"Trùm Xoan" duy đất Tổ Phú Thọ: Sáng là nông dân, tối là nghệ nhân - TIN TỨC GIẢI TRÍ

Breaking News

"Trùm Xoan" duy đất Tổ Phú Thọ: Sáng là nông dân, tối là nghệ nhân

Sứ mệnh phải gìn giữ nghệ thuật truyền thống dân tộc

Khách du lịch về với Phú Thọ, không thể nào không thưởng thức những làn điệu Xoan đặc trưng của vùng đất Tổ. Nam trong trang phục áo the khăn xếp, nữ trong trang phục áo năm thân, đội khăn mỏ quạ say sưa hát và múa phụ họa dưới sự cầm nhịp của kép trống (người nam đánh trống).

"Trùm Xoan" duy đất Tổ Phú Thọ: Sáng là nông dân, tối là nghệ nhân - Ảnh 1.

Bà Lịch đã trở thành một đào nương từ khi còn rất trẻ. (Ảnh: Gia Linh)

Nhưng tại đình An Thái, có một "kép trống" hết sức đặc biệt - một nghệ nhân nữ tham gia biểu diễn nghệ thuật hát xoan nhưng lại trong trang phục áo the khăn xếp của nam và là người đánh trống giữ nhịp cho các đào và kép (trong hát Xoan, nghệ nhân nữ được gọi là đào, nghệ nhân nam được gọi là kép). Đó là Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Thị Lịch (sinh 1950 tại làng An Thái, Phượng Lâu, Việt Trì, Phú Thọ)- trùm phường Xoan duy nhất tại vùng đất Tổ Phú Thọ là nữ.

Gia đình bà có truyền thống 5 đời biểu diễn nghệ hát Xoan cổ. Ông nội của bà là nghệ nhân Nguyễn Văn Trìu, cha đẻ của bà là nghệ nhân Nguyễn Văn Thắng, cả hai đều là trùm Xoan nổi tiếng của phường Xoan An Thái (xã Phượng Lâu, Việt Trì, Phú Thọ). Từ năm 6 tuổi, bà đã đi theo gánh hát của ông nội và cứ thế những câu hát "thẩm thấu" dần vào tâm hồn của cô đào Xoan trẻ tuổi. Vừa là đào Xoan, bà còn có thể đảm nhiệm công việc của một kép trống và hát dẫn khi đi biểu diễn.

Theo lời kể của bà, từ xưa đến nay, các trùm Xoan truyền từ đời này qua đời khác đều là nam, nhưng theo nguyện vọng của ông nội bà là phải truyền chức "trùm Xoan" lại cho bà. "Ông nội tôi dặn dò đi, dặn dò lại cha tôi là phải truyền cho gái đầu, cái Lịch chứ không truyền lại cho em trai tôi, vì cụ nghĩ con gái sẽ cẩn thận hơn trong việc giữ gìn. Bố tôi cũng luôn dặn dò tôi phải gìn giữ để mai này ai hỏi tới thì truyền dạy lại cho họ, quyết không để bị mất. Lúc ấy, tôi mới bảo, cả đời ông cả đời bố chẳng thấy ai hỏi tới thì tới đời con còn ai hỏi. Chúng tôi cứ gìn giữ, những người trong làng truyền dạy lại cho nhau và đi biểu diễn vào mỗi dịp lễ hội.

"Trùm Xoan" duy đất Tổ Phú Thọ: Sáng là nông dân, tối là nghệ nhân - Ảnh 3.

Các nghệ nhân biểu diễn hát Xoan tại Đình An Thái. (Ảnh: Gia Linh)

Thế nhưng, từ sau Nghị quyết TW 5 (1998) được ban hành, chủ trương "Hết sức coi trọng bảo tồn, kế thừa, phát huy những giá trị văn hoá truyền thống, văn hóa cách mạng, bao gồm cả văn hoá vật thể và phi vật thể’ thì tôi như càng thấy rõ hơn được trách nhiệm của mình trong việc thay cha ông gìn giữ cái di sản hát Xoan này", bà Lịch chia sẻ.

Đó cũng là lý do mỗi khi đi biểu diễn, bà thường mặc áo the khăn xếp để giống với trang phục của trùm Xoan trước đó.

Năm 2017, bà phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân. Năm 2021, bà vinh dự được Hội LHPN Việt Nam trao Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2021.

Sáng là nông dân, tối là nghệ nhân

Trong thời gian chiến tranh, nhiều loại hình văn hóa - nghệ thuật bị mai một dần. Nhưng tại làng An Thái, dù không đông vui, nhộn nhịp nhưng bà vẫn cùng dân làng cố gắng duy trì những hoạt động sinh hoạt văn hóa trong những dịp lễ hội. Quyết tâm giữ gìn những làn điệu Xoan mà cha ông để lại, bà vẫn tập luyện và dạy hát Xoan cho người khác. Bất kỳ ai muốn học, bất kỳ hoàn cảnh nào bà cũng cố gắng duy trì, giữ cho nguyên vẹn, không bị sai lệch hay mất mát một câu hát nào.

"Trùm Xoan" duy đất Tổ Phú Thọ: Sáng là nông dân, tối là nghệ nhân - Ảnh 5.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch nhiệt tình giới thiệu hát Xoan tới khách du lịch. (Ảnh: Gia Linh)

"Chúng tôi tập luyện bất cứ lúc nào, không chỉ là trong những dịp lễ hội mà cả trong lúc lao động, ở ngoài đồng thì cũng tập luyện", bà Lịch nhấn mạnh.

Nhờ vậy mà các hoạt động sinh hoạt văn hóa, làng xã bao gồm hát Xoan tại làng An Thái không bị mai một.

"Sau khi hòa bình được lập lại, tôi mới rủ một số người bao gồm cả những em học sinh, những chị em, ai muốn học là tôi dạy. Mọi người thì rất hưởng ứng, những hoạt tập luyện và truyền dạy của chúng tôi thì cũng rất được ủng hộ", bà Lịch vui vẻ kể lại.

Năm 2006, UBND tỉnh Phú Thọ công nhận trở lại phường Xoan An Thái, bà Lịch được bầu là "trùm phường" và cũng là trùm Xoan là nữ duy nhất của tỉnh Phú Thọ. Dù là vậy, nhưng theo lời kể của bà Lịch, các hoạt động gìn giữ và bảo tồn khi ấy chỉ mới lan rộng ở mức trong các làng và chỉ được đi biểu diễn quanh tỉnh chứ chưa được lan tỏa và biết tới rộng rãi như bây giờ. Trong thâm tâm mình thời điểm trước năm 2011, chưa bao giờ bà Lịch nghĩ hát Xoan sẽ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể.

"Sau khi hồ sơ Hồ sơ Hát Xoan - Phú Thọ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, chúng tôi rất phấn khởi, lại càng tích cực hơn trong các hoạt động bảo tồn theo chiến lược mà các cơ quan ban ngành đã đưa ra để mong thoát khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp càng sớm càng tốt.

"Trùm Xoan" duy đất Tổ Phú Thọ: Sáng là nông dân, tối là nghệ nhân - Ảnh 6.

Bà Lịch cảm thấy không còn hối tiếc điều gì trong hành trình đã đi qua. (Ảnh: Gia Linh)

Khi nghe tin đã thoát khỏi tình trạng này rồi, chúng tôi càng phấn khởi hơn nữa, không thể diễn tả được cảm xúc lúc ấy, chỉ biết là mình đã làm được điều gì đó, xứng đáng với những gì mà cha ông tín nhiệm giao trọng trách.

Dù không có chế độ lương, nhưng mà vẫn cảm thấy rất vui mừng. Sau đó, ngày càng nhiều khách du lịch hơn, cảm thấy hát Xoan ngày càng được lan tỏa. Không chỉ mình tôi mà có lẽ cả đất nước, quê hương làng xóm đều tự hào về giá trị di sản mà cha ông để lại", bà Lịch bộc bạch.

Có được thành quả như ngày hôm nay là nhờ công lao rất lớn của bà Lịch cùng các nghệ nhân đã âm thầm lặng lẽ, không quản ngại khó khăn để gìn giữ, bảo tồn và phát triển. Thế nhưng, công việc chính của bà lịch và hầu hết các nghệ nhân khác đề là làm ruộng. Ban ngày vẫn phải làm công việc của một người nông dân, tối về mới dành thời gian luyện tập hát. Các nghệ nhân hát Xoan không có chế độ lương thưởng hay chế độ gì khác.

Bà chia sẻ: "Mỗi năm tỉnh hỗ trợ 30 triệu đồng, chủ yếu dùng vào việc may vá quần áo hoặc sắm sửa dụng cụ… Chúng tôi cũng đề nghị mãi nhưng mà đến nay vẫn chưa có gì, đó cũng là điều thiệt thòi. Cũng mong rằng tương lai các cấp chính quyền sẽ quan tâm nhiều hơn tới đời sống của các nghệ nhân, những người đang trực tiếp bảo tồn di sản". Theo bà Lịch, các nghệ nhân cũng phải kiếm tiền để duy trì cuộc sống trước thì mới có thể tiếp tục công việc gìn giữ di sản được.

"Tôi hát tới khi nào tắt thở thì thôi"

Mỗi ngày, nhìn thấy bà con, hàng xóm, láng giềng từ già trẻ lớn bé đều có thể hát Xoan hay những làn điệu này được các ca nhạc sĩ phổ nhạc, dù nhiều hay ít, bà Lịch như cảm thấy đã hoàn thành "sứ mệnh" mà cha ông để lại. Bà chia sẻ có những kỷ niệm khó quên với hát Xoan "kể không biết khi nào mới hết". 

Biểu diễn hát Xoan tại Đình An Thái, xã Phượng Lâu, TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. (Video: Ngọc Mai)

Từ việc cố gắng không để bị mai một tới việc truyền dạy lại cho người lớn, người nhỏ, rồi vừa làm thầy vừa làm bảo mẫu những đứa nhỏ tinh nghịch, phải dỗ dành chúng thế nào, hay kỉ niệm có một cậu học trò tại trường Đại học Hùng Vương giữa trưa trời nắng tới để xin được bà dạy hát mà bà hết sức cảm động. Những người học trò của bà hiện nay cũng không ít người đang là những Nghệ nhân Ưu tú.

Con cháu trong nhà cũng không khác gì bà ngày xưa, "chất Xoan" đã ngấm vào trong tâm hồn từ những người nhỏ nhất. Cả con trai và cháu trai của bà đều đã sẵn sàng để kế nghiệp trùm Xoan nên bà cũng không còn gì cảm thấy hối tiếc.

Khi được hỏi bản thân sẽ tiếp tục sẽ biểu diễn hát Xoan tới khi nào, có tính chuyện "giải nghệ" vì cũng có tuổi rồi hay không, bà chỉ cười lớn và bảo: "Tôi hát tới khi nào tắt thở thì thôi… lúc tắt thở rồi thì còn hát thế nào được nữa".

No comments