Đưa điệu hò giã gạo của Quảng Trị vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia - TIN TỨC GIẢI TRÍ

Breaking News

Đưa điệu hò giã gạo của Quảng Trị vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia

Ngày 13/6, UBND tỉnh Quảng Trị xác nhận đã gửi tờ trình đề nghị Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đưa di sản văn hoá phi vật thể Hò giã gạo ở Quảng Trị vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.

Đưa điệu hò liên quan đến chày, cối ở Quảng Trị vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia - Ảnh 1.

Một buổi biểu diễn hò giã gạo Quảng Trị của câu lạc bộ dân ca Sông Hiền. Ảnh: N.N

Theo UBND tỉnh Quảng Trị, hò giã gạo bắt nguồn từ môi trường xay lúa, giã gạo thường ngày của người dân. Khi lao động tập thể, người ta dùng hò giã gạo để giải khuây, tạo không khí vui vẻ giúp quên đi mệt nhọc. Trải qua thời gian hình thành, phát triển, hò giã gạo trở thành một hình thức sinh hoạt mang tính nghệ thuật, giải trí và được mở rộng trong nhiều không gian sinh hoạt.

Với Quảng Trị, hò giã gạo không đơn thuần là hình thức ca hát tập thể gắn với môi trường đặc thù của cư dân nông nghiệp mà phát triển thành hình thức nghệ thuật giải trí tập thể, kết nối giữa các thành viên trong một làng, nhiều làng.

Với đặc thù là vùng đất giới tuyến (1954 – 1975), hò giã gạo còn có chức năng là vũ khí tinh thần trong cuộc chiến bảo vệ quê hương của người dân Quảng Trị.

Đưa điệu hò liên quan đến chày, cối ở Quảng Trị vào danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia - Ảnh 2.

Học sinh trường tiểu học thị trấn Gio Linh, tỉnh Quảng Trị tham gia hoạt động Em yêu làn điệu dân ca, trong đó có hò giã gạo Quảng Trị. Ảnh: N.N

Hò giã gạo ở Quảng Trị không chỉ có giá trị lịch sử lâu đời mà còn có giá trị văn hoá, vừa mang tính dân gian vừa mang tính bác học. Bởi có sự tham gia của nhiều tầng lớp xã hội, trong đó có cả thầy đồ, nho sĩ…

Ngoài ra, hò giã gạo còn có giá trị khoa học và giáo dục khi lời ca mang tri thức về địa lý, ăn mặc, cư trú, đi lại, nghề thủ công, răn dạy con người tính chịu thương chịu khó, tinh thần yêu nước, hiếu thảo…, phê phán thói hư tật xấu.

Ông Hoàng Nam – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, có thể nói hò giã gạo góp phần gìn giữ, trao truyền văn hoá, xây dựng, bồi đắp văn hoá, nhân cách con người Quảng Trị phù hợp với thời đại, trên nền tảng thuần phong mỹ tục truyền thống. Với quá trình hình thành và phát triển cùng những giá trị quan trọng, hò giá gạo ở Quảng Trị đáp ứng các tiêu chí quy định đối với việc lập hồ sơ khoa học di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.

No comments