Kể chuyện làng: Tháng Chạp cùng cha đi bẻ măng
Quê tôi không có lũy tre làng, cũng không có những hàng rào tre xanh ngát. Mỗi lần muốn hái măng, cha và tôi lại đi qua cánh đồng rộng lớn, len lỏi qua vài khoảnh vườn mới đến được bụi tre già. Khi nhìn thấy những mụt măng ngoi lên từ đất cứng nằm ẩn giữa bụi gai tre, cha con tôi mừng rỡ như bắt được vàng. Đó là những mụt măng hiếm hoi mọc muộn vào giáp Tết, sau những cơn mưa rỉ rả cuối cùng của tháng mười một Âm lịch.
Món canh măng từ xưa đã là một món ăn cổ truyền không thể thiếu trên mâm cơm Tết của người miền Nam tôi. Bà ngoại nói ngày Tết mà hái được mụt măng xem như là hái được lộc trời, may mắn lắm. Và Tết đâu phải mùa măng, ai cũng canh chừng để tranh hái trước những mụt măng ngọt lừ xanh mướt. Tôi với cha hì hục đào, rồi khệ nệ ôm mấy mụt măng nặng trĩu. Măng sau khi đem về nhà thì chia đều cho các cậu mợ để nhà ai cũng có một nồi canh măng cúng ông bà.
Canh măng tươi được nấu với chân giò từ con heo mà bà ngoại tôi nuôi nấng từ lâu để dành chia cho các con ăn Tết. Cái Tết ngày xưa thật là vui. Khi những chậu hoa cúc vàng được thu hoạch lên xe đi tỏa ra khắp các nẻo đường xứ sở, các cậu tôi chính thức rỗi việc, chuẩn bị dao thớt để mổ heo. Các mợ dì và mẹ tôi chạy đôn chạy đáo đi chợ mua sắm Tết. Trong khi đó, đám con nít chúng tôi lại vây xung quanh để xem chia thịt. Cậu tôi chặt miếng thịt nào cũng vuông vức đỏ au. Ba rọi, đùi, chân giò, sườn, vai, nọng… chia đều cho các nhà. Còn cái đầu heo và nguyên bộ đồ lòng thì để mấy anh em nấu cháo theo kiểu miền Tây và nhậu ăn mừng tất niên sau vụ mùa hoa thắng lợi.
Nấu canh măng đâu có gì khó. Măng tươi sau khi lột hết lớp vỏ bên ngoài lộ ra phần lõi trắng phau. Xắt măng thành sợi nhỏ hoặc lát mỏng rồi đem luộc chín cho bớt đắng. Chân giò làm sạch cắt khoanh rồi luộc sơ để ra hết chất bẩn. Sau đó, phi thơm tỏi rồi cho nước sạch và chân giò vào hầm cho đến khi chân giò chín mềm mới cho măng vào. Nêm nếm gia vị rồi cho hành lá và rắc thật nhiều tiêu xay.
Ngày Tết mà có canh măng thì thật sự phải nói rằng ngon lắm! Chân giò heo vừa mổ hầm trên lửa củi thật ngọt mềm, sợi măng tươi giòn sần sật, nước canh có vị đăng đắng lẫn ngọt lịm thơm ngát mùi đặc trưng ngon tuyệt của măng. Sau khi đặt tô canh măng cùng những món thân quen khác lên bàn thờ cúng ông bà, tôi nghe trong mùi nhang trầm thơm dìu dịu có cả mùi canh măng, mùi thịt kho tàu, mùi mắm tôm chua thơm lựng tràn trề trong… khướu giác. Khi hạ mâm, cả nhà cùng nhau ăn bữa cơm ngon lành. Thậm chí, khi cô bác hàng xóm qua chơi còn tranh thủ ăn ké một chén canh măng vì họ không thể tìm mua được măng vào ngày cuối năm xóm nhỏ.
Món canh măng là một món ăn cổ xưa có từ rất lâu đời, tượng trưng cho sự bình dị mộc mạc của con người miền Nam cần cù và sự ngọt lành của phù sa màu mỡ. Món canh măng có cả vị đắng lẫn ngọt, tựa đời người đi qua biết bao mùa xuân, có khi thăng trầm, có khi phải vượt qua biết bao nhiêu đắng cay gian khổ, nỗ lực thu về quả ngọt, như những mụt măng ngày đêm âm thầm mãnh liệt rẽ đất chui lên hiên ngang giữa đất trời nắng gió…
Món canh măng đã đi theo tôi và cả gia đình qua biết bao nhiêu cái Tết, trở thành một món ăn thân thương và đầy kỷ niệm. Giờ đây, mỗi cuối năm khi đi chợ Tết, tôi lại cố tìm mua về vài mụt măng thật tươi để chia đều cho nhà mình và các cậu mợ dì như những ngày xưa năm cũ. Thịt thà cá tôm có ngon thế nào cũng ngán. Tết có tô canh măng vừa giải ngấy vừa ngọt mát đến nao lòng.
Sau bao nhiêu năm, thói quen mổ heo ngày Tết của gia đình tôi vẫn còn giữ lại. Cậu tôi vẫn xẻ thịt heo rất khéo và lũ chúng tôi vẫn quây quần xung quanh nhìn theo bàn tay cậu chia đều thịt heo cười sung sướng.
Đáng tiếc bụi tre già từ lâu đã không còn nữa để tôi được cùng cha đi tìm măng như thuở ấy. Nhưng hình ảnh hai cha con lang thang băng đồng đi tìm măng vào buổi chiều cuối năm xa vắng vẫn còn đó mãi mãi in sâu vào tâm trí của tôi. Lần nào ăn canh măng ngày Tết, cha con tôi cũng nhắc lại cười xoà rồi mắt lại rơm rớm nhớ về bụi tre gai già cỗi mang theo kỷ niệm đẹp tuyệt vời của những mùa xuân tuổi thơ...
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.
No comments