làm gì để chấn hưng văn hóa trong thời đại cách mạng công nghệ?
Đây là tọa đàm chuyên sâu do Hội đồng Lý luận, phê bình Trung ương tổ chức nhằm bàn sâu và rõ hơn về sự kế thừa, phát triển của văn học, nghệ thuật nước ta trong 80 năm qua trên cơ sở những luận điểm gốc, cốt lõi của Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943).
Với định hướng đó, mục tiêu chủ yếu của tọa đàm là căn cứ vào nội dung của Đề cương về Văn hoá Việt Nam (1943), xuất phát từ đời sống lý luận, phê bình và thực tiễn phát triển văn học, nghệ thuật nước nhà để đánh giá, làm rõ những vấn đề cơ bản:
- Phân tích làm rõ quan điểm cơ bản về văn hoá, văn nghệ và giá trị lý luận, thực tiễn sâu sắc, lâu bền của Đề cương về Văn hoá Việt Nam (1943);
- Làm rõ quá trình kế thừa, vận dụng và phát triển những nội dung quan trọng của Đề cương về Văn hoá Việt Nam (1943) trong việc xây dựng và phát triển tư duy lý luận văn nghệ Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử. Tập trung phân tích sâu sắc quá trình vận dụng, sáng tạo và phát triển của đường lối văn nghệ thời kỳ đổi mới và hội nhập;
- Đề xuất định hướng và những nội dung cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng, phát triển để xây dựng hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam thời kỳ đổi mới và hội nhập.
Tọa đàm đã nhận được hơn 30 bài tham luận, cho thấy sự quan tâm đặc biệt của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình với chủ đề tọa đàm và đối với Đề cương về Văn hoá Việt Nam (1943).
Phát biểu kết luận tại sự kiện, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, sự ra đời của Đề cương văn hóa Việt Nam đã kịp thời đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn cách mạng; trở thành ngọn cờ tập hợp, cổ vũ nhân dân ta, nhất là giới trí thức, văn nghệ sĩ hăng hái tham gia cách mạng; cống hiến tài năng, trí tuệ và cả máu của mình để góp phần quan trọng làm nên thắng lợi lịch sử của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và những thắng lợi vẻ vang của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng.
"Giờ đây đọc lại những dòng hồi ký, hồi ức, nhật ký của những văn nghệ sĩ tiền bối như: Đặng Thai Mai, Kim Lân, Trần Huyền Trân, Hoàng Trung Thông, Nguyễn Đình Thi, Văn Cao, Học Phi, Nguyễn Huy Tưởng... chúng ta luôn nhớ cuộc đời và sự cống hiến để cảm nhận sâu sắc nhiệt huyết sục sôi, niềm hạnh phúc lớn lao của đội ngũ văn nghệ sĩ nước nhà khi tham gia truyền bá và tiếp nhận Đề cương khi văn kiện mới ra đời.
Dưới ánh sáng của Đề cương, đội ngũ văn nghệ sĩ yêu nước và có tinh thần dân tộc đã gia nhập và tích cực hoạt động, xây dựng, phát triển Hội Văn hóa cứu quốc. Đến năm 1948, Hội Văn nghệ Việt Nam (tiền thân của Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam) đã được thành lập, tiếp tục tập hợp lực lượng, ghi dấu ấn quan trọng, đóng góp to lớn cho sự nghiệp hình thành và phát triển nền văn hóa - nghệ thuật Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh", đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định, trên cơ sở phát triển tư tưởng cốt lõi của Đề cương, Đảng ta đặc biệt chú trọng việc xây dựng, phát triển, phát huy vai trò của đội ngũ văn nghệ sĩ đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đảng ta khẳng định: "Tài năng, văn học nghệ thuật là vốn quý của dân tộc. Chăm lo phát hiện, bồi dưỡng, quý trọng và phát huy các tài năng văn học - nghệ thuật là trách nhiệm của toàn xã hội, trước hết là của Đảng, Nhà nước và của các tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp".
Giá trị lớn lao và sức sống của Đề cương văn hóa Việt Nam đã để lại nhiều bài học quý báu
Theo đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, giá trị lớn lao và sức sống của Đề cương văn hóa Việt Nam đã để lại cho chúng ta nhiều bài học quý báu. Một trong những bài học quan trọng hàng đầu là sự kiên định với những vấn đề nền tảng, có tính nguyên tắc, đồng thời không ngừng tìm tòi, đổi mới, sáng tạo để tiếp tục phát triển, hoàn thiện tư duy lý luận, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực văn hóa, văn học, nghệ thuật.
Kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương văn hóa Việt Nam cũng là thời điểm Đảng ta tiến hành tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học - nghệ thuật trong thời kỳ mới. Đây là nghị quyết chuyên đề rất quan trọng đối với sự phát triển nền văn học - nghệ thuật dân tộc trong tình hình mới. 15 năm qua, thực tiễn đã xuất hiện những yêu cầu, đòi hỏi mới, nhất là trong bối cảnh đất nước đổi mới và hội nhập ngày càng sâu rộng, với sự tác động mạnh mẽ, toàn diện của cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
"Tôi trân trọng đề nghị các nhà khoa học, văn nghệ sĩ tiếp tục tham gia tích cực, phát huy tâm huyết, trí tuệ trong quá trình tổng kết, đóng góp, tham mưu, tư vấn giúp Đảng tổng kết toàn diện, sâu sắc Nghị quyết. Từ đó đề ra những quyết sách phù hợp, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ lĩnh vực văn học - nghệ thuật trong thời kỳ mới", đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
Lắng nghe các ý kiến, tham luận của các đại biểu, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị, sau buổi tọa đàm, Ban tổ chức có những kiến nghị cụ thể với Chính phủ. Đồng chí Phó Thủ tướng cũng cho biết, hiện nay, Chính phủ đã phân công Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng chương trình tổng thể về chấn hưng văn hóa, phát triển con người Việt Nam. Sau tọa đàm, các nhà khoa học, văn nghệ sĩ tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ trong chấn hưng văn hóa, có những đóng góp thiết thực vào xây dựng chương trình nói trên.
Trong bài tham luận "Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943) và sự phát triển tư duy lý luận của Đảng về văn học nghệ thuật 80 năm qua", PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương nêu rõ, Đề cương về văn hóa, dù chỉ mới ở tầm mức "đề cương" nhưng đã chỉ rõ nguy cơ của nền văn hoá Việt Nam dưới ách đô hộ của phát xít Nhật, thực dân Pháp; phân tích mối quan hệ giữa cách mạng chính trị và cách mạng văn hoá; khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng văn hoá. Đề cương về văn hoá đã vạch ra phương hướng đấu tranh đúng đắn chống thực dân, phát xít và bè lũ tay sai, xây dựng đường lối văn hoá mới của Đảng, tập hợp các nhà văn hoá, trí thức, văn nghệ sĩ để tham gia sự nghiệp giải phóng dân tộc.
"Nhìn lại 93 năm qua từ khi Đảng ta ra đời cho đến hôm nay và 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943) của Đảng, chúng ta đã đi qua một chặng đường dài đầy hy sinh, gian khổ. Những quan điểm cơ bản của Đảng về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta; về xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển.
Có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới được bổ sung, hoàn thiện một cách khoa học, cách mạng, nhân văn, được toàn Đảng, toàn Dân đồng tình, ủng hộ.
Quan điểm "sự nghiệp văn hoá là của toàn dân, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng"; tính chất nền văn hoá mới Việt Nam là dân tộc về hình thức, tân dân chủ về nội dung; ba nguyên tắc của nền văn hóa mới Việt Nam là "dân tộc hóa"; "dại chúng hóa"; "khoa học hóa" và được Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi" mãi mãi là quan điểm, là mục tiêu, là phương châm và nguyên tắc để cùng với chính trị và kinh tế, giúp dân tộc ta, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác tất cả vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh", PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh.
No comments