Những người con của nhạc sĩ Phú Quang đưa cha "trở về" một cách đặc biệt - TIN TỨC GIẢI TRÍ

Breaking News

Những người con của nhạc sĩ Phú Quang đưa cha "trở về" một cách đặc biệt

Và tất cả để truyền đi những tình ca từ di sản để lại của một cuộc đời âm nhạc với tình yêu vô tận. Các con ông mở đầu hành trình phát huy di sản của cha bằng các đêm nhạc thành nếp văn hoá của người Hà Nội, người yêu Hà Nội.

Trong hai đêm Miền ký ức ngày 12-13/10, pianist Nguyễn Trinh Hương và violinist NSƯT Bùi Công Duy, con gái cả và rể trưởng của Phú Quang không diễn, họ tập trung giám sát phần âm nhạc. Còn con gái thứ Giáng Hương, người biên tập lên danh sách ca khúc, phụ trách triển lãm ảnh tại sảnh và sân khấu. Con trai út Phú Vương phụ trách clip, đèn LED và chỉ đạo thiết kế mỹ thuật. Thi sĩ Vi Thùy Linh viết lời dẫn cho MC Nguyễn Hồng Nhung (VTV).

Phú Quang "trở về"

Đã từ khi nào, những người yêu Hà Nội đã coi người nhạc sĩ này là một phần không thể thiếu của linh hồn đất thiêng văn hiến Thăng Long. Thủ đô 1012 tuổi, đã được làm đầy thêm kho báu tinh thần bởi những công trình - tác phẩm nghệ thuật. Một trong những người tận hiến cho sức sống của vẻ đẹp Hà Nội bất tận ấy, là Phú Quang.

Phú Quang, không cần nói danh từ nghề nghiệp thì đại chúng cũng biết đấy là một tài năng tầm cỡ của âm nhạc Việt Nam hiện đại. Như khi người ta nhắc tới những tên tuổi lớn, tiêu biểu của các lĩnh vực ở mỗi quốc gia cũng như trường quốc tế.

Những người con của nhạc sĩ Phú Quang đưa cha trở về một cách đặc biệt - Ảnh 1.

Nhạc sĩ Phú Quang năm 2018. (Ảnh: GĐCC)

Nghệ sĩ đích thực ấy đã sống ngay thẳng, chân thành như dòng kẻ của những khuông nhạc đời mà ông chọn làm định mệnh: Hà Nội sống trong ông và Phú Quang đã hiến mình cho mảnh đất này những năm tháng thăng hoa nhất, hằng mãnh liệt và âm thầm đắm say trong mỗi hồng cầu, mỗi vi mạch tâm hồn.

Đón sinh nhật Phú Quang, sinh nhật lần thứ 73 theo ngày trên giấy khai sinh, ba người con đẻ của nhạc sĩ cũng hợp sức làm chương trình "Miền ký ức" tặng Cha. Nhưng đây là món quà phức hợp vô cùng đặc biệt. Cuộc gặp được mong chờ của 3 bên: Nhạc sĩ Phú Quang - Các con cùng người thân, bạn hữu - Người hâm mộ, yêu nhạc Phú Quang.

Những người con của nhạc sĩ Phú Quang đưa cha trở về một cách đặc biệt - Ảnh 2.

Nhạc sĩ Phú Quang hát và tự đệm piano trong đêm nhạc riêng tại Nhà hát Lớn Hà Nội. (Ảnh: GĐCC)

Phú Quang đã chu du một hành trình mới, từ sáng 8/12/2021. Và đêm nay, ông chọn để "trở về" trong nhớ mong. Chọn tháng 10 vì có sinh nhật Phú Quang, vì là cuối Thu, thời điểm Thủ đô bước vào kỳ đẹp nhất về cảnh sắc. Chúng ta cùng chờ đợi cuộc gặp này bởi đã phải chịu đựng quá lâu một gián đoạn 3 năm. Đấy là sự khác thường với một nhạc sĩ coi đúng hẹn là quy tắc sống. Thu và Đông nào Phú Quang cũng tổ chức những đêm nhạc tại Nhà hát Lớn Hà Nội hệt một người tình chung thủy. Đi nghe, xem các chương trình do Phú Quang quán xuyến từ biên tập, dàn dựng, chỉ huy dàn nhạc, kể chuyện, đàn, hát... đã thành một nhu cầu, điểm hẹn... của người yêu nhạc.

Nhiều bạn bè đồng nghiệp gần xa của tôi đã chia sẻ là họ ngóng và hẫng khi mấy mùa Thu không được cảm giác hân hoan, hào hứng khi hẹn nhau đến "thánh đường nghệ thuật" ở Việt Nam để được dự tiệc nhạc Phú Quang, sang trọng, đặc sắc và luôn mới lạ và bí mật.

Mong quá, người ta hay cảm thán: "Bao giờ cho đến tháng Mười!" - theo tên bộ phim truyện kinh điển mà đạo diễn Đặng Nhật Minh tự hào là người đầu tiên mời Phú Quang viết nhạc phim. Đây là một trong những căn cước của điện ảnh Việt Nam thời kỳ đổi mới, dự nhiều liên hoan, tuần phim, những ngày văn hoá Việt Nam khắp thế giới. Phú Quang, với đóng góp đa dạng, đã trở thành một trong các nhạc sĩ viết nhạc phim thành công nhất.

Những người con của nhạc sĩ Phú Quang đưa cha trở về một cách đặc biệt - Ảnh 3.

Nhạc sĩ Phú Quang tại ngôi nhà đầu tiên (thuê) những năm mới vào TP.HCM. (Ảnh: GĐCC)

Giấc mơ - ký ức

"Bao giờ cho đến tháng Mười/ Lúa chín trên cánh đồng dông bão"- tháng Mười đã đến rồi đây. Không có bi ai, cách biệt như cảnh phim đặc sắc "chợ Âm - Dương" trong bộ phim ấy, mà tại đây, tối nay, là tập đầu tiên của bộ phim dài tập mà nhân vật chính - nhạc sĩ Phú Quang - đến với mọi người. Công chúng cùng chung kỷ niệm và chung ký ức khi nhớ tới Phú Quang, không chỉ khi hiển ngôn những tình ca của ông, mà cả lúc hát thầm, cả khi nhớ đến giấc mơ này. Miền ký ức là một giấc mơ không chỉ của ê-kíp thực hiện đêm nhạc mà của mỗi người nghe trong khán phòng đều là thành tố giấc mơ ấy: Cùng chứng kiến, tham gia và nuôi dưỡng hiện thực giấc mơ.

Những người con của nhạc sĩ Phú Quang đưa cha trở về một cách đặc biệt - Ảnh 4.

Nhạc sĩ Phú Quang bế con gái Giáng Hương (sinh ngày 13/6/1982) vào mùa Đông năm 1982 tại Công viên Thống nhất. (Ảnh: GĐCC)

Miền ký ức là khởi hành của hành trình gìn giữ, phát huy di sản âm nhạc của nhạc sĩ Phú Quang mà các con ông muốn tiếp tục khát vọng của cha, góp phần kết nối, duy dưỡng và bồi tụ cho đời sống tinh thần của công chúng để thành một tập quán, mỹ tục mỗi mùa Thu - Đông đến.

Phú Quang vẫn sống thanh xuân, nồng cháy tình yêu lớn của đời mình - Tình yêu Hà Nội và giấc mơ đêm nay, nhạc sĩ hiện diện bằng các giao diện mới, mà vẫn là Phú Quang - Nhà Hà Nội học của tình ca. Không phải như mơ, mà là mơ như thực, chúng ta vừa gặp và sẽ còn gặp ông, trong cuộc tình tự bất tận này.

Những người con của nhạc sĩ Phú Quang đưa cha trở về một cách đặc biệt - Ảnh 5.

Nhạc sĩ Phú Quang bế con trai Phú Vương (sinh ngày 5/11/1990) lúc 3,5 tháng tuổi tại nhà riêng TP.HCM. (Ảnh: GĐCC)

Minh Chuyên là ca sĩ cuối cùng được nhạc sĩ Phú Quang dìu dắt. Quán quân Sao Mai điểm hẹn 2010 ra mắt album riêng Thời gian có bao giờ trở lại, gồm toàn ca khúc Phú Quang hôm 25/3/2018 tại Hà Nội, với sự có mặt của nhạc sĩ.

Bìa album "Thời gian có bao giờ trở lại" của Minh Chuyên. (Ảnh: ST)

Cha và con và âm nhạc

Nghệ sĩ Trinh Hương (Giảng viên Học viện Âm nhạc quốc gia) chia sẻ: "Khi sống, cha tôi luôn nói và thể hiện công bằng tình yêu cho 3 đứa con của mình. Ông chiều chuộng song cũng đầy nghiêm khắc khi hướng cho chúng tôi từ nhỏ biết yêu nghệ thuật như một nhu cầu sống chứ không chỉ là thừa hưởng di truyền gen và thế mạnh quan hệ, hiểu biết của cha.

Tôi học piano từ nhỏ và được chuyên gia Liên Xô chọn sang học Moskva từ thiếu niên. Sau nhiều năm du học, tôi và chồng trở về Hà Nội, làm giảng viên Học viện Âm nhạc Quốc gia.

Tôi may mắn hơn 2 em của tôi là theo nghiệp âm nhạc chuyên nghiệp nên trong chia sẻ chuyên môn với cha rất thuận lợi, lại được sống gần nhà cha khi gần 20 năm cuối đời ông về quê hương định cư. Cha giao cho tôi, người con cả, không chỉ là bảo vệ bản quyền, tác quyền, mà gìn giữ và phát huy mọi tác phẩm của ông. Đó không đơn thuần là di nguyện ký thác, mà là khát vọng của nhạc sĩ ngay lúc sung sức nhất. Ông luôn muốn lao động và cống hiến tối đa.

Những người con của nhạc sĩ Phú Quang đưa cha trở về một cách đặc biệt - Ảnh 7.

Từ trái sang: Nhạc sĩ Phú Ân, chị cả Nguyễn Thị Hiếu và con gái đầu lòng, Phú Quang... năm 1954 tại Cẩm Khê (Phú Thọ). (Ảnh: GĐCC)

Hợp lực thực hiện mong mỏi của cha, chị em tôi phát huy thế mạnh năng lực bản thân; khai thác thêm cả tố chất tiềm ẩn, để làm nên hành trình giấc mơ của cha, mở đầu là Miền ký ức. Chúng tôi gắn bó, đoàn kết hơn bao giờ hết vì đồng tâm thấu hiểu nhiệt huyết của cha và quyết tâm chuyển hóa nó thành một dự án bền bỉ, qua những đêm nhạc hằng năm, có thể định kỳ hoặc ấn định mốc thời gian.

Em gái tôi, Giáng Hương từ Sài Gòn, lên danh sách tác phẩm, biên tập cách dàn dựng và mời họa sĩ tranh cát Trí Đức. Em trai Phú Vương kịp hoàn tất thiết kế vé, tờ giới thiệu trước khi sang Canada. Cậu út lo toàn bộ thiết kế mỹ thuật đúng chuyên môn của mình. Hai em của tôi đều tề tựu trước đêm diễn 4 ngày. 

Để triển khai khát vọng ấy, cha tôi đã nhận được sự ủng hộ tinh thần và vật chất quý báu - kịp thời của những người bạn lớn, fan hâm mộ thuỷ chung. Và chị em tôi cùng tin tưởng, hy vọng ngọn lửa của cha sẽ tiếp tục bền cháy khi được thấu hiểu, tương trợ, tiếp sức để chúng tôi vững bước hành trình lan tỏa âm nhạc Phú Quang, như một cách làm phong phú, chất lượng thêm cho đời sống âm nhạc nước nhà".

Những người con của nhạc sĩ Phú Quang đưa cha trở về một cách đặc biệt - Ảnh 8.

Nhạc sĩ Phú Quang bế con trai Phú Vương mùa Xuân 1991 tại TP.HCM. (Ảnh: GĐCC)

"Em còn đang vừa thu âm vừa dựng hình trên màn hình LED. Chị Giáng Hương thì vừa theo dõi tập bài vừa làm trưng bày ảnh. Chị Trinh Hương thì vừa duyệt tập nhạc vừa bán vé. 3 hôm nay, em mất ngủ vì trái múi giờ và bận công việc, nghĩa là em thật sự không còn tẹo thời gian để ngủ và ăn chứ đừng nói là em có đủ thời gian làm chương trình cho cha. Ăn uống thì phải ăn như chết đói để thêm chút thời gian. Với em bây giờ phải làm cho ra được show của cha, mọi thứ khác đều là thứ yếu. Còn ngày nào chưa làm xong, em còn mất ăn mất ngủ. Em hy vọng chị cũng làm nghề sáng tạo, chị có thể đồng cảm được với em" - Con út, cũng là con trai duy nhất của nhạc sĩ Phú Quang viết cho tôi lúc gần hết đêm 10/10.

Người vợ lâu năm nhất, cũng là bạn đời của Phú Quang, đồng hành cùng nhạc sĩ hành trình âm nhạc từ lúc nổi tiếng 1985 đến lúc gây dựng sự nghiệp đỉnh cao tại Sài Gòn, sinh cho ông 2 người con là NSƯT Flute số 1 Việt Nam Nguyễn Hồng Nhung không thể ra Hà Nội lúc mùa đẹp nhất. Bà muốn lắm, cả tuổi trẻ ở đây, tình yêu đẹp nảy nở tại Nhạc viện Hà Nội, bà muốn "về lại phố xưa" cả Hà Nội và Hải Phòng quê hương.

Những người con của nhạc sĩ Phú Quang đưa cha trở về một cách đặc biệt - Ảnh 9.

Nhạc sĩ Phú Quang lúc sinh thời và NSƯT Tấn Minh. (Ảnh: NSƯT Tấn Minh cung cấp)

Tuổi 70, mấy năm nay, NSƯT Hồng Nhung phải chạy thận 3 lần/tuần. Bà và hai cháu ngoại đành ở lại TP.HCM. Con gái lớn Giáng Hương của ông bà là chuyên gia thẩm mỹ uy tín, gánh vác gia đình, gác hết công việc để ra Hà Nội lo cho đêm diễn. Giáng Hương là "con dao pha" lo nhiều mối việc.

Giáng Hương có gương mặt bản sao cha lúc Phú Quang gầy, lo mảng trưng bày ảnh cha ngoài sảnh Nhà hát. Phú Quang còn dang dở nhiều dự án nhưng khối lượng album do ông thực hiện thật đáng nể. Đó là 16 album phòng thu của ông và 20 album nhạc sĩ biên tập cho các ca sĩ; trong đó 2 album biên tập nổi bật: The Best of Phú Quang: Gửi một tình yêu (2010) và hồi ký Chuyện bình thường và những mảnh hồi ức chợt hiện (2016).

Những người con của nhạc sĩ Phú Quang đưa cha trở về một cách đặc biệt - Ảnh 10.

NSƯT Tấn Minh trong giáo đường Nhà thờ Hàm Long ngày 8/4/2022, buổi cầu nguyện cho Phêrô Phú Quang sau khi nhạc sĩ qua đời tròn 4 tháng. (Ảnh: NSƯT Tấn Minh cung cấp)

Nhạc sĩ Phú Quang đã viết tại Sài Gòn tháng 8/2004, cũng là tình tự âm nhạc của ông suốt cuộc đời mình: "Những lần ra đi ấy của chiếc lá, của một cuộc tình tưởng như rồi cũng bị lớp bụi của thời gian xóa nhòa, khi ta nhìn hàng cây lại xanh như chưa từng trút lá, khi trong đời ta lại gặp một ánh mắt say đắm, yêu thương... Nhưng cuộc đời nào đơn giản thế. Một giây phút nào đó những kỷ niệm của ngày xưa bỗng ùa về như chưa từng biết một lần chia ly, một lần xa cách và ta chợt hiểu ra những điều ta đã để mất đi không có cách gì khỏa lấp được. 

Đó là chuyện bình thường, quá đỗi bình thường. Những bài hát của tôi là những chuyện bình thường ấy, Hát cho những kỷ niệm không thể nào quên của tôi và khi bạn tìm thấy sự đồng cảm với những bài hát ấy cũng là lúc tôi đã tìm thấy nỗi an ủi trong sự cảm thông".

No comments