Nghệ sĩ của 2.000 bức chân dung người mẹ anh hùng: “Nỗi đau lớn nhất là nỗi đau của những người mẹ mất con”
Chiến tranh là mất mát, là đau thương mà mất mát đau đớn đến tột cùng chính là nỗi đau của những bà mẹ mất con. Những người lính trẻ năm ấy, vội gói ghém manh áo, vội xếp lại bút nghiên, vội chào người thân, gia đình. Thế rồi, các anh không về, để mẹ già mang nỗi đau ấy mãi ngóng chờ con.
2.000 bức ảnh về mẹ. Mỗi bức ảnh là một câu chuyện về những người phụ nữ Việt Nam trên khắp mọi miền của Tổ quốc. Đại tá, Nhà báo, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng đã khắc họa một cách rõ nét hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong sự bình dị. Ở đó, những nỗi đau tột cùng của "Mẹ" hằn rõ trong từng góc ảnh hiện thực của ông.
Suốt nửa cuộc đời đi tìm hình bóng "mẹ"
Đại tá, Nhà báo, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng - người con quê hương Đức Thọ, Hà Tĩnh, nhập ngũ khi mới 19 tuổi. Suốt cuộc đời làm báo, cầm máy ảnh, nghệ sĩ đã mải miết trên khắp các nẻo đường, để rồi rung động, thấu hiểu trước từng nỗi đau trong cuộc đời người mẹ.
Có lẽ, đối với ông, khắc họa nên những bức chân dung những bà mẹ Việt Nam là một điều hạnh phúc. Không chỉ là niềm vui, đó còn là niềm đam mê, nỗi khát khao cháy bỏng trong ông.
Nhớ lại những lần đi chụp các mẹ, nghệ sĩ bồi hồi: "Đôi lúc có cả thất bại, thất bại cay đắng, nhưng sự thất bại ấy là một trải nghiệm thú vị, chụp ảnh cũng thế, có những ước muốn mình muốn ghi vào ống kính nhưng giữa hiện thực và ống kính lại có một khoảng cách rất lớn. Đôi khi nó là như thế ấy, nhưng hiện thực nó lại không phải như thế".
Đối với ông, mỗi chân dung người mẹ là một câu chuyện, một số phận riêng biệt và không hề khuất lẫn. Ông nhận ra rằng, nội tâm của các mẹ không dễ dàng khai thác được, đặc biệt là với những người mẹ mất con, những người mẹ có con hy sinh ngoài chiến trường khốc liệt.
"Niềm vui của các mẹ đôi lúc lóe lên chút thôi, đằng sau đó là hằn cả một nỗi đau, một nỗi mất mát kinh khủng, không khỏa lấp được"- Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng trăn trở.
Niềm đam mê đi tìm và khắc họa hình bóng các bà mẹ Việt Nam đến với nghệ sĩ Trần Hồng như một lẽ tự nhiên. Rời chiến trường năm 1969, ông được Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị cử đi học báo chí tại Trường Tuyên giáo Trung ương và sau đó là quãng đời công tác tại báo Quân đội Nhân dân.
"Trong một lần tình cờ, vào một buổi chiều tà, tôi có gặp một bà cụ, bà cụ đi chợ xong thì vội vàng ra đón cháu đi học về, đó là một hình ảnh đẹp. Tôi đã chụp bức ảnh đen trắng đầu tiên ấy, thấy hay và thấy có ý nghĩa. Năm 1973 kể từ ngày đó, tôi bắt đầu đi theo mảng đề tài này", NSNA Trần Hồng chia sẻ về cảm hứng bắt đầu cuộc hành trình đi tìm chân dung các bà mẹ Việt Nam.
NSNA Trần Hồng luôn tâm niệm: "Mẹ, các bà mẹ được Nhà nước tuyên dương anh hùng và các bà mẹ anh hùng khác, là những người có công xây dựng, bảo vệ đất nước sau này". Chia sẻ của ông tại triển lãm ảnh "Đồng Lộc, Mẹ và Quê hương" cách đây 10 năm, cũng chính là tư tưởng mà nghệ sĩ muốn gửi gắm đến tất cả mọi người: Không có bà mẹ Việt Nam nào không anh hùng, bởi tất cả những người mẹ ấy luôn chịu đựng, hy sinh hết mình vì Tổ quốc, vì chồng, vì con; đó là một nét đẹp cao cả trong vẻ đẹp truyền thống người phụ nữ Việt Nam, trường tồn qua các thời kỳ lịch sử đất nước.
"Không có bà mẹ nào muốn con mình chết nhiều để được thành anh hùng"
"Kỷ niệm thì đối với bà mẹ nào cũng có kỷ niệm, mỗi bà mẹ đều có một số phận không giống nhau, chỉ giống nhau một điểm, đó là sức chịu đựng, sự hy sinh đau đớn của người mẹ. Trên thế gian này, nỗi đau lớn nhất là nỗi đau của bà mẹ mất con. Không có bà mẹ nào muốn con mình chết nhiều để được thành anh hùng".
Và, nỗi đau ấy đã được toát lên một cách chân thực thông qua ống kính của Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng. Nỗi đau luôn hằn sâu trên mỗi bức chân dung. Chỉ cần nhìn vào những chân dung đó, ai cũng có thể hiểu được phần nào sự giằng xé khôn nguôi trong nỗi lòng các mẹ. Những bức ảnh biết nói, nói hộ lòng mẹ. Đây chính là một thành công lớn nhất trong cuộc đời nhiếp ảnh của ông.
Để có một "kho tàng tài sản vô giá" với 2000 bức chân dung khắc họa hình ảnh Người Mẹ như hiện nay, NSNA Trần Hồng phải trải qua muôn vàn khó khăn trong tác nghiệp. Không phải về vật chất, không phải vì nhọc nhằn, mà khó khăn ấy chính là phút giây chứng kiến những nỗi đau không thể nói ra, chỉ có một mình Mẹ chịu. Đó là bản chất của người phụ nữ Việt Nam, dù nỗi đau mất con là xé ruột, xé gan, khổ đến mấy cũng không kể lể, oán than, không giãi bày.
Những đôi mắt, những làn da, những vết chân chim hằn sâu trong từng bức ảnh chính là nỗi đau, sự hy sinh cao cả, sự nhắc nhở một hiện thực khốc liệt của chiến tranh.
Ông kể lần về chụp bà mẹ Việt Nam Anh Hùng Nguyễn Thị Khánh ở ấp 8, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang. "Quân đoàn 4 vừa làm cho mẹ một ngôi nhà rất đẹp. Vừa mới tới cổng, bà thấy bóng dáng quân phục, vội chạy ra "Ôi! Con tôi về", thế rồi bà khóc, tôi cũng khóc. Lần đó, tôi không thể chụp được, chỉ có chào mẹ rồi ra về. Đến lần thứ tư, tôi đến lặng lẽ, bà ngồi chông chênh bên cạnh là một cái nồi đồng, ngồi bên bà là một con mèo mướp rất buồn, chưa giơ máy lên nhưng mình đã ao ước rằng, giá như, 7 đứa con của bà có 1 đứa về với bà thì chắc chắn nồi cơm này không phải nhỏ như này và cái mâm này không chỉ đơn điệu một đôi đũa và một cái bát như thế". Đó là một kỷ niệm không bao giờ quên đối với NSNA Trần Hồng.
Năm tháng trôi qua, tuổi xuân của các mẹ dường như chỉ để chờ hình bóng các con của mình trở về, chỉ một lần thôi. Nỗi khắc khổ của các mẹ, mẹ không than, nhưng cứ thấy bóng dáng quân phục, mẹ lại cứ ngỡ con mẹ đã về.
Những bức ảnh ấy như đã ghi lại cả một cuộc đời của mẹ. Hình ảnh mẹ chờ con, ám ảnh hơn cả là bức chân dung mẹ VNAH Nguyễn Thị Thứ ở Quảng Nam. Mẹ ngồi bên cái mẹt, trên chiếc mẹt là 9 cái bát và 9 đôi đũa, bên cạnh là di ảnh con trai út cùng với chiếc lư hương. 9 bát cơm chờ con về.
Một hình ảnh mang nỗi xót xa đau đớn, biểu tượng cho sự hy sinh, chịu đựng đến tột cùng của người phụ nữ Việt Nam.
Những bức ảnh các bà mẹ Việt Nam qua ống kính của NSNA Trần Hồng là tài sản không chỉ của riêng ông. Đó còn là tài sản thiêng liêng về sự phác họa một cách chân thực nỗi đau của chiến tranh. Nỗi đau ấy không ở đâu xa, mà ở ngay trong đời sống hiện hữu của chúng ta, nhắc nhở chúng ta trong hành trình của một đất nước bước ra và đi lên từ chiến tranh. Hàng vạn người lính trẻ bỏ lại tuổi thanh xuân của mình vì Tổ quốc. Người ở lại, chịu nỗi đau đến hết cuộc đời này, không ai khác chính là những người mẹ Việt Nam.
No comments