Kể chuyện làng: Chiếc vỉ phơi và niềm vui của dân làng chài
Nói điều ấy, có lẽ không ngoa một chút nào cả! Bởi với người dân làng chài Cửa Bé quê tôi, nhà nào cũng phải có cho riêng mình 4,5 cái vỉ phơi là ít, còn nhà chuyên thu mua hải sản phơi khô thì vài chục, vài trăm cái nằm la liệt từ sân chạy ra đầu ngõ. Khác với kết cấu cầu kì ở nơi khác, vỉ phơi ở làng chài Cửa Bé được làm tương đối đơn giản, chỉ là tấm lưới đăng màu xanh, hình vuông hoặc chữ nhật, bốn mặt nẹp cố định bằng những khúc gỗ. Hay như có nhà làm chiếc vỉ hình tròn, viền xung quanh là tre uốn cong, cột bằng cước trắng. Dẫu có muôn hình vạn trạng như thế nào thì những chiếc vỉ phơi đã âm thầm mang lại những niềm vui thật giản đơn cho mọi người dân làng chài.
Nhớ và thích nhất là những mùa biển êm, ghe tàu cập bến nhộn nhịp và tấp nập, trên bến dưới bãi đâu đâu cũng là cá tươi ngon hết sảy. Xịa mực thẻ óng ánh; xịa cá cơm mồm, cơm săn búng tí tách; xịa cá hố nằm chất đống; xịa cá thu to căng tròn... Chao ôi! Mẹ biển cả thật biết thương lấy dân chài! Cho họ bao nhiêu sản vật để củng cố thêm niềm tin cho những chuyến khơi xa và làm phong phú thêm những bữa cơm ấm cúng trong gia đình.
Cá tươi roi rói, ăn không kịp thì được các bà, các mẹ, các dì mang ra làm sạch, tẩm ướp gia vị và phơi khô. Cá đều rút lấy hết xương, rửa qua một lần nước ngọt, rồi mới trộn hỗn hợp muối, đường, bột ngọt, bột ớt vào với nhau. Cá phơi đến đâu thì sát hỗn hợp lên 2 mặt cá, do đó khi cá khô lại sẽ thấm đều gia vị và ăn rất vừa miệng.
Ấy vậy mà hay, bởi từng loại cá khác nhau lại có công thức ướp phơi riêng biệt. Cá hố thì thịt mỏng nên bột ngọt nhiều, cá chỉ vàng thì đường ớt sẽ nhiều, cá đuối thì muối đường cân bằng nhau, cá sơn thì ướp bằng mắm nhĩ sẽ ngon... Tôm thì nhúng sơ qua nước biển rồi phơi nhanh. Mực thì tùy để nguyên con hay xẻ phơi mà cách ướp cũng khác nhau. Tay vừa trộn, vừa sát, vừa xếp cá lên vỉ mà tiếng cười nói luôn miệng của các bà, các mẹ, các dì cứ đều đều vang lên. Những câu chuyện đầu trên xóm dưới, không đầu không đuôi nhưng lại vui, để cho không khí làm việc thêm khí thế và đạt năng suất cao hơn.
Những chiếc vỉ phơi xếp chồng lên nhau, được khiêng bởi 2 thằng con trai trông vạm vỡ và thạo việc. Mấy thằng cứ thấy chỗ nào trống, hướng nắng gắt thì xếp vỉ phơi nằm dọc, ngang, xiên, sổ dài... đủ tư thế nhưng vẫn rất an toàn. Và có một điều mà bà con hay truyền tai nhau, vỉ phơi sát biển sẽ tránh được ruồi nhặng bu bám vào, vì một phần có nắng, gió biển thổi mạnh; một phần vị muối biển cũng làm chúng ít lảng vảng tới.
Muốn phơi 1 nắng có 1 nắng, muốn phơi bao nhiêu nắng cũng đều được cả. Vì mức độ phơi ngắn hay dài cũng phụ thuộc vào loại hải sản đó. Riêng với cá, lại xem độ dày mỏng của thịt cá mà quyết định thời gian phơi. Sợ nhất là thịt cá dày, phơi không đủ khô sẽ dễ bị mốc và bốc mùi rất khó chịu, xem như bỏ.
Làng chài Cửa Bé từng chỉ có biển xanh, ghe tàu, lưới đánh bắt, nhà cheo leo. Đến nay, nơi đây lại có thêm những chiếc vỉ phơi với nhiều hình thù tạo thành những điểm nhấn độc đáo. Nếu chọn 1 góc nhìn từ trên cao, có lẽ mỗi chiếc vỉ phơi sẽ như hoa văn trang trí mà trẻ con trong làng vẫn hay tô vẽ trong bài tập tô mỹ thuật mà giáo viên vẫn hay giao về nhà để hoàn thành.
Cuộc sống dân chài nơi tôi chỉ có thế thôi! Nhẹ nhàng, êm đềm và bình dị. Chỉ cần vỉ mang ra phơi đồng nghĩa là có cá khô, tôm khô, mực khô dự trữ qua mùa mưa bão đầy khắc nghiệt. Và rộng hơn thì cũng nhờ những loại khô này mà nhiều nhà đã nuôi được các con ăn học đến nơi đến chốn. Thế mới thấy, người dân làng chài nơi đây không chỉ xem vỉ phơi là công cụ làm việc hàng ngày mà nó là biểu tượng, là niềm vui và là tất cả hi vọng được gửi gắm vào bên trong.
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.
Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.
No comments