23 bức tranh tinh tế của họa sĩ 93 và 78 tuổi về “Hào khí Thăng Long”
Triển lãm trưng bày 23 bức tranh được thể hiện với các chất liệu sơn dầu, sơn khắc, sơn mài của hai họa sĩ Nguyễn Anh Thường (sinh năm 1930) và Vũ Hồng Ngọc (sinh năm 1945).
Tuổi đã cao, nhưng hai họa sĩ vẫn giàu ý tưởng và sức sáng tác với những sáng tạo kiên trì lối đi riêng, hoặc tả thực với cách thể hiện khoáng đạt, thoáng, rộng, hoặc trừu tượng thiên về biểu hiện tinh thần của đối tượng được mô tả theo hình dung riêng của người vẽ. Thiên nhiên, phố xá, làng quê vào tranh của họa sĩ Nguyễn Anh Thường và Vũ Hồng Ngọc, đều chung sự đằm thắm, tươi sáng và toát lên không khí của sức sống cùng tình yêu thương đối với cỏ cây, đất nước, con người.
Xem triển lãm, nhiều đồng nghiệp cùng lứa hoặc thế hệ sau tỏ ra ngạc nhiên về năng lực sáng tạo của hai họa sĩ với nhiều bức tranh khổ lớn với kích cỡ trên dưới 1m, 2m, có bức chiều dài đến 3m; cùng những mảng hình khối sử dụng ít màu, mạnh mẽ về sắc độ, thể hiện bút pháp, kỹ thuật tinh tế.
Các tác phẩm trong triển lãm thể hiện một "Hào khí Thăng Long" với sự tinh tế, giàu cảm xúc. Ảnh: Tú Nhi.
Điều đó còn cho thấy khoảng thời gian dài và sự kỳ công mà hai họa sĩ dành cho mỗi tác phẩm đặc sắc, có thể kể đến như: "Đêm Tuần Châu", "Hạ Long nghìn đảo", "Chùa Thầy", "Hà Nội trong sắc đỏ", "Bạch Đằng", "Huyền thoại sức mạnh dân tộc – Huyền thoại Thánh Gióng"… (Nguyễn Anh Thường) và "Chùa Yên Tử", "Chùa Trấn Quốc", "Phố Hàng Giấy", "Làng Ngọc Hà", "Tre xanh"… (Vũ Hồng Ngọc). Ngoài những tác phẩm riêng, thì hai bức tranh "Hào khí Thăng Long" và "Ô Quan Chưởng" là những tác phẩm được cả hai họa sĩ cùng trao đổi, chia sẻ ý tưởng và thể hiện. Đó cũng là ân tình trân trọng, kính mến giữa hai họa sĩ thuộc hai thế hệ, thể hiện qua triển lãm chung này.
Theo nhà phê bình mỹ thuật Phạm Quốc Trung, họa sĩ Vũ Anh Thường là một trong những sinh viên xuất sắc của khóa Tô Ngọc Vân (1955 -1957) Trường cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam, từng tham gia du kích Bắc Sơn, đi bộ đội chiến đấu ở Thượng Lào. "Nguyễn Anh Thường điềm nhiên, tự tại một mình trong tâm thức sáng tạo, ưa thích sự rõ ràng, khỏe khoắn và bề thế, ổn định trong cấu trúc tạo hình…".
Còn họa sĩ Vũ Hồng Ngọc từng tốt nghiệp Trường đại học Mỹ thuật Công nghiệp năm 1978. Nhà phê bình nhấn mạnh: "Hội họa của họa sĩ hướng tới sự giản dị, chân phương với bút pháp gần gũi hội họa Ấn tượng. Loạt tranh sơn dầu của bà trong triển lãm như những khoảng lặng cần thiết, êm đềm".
Nhà sưu tập Phan Minh Hà, người sưu đã sưu tầm nhiều tác phẩm của hai họa sĩ, thể hiện lòng trân trọng khi tổ chức triển lãm này. Ông chia sẻ: "Tiếp sau sự mở đầu đẹp đẽ của thế hệ họa sĩ từng học trường Mỹ thuật Đông Dương, những thế hệ họa sĩ Việt Nam sau này, trải qua nhiều thử thách của chiến tranh, thăng trầm của lịch sử vẫn mang trong mình nhiều đam mê hội họa, trải lòng mình cùng với số phận dân tộc và tình yêu thiên nhiên, đất nước, con người Việt Nam. Họa sĩ Nguyễn Anh Thường và họa sĩ Vũ Hồng Ngọc là những con người như thế".
No comments