Nhà thơ Sóng Hồng làm bài thơ “Là thi sĩ” là để tranh luận với bài “Cảm xúc” của Xuân Diệu?
Chia sẻ trong Hội thảo "80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 - 2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển", PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp – Viện trưởng Viện Văn học cho rằng, Đề cương văn hóa Việt Nam ở thời điểm đó đã mang lại một không khí hết sức phấn khởi, tư tưởng của Đề cương giúp nhiều văn nghệ sĩ ở thời điểm đó giải phóng được cái tôi và cái chúng ta.
"Bản Đề cương đã mang lại cho những nhà làm văn hóa mong muốn được đổi thay sau một thời gian chỉ quan sát và lặng lẽ cống hiến, đó là đóng góp đáng kể của Tổng Bí thư Trường Chinh với văn học nghệ thuật nói riêng và với cách mạch nói chung. Đó là nỗi trăn trở của một nhà lãnh đạo chính trị và của một người nghệ sĩ bởi vì Tổng Bí thư Trường Chinh cũng là nhà thơ. Cá nhân tôi tin, nhiều đại biểu trẻ tuổi vẫn không thể quên được câu thơ: "Lấy cán bút làm đòn xoay chế độ/Mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền", PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp bày tỏ.
Nhìn nhận về sự nghiệp sáng tác văn học và đóng góp của nhà thơ Sóng Hồng (bút danh của Tổng Bí thư Trường Chinh) với nền văn học - văn hóa Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp bày tỏ rằng, câu thơ mà ông đọc ở trên nằm trong bài "Là thi sĩ" – một bài thơ nổi tiếng được viết vào năm 1942.
Đây là một bài thơ mang dáng dấp của một tuyên ngôn nghệ thuật. Nhiều người nghĩ rằng, đây là bài thơ tranh luận lại với bài "Cảm xúc" của nhà thơ Xuân Diệu năm 1936, nhưng thực ra không hẳn như thế. Tuy vậy, rõ ràng người ta thấy trong bài thơ này, nhà thơ Sóng Hồng đã đưa ra một tuyên ngôn rằng, văn học phải có trách nhiệm với đất nước, với nhân dân…
Trong cuộc đời của mình, nhà thơ Sóng Hồng đã có hơn 200 bài thơ. Hồn thơ của Sóng Hồng là một hồn thơ rất khỏe khoắn, chân thực và tràn đầy lạc quan nhưng ông luôn luôn gắn thơ với đời sống. Nói rộng ra là nghệ thuật phải gắn với đời sống của nhân dân. Ông không chỉ là một nhà sáng tạo mà còn là một nhà lý luận xuất sắc về thơ.
Trong quan điểm của tôi, có thể nói, nhà thơ Sóng Hồng là người nắm bắt rất tinh tế bản chất của nghệ thuật, rằng thơ là thơ, thơ là nhạc, thơ là họa, là chạm khắc cuộc sống theo một cách riêng. Tôi cho rằng, đấy là những nhận định chưa bao giờ lỗi thời của ông và thống nhất với quan điểm "thơ và cách mạng không thể tách rời". Có thể nói, nhà thơ Sóng Hồng là bằng chứng sinh động về một hình tượng nghệ sĩ và chiến sĩ cách mạng.
Nhà thơ Sóng Hồng là người nắm bắt rất tinh tế bản chất của nghệ thuật
Trước câu hỏi, có sự logic nào giữa nhà thơ Sóng Hồng với tầm nhìn, trí tuệ của nhà lãnh đạo chính trị Trường Chinh thông qua Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943, PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp giải thích rằng, sự logic đó chính là sự thống nhất đã tạo nên một cốt cách của người sáng tạo ra bản Đề cương để thể hiện quan điểm của Đảng về văn hóa nói chung. Trong đó, nhấn mạnh nhất hai khía cạnh. Khía cạnh thứ nhất là ngay từ rất sớm Tổng Bí thư Trường Chinh đã có sự kết hợp giữa một tư duy nghệ sĩ và tư duy lý luận. Đọc lý luận của ông, người ta nhìn thấy một sự hấp dẫn, một sự lôi cuốn của hùng biện. Ở đó có cái nhìn minh triết và lập luận sắc sảo.
Thứ hai ở tầm cao hơn thì đó là sự kết hợp hài hòa giữa một nhà văn hóa và nhà chính trị. Tầm vóc của một nhà văn hóa lớn khiến cho Tổng Bí thư Trường Chinh có thể nắm bắt được tinh hoa văn hóa của dân tộc và nhân loại, tầm vóc của nhà chính trị có thể khiến cho Tổng Bí thư Trường Chinh có thể nhìn thấy được xu hướng vận động của lịch sử và từng bước đi của cách mạng Việt Nam.
"Sự gắn kết của những nhân tố này đã tạo nên tầm vóc của Tổng Bí thư Trường Chinh mà chúng ta đã biết và bản thân bản Đề cương văn hóa Việt Nam mặc dù rất ngắn gọn nhưng cho thấy được một sự khúc triết, tư duy độc đáo, một cách nhìn rất chính xác và khoa học… đúng như những gì chúng ta đã nhìn thấy và thảo luận tại Hội thảo "80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 - 2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển", PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp khẳng định.
Theo Viện trưởng Viện Văn học, nhìn lại quá trình hình thành, đổi mới tư duy của Đảng ta về văn hóa suốt 80 năm qua kể từ khi Đề cương văn hóa Việt Nam ra đời để nhận diện bức tranh lớn thông qua những tổng hòa của văn hóa chính trị, văn hóa vùng miền, văn hóa xã hội, văn hóa gia đình, văn hóa cá nhân. Đề cương văn hóa Việt Nam là một kết quả của trí tuệ tập thể, kinh nghiệm cách mạng cũng như quá trình học tập của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lãnh tụ của chúng ta ở thời điểm đó. Tuy nhiên, bản Đề cương cũng đã phản ánh chân thực về nhân cách của người đã khởi thảo và biên soạn Đề cương là Tổng Bí thư Trường Chinh.
PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương – Viện trưởng Viện Văn hóa – Nghệ thuật Quốc gia cũng nhận định rằng, khi đặt mình vào vị trí của Tổng Bí thư Trường Chinh những năm 1943, lúc đó người còn rất trẻ nhưng đã khởi xướng soạn thảo Đề cương văn hóa Việt Nam. Bản Đề cương được coi là cương lĩnh đầu tiên về văn hóa của chúng ta.
Và đến năm 1986, ở cương vị Tổng Bí thư, khi tuổi đã rất cao, Tổng Bí thư Trường Chinh vẫn tiếp tục trở thành người khởi xướng trong công cuộc đổi mới của Việt Nam. Trong một cuộc hành trình dài như vậy, trai qua rất nhiều những giai đoạn lịch sử khác nhau, chúng ta đều thấy Tổng Bí thư Trường Chinh có dấu ấn trong những cuộc duy tân của đất nước.
"Đối tới tôi, nếu lòng yêu nước ăn rất sâu vào mỗi người dân Việt Nam, thì tư tưởng đổi mới cũng ghi vào tâm khảm của chúng ta. Vì thế, chúng ta mới có những khát vọng Thăng Long và vì thế chúng ta mới có năm 1943 với một mục tiêu xây dựng một nền văn hóa mới, một nền văn hóa tân dân chủ và suốt cả hành trình đó, tôi thấy Tổng Bí thư Trường Chinh luôn luôn gắn tư duy đổi mới với hành động đổi mới và dựa trên thực tiễn đổi mới", PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương nói.
Bài thơ "Là thi sĩ"
(Tác giả Sóng Hồng - sáng tác tháng 6/1942)
Nếu "thi sĩ nghĩa là ru với gió,
Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây",
Ðể tâm hồn treo ngược ở cành cây
Hay lả lướt đìu hiu cùng ngọn liễu;
Nếu thi sĩ nghĩa là nhăn với mếu,
Nghĩa là van Thượng đế rủ lòng thương,
Hồn bơ vơ lạc lõng ở mười phương,
Khóc rả rích như ve sầu tháng hạ;
Nếu thi sĩ vùi đầu mài miết tả
Cặp "tuyết lê" hồi hộp trước tình yêu,
Cho cuộc đời là mộng ái cao siêu,
Chìm đắm ở thương hoa và tiếc ngọc;
Nếu thi sĩ nghĩa là đem gấm góc
Phủ lên trên xã hội đã điêu tàn,
Véo von ca cho át tiếng kêu than
Của nhân loại cần lao đang giãy giụa;
Thì bạn hỡi, một nhà thơ như rứa
Là tai ương, chướng họa của nhân quần,
Nhọc tơ lòng mà phí cả ngày xuân
Ðể ca ngợi bất công và tàn ngược;
Uốn gối trước cường quyền và mong được
Lượm hương thừa, phấn thải để qua ngày;
Khiến loài người đắm đuối và mê say,
Sống thoi thóp dưới gông xiềng nô lệ.
Không, không được! Hỡi các nhà văn nghệ,
Các nhà thơ yêu dấu của đồng bào,
Các nhà thơ trong sạch và thanh tao,
Hoa thơm ngát trong vườn xuân đất Việt!
Là thi sĩ phải là hồn cao khiết,
Chí kiên cường và sứ mệnh cao siêu;
Ca tự do, tiến bộ với tình yêu
- Yêu nhân loại, hòa bình và công lý -
Cao giọng hát những bài ca chính khí
Của anh hùng đã vì nước quên mình,
Sống quang vinh mà chết cũng quang vinh,
Của Bãi Sậy, Thái-nguyên và Yên-bái...
Là thi sĩ nghĩa là theo gió mới
Tìm ý thơ trên ngọn sóng Bạch - đằng,
Ðể tâm hồn dào dạt với Chi-lăng,
Làm bất tử trận Ðống - đa oanh liệt,
Dốc cho hết cả một bầu nhiệt huyết,
Tưới tâm can đồng loại lúc tàn đông;
Thả trái tim hòa nhịp với Ðô-lương,
Với Lục-tỉnh, Bắc-sơn và Ðình-cả.
Là thi sĩ nghĩa là cao khúc họa
Cuộc đấu tranh vĩ đại của hoàn cầu
Chống hung tàn xâm lược khắp năm châu,
Trên trái đất dựng cao cờ dân chủ.
Dùng bút làm đòn chuyển xoay chế độ,
Mỗi vần thơ: bom đạn phá cường quyền,
Và lúc cần, quẳng bút lấy long tuyền.
Hỡi thi sĩ! Hãy vươn mình đứng dậy!
Thời rượu nồng, đệm gấm đã qua rồi.
Thôi thôi đừng khóc gió với than mây,
Hãy nhịp bước trên con đường tiến bộ.
Dùng thi khúc mà lạnh lùng soi tỏ
Những bệnh căn xã hội đã tràn đầy;
Cùng công nông vun xới cuộc tương lai
Ðã chớm nở từ Liên-xô hùng vĩ.
No comments