Kể chuyện làng: Trở về làng là về với khoảng trời bình yên - TIN TỨC GIẢI TRÍ

Breaking News

Kể chuyện làng: Trở về làng là về với khoảng trời bình yên

Chiều chậm trôi, mặt trời chuyển màu hắt những tia nắng cuối ngày lên ngọn tre trước ngõ… Năm nay, mưa thuận nắng hòa nhà nông quê tôi được một vụ mùa bội thu. Mẹ kể, nhờ ơn trên phù hộ, vụ hè thu này lúa gặt vào, nắng to nên phơi khô, quạt sạch cất lên tra, còn rơm không bị mục thối như các năm trước. Đẹp trời, những sợi rơm vàng tươi được xây thành đụn, phần dùng để đun bếp nấu cơm, phần dành cho trâu nhai vào mùa mưa gió.

Kể chuyện làng: Trở về làng là về với khoảng trời bình yên - Ảnh 1.

Những ngôi nhà vườn xinh xắn ở quê tôi. (Ảnh: Trần Văn Toản)

Đêm quê hương lặng lẽ, yên bình quá. Dường như đêm nào cũng thế, tiếng côn trùng rả rích, tiếng ếch nhái râm ran từ ngoài bờ ruộng trở thành thứ âm thanh đặc trưng cho quê nhà. Bà nằm trên chiếc giường tre đặt dưới gốc cây bưởi tay phe phẩy chiếc quạt mo, bà bảo mùa hè nằm trên giường tre không trải chiếu là mát nhất. Tôi nhớ có một lần mẹ đi chợ về mua cho bà một chiếc quạt giấy xếp, cầm cho nhẹ tay, nhưng bà nhất định không dùng. Bà vẫn lấy mo cau rơi xuống và phơi nắng làm quạt. Bà nói: "Mua làm chi cho tốn tiền, bà vẫn quen dùng cái mo cau, vừa dễ dùng, vừa không sợ phải rách"…

Kể chuyện làng: Trở về làng là về với khoảng trời bình yên - Ảnh 2.

Con đê làng dẫn ra cánh đồng quê tôi. (Ảnh: Trần Văn Toản)

Cái không khí thoáng đãng, dễ chịu của đêm quê đưa con người vào giấc ngủ say nồng. Chìm sâu trong giấc ngủ, tôi bỗng tìm về những kỉ niệm ngọt ngào của tuổi thơ. Còn đó dòng mương dẫn nước từ trên khe về mà mỗi trưa hè lũ trẻ chúng tôi tụm năm tụm bảy bơi lội; hai hàng dương liễu ven đường dẫn ra các cánh đồng vẫn ru mình trong gió, tuy có già và đậm màu hơn. Đây rồi, con đê của làng vẫn lặng lẽ chạy dài qua bao biến đổi thời gian. 

Với tôi, con đê là linh hồn của làng quê. Dọc triền đê, thảm cỏ trải dưới lối đi. Bên kia đê, cánh đồng hoa màu quanh năm tươi một màu xanh của rau, của lạc… Chẳng biết có từ bao giờ, chỉ biết rằng, khi những người già nhất còn sống ở làng tôi sinh ra đã thấy nó sừng sững, kiêu hãnh in bóng xuống dòng sông ôm lấy dáng hình làng quê yêu dấu. 

Tôi thích nhất là mỗi buổi sáng tinh mơ, khi sương đêm còn rất nhiều trên ngọn cỏ, người dân quê tôi hối hả ra đồng. Dọc theo triền đê, người quang gánh, người thì vác cày, vác cuốc, tiếng cười nói rôm rả… báo hiệu một ngày mới bắt đầu. Chiều, chạy trên đê, lũ trẻ thỏa thích nô đùa với các trò chơi đuổi bắt, trốn tìm… Những chú diều giấy no gió vút giữa không trung, rồi tiếng í ới gọi nhau cưỡi trâu về…

Kể chuyện làng: Trở về làng là về với khoảng trời bình yên - Ảnh 3.

Nơi những đứa trẻ quê tôi chơi trò trốn tìm. (Ảnh: Trần Văn Toản)

Nhớ nhất là tháng Bảy về, tôi cùng hai anh em thằng Tí, thằng Tèo rủ nhau ra vườn bắt dế. Ba đứa sải đôi chân trần trên mặt đất, lắng tai nghe tiếng dế kêu, rồi lấy tay cào, bới… nhanh như chớp, những chú dế than nhảy ra khỏi hang, rướn mình chạy thoát thân. Lũ trẻ khoanh tay như tiếc rẻ. Chiều nào có mưa dông, bờ ao ngập nước, đêm, lũ trẻ xóm tôi soi đèn đi bắt ếch, chàng hương rồi tập trung lại một nhà, cùng nhau vào bếp. Con nhái để dành cho các chú gà đá, còn ếch và chàng hương thì cho vào nồi. Thịt ếch nấu với xả, thịt chàng hương xào với thân gốc cây chuối quả là "đặc sản", bốc mùi thơm phức, ngửi đã thấy thèm.

Kể chuyện làng: Trở về làng là về với khoảng trời bình yên - Ảnh 4.

Bến sông quê tôi, nơi người dân trong xóm ra ngồi hóng mát. (Ảnh: Trần Văn Toản)

Vui nhất là những đêm trăng, sân nhà ông Hạ ở đầu xóm rộng nhất nên bọn trẻ chúng tôi kéo nhau đến đây chơi đủ thứ trò, nào là trốn tìm, nào là cướp cờ, bịt mắt bắt dê, rồng rắn lên mây... tiếng la hét, tiếng cười nói náo động cả một vùng.

Mùa mưa, cánh đồng quê tôi bồnh bềnh một màu trắng xóa. Thường lụt vào tháng 9 Âm lịch, nhưng một số năm, chỉ mới tháng 7 nước "đã nhảy lên bờ" làm người dân quê tôi chẳng kịp trở tay. Lụt về, quê tôi thuộc vùng thấp trũng, lúc bấy giờ, cả làng chỉ có hai, ba cái nhà xây, vì thế ai cũng lo sợ nước ngập vào nhà. Riêng chỉ có lũ trẻ chúng tôi mong đợi mùa nước nổi từ lâu để được tung tăng lội và vọc nước. Nước ngập đồng, tràn vào đường thôn, lối xóm. Thế là chặt ba cây chuối, chúng tôi ghép thành cái bè, nhảy lên đó chống quanh vườn. Khi nước rút thì rủ nhau đi cất rớ, lội lõm bõm dưới nước, có khi bị té ướt cả áo quần, mẹ gọi về quất cho mấy roi, đau ơi là đau nhưng vẫn không chừa, cứ trốn đi chơi…

Kể chuyện làng: Trở về làng là về với khoảng trời bình yên - Ảnh 5.

Nơi tắm mát tuổi thơ. (Ảnh: Trần Văn Toản)

Cuộc sống đổi thay từng ngày, mùa nắng đi qua, mùa mưa lại đến, cánh đồng quê bắt đầu vào vụ mới… Vì cuộc sống mưu sinh, có biết bao  người con phải rời quê hương. Chẳng biết có ai trong số đó không giữ mãi hình bóng quê nhà. 

Còn tôi, dù có đi đâu, tận chân trời, góc bể, giữa chốn phồn hoa, đô hội, từ trong sâu thẳm trái tim mình, tôi vẫn hướng về miền quê bằng nỗi nhớ da diết, khôn nguôi. Ở đó có mùi hương của loài hoa đồng nội, có mùi thơm nếp với khói ráng chiều từ bếp rơm của bà, của mẹ. Khắc khoải trong miền kí ức của tôi là hình bóng của Tí, của Tèo để đầu trần trốn đi bắt châu chấu… Có khi, sống giữa thành phố, tôi thèm vô cùng được ăn một củ khoai lang nướng trong bếp tro còn nóng hổi, thèm được nhìn cánh diều bay cao dọc triền đê… Cảm ơn chốn quê – nơi đã cho tôi sức mạnh để ra đi, nơi giữ cho tôi một khoảng trời thương nhớ.

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.

                                                                                                      

                                                              

                    

 

 

                                     

 

 

 

No comments