Người họa sĩ mang “Trái tim hồng”
Với slogan "xây trường, dựng ước mơ" ông Lê Tiến Vượng đã cùng các nhà hảo tâm xây dựng được 21 điểm trường, 4 nhà tình thương cho trẻ em các dân tộc vùng cao biên cương phía Bắc.
Nếu lên vùng cao phía Bắc, trên các cung đường quanh co đèo dốc, hay trên các con đường đất đá cheo leo dẫn vào những bản làng vùng sâu heo hút… Vô tình bạn gặp một người vận đồ thể thao đầy "chất nghệ" với mái tóc bồng bềnh ướt đẫm mồ hôi, dáng đi nhanh nhẹn, gương mặt hiền từ thân thiện, điểm cặp kính cận không gọng với nụ cười thường trực trên môi… thì chắc chắn đó là Nhà báo, nghệ sĩ Lê Tiến Vượng - Báo Thiếu niên Tiền Phong.
Chỉ cần tra Google với tên Lê Tiến Vượng với họa, với thơ hay với chương trình xây trường vùng cao, sẽ thấy đủ thể loại nghệ thuật như: hội họa, đồ họa, thiết kế… đặc biệt với các chương trình thiện nguyện vùng cao mang tên Trái tim hồng - Tấm lòng Việt với hàng loạt kết quả…
Gặp trực tiếp nhà báo, nghệ sĩ Lê Tiến Vượng trong một chuyến đi khảo sát xây trường, tôi ấn tượng với hình ảnh người nghệ sĩ với tác phong gần gũi, giản dị, đặc biệt rất nhanh nhẹn hoạt bát và khá hài ước, mọi việc kết nối, gặp gỡ với chính quyền, các thầy cô giáo được sắp xếp khá bài bản. Các điểm trường nơi ông đến tham quan, khảo sát đều đã được thẩm định từ nhiều kênh thông tin và hình ảnh gửi về, xét thấy các yếu tố "cần và đủ" để xây trường theo đúng tiêu chí của câu lạc bộ ông mới tổ chức đoàn lên khảo sát, đo đạc, hỏi han nguyện vọng của bà con, mới ra quyết định thiết kế trên cơ sở thực tế đáp ứng yêu cầu tốt nhất, đẹp nhất và đầy đủ tiện nghi bù đắp những thiệt thòi bao năm của bà con và các cháu học sinh không có trường lớp hoặc trường lớp sơ sài tạm bợ…
Nhân một buổi tối, bên bếp lửa hồng cùng bà con và đại diện các thầy cô giáo, được ông tâm sự và mọi người mới biết:
Ông sinh ra ở Hà Nội, nhưng cả tuổi thơ đi sơ tán sống ở miền quê nghèo thuần nông, nên ông rất hiểu và thành thạo các công việc nhà nông, (đến năm lớp 3 ông mới ra Hà Nội học tiếp) năm 19 tuổi ông lên đường nhập ngũ bảo vệ biên cương phía Bắc và chính 4 năm quân ngũ sống và chiến đấu, ăn, ở với bà con các dân tộc từ Bắc Kạn, Cao Bằng và ở Hà Giang. Ông đã cùng đơn vị đóng quân, hành quân qua rất nhiều bản làng, rất nhiều bà con các dân tộc khác nhau, thực hiện "3 cùng" cùng ở, cùng lao động và cùng ăn với bà con.
Ông đã thấu hiểu đời sống đơn sơ khó khăn không kể hết của những người sống trên núi cao, từ đi lại, lên nương, đi chợ hay đi học đều phải leo trèo nguy hiểm từng bước chân. Ông cũng kể lại chính những nơi rừng thiêng núi thẳm ấy lại là nơi "rừng che bộ đội, rừng vây quân thù" là nơi ghi dấu những trận chiến thắng oai hùng lẫy lừng năm châu như: Chiến thắng biên giới, chiến thắng Điện Biên Phủ, chiến dịch Tây Nguyên… cùng bộ đội ta tiến về giải phóng Thủ đô năm 1954 và giải phóng Sài Gòn năm 1975… Với đời sống thuần nông, nhiều đồng bào du canh du cư nên dù có chịu khó mấy cũng không thoát nghèo được.
Từ cái nghèo bước ra, ông càng cảm thấu sự khó khăn của bà con, đặc biệt là bà con vùng sâu, vùng xa càng khó khăn hơn, mà khó khăn thiệt thòi nhất là các cháu nhỏ, không có trường, các cháu sẽ không được đến trường để học múa, học hát, biết đến cái chữ để có thể thay đổi cuộc đời…
Chính vì điều đó mà hơn 8 năm qua, ông đã đi đầu trong đóng góp và vận động bạn bè, gia đình, người thân cùng ông lên vùng cao biên cương phía Bắc đến những bản làng xa xôi nhất, khó khăn nhất để "xây trường, dựng ước mơ". Ông đã vận động xây dựng được 21 điểm trường, 4 nhà tình nghĩa, (tại Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Kon Tum, Đắk Lắk, Ninh Thuận…) tổ chức hàng trăm chuyến quà Tết, quà trung thu, các chuyến hàng cứu trợ mưa lũ các tỉnh phía Bắc và các tỉnh miền Trung, các thầy cô giáo, các cháu học sinh và rất nhiều bản làng nơi đoàn đến thăm, giao lưu và tặng quà. Ngoài ra ông và CLB Trái tim hồng đã xây dựng được hàng trăm tủ sách và tủ thuốc tới các lớp học, các trường nội trú, các bệnh viện ở Mộc Châu, Sơn La, Điện Biên, Hà giang, Tuyên Quang…
"Nói về ông chắc cả ngày không hết" như lời chị Thanh Huyền - Phó Chủ nhiệm CLB tâm sự, chỉ biết rằng sự nhiệt huyết, cùng tình yêu thương đồng loại không phai mờ nơi ông đã lay động bao tấm lòng nhân ái khắp bốn phương gia nhập CLB Trái tim hồng, nhiều tổ chức nhiều doanh nghiệp nhỏ đã tham gia như: Trung Thành Food, Quỹ Ahcom… nhiều người bạn ở CHLB Đức, Singapore, Úc, CH Séc, Mỹ và Canada vẫn luôn ủng hộ các dự án của CLB Trái tim hồng…
Là một nghệ sĩ đa tài, ông luôn dùng tranh vẽ, các tập thơ riêng bán gây quỹ, ông vận động và thu hút nhiều họa sĩ danh tiếng cùng tham gia tặng tranh, tiền cùng nhiều quà tặng có giá trị thông qua việc tổ chức các đêm nhạc đấu giá gây quỹ cho các dự án xây trường.
Không ồn ào, ông luôn là người rất khiêm tốn giản dị, khiêm nhường, sống rất trân thành luôn quan tâm chăm sóc mọi người, trên suốt hành trình cũng như trong cuộc sống, không hoạt động tình nghĩa nào của CLB ông không có mặt…
Nhớ lại những kỷ niệm khó quên trong quá trình xây trường, ông tâm sự: "Xây trường vùng cao không "tung tăng" như dưới xuôi đâu… Có những điểm trường CLB xây ở Bản Tôm, Bản Bắc, Mường La, Sơn La, phải trở vật liệu băng qua sông, bà con dân bản phải đi bộ xuống bờ sông, mang vác vật liệu xây dựng ngược lên đỉnh núi chứ không có xe ô tô nào đi được, đường dốc lắm. Thậm chí, phải truyền tay nhau cõng từng viên gạch, từng bao xi măng, từng cái mái tôn, lên trường cách xa đến hàng cây số".
Gắn với công việc thiện nguyện cả một quãng đường dài, giờ đây, đối với ông, công việc thiện nguyện đã trở thành một phần cuộc sống. Ông vẫn liên tục nhận được những lời mong cầu từ thầy cô giáo từ vùng cao gửi thông tin, hình ảnh về mong ông và CLB quan tâm trợ giúp.
Ông chia sẻ: "Vẫn còn nhiều trẻ em chưa được đến trường, còn nhiều ngôi trường tre, nứa, lá dựng tạm vài vách gỗ, phủ vài tấm bạt tạm bợ ở rất nhiều các bản làng biên cương phía Bắc… Trái tim hồng sẽ vẫn luôn tìm hiểu, lắng nghe và sẵn sàng nắm tay nhau đồng hành trợ giúp, xây điểm trường mới, hỗ trợ và tặng quà bà con các dịp lễ, Tết hay các đợt mưa lũ thiên tai, những mùa đông băng giá".
No comments