Đọc sách cùng bạn: "Rốt cuộc thì vú là của phụ nữ" - TIN TỨC GIẢI TRÍ

Breaking News

Đọc sách cùng bạn: "Rốt cuộc thì vú là của phụ nữ"

Đọc sách cùng bạn: "Rốt cuộc thì vú là của phụ nữ" - Ảnh 1.

Cuốn sách "Lịch sử vú" (A History of the Breast) của tác giả Marilyn Yalom do Nguyễn Thị Minh dịch từ tiếng Anh. (Ảnh: ST)

Nghe cái tên sách đã hấp dẫn. Tạo hóa đã sinh ra người phụ nữ với cơ thể hấp dẫn của phái đẹp, của người mẹ sinh con mà cặp vú trên bộ ngực luôn là tâm điểm chú ý khêu gợi cho người khác khi đứng đối diện. Tưởng như vú chỉ có chức năng sinh học là tiết sữa nuôi con. Nhưng đã bao nhiêu thế kỷ qua cặp vú phụ nữ còn là nơi phản ánh các thái độ chính trị, tôn giáo, xã hội, tâm lý, văn chương nghệ thuật của loài người khi nó trở thành đối tượng được thờ phụng, ngợi ca hay phỉ báng, chê bai.

Tác giả: Marilyn Yalom

Dịch giả: Nguyễn Thị Minh

Nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam, 2022

Số trang: 495 (khổ 16x24cm)

Số lượng: 2300 (2000 bìa mềm, 300 bìa cứng)

Giá bán: 248.000đ

Trong phần dẫn nhập ở đầu sách mang tên "Thay đổi các ý nghĩa" tác giả viết: "Tôi có ý định làm cho bạn suy nghĩ về vú phụ nữ theo cách bạn chưa từng mường tượng trước đây. Đối với hầu hết chúng ta, đặc biệt là nam giới, vú là trang sức của giới tính – vương miện làm đẹp cho nữ tính. Tuy nhiên, quan điểm mang sắc thái tính dục này về vú không hề phổ quát. 

[…] Những giả định về vú mà người phương Tây chúng ta coi là đương nhiên tỏ ra đặc biệt võ đoán khi ta đặt vào một tầm nhìn lịch sử, chính là mục đích của cuốn sách này. Bao quát khoảng 25 ngàn năm, cuốn sách sẽ tập trung vào những giai đoạn nhất định, khi một quan niệm cụ thể nào đó về vú chi phối sự hình dung của người phương Tây, và thay đổi cách thức người ta nhìn ngắm và trình hiện nó." (tr. 26-27)

Quả thật, chỉ cần đọc mục lục sách đã thấy lịch sử vú đa dạng khác biệt đến thế nào: Chương 1. Vú linh thiêng: Các nữ thần, nữ tư tế, những người phụ nữ trong Kinh Thánh, các vị thánh và Đức Mẹ đồng trinh. Chương 2. Vú gợi dục: "Những thiên thể trên bầu trời". Chương 3. Vú quốc dân: Thời kỳ chuyển tiếp ở Hà Lan. Chương 4. Vú chính trị: Những bộ ngực cho dân tộc. Chương 5. Vú tâm lý: Tinh thần hóa thể xác. Chương 6. Vú thương mại: Từ coóc-xê đến tình dục qua mạng. Chương 7. Vú y học: Thứ mang lại sự sống và huỷ diệt sự sống. Chương 8. Vú tự do: Chính trị, thi ca và tranh ảnh. Chương 9. Vú trong khủng hoảng.

Đọc sách bạn sẽ thấy qua nhiều thế kỷ, bầu vú được gán cho những ý nghĩa vô cùng mạnh mẽ và trái ngược nhau. Có những vú "tốt đẹp" – đó là vú tượng trưng cho sự sống được tôn sùng, vú nuôi dưỡng trẻ sơ sinh và toàn bộ cộng đồng, như được mô tả trong các thần tượng cổ xưa, trong hình tượng Madonna cho con bú ở Italia thế kỷ XIV, vú thể hiện sự bình đẳng như trong cuộc Đại Cách mạng Pháp. Nhưng lại có vú "xấu xa" như trong hình dung của nhà tiên tri Do Thái Ezekiel về các thành phố trong Kinh Thánh, như phu nhân Macbeth trong kịch Shakespeare và vú như quả ngư lôi khiêu khích và gây hấn. Có thời vú và khe vú được đề cao. Lại có thời vú bị coi là ác quỷ, là bộ phận của cơ thể để tấn công đầu tiên. Yalom đã xem xét những ý nghĩa trái ngược này trong thái độ đối với vú qua các thời đại và làm sáng tỏ những ẩn ý đằng sau chúng.

Ngay cả việc nuôi con bằng sữa mẹ tiết ra từ bầu vú tưởng như là hiển nhiên khi người phụ nữ sinh con. Nhưng không. Marilyn Yalom cho ta biết đã có thời việc này có sự phân chia. Phụ nữ thuộc tầng lớp thượng lưu thường là ít cho con bú, để bầu vú của họ vẫn giữ được vẻ ngọc ngà như thời con gái. Họ để con mình cho các bà vú được thuê nuôi, thường đó là những phụ nữ thuộc tầng lớp thấp ở nông thôn. Các bà vú này sẽ có được một khoản tiền nhờ việc đó. Mặc dù con riêng của họ có khi vì thế mà không được chăm sóc đầy đủ như đứa con được thuê nuôi. Và liên quan đến vú còn có lịch sử của xu-chiêng, coóc-xê, áo ngực – những vật dụng che đậy, nâng đỡ, thắt bó hay giải phóng vú – cũng đã được tác giả mô tả tường tận.

Marilyn Yalom đúng là đã làm ta bất ngờ về những cách vú được gắn với các quan điểm góc nhìn khác nhau. Lấy thí dụ "Vú chính trị". Mở đầu chương này bà viết: "Không có thời điểm nào trong lịch sử - ngoại trừ thời đại chúng ta – người ta lại tranh cãi nhiều về vú hơn là thế kỷ XVIII. Khi các nhà tư tưởng thời Khai Minh bắt đầu hành trình thay đổi thế giới, bầu vú đã trở thành một đấu trường cho các lý thuyết gây tranh cãi về loài người và hệ thống chính trị. Trước khi thế kỷ này kết thúc, bầu vú sẽ được gắn kết, như chưa từng có trước đây, với chính ý niệm về quốc gia. Không quá xa vời khi lập luận rằng các nền dân chủ phương Tây hiện đại đã phát minh ra bầu vú chính trị hoá và bắt đầu có kinh nghiệm về nó kể từ đó." (tr. 186). Còn để hiểu "vú chính trị" đã trở thành "những bộ ngực cho dân tộc" như thế nào thì mời bạn đọc vào sách. Càng đọc bạn sẽ càng thấy nhiều bất ngờ và thú vị, nhất là kèm với diễn giải của tác giả còn các tranh ảnh minh họa sinh động.

Nói tới vú cũng là nói tới nữ quyền. Chủ yếu các quan điểm về bầu vú phụ nữ là do bị áp đặt bởi cái nhìn nam quyền. Yalom viết: "Lịch sử văn hóa về vú chắc chắn nằm trong văn cảnh "triều đại của dương tượng" (The Reign of the Phallus) đã thống trị nền văn minh phương Tây trong 2500 năm qua. Tuy nhiên, vú đồng thời đã có triều đại của riêng mình, chắc chắn là một triều đại được kiến tạo từ những huyễn tưởng của nam giới, nhưng là triều đại ngày càng thể hiện nhu cầu và ham muốn của người phụ nữ, mà rốt cuộc thì vú là của họ." (tr. 35)

Tác giả Marilyn Yalom (1932 – 2019) là giáo sư Pháp ngữ và văn học so sánh, từng là giám đốc của CROW, tiền thân của Viện nghiên cứu giới Clayman (Clayman Institute for Gender Research) của Đại học Stanford (Mỹ). Đồng thời bà là nhà diễn thuyết nổi tiếng và tác giả của nhiều tác phẩm, bài viết về văn học và lịch sử phụ nữ. Cuốn sách "Lịch sử vú" là một công trình nghiên cứu khoa học nên tác giả có dẫn nguồn tham khảo nhiều sách và có bảng dẫn (Index) giúp độc giả tiện việc tra cứu.

Dịch giả Nguyễn Thị Minh hiện là giảng viên Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm TPHCM. Hướng quan tâm chính của cô là nghiên cứu so sánh văn học, cải biên điện ảnh từ lý thuyết giới và ký hiệu học. Cô cũng là người đồng sáng lập "The Ladder – không gian học thuật cho cộng đồng", một không gian kết nối, chia sẻ của những người yêu mến tri thức, với mong muốn làm cho các tri thức hàn lâm trở nên gần gũi và đến với tất cả mọi người, đặc biệt là giới trẻ ở Việt Nam. 

Trước "Lịch sử vú" Nguyễn Thị Minh đã dịch hai tác phẩm quan trọng của hai tác giả nữ: cuốn "Giữa quá khứ và tương lai" (2020) của nhà triết học Hannah Arendt và cuốn "Yêu sách của Antigone" (2021) của nhà nghiên cứu văn học Judith Butler. Ba cuốn sách dịch xuất bản liên tiếp trong ba năm cho thấy công phu của dịch giả và nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Minh. Cả ba cuốn sách này đều hay và đều khó dịch, nhưng dịch giả Nguyễn Thị Minh đã dịch rất tốt, đem lại cho người đọc Việt Nam những tri thức quan trọng về triết học, nghệ thuật cần thiết cho nền học thuật hàn lâm cũng như văn hóa chung của nước ta. Trước mỗi bản dịch cô đều có những bài giới thiệu công phu về tác giả và tác phẩm giúp bạn đọc tiếp cận được nội dung sách.

Hẹn bạn lần tới với những cuốn sách mới khác!

Hà Nội, 16/8/2022

No comments