Nhà thơ Hồng Thanh Quang: “Bây giờ tôi khao khát được sống để bù đắp những thiếu hụt trong quá khứ”
Chủ đề của chương trình nghệ thuật năm nay mang tên "Vẫn nguyên là nỗi khát". Ngay khi đọc tựa đề nhiều người đã tò mò về chữ "khát". Có thể hiểu "khát" ở đây như thế nào thưa nhà thơ Hồng Thanh Quang?
- Khát ở đây là khao khát cuộc sống. Nó là sự khao khát cái gì đó đủ đầy, trọn vẹn, lâu bền, lãng mạn và cái gì đó thơ hơn. Tựa đề đêm nghệ thuật được lấy từ một câu thơ trong bài "Vô chiêu" tôi sáng tác từ 18 năm trước. "Em ở gần hay xa/Vẫn nguyên là nỗi khát". Em ở đây không chỉ là người phụ nữ mình yêu đâu mà em là mọi thứ. Ai sinh ra cũng có những khao khát, sự phấn đấu, sự vươn lên… thậm chí là có những chiếm đoạt. Có người sớm thỏa mãn, có người muộn thỏa mãn và có những người không bao giờ thỏa mãn với những gì mình có.
Và anh thuộc tuýp người không bao giờ thỏa mãn với những gì mình có, cho nên đến ngưỡng lục thập vẫn còn nguyên nỗi khát của riêng mình?
- Những người làm công tác sáng tạo, nhìn ở góc độ nào đó, rất giống với những người leo núi. Người leo núi không quan trọng phải leo lên đến đỉnh núi và thưởng thức cảm giác được ngồi trên đỉnh núi mà là cảm giác trải nghiệm chặng đường leo lên đỉnh núi. Nói cách khác là cảm giác chinh phục thử thách và những điều mình muốn khám phá. Cảm giác chinh phục là cảm giác nguyên thủy của người đàn ông nhưng cũng là cảm giác "nguyên thủy" của người sáng tạo.
Cũng giống như các vận động viên thể thao ấy, họ luôn muốn chinh phục hết đỉnh cao này đến đỉnh cao khác chứ chưa bao giờ thấy thoả mãn với thành tích mình đạt được. Chúng ta vẫn thường có câu vui đùa rằng "kỷ lục có tội gì mà người ta suốt ngày đòi "phá"?". Đúng là chẳng có tội gì cả nhưng con người chúng ta vẫn luôn khao khát chinh phục đỉnh cao mới. Vì tôi yêu thơ, yêu nghệ thuật và yêu cuộc đời nên luôn có trong mình khao khát.
Đầu năm 2019, tôi bị bệnh nặng phải sang Singapore chữa trị. Tôi vượt qua tất cả mọi thứ, gần mùa thu năm ngoái tôi mới bắt đầu hồi phục lại. Đáng ra, chương trình nghệ thuật lần này đã tổ chức từ năm ngoái nhưng do sức khỏe của tôi lúc đấy vẫn chưa hồi phục hẳn. Chính vì vậy, năm nay, tôi quyết tâm làm chương trình "Vẫn luôn là nỗi khát" thể hiện khát khao chinh phục, dù đã lên đỉnh núi vẫn muốn chinh phục đỉnh núi khác. Bởi tôi ít bằng lòng với những gì đã đạt được. Đặc biệt đối với người làm nghệ thuật, càng khao khát những gì chưa có được.
Ở thời điểm này, khi bước qua những lằn ranh sinh tử và biến động trong đời sống thì nỗi khát khao lớn nhất trong anh là gì?
- Bây giờ tôi chỉ có niềm khao khát được sống và được trả nghĩa. Ngày xưa tôi cứ hùng hục sống, tôi mê mải đi mà không quan tâm đến những người xung quanh, vì với tôi, hành trình là một điều quan trọng. Viết là quan trọng, thơ là quan trọng, sự quyến rũ của thơ là quan trọng… còn mọi thứ khác kể cả vật chất hay tiền không là gì.
Có rất nhiều cơ hội để kiếm tiền tôi đều bỏ qua, kể cả những cơ hội để đạt được danh vọng tôi đều cho qua. Tôi cứ mải mê chạy theo những câu thơ, chạy theo những điều mờ mịt. Tình yêu với tôi đã mờ mịt rồi nhưng thơ với tôi còn mờ mịt hơn như thế.
Từ năm 2019 đến bây giờ, sau một khoảng thời gian dừng lại và thoát được cái chết. Trước đó, tôi tưởng đã chết mười mươi. Tôi còn nhớ đầu năm 2019 tôi sang Singapore vì trong nước không tìm ra bệnh. Khi nhìn bảng xét nghiệm, bác sĩ nói với vợ tôi: "Nếu không chữa trị kịp thời, ông này sống cùng lắm chỉ được 2 tháng nữa".
Nhưng thật may vì đúng thời điểm ấy bệnh của tôi đã có thuốc mới, để chữa được tôi trải qua rất nhiều thứ không hề đơn giản. Có những giai đoạn, khi tôi ngồi cạnh bố tôi, ông cụ năm đó đã 96 tuổi nhưng trông tôi còn già và thảm hại hơn bố mình.
Bây giờ nỗi khát trong tôi là sống sao để mình bù đắp những điều thiếu hụt trong quá khứ, còn tất nhiên, cuộc đời không thể sửa lại được. Bản thân tôi cũng không biết tôi sống được bao lâu nữa, nhưng chỉ cần một ngày còn sống tôi luôn cố gắng để bù đắp cho những thiệt thòi trong quá khứ của tôi.
Ngày xưa tôi làm điều gì cũng có mục đích, nhưng bây giờ tôi làm gì cũng chẳng cần mục đích, chỉ đơn giản là bắt tay lên làm, chỉ cần bắt đầu đã là sự thành công chứ không nhất thiết phải đạt được điều gì cả. Những người sáng tạo, tinh hoa nhất chính là lúc trẻ, lúc chưa có danh tiếng, chưa có tiền bạc, chưa có gì trong tay. Lúc ấy mới là lúc có nhiều cơ hội để đạt được đỉnh cao của mình.
Anh nhắc đi nhắc lại việc muốn bù đắp cho những điều thiếu hụt trong quá khứ, nghĩa là anh vẫn còn day dứt với những điều gì đó?
- Chẳng có một nhà thơ nào có cuộc đời trọn vẹn cả. Nhưng khác ở chỗ là có những người không được trọn vẹn thì oán hận, nhưng có những người may mắn thì chẳng cảm thấy oán than điều gì.
Tôi là người thất thố với cuộc đời này nhiều vô cùng, ngày trước tôi đã từng nghĩ tôi vô cùng hoàn mỹ, nhưng trải qua nhiều thử thách, tôi thấy mình quá thất thố với cuộc đời này, với gia đình, với công việc. Nhưng tôi may mắn vì luôn được tha thứ.
Ngày xưa, tôi có viết bài thơ "Bái vợ": "Mấy thứ lăng nhăng nó hại ta/ Lệ làng rất khó được dung tha/ Nhưng em lòng rộng như giời ấy/ Cuối cùng mọi sự vẫn nương ta/ Em thương con bé lo chồng dại/ Thật thà mê đắm lắm ngu ngơ/ Cho ta gửi nhé muôn nghìn vái/ Vợ mà như mẹ của nhà thơ".
Những điều tôi kể không chỉ là nói về người vợ, không phải là một khái niệm cụ thể mà tôi nghĩ cuộc đời này lúc nào cũng nâng đỡ tôi, tôi cảm ơn cuộc đời vì mọi điều. Mặc dù, trong cuộc sống tôi phải trải qua nhiều thử thách khốc liệt nhưng cuối cùng vẫn được nâng đỡ. Và bây giờ tôi nhận ra rằng, thực ra ở đời này, để sinh ra được một vài nhà thơ khó khăn lắm. Phải chăn, khi có một nhà thơ, người ta sẵn sàng nâng đỡ, trân quý cả những khiếm khuyết.
Cuộc đời tôi có khi trải qua những tai nạn chỉ một ly nữa là về với ông bà nhưng qua được hết. Kể cả những điều siêu nhiên hay con người đều nương tay tha thứ. Kể cả có những lúc tôi ngang ngạnh với người thân, bạn bè nhưng họ đều tha thứ, họ không chấp nhặt.
Bây giờ anh cảm nhận thấy bản thân mình đã thay đổi như thế nào?
- Con người tôi không thay đổi nhưng khi tự bớt đi những điều sân si thì sẽ tự khắc thay đổi. Tôi từng rút hết tế bào gốc trong cơ thể để cấy những tế bào mới. Sự thay đổi ấy tạo cho tôi một mạch sống mới. Ở tuổi 60 mà tôi vẫn còn nhiệt huyết, khí chất của người mới lớn.
Tôi bước vào tuổi già nhưng lại sống với những tế bào trẻ bên trong cơ thể. Cuộc đời lúc nào cũng cần phải rút kinh nghiệm, ai cũng thế, đặc biệt là người sáng tạo, phần lớn là sai chứ chẳng đúng được mấy. Bởi vì cái đúng không bao giờ sinh ra những tác phẩm hay.
Bây giờ nếu cho anh chọn lại, chỉ chọn một trong hai, anh chọn nghiệp làm báo hay là làm thơ?
- Thực ra tôi sẽ không chọn điều gì cả. Ngày xưa tôi chọn làm báo là vì tôi yêu thơ. Nhưng mọi thứ đến đều là số phận, vậy nên đừng chọn điều gì cả, hãy làm công việc nào mà mình cảm thấy nếu thiếu nó thì mình không chịu được.
Ngày xưa tôi học vô tuyến điện, nếu tôi theo nghề thì bây giờ đã có vài chục triệu đô, nhưng lúc ấy tôi chẳng có mưu cầu vật chất, tôi đi theo thơ.
Nhà thơ Hồng Thanh Quang đọc thơ trong buổi họp báo giới thiệu "Vẫn nguyên là nỗi khát". Clip: Thanh Cường
Tôi không giàu có nhưng tôi làm nghề một cách đàng hoàng. Kể cả trong tình yêu cũng thế: "Đừng sống với người mình có thể sống được. Hãy sống với người thiếu họ mình không thể chịu được", thì dù thử thách thế nào mình cũng cảm thấy đỡ bất hạnh.
Tôi tự hào vì khi gắn bó với nghiệp làm báo, tôi chưa từng dùng một bài viết nào để kiếm tiền tư lợi. Tiền bạc trong cuộc đời tôi cứ bay lạc, trôi nổi, rơi vào đầu tôi lúc nào biết lúc ấy. Tôi không có nhu cầu gì lớn, tôi chỉ có nhu cầu được viết báo, viết thơ. Tôi viết không phải để kiếm tiền, kiếm danh lợi, mà chỉ vì khao khát của bản thân tôi với nghề.
Sức khoẻ của anh hiện như thế nào?
- Tôi đã điều trị khỏi căn bệnh ung thư và đang trong quá trình hồi phục. Sức khoẻ của tôi hiện không tốt lắm nhưng vẫn đủ để viết một tuần vài nghìn chữ. Tôi viết những điều tôi tâm đắc.
Cảm ơn nhà thơ Hồng Thanh Quang đã chia sẻ thông tin.
“Vẫn nguyên là nỗi khát” là một đêm thơ nhạc đặc biệt của nhà thơ Hồng Thanh Quang được tổ chức vào tối 4.9.2022 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Đây là chương trình tiếp nối những thành công gắn liền với tên tuổi nhà thơ Hồng Thanh Quang.
Chương trình giới thiệu một số bài thơ được Hồng Thanh Quang sáng tác trong các giai đoạn. Đây là một chương trình nghệ thuật đa sắc màu, những tác phẩm sẽ được thể hiện ở nhiều hình thức nghệ thuật khác nhau như đọc thơ, ngâm thơ, hát xẩm, ca Huế và ca khúc. Trong đó, không thể thiếu sự xuất hiện của nhân vật chính, nhà thơ Hồng Thanh Quang trực tiếp thể hiện những tác phẩm thơ của mình, cũng không thể thiếu những ca khúc quen thuộc như "Khúc mùa thu", "Mẹ", "Romance No.4" của nhạc sĩ Phú Quang phổ thơ Hồng Thanh Quang. Ngoài ra chương trình còn giới thiệu một số ca khúc được phổ từ thơ của Hồng Thanh Quang của các nhạc sĩ quen thuộc như An Thuyên, Đức Trịnh, Lê Mây và một vài gương mặt trẻ…
Vẫn nguyên là nỗi khát" có sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ tài năng, đồng thời cũng là những người bạn, người em thân thiết với nhà thơ Hồng Thanh Quang. Chẳng hạn, chương trình có sự tham của các NSND như Phạm Ngọc Khôi, Thúy Mùi, Quốc Anh, Thúy Ngần... Các NSƯT như: Quyền Văn Minh, Tấn Minh, Thu Hà, Thu Huyền, Đức Long, Ngọc Khang, Thanh Tâm, Ploong Thiết, Hoàng Tùng, Diệu Hương... Các ca sĩ tài năng như Lan Anh, Tuấn Hiệp, Thanh Cường, gương mặt trẻ Layla (Á quân Giọng hát Việt 2019), đảm nhận vai trò MC là Á hậu Thụy Vân… cùng các vị khách mời đặc biệt như hoa sĩ Dũng Choai...
Nhà thơ Hồng Thanh Quang đảm nhiệm vai trò chỉ đạo nghệ thuật, tổng đạo diễn là nhạc sĩ Nguyễn Quang Long. Tham gia trong ekip thực hiện còn có các nghệ sĩ: Nhạc sĩ Tuấn Nghĩa, Phan Thanh Cường, Nguyễn Hải Thụy, đạo diễn sân khấu Nguyễn Nhật Giang, đạo diễn hình Lê Đại Phong...
No comments