Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát tiết lộ lý do làm phim "Hồng Hà nữ sĩ" về cuộc đời nữ sĩ Đoàn thị Điểm - TIN TỨC GIẢI TRÍ

Breaking News

Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát tiết lộ lý do làm phim "Hồng Hà nữ sĩ" về cuộc đời nữ sĩ Đoàn thị Điểm

Cùng với Đào, Phở, Piano, Hồng Hà nữ sĩ là dự án phim điện ảnh thứ hai được Nhà nước tài trợ đặt hàng trong năm 2022, đã bắt đầu bấm máy những cảnh quay đầu tiên. Hồng Hà nữ sĩ là câu chuyện về cuộc đời nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, danh nhân văn hóa quê Hưng Yên. Bà cùng Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan, Sương Nguyệt Anh là 4 nữ sĩ tài hoa, nổi tiếng sinh cùng thời. Phim tái hiện cuộc đời Đoàn Thị Điểm với nhiều cột mốc quan trọng. Là một người phụ nữ giỏi văn chương thơ phú nhưng đời sống của Đoàn Thị Điểm khá nghiêm ngắn, giỏi nữ công gia chánh.

Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát tiết lộ lý do làm phim "Hồng Hà nữ sĩ" về cuộc đời nữ sĩ Đoàn thị Điểm - Ảnh 1.

  Ảnh từ trái sang: Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, đạo diễn Nguyễn Đức Việt, quay phim Vũ Quốc Tuấn. Ảnh: NVCC

Bà không chỉ dịch Chinh Phụ Ngâm từ chữ Hán ra chữ Nôm xuất sắc mà còn là tác giả của nhiều cuốn sách quý, bổ ích. Khi còn trẻ, Đoàn Thị Điểm là người con gái biết chấp nhận gác cái tôi cá nhân để chu toàn cho gia đình, giã từ cuộc sống phồn hoa chốn kinh kỳ để về quê làm nghề bốc thuốc. 30 tuổi, bà gặp tiến sĩ Nguyễn Kiều có một người vợ đã qua đời và có con riêng. Sau khi bà kết hôn với Nguyễn Kiều, ông đi sứ tại Trung Quốc. Đoàn Thị Điểm ở nhà chăm sóc, nuôi dạy con riêng thay chồng. Quá buồn nhớ người đi xa, bà đã dịch Chinh Phụ Ngâm. Khi tiến sĩ Nguyễn Kiều được phân vào vùng Nghệ An, Đoàn Thị Điểm đã đi theo chồng. Trên đường đi, bà ốm và qua đời ở tuổi 43. Chỉ sống vỏn vẹn hơn 40 năm nhưng Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm đã kịp làm được nhiều điều, cả trong văn học nghệ thuật và đời sống.

Phim cũng đề cập đến tình bạn tri âm tri kỉ giữa Đoàn Thị Điểm và Đặng Trần Côn. Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát tiết lộ với Dân Việt hai lý do bà viết kịch bản phim Hồng Hà nữ sĩ. Thứ nhất  là vì nữ sĩ Đoàn Thị Điểm là người cùng quê Hưng Yên với bà. Thứ hai là vì cuộc đời Đoàn Thị Điểm có số phận rất hay nên bà tin rằng khi lên phim khán giả sẽ "có nhiều cái để xem". "Bên cạnh đó, việc tái hiện câu chuyện cuộc đời một nữ sĩ tài hoa, xinh đẹp, đoan trang, hiếu thảo như một cách để lấy người xưa làm gương để người nay soi vào", nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát cho biết.

Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát tiết lộ lý do làm phim "Hồng Hà nữ sĩ" về cuộc đời nữ sĩ Đoàn thị Điểm - Ảnh 2.

Đền Mẫu - bối cảnh chính của phim Hồng Hà nữ sĩ. Ảnh: Ivivu

Sau 3 năm theo đuổi dự án, bà và ê-kíp đã có thể bắt đầu đưa Hồng Hà nữ sĩ lên màn ảnh với các công việc như chọn cảnh, thuê máy, tuyển diễn viên…

Bối cảnh chính của Hồng Hà nữ sĩ sẽ được quay tại Hưng Yên, Thái Bình, Yên Tử, Bắc Ninh. Tại Hưng Yên, quê hương của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, đoàn làm phim sẽ quay tại rặng nhãn, bến sông (cảnh bà đi đò dọc về để chịu tang bố), Văn Miếu, đền Mẫu – cảnh hai ông bà lúc tỏ tình.

Những hình ảnh đầu tiên của phim (chính là cảnh kết phim) được quay tại mộ ông bà ở Phú Thượng – là cảnh thật khi hiện nay hai người vẫn nằm bên nhau trong khu vườn nhà cụ Nguyễn Kiều, nơi vẫn còn người cháu đời sau chăm sóc. Cảnh quay ở bờ sông Hồng, vườn đào Nhật Tân là cảnh mộ bà lúc được người chồng mang về đặt trong vườn đào. Một trong những cảnh cuối của phim là hình ảnh Đặng Trần Côn khóc bên mộ Đoàn Thị Điểm. Ông sẽ nói một câu kết phim rằng, bản Chinh Phụ Ngâm chữ Hán của ông chết đi trong bản dịch của bà vì người ta chỉ thích bản dịch của bà.

Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát tiết lộ lý do làm phim "Hồng Hà nữ sĩ" về cuộc đời nữ sĩ Đoàn thị Điểm - Ảnh 3.

Một trong những bối cảnh của phim Hồng Hà nữ sĩ. Ảnh: NVCC

Đoàn phim đã tiến hành casting trên cả nước để tìm ra các ứng cử viên cho vai chính Đoàn Thị Điểm. "Hiện có nhiều gương mặt xuất sắc nhưng  chúng tôi vẫn chưa quyết định ai sẽ đóng chính. Vì đạo diễn cho biết, sau Tết Nguyên Đán mới quay những cảnh có nhân vật nên sẽ chờ đến lúc đó. "Biết đâu phút cuối có ngôi sao lóe sáng xuất hiện. Nếu chốt sớm quá thì khi gặp được người rực rỡ hơn lại bảo người kia thôi thì khổ thân người ta", biên kịch, nhà sản xuất Nguyễn Thị Hồng Ngát nói. Ngoài ra, bà cũng tiết lộ, phim có nhiều nét văn hóa đặc sắc để làm bật nên hồn Việt trong phim.

No comments