NSND Thái Bảo: “Tôi không biết đếm tiền, thỉnh thoảng bỏ quên cát-sê trong túi xách”
Luôn mong gặp lại những người lính đã gặp ở biên giới phía Bắc năm 1984
NSND Thái Bảo từng chia sẻ chuyện lần đầu tiên đi diễn ở biên giới phía Bắc, nửa đêm có các anh bộ đội tìm đến đề nghị chị hát lại "Vết chân tròn trên cát" cho họ nghe và ghi lại lời bài hát cho họ. Sau khi kể câu chuyện này trên báo chí, anh bộ đội nào ngày ấy đã liên lạc với chị?
- Đúng là cứ mỗi lần nhắc đến kỷ niệm này, tôi lại thắp lên bao hy vọng. Thời đó, tôi mới 16-17 tuổi, các anh bộ đội cũng đã hơn 30 rồi, không biết hiện tại các anh có còn nhớ kỷ niệm đó nữa hay không. Trong chương trình "Ký ức vui vẻ" cách đây không lâu, tôi có nhắn nhủ rằng: "Nếu các anh còn nhớ đến Thái Bảo thì hãy tìm đến em nhé!".
Đó cũng là lời tri ân và mong chờ các anh, thế nhưng, tôi vẫn chưa thấy được sự hồi âm nào cả. Lúc ấy, đứng trước tôi cũng có một anh thương binh nhiều tuổi, không biết giờ này anh còn khỏe không?
Phải chăng, nhờ những ký ức đẹp đẽ với các chiến sĩ nên chị đã luôn hát những ca khúc "Vết chân tròn trên cát", "Thời hoa đỏ"… bằng cảm xúc đong đầy?
- Chính xác là thế. Cứ khi hát là tôi lại thả hồn theo những ký ức ấy và nhớ đến những kỷ niệm mà rung động trái tim. Có những ký ức về người lính, mỗi khi ùa về lại khiến tôi ứa nước mắt. Hình ảnh người thương binh đứng trước mặt tôi trong đêm khuya ở biên giới phía Bắc khiến tôi không bao giờ quên được. Ngày ấy, các anh đã lội bộ hàng chục kilomet đường rừng, trời mưa lâm thâm… và khi đứng trước mặt tôi thì nước lăn đầy trên gò má. Tôi không rõ nước trên khuôn mặt của các anh lúc đó là nước mắt hay nước mưa nhưng nhìn thấy cảnh đó tôi cũng bật khóc. Thú thật là hình ảnh về người lính thời đó tôi không bao giờ quên được.
Thời gian luôn rất công bằng, không bỏ quên ai cả
Chị nghĩ sao khi nhiều người bảo "Thái Bảo bị thời gian bỏ quên"?
- Thực sự đây là một câu hỏi rất khó trả lời. Có thể, một cuộc sống ít lo nghĩ đến những vấn đề cơm áo gạo tiền và không chạy theo những hào nhoáng bên ngoài đã giúp tôi trẻ ra. Cả cuộc đời tôi gắn bó với nghệ thuật và luôn cảm thấy hạnh phúc khi được làm nghề. Tôi cứ làm nghề một cách say sưa, mê đắm… mà không nghĩ đến những việc không liên quan đến mình. Tôi chỉ muốn khi mình cất tiếng hát là có thể chạm vào trái tim khán giả bằng chính cảm xúc mình đặt để trong bài hát.
Có lẽ vì tôi không toan tính quá nhiều về chuyện kinh tế và cũng chẳng phải chịu nhiều áp lực về tinh thần nên mọi thứ trong cuộc sống luôn thoải mái. Tôi tận hưởng thời gian rảnh rỗi bằng những cuộc chơi thể thao, gặp gỡ bạn bè và hào hứng với những chuyến lưu diễn xa. Nhiều chuyến lưu diễn từ thiện đã khiến tôi rất nhớ.
Tôi luôn nghĩ bản thân mình phải sống thật tích cực, thật tốt, không bao giờ được lùi bước trước những áp lực. Có những điều quá căng thẳng, tiêu cực thì tôi tự nhủ mình phải buông bỏ. Tôi luôn cố gắng trau dồi, giữ gìn sức khỏe, tự lo cho bản thân. Có lẽ vì thế mà trên nét mặt của tôi luôn giữ được sự tươi trẻ và nhiều năng lượng nhất. Trẻ so với tuổi thôi còn thời gian luôn rất công bằng, không bỏ quên ai cả.
Gia đình chị cả 3 thành viên gồm bố mẹ và con trai đều làm nghệ thuật. Phải chăng vì được sống trong một môi trường thuần nghệ thuật như thế nên chị cũng trẻ ra mỗi ngày?
- Đúng thế! Trong gia đình, khi tất cả cùng làm nghệ thuật thì dễ thấu hiểu, thông cảm và hỗ trợ cho nhau. Tôi may mắn khi có chồng theo nghệ thuật, rồi giờ con trai Bảo Anh cũng tiếp nối bố mẹ theo nghệ thuật. Gia đình tôi luôn có tiếng nói chung đó là âm nhạc. Âm nhạc xuất hiện trong mọi cuộc trò chuyện, thậm chí khi ăn chúng tôi cũng nói chuyện về âm nhạc. Âm nhạc trở thành sợi gây gắn kết cả gia đình.
NSND Thái Bảo hát "Thời hoa đỏ" với bản phối của NSND Quang Vinh. Clip: NVCC.
Tất cả chúng tôi đã sống bằng sự sáng tạo, bằng công sức và sự cần mẫn trong nghệ thuật. Nói nghệ sĩ giàu thì không đúng, đặc biệt là nghệ sĩ hát nhạc truyền thống như tôi. Thật sự, những nghệ sĩ theo đuổi dòng nhạc này rất khó để làm giàu bằng nghệ thuật. Chúng tôi vẫn nói với nhau rằng "Nghệ sĩ nhạc đỏ là vô sản". Nhưng có lẽ vì như thế mà tôi biết cân bằng, nghèo thì cũng không đến nỗi nhưng để giàu có hẳn thì không.
Chị nói rằng, người theo nghệ thuật chân chính không giàu có được nhưng vẫn ủng hộ con trai trở thành nhạc công. Chị có lo lắng con mình sẽ lặp lại con đường vất vả của bố mẹ?
- Có lẽ bố mẹ như thế nào con cái sẽ như thế, đó là sự giáo dục và tư duy của bố mẹ truyền lại cho con. Tôi biết làm nghệ thuật sẽ nghèo, sẽ khó khăn và đặc biệt con lại làm nhạc công. Nói thật là tiền kiếm ra không bao giờ đủ để mưu sinh cả.
Nhưng thôi, tôi vẫn thấy chúng tôi "giàu" lắm. Giàu về âm nhạc, giàu tình yêu thương của khán giả. Chỉ cần vậy thôi là người làm nghệ thuật cảm thấy sung sướng lắm rồi, còn kiếm tiền thì biết bao nhiêu cho đủ.
Hạnh phúc với tôi là mỗi đêm diễn được khán giả ủng hộ hết mình, sau đêm diễn ghi nhận… Với tôi, sự ghi nhận của khán giả còn khiến tôi sung sướng hơn cho tôi một đống tiền. Tôi nói thế nghe có vẻ như chê tiền nhưng thực sự nếu chạy theo đồng tiền sẽ chẳng biết bao giờ là đủ. Giàu hay chưa giàu là do mình tự cảm nhận thôi.
Tôi không bao giờ áp đặt hay đòi hỏi con phải đi làm kinh doanh hay trở thành ông nọ, bà kia để giàu có. Tôi luôn khuyên con hãy làm những điều mình thích, khi cháu đã có tình yêu với nghệ thuật tôi không bao giờ ngăn cản.
Đúng là bố mẹ làm nghệ thuật có nghèo thật nhưng so với xã hội ngoài kia vẫn có cuộc sống ổn định hơn nhiều. Vậy nên tôi luôn biết cân bằng, biết nhìn lên nhưng cũng biết nhìn xuống và không bao giờ đòi hỏi điều gì quá sức với mình.
"Nói ra thì sợ bị cười nhưng tôi còn chẳng biết đếm tiền"
Nhiều nghệ sĩ, ngoài công việc tay phải là đi hát thì còn làm thêm nhiều công việc tay trái khác để thay đổi đời sống kinh tế. Chị có vẻ thủng thẳng với nghề hát mà không nghĩ gì chuyện kinh doanh?
- Tôi công tác ở Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, hưởng chế độ lương công chức theo hệ số. Danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân là sự ghi nhận cống hiến thôi chứ không nhờ danh hiệu mà được tăng lương. Nếu có buổi biểu diễn thì tôi có thêm thu nhập, nếu không tôi cũng cứ sống đơn giản như thế thôi chứ không kinh doanh gì thêm cả.
Nói ra thì sợ bị cười nhưng tôi còn chẳng biết đếm tiền. Từ nhỏ tôi đã không giỏi việc tính toán. Có những lần nhận chương trình, người ta hỏi tôi mức cát -sê bao nhiêu, tôi cười xòa, mức cát-sê bao nhiêu cũng được. Tôi không quan trọng, quan trọng là được hát và được giao lưu với khán giả.
Có những lần đi diễn về được mấy chục triệu, tôi để quên hẳn trong túi. Vài tháng sau có chương trình khác,tôi cầm chiếc túi ấy lên thấy tiền để quên mà như nhặt được vậy (cười).
Có hai sự thật về tôi mà không ai tin, một là tôi không để ý tới tiền, không nghĩ tới tiền, luôn bằng lòng với những gì mình đang có. Thứ hai là tôi ... mù đường. Một đoạn đường đi cả chục lần mà không bao giờ nhớ được. Ngoài ra, tôi có một thú vui là buổi sáng đi bơi, buổi chiều đi đánh bóng, thỉnh thoảng cà phê với bạn bè và rất thích nuôi chó.
Chị có nói đến việc không để ý đến tiền, vậy việc quán xuyến chi tiêu trong gia đình chị kiểm soát như thế nào? Chị có hay đầu tư hàng hiệu cho bản thân không?
- Tôi không dùng đồ hiệu nhiều mà sẽ dành dụm để có những chuyến du lịch, có thể đi châu Âu, đến những nơi mình thích. Đến những nơi du lịch tôi cùng chỉ bỏ ra một số tiền nho nhỏ để mua những thứ tôi thích thôi. Tôi không phải là người sẵn sàng dốc hết số tiền mình chắt chiu để mua một món đồ hiệu xa xỉ.
Cuộc sống cũng sẽ có lúc khó khăn, thiếu thốn, khổ sở và không thiếu những thăng trầm nhưng mình phải biết cân bằng, kể cả việc chi tiêu trong gia đình cũng thế.
Nhiều nghệ sĩ mua nhà mua đất, còn chị có nghĩ tới điều đó không?
- Tôi làm nghệ thuật chỉ để trang trải cuộc sống gia đình hàng ngày thôi, tôi không thừa tiền để mua nhà mua đất. Tôi chỉ có một căn nhà thôi. Tôi hơi ân hận vì thời tuổi trẻ, tôi kiếm được nhiều tiền nhưng lại không mua đất mà thích gì là mua đấy. Bây giờ tôi thấy cuộc sống thế là đủ, mặc dù để "đủ" thì chẳng bao giờ là "đủ.
No comments