Kể chuyện làng: Canh rau tập tàng, món ăn gợi nhớ tuổi thơ làng cũ
Không cần cao sang, cầu kỳ, chỉ là món canh dân dã nơi đồng quê, nhưng ai đã thưởng thức một lần sẽ khắc ghi mãi hương vị thơm ngọt, thanh mát của nó. Để rồi giờ đây, trải qua bao thăng trầm biến đổi, hương vị của bát canh năm nào vẫn là một thứ hoài niệm đáng trân trọng về một khoảng đời gian khó mà ấm áp tình thương ở ngôi làng cũ năm nào.
Những buổi sớm mai mùa hè, mẹ tôi thường ra vườn và loáng một tí đã có rổ rau tươi non đủ các loại. Mẹ bảo, rau cũng mọc tùy theo mùa nhưng chung quy lại vẫn là rau dền đỏ, mã đề, sam, lá lốt, muống, bồ ngót… đủ các sắc màu theo từng mùa. Để có được món canh rau tập tàng thì trong nồi canh ít nhất phải có từ 3-4 loại rau trở lên, cũng có khi kết hợp thêm vài lá bầu, lá mướp non vò nát, rau má, bồ ngót hoặc mấy bông thiên lý, hoa bí… Càng có nhiều thứ rau nấu lẫn với nhau thì hương vị của canh càng ngon ngọt.
Tất cả các thứ rau lộn xộn ấy được rửa sạch sẽ rồi mang nấu chung vào một nồi, kết quả là có được món rau tập tàng ngon ngọt đến khó quên, mặc dù khi nấu chỉ cần nêm thêm chút muối, bột ngọt, chút hành, tiêu xay cay nồng hoặc sang hơn thì vài con tôm khô giã mềm, vài con tép bạc, mấy con cua đồng giã lấy nước thì ngon tuyệt cú mèo.
Canh rau tập tàng nghe có vẻ đơn thuần, mộc mạc nhưng không phải ai nấu cũng ngon. Để nấu thành công một bát canh vừa miệng, khi nấu phải biết lựa chọn các loại rau, tránh tập trung nhiều loại có hương vị quá nồng, đồng thời nêm nếm cho hài hòa, không có dầu mỡ… Khi nước sôi, chúng ta nhanh tay bỏ rau vào nồi, để rau không bị vàng úa, mà luôn giữ màu xanh non bắt mắt.
Khi tôi thắc mắc về cái tên rau "tập tàng", mẹ mỉm cười bảo đó là tên chung cho nhiều loại rau cùng nấu một món canh. Mỗi mùa trong năm, món canh này sẽ có một vị khác nhau. Món canh tập tàng mùa xuân sẽ khác với món canh tập tàng mùa thu, mùa đông hoặc mùa hè. Do sự đa dạng đó, món canh theo mùa này sẽ rất tốt cho sức khỏe. Cũng bởi, đôi khi muốn an thần, thanh nhiệt, mát gan, người ta có thể kết hợp thêm một số loại thuốc nam quý như mã đề, lá lốt, lá gừng, dây nhãn lồng… cho bát canh thêm đa dạng. Canh tập tàng cũng có thể trở thành canh giải rượu cho những ai lỡ "quá chén" say sưa, hoặc làm mát lòng những ai vừa ốm dậy, chán ăn.
Chỉ đơn giản thế thôi nhưng vào mùa nắng nóng có được bát canh rau tập tành mà húp trong bữa cơm là vị thuốc "hạ nhiệt" số một khó có gì sánh bằng. Tôi thoáng nhớ những ngày còn đi học ở quê, khi trường nằm khá xa nhà, nên mấy chị em tôi đi bộ về tới nhà là ướt đẫm mồ hôi vì mệt. Mẹ tôi biết các con đi học vất vả nên chuẩn bị sẵn một mâm cơm dân dã với cá phèn kho đường và canh rau tập tàng. Mùi thơm của cá kho, vị ngọt lành của bát canh rau tập tàng hòa quyện với hương thơm của cơm trắng được nấu bằng đám lá dừa khô đượm lửa từ thời ấy cho đến nay tôi vẫn chưa bao giờ quên được. Mặc cho cái nắng oi ả ở phương Nam, không khí vui vẻ, tình cảm gia đình ấm áp đã làm dịu đi, tan biến hết những buổi trưa ngột ngạt, oi nồng.
Để rồi trải qua bao thăng trầm của đời, nhìn lại thấy mình đã ở bên kia dốc cuộc đời, tôi vẫn ngẩn ngơ nhớ những năm tháng sống ở làng cũ. Thi thoảng trong mơ, tôi được quay trở về những ngày miền Tây oi nồng ấy. Lại được thấy hình ảnh mẹ sáng sớm cầm rổ tre, đội nón lá, dạo quanh vườn và một lúc sau có mớ rau tập tàng đủ loại. Lại mơ màng cảm nhận được mùi khói bếp lá dừa thơm từ ngoài cổng, làm bụng đói của mấy đứa con nít ham ăn không để chịu được, phải nhanh nhảu chạy vào bếp khẽ nhấc cái nồi gang to dày nấu cơm vừa chín tới thơm lừng, nhặt nhạnh mấy miếng cơm cháy vàng ươm dưới đáy nồi.
Những ngày trưa nắng chang chang, vừa đi học về đã ào ra giếng xối những gàu nước mát lạnh dưới tán dừa, ngồi vào bàn ăn với tô canh ngọt lừ, nếm thêm miếng cá kho, loáng thoáng nhìn ra cửa sổ đầy nắng ngoài hiên nhà. Mẹ tôi vẫn ngồi bên hiên nhà, phe phẩy cái quạt nan bên cạnh tiếng máy cát-sét réo rắt giọng ca buồn thương của Minh Vương, sầu bi của Út Bạch Lan hòa vào tiếng xôn xao của hàng dừa, hàng mận bên hiên nhà. Bất chợt giật tỉnh, thấy khóe mắt mình cay xè giữa khí trời man mát của mùa hè ở Sài Gòn.
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.
Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.
No comments