Con trai nhà văn Nguyễn Hiếu nghẹn ngào nói về người cha quá cố trong giây phút tiễn biệt - TIN TỨC GIẢI TRÍ

Breaking News

Con trai nhà văn Nguyễn Hiếu nghẹn ngào nói về người cha quá cố trong giây phút tiễn biệt

Trong điếu văn do nhà báo, nhà văn Trần Đức Nuôi, đồng nghiệp và cũng là bạn học của nhà văn Nguyễn Hiếu viết, có đoạn: "Hôm nay chúng ta tụ hội lại đây, mảnh đất làng Chèm xưa, mộc mạc mà chân chất, nơi sinh ra và lớn lên, trưởng thành cho đến cuối đời của nhà báo nhà văn Nguyễn Hiếu, để tiễn đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng trong lòng đất mẹ.

Tang lễ nhà văn Nguyễn Hiếu: Con trai nhà văn Nguyễn Hiếu tâm đắc nhất ở cha mình tính nhân văn - Ảnh 1.

Con trai nhà văn Nguyễn Hiếu cảm ơn mọi người trong tang lễ. Ảnh: Thúy Phương

Nơi đây, mới năm trước, biết bao nhiêu bạn đọc thân thiết cùng người dân làng Chèm quây quần bên quán sách Nguyễn Hiếu chiêm ngưỡng, hưởng thụ những tác phẩm không thể quên của ông: "Vệt xoáy trước ngực làng". "Dòng sông máu vẫn chảy", "Làng êm ả bên sông", "Thơ Làng mình". Nhà văn Nguyễn Hiếu coi đây là dịp tri ân quê nhà.

Nguyễn Hiếu được sinh ra tại Thủ đô gió ngàn vào ngày 15/10/1948 giữa những ngày bố mẹ tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp. Lớn lên, học kiến thức, học làm người trên đất làng Chèm này chàng trai Nguyễn Hiếu là một trong những học sinh giỏi văn của Hà Nội và được tuyến vào khoa Ngữ Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội danh giá khóa 11 (1966 -1970). Giảng đường đại học nơi sơ tán tận Tràng Dương, Đại Từ, Thái Nguyên thiếu thốn trăm bề, khó khăn vô chừng, nhưng Nguyễn Hiếu cùng bạn đồng môn được hưởng thụ sự dạy bảo chu đáo, thấm đẫm kiến thức và tình thương từ những người thầy gạo cội của nước nhà như Hoàng Xuân Nhị, Đinh Gia Khánh, Hoàng Hữu Yên, Hà Minh Đức, Lê Đình Kỵ, Bạch Năng Thi, Hồng Sâm, Đặng Thị Hạnh, Nguyễn Ngọc Sơn, Kim Đính, Nguyễn Tài Cẩn, Phan Cự Đệ.

Tang lễ nhà văn Nguyễn Hiếu: Con trai nhà văn Nguyễn Hiếu tâm đắc nhất ở cha mình tính nhân văn - Ảnh 2.

Người thân, đồng nghiệp tiễn đưa nhà văn Nguyễn Hiếu về nơi an nghỉ cuối cùng. Ảnh: Trọng Huân

Tình yêu làng Chèm, truyền thống gia đình cách mạng và kiến thức tổng hợp Văn đã cho Nguyễn Hiếu bước đệm vững chắc vào đời. Tốt nghiệp cử nhân Văn khoa, (1970) Nguyễn Hiếu được làm biên tập viên, phóng viên tại CP 90, mật danh của Đài phát thanh Giải phóng A, sau đó vào Đài Tiếng nói Việt Nam cho đến lúc nghỉ hưu (2008). Cả cuộc đời của nhà báo nhà văn Nguyễn Hiếu gắn liền với làn sóng phát thanh quốc gia. 

Nơi ông làm việc lâu nhất và được nhiều trải nghiệm nhất trong mảng đề tài được phân công là Giao thông vận tải đã cho cây viết Nguyễn Hiếu không chỉ những thiên phóng sự, bút ký sống động mà lớn hơn rộng hơn là không gian sáng tạo rộng mở, tích lúy tư liệu, kiến thức, vốn sống cho những tác phẩm văn học.

Suốt 40 năm đắm mình trong con chữ, nhà báo nhà văn Nguyễn Hiếu là một trong những lực điền trên cánh đồng văn chương. 30 tiểu thuyết, 10 tập truyện ngắn gần trăm kịch bản điện ảnh, phim truyền hình, hai tập thơ, một tập phê bình văn học cùng nhiều giải thưởng Văn học Nghệ thuật danh giá là gia tài đồ sộ ông để lại cho con cháu, gia đình, bạn hữu, bạn đọc và đặc biệt là cho làng Chèm, mà trong tác phẩm của mình, tác giả gọi là "Làng Chiện bên dòng sông Mẹ, sông Cả đẫm nặng phù sa".

Tang lễ nhà văn Nguyễn Hiếu: Con trai nhà văn Nguyễn Hiếu tâm đắc nhất ở cha mình tính nhân văn - Ảnh 3.

Dòng người tiễn đưa nhà văn Nguyễn Hiếu. Ảnh: Thúy Phương.

Khi bệnh tim phát nặng, vào bệnh viện Nguyễn Hiếu vẫn đau đáu với nghề báo nghiệp văn. Đỡ bệnh là hội thảo, hội nghị, lĩnh thưởng, gặp gỡ hàn huyên cùng bạn bè. Con tim mách bảo cho ông thời gian gấp gáp lắm rồi. Phải làm thêm gì đó cho đời. Ông thường nói với bạn bè "Yêu quê hương là tình yêu cao quý nhất, là bệ phóng để vượt qua tất cả, là cội nguồn của sáng tạo. Viết không chỉ cho hôm nay mà cho cả mai sau". Ông cho rằng, phần thưởng cao đẹp của ông là huy chương vì sự nghiệp báo chí Việt Nam, vì sự nghiệp Phát thanh Việt Nam và nhiều phần thường văn học nghệ thuật khác.

Dự tính còn tràn trề, nhưng con tim của Nguyễn Hiếu đã đột ngột ngưng đập vào hồi 10h50 ngày 5/3/2023, nhằm 14 tháng 2 Quý Mão, hưởng thọ 76 tuổi.

Nguyễn Hiếu ơi, hay tin anh đột ngột qua đời biết bao bạn hữu, đồng môn văn nghệ sỹ từ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung, Tây Nguyên gửi lời chia buồn thống thiết, tiếc thương.

Anh ra đi mãi mãi để lại tình thương yêu mãi mãi trong lòng người thân, gia đình, bạn hữu. Đài Tiếng nói Việt Nam mất đi một phóng viên, biên tập viên, một trưởng phòng biên tập kỳ cựu, làng Văn học Nghệ thuật mất đi một nhà văn, nhà viết kịch có nhiều cống hiến. Làng Chèm mất đi một người con quý yêu. Đặc biệt, chị Tâm, vợ anh cùng các con trai Hà, Hải, các con dâu, các cháu nội mất đi người chồng, người cha, người ông hết mực thương yêu, vun vén cho gia đình. Mất mát và đau thương này không gì bù đắp nổi. Xin chia buồn sâu sắc cùng gia quyến. Xin vĩnh biệt nhà báo, nhà văn Nguyễn Hiếu".

Tang lễ nhà văn Nguyễn Hiếu: Con trai nhà văn Nguyễn Hiếu tâm đắc nhất ở cha mình tính nhân văn - Ảnh 4.

Nhà văn Nguyễn Hiếu được hỏa táng tại Đài Hóa thân hoàn vũ Văn Điển, Hà Nội, an táng tại nghĩa trang phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Con trai nhà văn Nguyễn Hiếu, anh Nguyễn Hải xúc động chia sẻ trong lễ tang:

"Điều con tâm đắc nhất là tính nhân văn của bố con. Vì những ảnh hưởng từ bố con đã chọn ngành báo chí mà không phải ngành công an. Và con đã không nhầm khi chọn nghề này. Khi chọn nghề này lúc nào con cũng đặt chữ Tâm trong đầu. 

Bố bảo con là nghề này rất vinh quang nhưng cũng nhiều cám dỗ. Cái Đức, Nhân, Văn, lúc nào cũng phải sống tốt với tất cả mọi người, kể cả người đó có sống xấu với ta thì mới để lại phúc đức cho con cháu. Từ bé đến khi trưởng thành con đã thấm nhuần những điều truyền dạy của bố. Giờ đã đến lúc bố về trời!".

Nguyễn Quang Thiều chủ tịch Hội Nhà văn chia sẻ với Dân Việt: "Nhà văn Nguyễn Hiếu là một "lực sĩ" với cường độ liên tục từ khi cầm bút, rất nhiều tác phẩm ở các thể loại, tiểu thuyết, truyện ngắn, thơ, tiểu luận văn học, báo chí... Tôi có cảm giác thời gian của ông ngoài ngủ và ăn là làm việc. 

Sức làm việc, cảm hứng làm việc của ông từ xưa đến giờ lúc nào cũng cuồn cuộn với những tâm sự về nghề. Nếu có thể nói về "nhà văn chuyên nghiệp" thì ông đúng như vậy. Thái độ làm việc, cường độ làm việc của ông đã khiến ông đóng góp và để lại rất nhiều tác phẩm cho đời.

Những năm gần đây ông là nhà văn có rất nhiều kịch bản cho các vở diễn sân khấu, cần thiết và quan trọng. Ông là tác giả kịch bản được các nhà làm sân khấu săn lùng. Ông là một tấm gương cho sức lao động, thái độ lao động. Với ông, sáng tạo, viết và sáng tác là không bao giờ dừng lại để gặm nhấm thành quả của mình. Tôi cho rằng đây là một điều quan trọng rất cần thiết cho những nhà văn cầm bút. Và những ai muốn cuộc đời mình theo sự nghiệp cầm bút thì cần chọn thái độ lao động như nhà văn Nguyễn Hiếu.

Nhà báo, nhà văn Nguyễn Trọng Huân chia sẻ với Dân Việt  trong đám tang nhà văn Nguyễn Hiếu:

"Nhà văn Nguyễn Hiếu là người giúp tôi ra tập văn đầu tiên năm 1998. Ông là người sống đơn giản, giản dị. Phòng chúng tôi ở Đài tiếng nói Việt Nam cạnh nhau. Khi tôi về đài năm 1987 phòng tôi đã giáp phòng ông đến tận khi ông về hưu. Tính ông hài hước, vui vẻ. Tôi chơi với ông rất thân dù kém ông hơn chục tuổi. Tôi thường tếu táo gọi ông "Hiếu ơi!", ông bảo "Ơi". 

Tôi hay trêu chọc ông còn ông gọi tôi là "Chú mày". Nhà văn Nguyễn Hiếu với tôi là một người anh có sức làm việc tuyệt vời. Tôi không hiểu sao ông có thời gian sáng tác nhiều như thế dù ông vẫn làm báo, và làm công tác quản lý phòng. Ông có sức làm việc kinh khủng, khi về hưu rồi ông vẫn tiếp tục làm việc và vẫn thu nhập 150- 200 triệu/năm. Tôi hay đùa nói ông làm việc ít thôi, tiền nhiều thế sao mà tiêu hết được!".

Nhà văn Nguyễn Hiếu được hỏa táng tại Đài Hóa thân hoàn vũ Văn Điển, Hà Nội, an táng tại nghĩa trang phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, quê hương của ông.

No comments