Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ: "Người dân sẽ hưởng lợi từ quy hoạch mới" (Bài 3)
Sáng 28/7, quận Tây Hồ (Hà Nội) đã tổ chức lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư về Đồ án Quy hoạch chi tiết trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An tại hai phường Tứ Liên, Quảng An. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Lê Hoàng, Phó Chủ tịch UBND Quận Tây Hồ quanh những phản ánh, đóng góp của cộng đồng dân cư trong các buổi lấy ý kiến.
Thời gian qua, dư luận đang rất quan tâm đến Đồ án Quy hoạch chi tiết trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An, tỷ lệ 1/500. Xin ông cho biết những mục tiêu và định hướng mà đồ án quy hoạch này hướng tới là gì?
- Bên cạnh mục tiêu cụ thể hóa quy hoạch chung xây dựng TP Hà Nội, quy hoạch phân khu đô thị khu vực Hồ Tây và vùng phụ cận, việc xây dựng đồ án quy hoạch chi tiết khu vực không gian trung tâm bán đảo Quảng An cũng phù hợp với định hướng của Đảng, Chính phủ về công tác quy hoạch đô thị, phát triển văn hóa.
Nghị quyết Số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 chỉ rõ: "Tập trung bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hoá vật thể và phi vật thể, các di tích, công trình kiến trúc có giá trị, trọng tâm là các di sản thế giới, di tích quốc gia; đầu tư xây dựng một số công trình văn hoá, thể thao mới, tiêu biểu của Thủ đô (hệ thống nhà hát, quảng trường, tượng đài, công viên, tổ hợp thể thao, trung tâm hội chợ triển lãm…); Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển và quản lý đô thị; quy hoạch phát triển không gian ngầm đô thị, không gian xanh và không gian công cộng".
Phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa diễn ra cuối năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục khẳng định: "Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước".
Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" cũng nêu rõ nhiệm vụ "Rà soát, cập nhật "Quy hoạch phát triển văn hóa Hà Nội" vào điều chỉnh bổ sung Quy hoạch Thành phố". Thành phố đặt mục tiêu bố trí quỹ đất, nguồn lực cho các dự án phát triển văn hóa chất lượng cao, ưu tiên phát triển không gian công cộng, điểm du lịch văn hóa, vui chơi giải trí, nghệ thuật biểu diễn, tạo không gian văn hóa cho cộng đồng.
Với tốc độ đô thị hóa nhanh trong nhiều năm qua, Hà Nội đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt công viên cây xanh và các không gian văn hoá, nghệ thuật và vui chơi giải trí phục vụ cộng đồng. Nắm bắt được thực trạng này, đơn vị tư vấn Quy hoạch khu vực trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An đã đề xuất hướng tới ý tưởng gia tăng các không gian xanh và tạo dựng không gian công viên cây xanh giữa lòng đô thị.
Ý tưởng chính của thiết kế tổng mặt bằng là tận dụng tối đa các lợi thế về văn hóa, lịch sử, và điều kiện tự nhiên mặt nước, cây xanh của khu đất, tạo nên một lá phổi xanh, sạch, đẹp và hiện đại cho thủ đô. Do đó, toàn bộ các hạng mục công trình văn hóa, dịch vụ được bố cục giấu vào trung tâm công viên.
Bao bọc bên ngoài, bám theo các trục đường giao thông chính là hệ thống cây xanh, mặt nước, tạo cảm giác như đang được trải nghiệm các không gian xanh ở ngoại thành cho không chỉ khách tham quan công viên mà còn cả người tham gia giao thông trong khu vực.
Cùng với ý tưởng khu vực chuyên đề văn hóa nghệ thuật, vui chơi giải trí - khu văn hóa đa năng, ý thức trách nhiệm về một chiến lược môi trường bền vững cũng là một yếu tố quan trọng luôn được ưu tiên hàng đầu trong quá trình phát triển thiết kế. Toàn bộ các nguồn phát sinh chất thải carbon đều được hạn chế ở mức tối đa. Các dải băng sinh học được đề xuất để bước đầu lọc nước mặt trước khi dẫn vào các rãnh ngầm và thẩm thấu vào lòng đất.
Hệ thống mái các công trình không dùng các vật liệu truyền thống mà thay bằng các tấm pin năng lượng mặt trời. Trong ranh giới công viên sẽ chỉ cho phép người đi bộ, xe điện và các phương tiện không sinh khí thải carbon.
Đồ án hướng tới việc kiến tạo một công viên văn hóa công cộng tại khu vực hồ Tây. Vậy cụ thể hơn, công viên văn hóa công cộng này sẽ bao gồm những hạng mục nào, mỗi hạng mục có những công năng gì?
- Hướng tới việc kiến tạo một công viên văn hóa công cộng bao gồm đa dạng các hạng mục, đồ án bao gồm nhiều hạng mục, trong đó nhà hát Opera chỉ là một hạng mục nhỏ trên tổng quy hoạch. Một số điểm nhấn khác để phục vụ lợi ích cộng đồng có thể kể đến như: Quảng trường trung tâm - đây là không gian mở và dự kiến sẽ được sử dụng làm nơi tổ chức các lễ hội lớn, các chương trình biểu diễn nghệ thuật ngoài trời, các sự kiện văn hóa cộng đồng.
Cảnh quan cây xanh mặt nước: Điểm nổi bật của đồ án này là diện tích cây xanh và mặt nước khá lớn, hướng tới mục tiêu xây dựng một công viên văn hóa công cộng, nơi các tòa nhà và cây cối đan xen, hòa vào nhau tạo nên một điểm đến xanh, hấp dẫn và thú vị cho mọi người. Hệ thống mặt nước được thiết kế dựa trên nguyên tắc tôn trọng hiện trạng. Các ao hồ sẽ được cải tạo bờ kè theo tiêu chuẩn đảm bảo mỹ quan chung cho khu vực và đúng quy định pháp luật.
Tuyến phố đi bộ dự kiến dài 420m, là nơi dành cho người đi bộ và có mái che. Tại một số vị trí, hệ thống mái nhẹ được thiết kế như những tấm "thảm bay", tạo ra những không gian thú vị cho người đi bộ, vừa đảm bảo giao thông thuận tiện cho khách trong thời tiết xấu, vừa tận dụng được các yếu tố chiếu sáng và thông gió tự nhiên, giảm thiểu mức độ tiêu thụ năng lượng. Ngoài ra, hệ thống lối đi có mái che này có thể được tận dụng để tổ chức các sự kiện văn hóa không đòi hỏi đông người, phố sách, triển lãm sách, các sự kiện biểu diễn của các nhóm nhỏ nghệ sỹ đường phố.
Ngoài các công trình điểm nhấn trên, đồ án còn dành nhiều không gian vui chơi giải trí, tham quan, vãn cảnh cho người dân và du khách. Cụ thể như Khu dịch vụ vui chơi giải trí cung cấp các dịch vụ vui chơi giải trí, các trò chơi dân gian, và tổ hợp dịch vụ phục vụ nhu cầu của du khách. Khu trưng bày nghệ thuật dân gian và gian hàng truyền thống trưng bày và giới thiệu những vật phẩm liên quan đến nền văn hóa nghệ thuật dân gian của nước ta như tuồng, chèo, cải lương, múa rối nước, dân ca quan họ…
Tại đây cũng sẽ trưng bày, quảng bá các loại hình nghề truyền thống của Quảng An, Tây Hồ như nghề trồng sen, các sản phẩm từ sen… Bên cạnh đó, còn có Khu trưng bày nghệ thuật đương đại - nơi trưng bày các tác phẩm nghệ thuật đương đại, tổ chức và trình diễn văn hóa nghệ thuật các nước trên thế giới…
Đặc biệt, xuất phát từ đặc điểm và điều kiện hiện trạng cũng như quy hoạch phát triển không gian khu vực xung quanh Hồ Tây, giải pháp quy hoạch mạng lưới giao thông sẽ được thiết kế có các cấp hạng từ thấp đến cao bao gồm đường cấp khu vực và đường cấp đô thị. Trong đó, đường Đặng Thai Mai được đề xuất mở rộng với quy mô mặt cắt ngang 93,6m (chiều rộng mặt đường chính 30m, chiều rộng hè đường 12m và dải phân cách 51,6m).
Ông vừa nhắc đến tại Đồ án này sẽ có một Nhà hát Opera tại khu vực hồ Đàm Trị - sát hồ Tây. Vậy ông có thể nói rõ hơn về Nhà hát này, hiện dư luận Thủ đô đang rất quan tâm?
- Đây là một điểm nhấn độc đáo. Công trình nhà hát Opera sẽ được thiết kế nổi trên mặt hồ Đầm Trị, không lấp hồ, không ảnh hưởng nhiều đến diện tích mặt nước. Nhà hát cũng mang kiến trúc hiện đại, với mái vòm được lấy cảm hứng từ những con sóng hồ Tây.
Công trình được thiết kế bởi kiến trúc sư Renzo Piano - một huyền thoại của ngành kiến trúc thế giới. Renzo Piano từng dành được nhiều giải thưởng danh giá quốc tế như The Pritzer - được xem là giải Nobel của ngành kiến trúc và nằm trong danh sách 100 người có tầm ảnh hưởng nhất thế giới của tạp chí TIME năm 2006.
Với kiến trúc độc đáo, công nghệ âm thanh và ánh sáng hiện đại, Nhà hát Opera Hà Nội được kỳ vọng sẽ sánh ngang với các nhà hát nổi tiếng thế giới như nhà hát Con Sò tại Sydney (Úc), nhà hát La Scala tại Milan (Ý) hay nhà hát Esplanade (Singapore)… Công trình sẽ góp phần nâng m Hà Nội thành điểm đến của những sự kiện văn hóa thế giới, nơi giới nghệ sĩ nổi tiếng thế giới sẽ đến biểu diễn nghệ thuật, giao lưu văn hóa.
Quy mô của nhà hát sẽ như thế nào? Liệu có thể sánh ngang với những nhà hát nổi tiếng thế giới như ông vừa nói?
- Dự kiến, Nhà hát sẽ có khán phòng opera với sức chứa 1.822 chỗ, đủ điều kiện tổ chức các sự kiện văn hóa, nghệ thuật quy mô lớn.
Bên ngoài Nhà hát là hệ thống không gian công cộng, gồm nhà triển lãm, khu ẩm thực, quảng trường trung tâm. Bên trong gồm một loạt các phòng chức năng như phòng tập nghệ thuật, thư viện ở tầng trệt, nhà hàng nhỏ có tầm nhìn bao quát toàn cảnh hồ Tây được bố trí ở các tầng cao. Tại đây cũng sẽ có một bảo tàng nghệ thuật tôn vinh các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng thế giới của Việt Nam.
Chúng tôi tin tưởng rằng, với thiết kế và công năng như vậy, Nhà hát Opera Hà Nội sẽ là một công trình nghệ thuật, một biểu tượng kiến trúc nghệ thuật mới của thế giới. Nếu được hiện thực hóa, Nhà hát Opera Hà Nội sẽ không chỉ là niềm tự hào của Hà Nội, mà còn đóng góp vào hành trình phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội của Việt Nam nói chung.
Từ đầu tháng 6/2022 tới nay, UBND quận Tây Hồ đã tổ chức lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư về Đồ án. Tình hình lấy ý kiến đến nay ra sao thưa ông?
- Ngày 28/10/2021, UBND TP Hà Nội ban hành quyết định số 4615 trong đó giao nhiệm vụ cho quận Tây Hồ lập quy hoạch đối với Quy hoạch khu vực không gian bán đảo Quảng An 1/500. Ở đây cũng phải xác định rằng, UBND quận Tây là đơn vị tổ chức lập quy hoạch, cơ quan thẩm định và trình phê duyệt quy hoạch là Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, sau đó UBND TP Hà Nội là cơ quan phê duyệt quy hoạch này.
Trên cơ sở quyết định số 4615 của UBND TP Hà Nội, UBND quận Tây Hồ đã thực hiện các trình tự thủ tục theo quy định để tiến hành lập quy hoạch này. Cụ thể, sau khi thực hiện các thủ tục có liên quan như: Tổ chức đấu thầu, mời thầu các đơn vị tiến hành khảo sát đo đạc, tư vấn lập quy hoạch theo quy định, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội là đơn vị đủ năng lực, đủ điều kiện trúng thầu thực hiện gói thầu lập quy hoạch này. UBND quận Tây Hồ cũng đã lập Ban Chỉ đạo để tổ chức triển khai và lập kế hoạch, lộ trình để tổ chức thực hiện. Đến tháng 5/2022 về cơ bản các bước lập quy hoạch đã hoàn tất.
Theo quy định của Luật Quy hoạch, cơ quan lập quy hoạch có trách nhiệm xin ý kiến cộng đồng dân cư trong khu vực xung quanh bị ảnh hưởng trực tiếp của quy hoạch. Xác định tầm quan trọng của Đồ án Quy hoạch chi tiết trục không gian trung tâm bản đảo Quảng An, UBND Quận Tây Hồ đã công khai đồ án quy hoạch bán đảo Quảng An từ ngày 9/6 bằng cách treo pano quy hoạch tại nhiều địa điểm trong khu vực phường Quảng An và phường Tứ Liên.
Đồng thời, Quận cũng công khai thông tin trên cổng thông tin điện tử, bảng tin của tổ dân phố, đảm bảo người dân trong khu vực được tiếp cận nội dung đồ án quy hoạch.
Gần hai tháng qua, UBND Quận Tây Hồ đã tổ chức lấy ý kiến cộng đồng các tổ chức, dân cư tại địa bàn theo đúng quy trình. Việc lấy ý kiến diễn ra công khai, minh bạch. Cụ thể, ngày 15/7, tổ chức hội nghị lấy ý kiến Cộng đồng các tổ chức, dân cư tại địa bàn quận. Sau đó, ngày 28/7, hội nghị lấy ý kiến cộng động dân cư cũng đã được tổ chức một cách nghiêm túc và khách quan tại 2 phường Quảng An và phường Tứ Liên.
Qua nắm bắt thông tin sơ bộ tới nay cho thấy, đại bộ phận tổ chức, người dân trên địa bàn quận ủng hộ Đồ án quy hoạch. Tại các hội nghị vừa qua, chúng tôi cũng ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, có giá trị về chuyên môn quy hoạch, góc nhìn văn hóa lịch sử cũng như về các tác động xã hội. Người dân đã nêu ra nhiều đề xuất, đóng góp thiết thực, sâu sắc, thể hiện tinh thần xây dựng, ủng hộ cho đồ án. Tuy nhiên bên cạnh đó, vẫn còn một số ý kiến quan ngại về môi trường, dân sinh, hạ tầng giao thông, đền bù giải phóng mặt bằng.
Với tinh thần cầu thị lắng nghe nguyện vọng chính đáng của nhân dân, UBND Quận và đơn vị tham gia nghiên cứu quy hoạch vẫn đang ghi nhận, tiếp thu các ý kiến của các tổ chức, nhân dân. Trên cơ sở đó, quận sẽ làm việc với đơn vị lập quy hoạch, căn cứ quy định pháp luật, căn cứ các tiêu chuẩn quy hoạch, để thực hiện những điều chỉnh phù hợp và hoàn thiện hồ sơ báo cáo UBND TP Hà Nội xem xét phê duyệt.
Nhiều người lo ngại quy hoạch này sẽ xuất hiện hàng loạt nhà cao tầng, chung cư hiện đại ảnh hưởng tới sinh kế cũng như môi trường và giao thông trong một khu vực vốn đông đúc. Thành phố đã có nghiên cứu cụ thể như thế nào về những tác động của Quy hoạch này tới hiệu quả kinh tế xã hội, hạ tầng xã hội và hạ tầng giao thông cũng như các vấn đề khác liên quan?
- Nhìn chung, quy hoạch này tuân thủ các quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt ban hành theo Quy hoạch phân khu đô thị khu vực Hồ Tây và phụ cận (A6), tỷ lệ 1/2000 của UBND TP Hà Nội hay Quyết định số 2078/QĐ-UBND ngày 10/5/2021 của UBND TP Hà Nội về việc phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu đô thị khu vực Hồ Tây và vùng phụ cận.
Thành phố định hướng phát triển khu vực này thành trung tâm sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật của Thủ đô. Đối với đồ án này, phạm vi ranh giới, quy mô diện tích, mật độ xây dựng, tầng cao công trình và dân số của 3 ô quy hoạch 16, 17,19 theo quy hoạch phân khu được duyệt, không làm tăng quy mô dân số.
Có thể khẳng định, liên quan đến việc xây dựng các nhà cao tầng, chung cư là không có ở khu vực này, phần lớn hiện trạng cũ như thế nào thì vẫn giữ nguyên, bởi mục đích chính là hát triển khu vực này trở thành một trung tâm sinh hoạt văn hóa thành phố, bảo tồn khu vực sinh thái đô thị, bảo tồn công trình tôn giáo tín ngưỡng, tăng cường kiến trúc xanh và là không gian công cộng, công viên cây xanh, quảng trường, hình thành trục văn hóa, truyền thống của Thủ đô.
Nếu đồ án được thông qua và triển khai, người dân trong khu vực sẽ được hưởng lợi ra sao? Và Quận sẽ có những giải pháp gì để đảm bảo sinh kế cho các hộ trong diện di dời?
- Với mục tiêu phát triển khu vực hồ Tây mang tầm quốc tế, khu vực Quảng An được quy hoạch để xây dựng mới trung tâm văn hóa dọc bờ Bắc và bờ Nam sông Hồng, gắn với trục kết nối không gian thành cổ Hà Nội và trục Tây Hồ Tây - Hồ Tây - Cổ Loa. Do đó, khi đồ án được thông qua, triển khai và hoàn thiện, đây sẽ là một điểm đến trọng điểm của Thủ đô, có sức hấp dẫn lớn với du khách trong nước cũng như quốc tế.
Đồ án cũng đã có những đề xuất hết sức rõ ràng về kết nối không gian đô thị, hạ tầng giao thông, bãi đỗ xe… khu vực với hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung theo quy hoạch của thành phố. Từ đó cải thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, giao thông, bổ sung bãi đỗ xe, bảo vệ môi trường sinh thái mặt nước Hồ Tây và môi trường khu vực.
Với mục tiêu và những đề xuất nói trên từ đồ án, nếu quy hoạch này được hiện thực hóa, các tổ chức, người dân tại các khu dân cư, đô thị quanh Hồ Tây sẽ không chỉ được hưởng không gian sống trong lành, hạ tầng xã hội đồng bộ, mà còn có thêm lợi thế về giao thông cùng khuôn viên xanh - sinh thái. Những vấn đề xảy ra trước khi có quy hoạch như ô nhiễm môi trường, ngập úng liên quan tới thoát nước… cũng sẽ được giải quyết khi đồ án quy hoạch được hiện thực hóa. Việc phát triển các dịch vụ du lịch phụ trợ cũng sẽ tạo điều kiện để các hộ dân quanh khu vực có thêm công ăn việc làm, phát triển kinh tế.
Về sinh kế, quận đã nghiên cứu và sẽ có chính sách phù hợp để đảm bảo ổn định cuộc sống cũng như quyền lợi của người dân trong tương lai.
Một lần nữa, chúng tôi khẳng định, quận luôn cầu thị lắng nghe ý kiến nhân dân, qua đó sẽ hoàn thiện đồ án quy hoạch với mục tiêu quản lý đô thị hiệu quả, giải quyết tình trạng lấn chiếm, ô nhiễm môi trường… đồng thời phát huy tối đa lợi thế về cảnh quan, bản sắc khu vực, đem tới lợi ích về du lịch - văn hoá, kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
Tuy vậy, trong quá trình lấy ý kiến người dân, chúng tôi nhận thấy có những ý kiến dựa trên thông tin thất thiệt không chính xác về đồ án quy hoạch.
Chẳng hạn khu vực dự án 58 Tây Hồ, chúng tôi khẳng định đây là dự án tổ hợp khách sạn để phục vụ nhu cầu của du khách đến với Thủ đô. Không phải là dự án chung cư cao tầng.
Nhưng hiện đã có tới 11 toà nhà cao tầng (15-39 tầng) ngay trong khu vực Quảng An- Đầm Trị, toà gần nhất sát mép nước có 20m trong khi theo quy hoạch, khu vực này chỉ được phép xây cách mép nước 25m, chiều cao sát mép nước tối đa 15m (tương đương 4 tầng) và cao nhất là 15 tầng. Vậy cả 2 tiêu chí khoảng cách và chiều cao đều vượt quy định. Ai là người ký quyết định cấp phép công trình này và quận Tây Hồ đánh giá vi phạm này như thế nào?
- 11 tòa nhà này đúng hay sai thì đây cũng là thẩm quyền của Thành phố nên chúng tôi không thể trả lời được là đúng hay sai. Chúng tôi chỉ thực hiện theo chỉ đạo của Thành phố.
Nằm trong quy hoạch còn có các quần thể tâm linh. Xin ông cho biết đồ án quy hoạch sẽ bảo tồn các quần thể tâm linh này như thế nào?
- Trong khu vực lập Quy hoạch có 5 điểm di tích cần bảo tồn, và quận khẳng định Đồ án không làm ảnh hưởng đến di tích. Các di tích được giữ nguyên trạng, đồng thời khu vực xung quanh được gia tăng diện tích cây xanh, gia tăng các giá trị văn hóa tâm linh và sự tôn nghiêm, bổ trợ cho các quần thể hiện hữu.
Cụ thể, nằm trong quy hoạch còn có một trục văn hóa kết nối hai di tích lịch sử chùa Hoằng Ân và chùa Phổ Linh. Đây cũng sẽ là nơi tổ chức các chương trình giới thiệu về tôn giáo, gắn kết cộng đồng. Du khách tới đây sẽ được tham gia các buổi nói chuyện chuyên đề về tôn giáo, tìm hiểu các sản phẩm nghệ thuật truyền thống, các sản phẩm phục vụ tín ngưỡng, tâm linh.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
Đón xem bài 4: Đồ án quy hoạch bán đảo Quảng An: Người dân yêu cầu được đối thoại trực tiếp
No comments