Kể chuyện làng: Bát chè kê đêm giao thừa
Ai xuôi về biển
Ai ngược lên ngàn
Có hay chăng, quê hương em có núi Nầm, sông Phố
Năm bốn mùa gió hát, thông reo
Cầu in bóng nước trong veo
Sông ôm lấy núi, núi chiều lấy sông…
Câu thơ mang đậm chất ví dặm cứ văng vẳng bên tai mỗi chiều xa quê khiến lòng tôi thêm nao lòng, khắc khoải, nhất là dịp Tết Nguyên đán cận kề.
Sinh ra và lớn lên ở xã Sơn Tân (nay là xã Tân Mỹ Hà), huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh, làng tôi uốn mình chạy dài bên dòng sông Ngàn Phố trong vắt, soi bóng dãy núi Thiên Nhẫn lung linh hợp thành bức tranh sơn thủy hữu tình. Tài sản vô giá thiên nhiên ban tặng cho vùng quê thôn dã không chỉ phong cảnh kỳ vĩ, diễm lệ hiếm nơi nào có được, mà hơn thế nữa là dải đất màu mỡ phủ kín triền đồi. Đã từ bao đời nay, cha ông cần cù khai hoang, trồng trọt đủ thứ cây trái mưu sinh lập nghiệp, nổi bật trong đó là nương rẫy bát ngát chè xanh đan xen khoai sắn và bông kê vàng rộm, từ xa trông tựa đuôi sóc khoe sắc trong nắng sớm, tạo nên những đặc sản đậm vị quê nhà.
Phong tục tập quán xứ Nghệ có nhiều nét mang dấu ấn của miền đất tràn ngập nắng gió bốn mùa, nhưng nhớ nhất là đêm giao thừa, nhà nhà đều sum vầy ngồi bên bếp lửa hồng nấu chè kê – kết tinh thành quả từ giọt mồ hôi sau 365 ngày vật lộn với nắng sương trên đồng ruộng, tạ ơn trời đất và cũng là món khai vị không thể thiếu thời khắc đón chào năm mới.
Để có bát chè kê đạt chuẩn, tuy đơn sơ song là cả một quá trình thao tác đòi hỏi nghệ thuật, kỹ năng xử lý khéo léo, từ hai bàn tay đến sự cảm nhận tinh tường của đôi mắt. Thông thường, việc nấu chè kê để phút giao thừa thành kính dâng cúng tổ tiên do người mẹ đảm nhiệm. Cụ thể, vài hôm trước Tết, lấy kê hạt từ trong chóe (chum nhỏ chế tác bằng đất nung) phơi khô, cho vào cối xay, sau đó sàng sảy hết vỏ trấu, khi thấy hạt trơn bóng là đạt yêu cầu. Chiều 30 Tết, lúc hoàng hôn buông rũ, mẹ mang kê ra nhúng ngập trong thau nước lã, vo nhiều lần, gạn sạch cát bụi, để vào rá tre (loại rổ đan lồng mốt xếp kín bằng nan tre) cho thật ráo nước.
Khoảng hai mươi hai giờ, đun nồi nước sôi, nhấc xuống chờ một lát nguội chừng 50 độ C thì đổ mật mía loại ngon, đặc quánh trộn chung (chè kê ngon nhất là nấu với mật mía), tý lệ giữa mật và nước vừa đủ, đảm bảo độ ngọt tùy thích theo ý muốn. Mẹ cẩn thận bắc nồi lên bếp củi lấp lánh than hồng, chăm chú quan sát đến khi hỗn hợp quyện lại, chuyển dần sang màu da cam là đổ kê vào, nhanh tay dùng đũa tre khuấy đều không nghỉ, bởi chỉ sơ suất cho dù giây lát cũng có thể bị khê cháy, điều tối kỵ đối với mọi người, mọi nhà thời điểm giao duyên của đất trời.
Chờ khi hạt kê gắn kết dẻo quẹo, nâng đũa lên không rơi ngay xuống, cho gừng giã nhuyễn trộn đều, khẩn trương gạt than hồng ra, để nồi chè lên hông trong vòng 15 phút là chín tới. Vui nhất là lũ trẻ chúng tôi thi nhau sắp bát lên mâm gỗ để mẹ múc đổ vào, nhìn bát chè kê vàng ươm, bốc khói tỏa hương ngọt ngào, kính cẩn dâng lên bàn thờ tổ tiên đúng lúc chuông giao thừa ngân vang, cha thắp nén tâm nhang cầu xin một năm mới vạn sự cát tường, bốn mùa bình an, gia đạo an khang thịnh vượng. Phút giao thừa trôi qua, mẹ thỉnh chè xuống, cả nhà vừa thưởng thức, vừa gửi lời chúc tốt đẹp nhất tới bậc sinh thành, tới anh em ruột thịt, hứa hẹn một mùa Xuân khởi sắc…
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.
No comments