Ca sĩ Tuấn Hưng đóng nhà Tây học trong phim về Hà Nội "Đào, Phở, Piano"
Trong Đào, Phở, Piano, ca sĩ Tuấn Hưng vào vai me xừ Phán 30 tuổi – một anh chàng Tây học lúc nào cũng "sơ mi, cà vạt, gi lê, đầu bóng mượt" có sở thích nghe hát ả đào và biết đủ các ngón nghề ăn chơi đúng phong cách của "trai Hà Nội gốc". Từng được học tập tại Paris, me xừ Phán là người có lối sống phóng khoáng, biết hưởng thụ, yêu hòa bình, ghét chiến tranh.
Lý do ghét chiến tranh của me xừ Phán là vì việc đánh nhau sẽ làm ảnh hưởng đến cuộc sống bận rộn với các thú vui mà anh đang tận hưởng hàng ngày. Tuy nhiên, me xừ Phán rất yêu Hà Nội và không thích thành phố của mình bị "vấy bẩn" bởi gót giầy của quân xâm lược. Me xừ Phán đương nhiên đứng về phía những người đồng hương, giúp đỡ họ, bằng cách rất đặc biệt, rất chất chơi.
Trong phim, có cảnh me xừ Phán Tuấn Hưng lái xe lạng lách trên phố để tránh cuộc truy đuổi của quân Pháp tạo thành cuộc đuổi bắt ngoạn mục.
Được biết, đạo diễn Phi Tiến Sơn khi viết kịch bản đã nhắm nhân vật me xừ Phán cho ca sĩ Tuấn Hưng. Khi phim bắt đầu bước vào giai đoạn sản xuất, casting diễn viên, trợ lí của đạo diễn rất e ngại là Tuấn Hưng sẽ chê vai nhỏ, ít cảnh hoặc nếu nam ca sĩ có nhận lời thì đoàn phim cũng không đủ tiền trả cát-xê.
Nhưng bất ngờ là ca sĩ Tuấn Hưng không những lập tức đồng ý tham gia phim mà còn nhắn nhủ lại đạo diễn Phi Tiến Sơn và đoàn làm phim rằng: "Cứ cái gì nói về Hà Nội, tôn vinh Hà Nội là… em chơi hết, không quan trọng chuyện tiền nong!".
Ca sĩ Tuấn Hưng và ê-kíp thực hiện bộ phim "Đào, Phở, Piano". Ảnh: FBNV
Ngoài nhân vật me xừ Phán, các nhân vật trung tâm trong phim gồm có: Một cô tiểu thư Hà Nội, một ông họa sĩ già, một ông bán phở… Mỗi nhân vật có một xuất thân, tính cách khác nhau và có cách hành xử khác nhau. Và trong bối cảnh đặc biệt của bộ phim này, họ là những người ở lại thành phố, hết lòng, hết sức bảo vệ tình yêu với Hà Nội mặc dù biết rằng điều đó có thể phải trả giá bằng cái chết.
Đào, Phở, Piano do đạo diễn, NSƯT Phi Tiến Sơn viết kịch bản kiêm đạo diễn hiện đang bấm máy với bối cảnh chính là khu phố cổ Hà Nội hoang tàn đổ nát trong cuộc chiến 60 ngày đêm vào cuối 1946 đầu 1947 được dựng tại phim trường rộng 6000m2. Ngoài ra, bộ phim còn quay tại Nhật Tân, nhà thờ Cửa Bắc, Cầu Long Biên… Đạo diễn cho biết, phim bấm máy vào tháng 12, trong tiết trời mùa đông cho phù hợp với bối cảnh lịch sử. Đạo diễn cho biết thêm, vào mùa đông, trời hanh khô, cây cối xác xơ, Hà Nội cũng đậm chất Hà Nội hơn.
Đạo diễn Phi Tiến Sơn cũng cho biết, ông rất ấn tượng với câu chuyện ca sĩ Tuấn Hưng hát trên ban công nhà anh: "Tôi cho đó chính là cách thể hiện tình yêu với Hà Nội của Hưng: hồn nhiên, tự do, không phải vì tiền, cũng không phải để nổi tiếng vì anh ấy đã nổi tiếng rồi. Khán giả nghe rất đông vì họ yêu anh ấy, yêu cái cách thể hiện tình yêu của anh ấy. Mà tôi nghĩ, chỉ có ban công nhà ở Hồ Gươm thì anh ấy mới hát được chứ ra nơi khác, chắc chắn không thể nào hát được. Cho nên, có những thứ phải đặt đúng chỗ thì mới trở thành đáng yêu đáng nhớ, đáng trân trọng".
No comments