Những điểm trừ khiến phim về Trịnh Công Sơn được đầu tư tới 50 tỷ vẫn bị chê tả tơi
Sau hai buổi ra mắt ở TP.HCM (7/6) và Hà Nội (10/6), phim "Em và Trịnh", "Trịnh Công Sơn" đã có suất chiếu đặc biệt từ ngày 10/6 đến 12/6. Thật tình cờ, thời điểm này cũng là thời điểm nhiều chùa trong cả nước tổ chức nhiều hoạt động tưởng niệm 59 năm ngày Hòa thượng Thích Quảng Đức "vị pháp thiêu thân" (11/6/1963 – 11/6/2022). Trong phim "Trịnh Công Sơn" cũng có những hình ảnh tư liệu tái hiện lại sự kiện lịch sử này để phản ánh bối cảnh xã hội đầy biến động, tác động đến sự thay đổi về nhận thức, suy nghĩ và âm nhạc của Trịnh Công Sơn.
Hé lộ hậu trường thực hiện phim "Trịnh Công Sơn", "Em và Trịnh". Clip: GLX.
Phải nói rằng, bộ phim "Em và Trịnh", "Trịnh Công Sơn" ra mắt đúng thời điểm nhiều phim Việt đã gặp thất bại khi ra rạp chiếu. Và khán giả đang chờ đón một bộ phim Việt đáng xem để giải cơn khát sau nhiều ngày không được đến rạp chiếu xem phim vì dịch Covid-19. Vì lẽ đó, ngay ở những suất chiếu đặc biệt, khán giả đã ùn ùn kéo ra rạp để được thưởng thức bộ phim gắn liền với tên tuổi của vị nhạc sĩ có nhiều fans nhất làng nhạc Việt.
Theo con số thông kế của Box Office Việt Nam, tính đến trưa ngày 13/6, doanh thu của "Em và Trịnh" đã lên tới con số 13,4 tỷ và bản phim "Trịnh Công Sơn" đạt 1,3 tỷ đồng. Đây là một thành tích khả quan so với mặt bằng chung phim Việt 2022. Tuy nhiên, việc truyền thông hai phim với hai phiên bản khác nhau đã khiến cho nhiều khán giả phản ứng vì thực ra hai bản phim không khác nhau là mấy.
"Trịnh Công Sơn" dài 95 phút, tái hiện cuộc đời của nhạc sĩ tài danh ở thời tuổi trẻ với nhiều mộng mơ, lãng mạn và dạt dào cảm xúc yêu đương. Ông đã gặp được những nàng thơ của đời mình và viết nên nhiều ca khúc nổi tiếng cho đến tận bây giờ. "Em và Trịnh" dài 136 phút, kể câu chuyện đan xen về Trịnh Công Sơn, khi ông còn trẻ và khi đã ngoài 40 với những lát cắt đặt trong mối quan hệ với gia đình, tình yêu, bạn bè, thời cuộc.
Ca sĩ Minh Thu đi xem về chia sẻ rằng, chỉ cần đi xem bản "Em và Trịnh" là đủ vì cả hai bên đều không khác gì nhau. Chỉ khác là các cảnh hoán đổi vị trí xuất trong phim. Tuy nhiên, không ít người cho rằng, bản phim "Trịnh Công Sơn" thú vị hơn bởi ở đây chỉ có câu chuyện của âm nhạc, tình yêu và tình bạn. Mọi thứ đều trong trẻo, nhẹ nhàng dù có hơi đượm buồn một chút.
Bản thân người viết được xem bản phim "Trịnh Công Sơn" ngay ở buổi ra mắt cùng với đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, Trần Vũ Thủy, BTV Diễm Quỳnh, MC Anh Tuấn… Và cảm nhận rằng, phim đáng xem nhưng chưa thực sự khiến người xem cảm thấy đã. Nó tựa như một bản nhạc nhẹ nhàng mà nghe qua cảm thấy dễ chịu nhưng để đọng lại sâu sắc thì chưa đủ độ.
Những điểm cộng giúp phim về Trịnh Công Sơm hút doanh thu
Trước hết, phải thừa nhận, phim quá đẹp. Cảnh nào cũng đẹp, góc nào cũng đẹp. Điện ảnh thời 4.0, thời chuyển đổi số… phải đam mỹ như thế mới là điện ảnh. Chưa biết nội dung ra sao nhưng ít ra cũng phải đưa đến những rung cảm thẩm mỹ đặc biệt ngay từ những hình ảnh đầu tiên thì mới hút được khán giả.
Cảnh nữ sinh Huế áo dài trắng thướt tha đi trong mưa đến trường, cảnh nhóm bạn gồn Ngô Kha, Bửu Ý, Định Công đưa Trịnh Công Sơn đến nhà vườn của ông Đốc Khánh tán Bích Diễm, cảnh Trịnh Công Sơn và Khánh Ly chia tay trong ngôi nhà nhỏ giữa đồi B'lao (lúc Trịnh Công Sơn lên đây dạy học để tránh đi quân dịch), cảnh Trịnh Công Sơn rời B'Lao về Huế trên xe đò và chứng kiến cảnh tang thương đổ máu xung quanh đường đi (đây là ngọn nguồn cảm hứng để sau này ông viết nên nhiều ca khúc da vàng), cảnh Trịnh Công Sơn và Khánh Ly hát cho học sinh - sinh viên nghe ở Quán Văn – Sài Gòn… đều đẹp như lời hát của Trịnh Công Sơn vậy.
Thứ hai, nhà sản xuất phim đã rất chịu chi khi đầu tư trong mọi khâu của phim và sự đầu tư này rất tinh tế. Từ bối cảnh, trang phục, đạo cụ… đều có sự nghiên cứu rất kỹ và rất phù hợp với tính thời gian của phim. Theo nghệ sĩ Trần Lực, để có đủ phục trang theo thời gian của phim (từ 1960 – 1990), đội ngũ phục trang phải thiết kế, tìm vải (đúng chất liệu của thời đó) và dựng từng bộ phục trang cho các nhân vật chính, nhân vật phụ và nhân vật quần chúng.
Âm nhạc là một điểm cộng rất lớn của phim. Nếu không có âm nhạc, phim chắc chỉ thành công có một nửa. Các ca khúc nổi tiếng, mang dấu ấn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn như: "Diễm xưa", "Ướt mi", "Hạ trắng", "Ta thấy gì trong đêm nay"… đều được xử lý mượt mà và tinh tế. Đặc biệt, các ca khúc do chính các diễn viên như: Bùi Lan Hương, Avin Lu… thể hiện bằng giọng hát thật của mình. Bùi Lan Hương hát không giống Khánh Ly 100% nhưng có chất của Khánh Ly và cả chất riêng của mình. Avin Lu cũng xuất thân là ca sĩ nên thể hiện bài hát rất tốt và truyền cảm. Các ca khúc được chọn đưa vào phim cũng rất có chọn lọc và đắt giá.
Phim thuộc thể loại lấy cảm hứng từ chuyện đời và chuyện tình của Trịnh Công Sơn nhưng không sa đà vào tái hiện chân dung mà kể lại bằng những câu chuyện có cốt truyện dựa trên tư liệu mà bạn bè và gia đình nhạc sĩ cung cấp. Các tình tiết để lắp ghép với nhau rất logic, có lớp lang rõ ràng và theo tuyến tính thời gian.
Phim truyền đi những thông điệp rất đẹp và ý nghĩa. Thông điệp này rất gần với tư tưởng chủ đạo của âm nhạc Trịnh Công Sơn trong giai đoạn này. Nó góp phần làm cho hình ảnh ngoài đời thực của nhạc sĩ họ Trịnh thêm phần lung linh, dễ mến và dễ quý.
Những điểm trừ không đáng có trong phim về Trịnh Công Sơn
Tuy nhiên, phim cũng mắc phải những điểm trừ khiến cho nhiều người vẫn buông những câu chê bai. Cụ thể, ngay từ đầu phim, nhiều khán giả đã tỏ ra khó hiểu với cảnh Bích Diễm áo dài trắng thướt tha, tay cầm cặp da lãng đãng đi dưới trời mưa. Cảnh này thiếu tính thực tế bởi ngoài đời không mấy ai cầm cặp da đi dưới trời mưa mà không đưa lên đầu che cho khỏi ướt.
Tiếp theo là cảnh nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khi từ B'Lao trở về, thấy bạn trần truồng, mất kiểm soát vì bị sang chấn tâm lý do bị bắt đi quân dịch đã vội lấy tấm vải in thơ của Ngô Kha ở xưởng mỹ thuật để choàng lên người cho bạn. Đoạn này thể hiện sự cẩu thả của đạo diễn và lệch lạc về tư tưởng vì người làm nghệ thuật rất trân quý tác phẩm nghệ thuật lắm, không thể tuỳ tiện hành xử bản năng kiểu đó.
Một trong những điều khiến phim bị mất điểm nhất đó chính là diễn xuất của diễn viên chính Avin Lu trong vai Trịnh Công Sơn. Ngay khi xem những đoạn đầu, người viên đã không ngừng đặt câu hỏi cho người bên cạnh "Tại sao đạo diễn lại chọn Avin Lu vào vai Trịnh vậy?"…. "Tại sao không chọn diễn viên Samuel An đóng Ngô Kha. Nam diễn viên này chỉ giảm cân một chút là phù hợp với vai ngay".
Khách quan để nhìn nhận, từ đầu đến cuối phim, Anvin Lu đã không làm toát lên được thần thái của Trịnh Công Sơn thời trẻ. Đôi mắt và nụ cười của Trịnh Công Sơn được xem là luôn chứa đựng sự tinh anh của ông nhưng khi qua cách diễn xuất của Avin Lu lại không có được điều đó. Những đoạn phải diễn cảm xúc, Avin Lu hơi bị đơ, cứng và thiếu kỹ năng diễn.
Trong khi, Samual An – người thủ vai nhà thơ Ngô Kha lại mang đến rất nhiều bất ngờ. Nhân vật này cho người ta cái cảm giác, Ngô Kha đúng là nhà thơ sống chết vì lý tưởng. Còn Avin Lu khiến người ta nghĩ Trịnh Công Sơn làm nghề gì đó chứ không phải nhạc sĩ.
Một lỗi lớn của phim nữa đó là tiếng Huế của các nhân vật chính. Vì muốn mang đến sự tự nhiên và gần gũi nên các diễn viên đều phải tập nói tiếng Huế và thoại bằng tiếng Huế. Tuy nhiên, do đều là người Bắc nên tiếng Huế trong phim kiểu "nửa nạc nửa mỡ". Huế không ra Huế, Hà Nội không ra Hà Nội. Bởi lẽ đó mà nó cũng khiến cho người xem mất đi nhiều thiện cảm đối với các vai chính.
Tóm lại, nếu xem để giải trí, để thỏa mãn cơn khát được ra rạp thì "Em và Trịnh", "Trịnh Công Sơn" đáng xem. Nhưng để tìm kiếm một ấn tượng thật sự thì phim vẫn chưa đủ tầm.
No comments