Tác giả "Điều kỳ diệu dưới những gốc anh đào": "Không kết bạn được với trẻ con là lỗi của người lớn"
Võ Thu Hương một nhà văn trẻ đã có sở trường ở mảng truyện viết cho thiếu nhi, thậm chí có nhiều tác phẩm được trích dẫn và đưa vào sách giáo khoa ở bậc tiểu học. Vài năm trở lại đây, nữ tác giả dành tâm huyết xuất bản nhiều đầu sách dành cho bạn đọc tuổi hoa như: Về phía bình minh, Góc nhỏ yêu thương, Yêu thương ở lại, Ông già Noel ơi, Những đóa hoa mặt trời, Quà của Thần Núi…
Bằng giọng văn ấm áp, cùng cách kể chuyện dí dỏm, hồn nhiên, nhiều tác phẩm của chị đã chiếm được tình cảm của bạn đọc nhỏ tuổi. Mỗi truyện ngắn là một lát cắt sinh động về cuộc sống với bao vui buồn và cùng những bài học bổ ích.
Được biết đến nhiều với những những trang văn đẹp và trong sáng dành cho các em nhỏ, Điều kỳ diệu dưới những gốc anh đào là cuốn sách thứ mấy chị viết cho thiếu nhi?
- Điều kỳ diệu dưới những gốc anh đào là cuốn sách thứ mười mấy tôi viết cho thiếu nhi. Thú thực sau cuốn thứ 10 tôi ngại đếm chính xác số sách ra của mình. Mặc dù cuốn sách mới ra nào tôi cũng giữ sự háo hức như với cuốn đầu tiên. Bởi vì tôi nghĩ tác phẩm viết ra quan trọng vẫn là chất lượng chứ không phải là chất lượng.
Động lực nào khiến chị có thể làm việc một cách đáng nể như vậy, khi trong cùng một năm cho ra 2 cuốn sách. Như hồi đầu tháng 06 là Về phía bình minh và dịp trung thu năm nay là Điều kỳ diệu dưới những gốc anh đào?
- Đúng là năm nay tôi ra hai cuốn. Nhưng Về phía bình minh là cuốn sách đã từng viết nhiều năm trước đó, trong một trại sáng tác do Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP. HCM tổ chức. Năm nay tôi chỉ biên tập lại và ra mắt độc giả thôi.
Trong Điều kỳ diệu dưới những gốc anh đào, chị tâm đắc với tác phẩm nào nhất và có câu chuyện nào mà bây giờ chị muốn bổ sung vào cuốn sách không?
Tôi thực sự khó để chọn ra một truyện ngắn nào tâm đắc nhất trong tác phẩm này. Bởi nhiều câu chuyện đã thành kỷ niệm đáng yêu đối với tôi. Và thường, những câu chuyện được viết từ kỷ niệm, từ sự trải nghiệm của bản thân bao giờ cũng được tác giả có tình cảm hơn một chút. Trong Điều kỳ diệu dưới những gốc anh đào là những tác phẩm như Hương xuân, Chú vịt tội nghiệp, Quà tặng của mùa xuân… Tôi ít khi tiếc nuối có câu chuyện nào chưa kịp đưa vào sách, vì biết rằng mình sẽ ra sách nữa, cơ hội vẫn còn nhiều.
Những cô bé, cậu bé dễ thương trong cuốn truyện có phải là hình bóng của chị và các bạn ở thuở nhỏ đã xa?
- Chỉ một hai câu chuyện là đúng y như kỷ niệm tuổi thơ tôi bên ông bà, bố mẹ. Chủ yếu, tôi chỉ lấy cảm hứng từ tuổi thơ của mình. Ví dụ như truyện Con muốn làm một cái cây - là cảm hứng khi tôi luôn giữ hình ảnh những cây ổi, cây táo trong mảnh vườn của ông bà ngoại, nơi tôi gắn bó những năm tháng ấu thơ và sự quan tâm của ông dành cho tôi. Và tôi ưu tiên kể những câu chuyện về những cô bé, cậu bé đáng yêu xung quanh hơn là chuyện của mình, điều đó giúp nội dung cuốn sách phong phú hơn, bản thân tôi cũng gần gũi hơn với độc giả.
Với sức sáng tạo dồi dào của mình, nhà văn Võ Thu Hương có "nàng thơ" hay độc giả đặc biệt nào không?
- Độc giả đặc biệt nhất của tôi là bé Bống - con gái tôi. Một độc giả rất sòng phẳng trong việc khen, chê, nhận xét… Đặc biệt hơn nữa, thường kể cho tôi nghe những câu chuyện thú vị trong thế giới trẻ thơ của con. Ngoài ra, tôi thường đi giao lưu với học sinh ở các trường học, và những câu chuyện, góp ý của các em, của thầy cô cũng luôn đặc biệt đối với tôi. Nhiều câu chuyện của tôi được viết lại từ lời kể của các thầy cô, các bạn nhỏ. Thậm chí viết đúng y chang, nhưng bản thân tôi và độc giả đều thích. Có lẽ bởi sự chân thành trong những câu chuyện ấy.
Nhiều người nói họ đến với văn chương dành cho thiếu nhi như một cái duyên, còn chị thì sao? Vì yêu thích hay là vì sở trường giỏi dẫn dắt và tạo cảm xúc cho các bạn nhỏ của chị?
- Tôi viết văn khá sớm. Từ lúc đi học, viết vì yêu thích, vì thấy được bè bạn, thầy cô động viên, ghi nhận khi thể hiện khả năng của mình, còn vì được nhận những đồng tiền đầu tiên kiếm được bằng sức mình nữa.
Về sau, và cả hiện nay tôi vẫn viết cho cả người lớn lẫn thiếu nhi. Nhưng thú thực tôi nghĩ mình viết cho thiếu nhi tốt hơn viết cho người lớn. Viết cho trẻ con, tôi không chỉ có cơ hội sống lại kỷ niệm ngọt ngào của mình, của các con hay bất cứ cô cậu bé đáng yêu nào tôi gặp; còn là cơ hội để tôi gìn giữ sự trong trẻo, hồn nhiên, ấm áp trong tâm hồn mình. Suy nghĩ này có lẽ là động lực để tôi hào hứng với mảng đề tài này. Tuy vậy, những trang văn viết cho người lớn cũng rất thú vị đối với tôi, bởi có rất nhiều điều, viết cho thiếu nhi không bày tỏ, thể hiện hết được.
Là một nhà văn trẻ có tác phẩm được đưa vào của sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 của chương trình phổ thông, Chị có quan điểm như thế nào về việc truyền tải thông điệp giáo dục qua những trang văn?
- Tôi thường chọn cách gửi gắm một thông điệp nào đó trong sách mình theo cách càng nhẹ nhàng, gần gũi, càng tốt. Làm sao để khi đọc sách, dù mục đích truyền tải thông điệp giáo dục thì trẻ nhỏ cũng không nghĩ: "À, tác giả đang dạy dỗ đây này!". Chỉ cần gợi những đồng cảm, ấm áp hay đơn giản chỉ là niềm vui khi trẻ nhỏ đọc trang sách của mình, tôi nghĩ như vậy đã là thành công đối với người viết rồi. Cứ để thật tự nhiên, những bài học sẽ thấm dần vào các em. Thêm nữa, tâm lí trẻ con bây giờ, cũng chẳng khác nhiều thời mình ngày xưa, đều muốn được làm bạn với người lớn theo cách nhẹ nhàng, tình cảm, như những người bạn thân. Nếu không kết bạn được với trẻ con, tôi nghĩ là lỗi của người lớn.
Được nhận xét là một nhà văn dồi dào sức viết và có nhiều giải thưởng quan trọng, vậy dự định của chị trong năm 2023 này như thế nào?
- Những giải thưởng của tôi mới chỉ là nho nhỏ, vừa sức mình thôi, gọi là "quan trọng" chưa chính xác. Tôi thường không có kế hoạch năm nào phải ra một tác phẩm nào, mà cứ viết. Đến một lúc nào thấy tác phẩm đầy đặn đủ để ra sách, tôi sẽ ra. Tóm lại là không có chỉ tiêu, áp lực cho mình về tác phẩm. Nhưng tôi luôn giữ ý thức rằng, với nghề viết, chỉ cần buông bút một thời gian, bút sẽ cùn ngay. Nên nhờ đó, nhiều năm qua tôi vẫn có tác phẩm tương đối đều đặn và hào hứng với con đường mình đang đi.
Xin cảm ơn nhà văn Võ Thu Hương đã chia sẻ!
No comments