NSND Trần Hiếu tiết lộ “chuyện thật như đùa” việc cưa đổ người vợ 3 bằng 41 chiếc lá vàng
Hơn 2 năm qua, nghệ sĩ Trần Hiếu và vợ ông là bà Minh Ngà chuyển ra Hà Nội sinh sống. Cả hai sống trong một căn hộ chung cư nho nhỏ ở phố Giảng Võ. Nghệ sĩ Trần Hiếu năm nay bước vào tuổi 86, còn vợ ông tròn 68. Mặc dù mang trong mình nhiều căn bệnh mãn tính nhưng vợ chồng nghệ sĩ Trần Hiếu vẫn sống lạc quan và vui vẻ.
NSND Quốc Hưng chia sẻ với Dân Việt, khoa Thanh nhạc của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam vẫn thường mời NSND Trần Hiếu đến dạy các thế hệ sinh viên. Phần vì ông vẫn còn minh mẫn, vẫn truyền dạy rất tốt; phần vì tiếc những kinh nghiệm âm nhạc quý báu của ông trong suốt 75 năm làm nghề. Mỗi khi được đi dạy, nghệ sĩ vui vẻ và nhanh nhẹn hơn hẳn bình thường.
Xuất hiện trong buổi ra mắt cuốn sách khảo cứu "Sức mạnh của ngôn ngữ trong tiếng hát Việt Nam" chấp bút từ năm 1968, NSND Trần Hiếu không chỉ chơi đàn, hát hò mà còn kể vanh vách chuyện đời, chuyện nghề. Đặc biệt, ông còn thật thà kể lại câu chuyện khó tin về việc cưa đổ người vợ 3 xinh đẹp, kém mình tới 18 tuổi là bà Minh Ngà nhờ 41 chiếc lá khô.
NSND Trần Hiếu lấy được vợ 3 chỉ nhờ 41 chiếc lá vàng
NSND Trần Hiếu kể: "Trước khi đến với Ngà tôi đã có hai đời vợ và có hai đứa con. Tôi không bao giờ nghĩ mình sẽ đi bước nữa khi chia tay người vợ thứ hai. Tuy nhiên, duyên số run rủi thế nào mà tôi lại gặp Ngà rồi nên duyên chồng vợ.
Thời ở Hà Nội, tôi với Ngà ở cùng một con phố. Tôi chơi thân với anh Hiếu – anh trai của Ngà. Cách biệt đi một quãng thời gian, tôi gặp lại Ngà khi cùng tập dưỡng sinh ở công viên Tao Đàn. Nhìn thấy một người phụ nữ trẻ trung, xinh đẹp, nhẹ nhàng… tôi rất thích. Mỗi khi nghỉ sau buổi tập, tôi ngồi cách cô ấy 150m, lặng lẽ ngắm từ xa và không hề bắt chuyện. Tuy nhiên, tôi vẫn không dám tỏ tình mà chỉ tương tư trong lòng mình.
Biết cô này rất thường xuyên ngồi nghỉ ở chiếc ghế đá quen thuộc, nhặt lá sa kê làm quạt để quạt nên tôi hay nhặt một lá để sẵn ở vị trí đó. Ngày nào cũng thế, tôi cứ nhặt lá sa kê đặt trên bãi cỏ, vị trí cô ấy hay ngồi để cô ấy quạt. Không biết lúc đó cô ấy có nhận thấy điều lạ là ngày nào cũng có một chiếc lá "rơi" đúng vị trí mình ngồi không.
Sau này, có lần cô ấy về Hà Nội thăm gia đình, tôi ở lại Sài Gòn rất nhớ nhung. Ngày nào tôi cũng ra công viên nhặt một chiếc lá sa kê đặt vào vị trí quen thuộc nhưng không thấy cô ấy đến như mọi ngày. Tôi liền lấy chiếc lá đó thả xuống chiếc giếng cô Tấm trong công viên. Thả đúng 41 chiếc lá tương ứng với 41 ngày thì cô ấy trở về.
Ngày Ngà trở lại, tôi có dẫn cô ấy ra chiếc giếng đó bảo: "Ngà ơi! Em về Hà Nội bao nhiêu ngày anh đều nhớ cả. Em về 41 ngày là anh thả 41 chiếc lá vào giếng. Em cứ nhặt lên đếm lại xem có đúng không?". Nghe tôi nói vậy, Ngà có vẻ bối rối và chưa hiểu vì sao tôi làm thế.
Sau này, tình cảm của chúng tôi tiến xa hơn. Tôi có viết tặng cô ấy bài thơ, trong đó có hai câu: "Người về đất Bắc xa xôi/Để tôi nhặt lá vàng rơi một mình". Đây là hai câu thơ tôi viết nhẹ nhàng nhưng cô ấy nhớ nhất. Thời điểm đó tôi không hề tán tỉnh cô ấy mà tình cảm quý mến nhau tự nhiên nên sáp lại gần nhau.
Trong 3 người vợ, Ngà là người chăm sóc tôi nhất. Thật sự là nếu không có Ngà thì tôi đã theo hầu các cụ từ đời tám hoánh rồi. Tình vợ chồng chúng tôi bắt đầu bằng chữ "thương" nên đã cùng nhau vượt qua bao biến cố thăng trầm mà vẫn không rời xa nhau".
"Thương anh Trần Hiếu vì chân chất, thật thà, không màu mè"
Bà Minh Ngà cũng bộc bạch với Dân Việt rằng, trước khi đến với nghệ sĩ Trần Hiếu bà cũng đã đi qua một cuộc hôn nhân, có hai đứa con cả trai lẫn gái. Bà thương ông rất nhiều vì ông là người hiền lành, thật thà, chân chất… Ông là nghệ sĩ lớn nhưng không bao giờ xa cách hoặc màu mè trong cách sống. Hồi bé, bà cũng rất hâm mộ giọng hát của ông và thần tượng ông cho đến mãi tận sau này.
"Đúng là lúc đó tôi không nghĩ sẽ đến với anh Trần Hiếu đâu. Chỉ thương anh Hiếu như một người anh. Nhưng rồi duyên số thế nào đó, vì 41 chiếc lá vàng đó mà lại chuyển qua thương nhau thật lòng. Thực ra, khi anh Hiếu dẫn tôi đến giếng cô Tấm tìm 41 chiếc lá sa kê khô, lúc trở về, tôi suy nghĩ ghê lắm. Tôi cứ tự hỏi "Tại sao anh Trần Hiếu lại để ý 41 ngày mình ra Hà Nội nhỉ?". Tôi về hỏi mẹ với các chị, mẹ bảo với tôi "Đừng có dây vào nghệ sĩ con nhá, phức tạp lắm!".
Sau này, anh Hiếu có ra Hà Nội gặp mẹ tôi để thưa chuyện nhưng mẹ tôi không đồng ý. Mẹ tôi bảo: "Thôi anh ạ! Con tôi nó vất vả, hai đứa con đang ở nước ngoài, anh để yên cho em nó chờ đợi con nó về". Nghe vậy anh Hiếu buồn trở vào lại Sài Gòn. Đúng 1 tháng sau, nhằm đúng dịp sinh nhật của mẹ tôi, anh Hiếu lại trở ra Hà Nội đến hát tặng cụ bài "Mẹ tôi" của chú Trần Tiến. Nghe anh Hiếu hát xong cụ rất xúc động, nước mắt lâng lâng. Sau đó, cụ có vẻ xuôi lòng nên bảo với tôi "Thôi, tùy chị, lấy nghệ sĩ là khổ đấy".
Những ngày tháng đó, tôi ở lại Hà Nội nhưng vẫn thường xuyên gửi đồ ăn và quà cáp vào cho anh Hiếu. Hồi đó, anh Hiếu khổ lắm, lương thấp và rất nghèo.
Thật sự mà nói, từ khi lấy anh Hiếu, tôi thương anh ấy nhiều lắm. Tôi dùng từ thương mà không dùng từ yêu bởi chúng tôi thương nhau đúng nghĩa. Ngần đấy năm sống với nhau, tôi luôn lo lắng và sống hết trách nhiệm với anh ấy. Vợ chồng chúng tôi sống giản dị và nhẹ nhàng lắm!", bà Minh Ngà kể thêm.
"Sức mạnh của ngôn ngữ trong tiếng hát Việt Nam" là cuốn sách của tác giả - NSND Trần Hiếu. Đây là những kiến thức được đúc kết từ thực tiễn nghiên cứu, biểu diễn và giảng dạy thanh nhạc trong suốt cuộc đời hoạt động nghệ thuật của ông. Cuốn sách có độ dày hơn 100 trang, bố cục gồm 2 phần: "Đôi điều về tiếng hát Việt Nam" và "Ngôn ngữ và học thuật".
Trong cuốn sách, NSND Trần Hiếu còn cho thấy sự hiểu rộng và sâu của ông về vốn lịch sử âm nhạc Việt Nam, chất liệu dân gian dân tộc, đồng thời cách ông áp dụng nó vào trong biểu diễn và giảng dạy.
Đóng góp lớn nhất của NSND Trần Hiếu thể hiện trong cuốn sách là việc ông phân tích sâu về vai trò và ý nghĩa của âm vị học trong tiếng hát Việt Nam, đưa ra các đặc điểm về nguyên âm, phụ âm, đặc điểm về khiếu thưởng thức ca hát của người Việt Nam, tính tượng hình tượng thanh trong cái tai người Việt, tác động của phụ âm "đầu và cuối âm tiết" vào nguyên âm tiếng Việt, tính biến hóa sinh động của việc xử lý phụ âm cuối âm tiết trong tiếng hát Việt Nam… Có lẽ đây là lần đầu tiên có một cuốn sách, một công trình khảo cứu về nghệ thuật thanh nhạc Việt Nam bàn sâu về vấn đề này. Cho nên đây là đóng góp không nhỏ của NSND Trần Hiếu cần được ghi nhận.
NSND Quốc Hưng cho rằng, đây là tư liệu quý mà những thế hệ thanh nhạc sau này nên tiếp cận và đọc để biết về tầm quan trọng trong ngôn ngữ của nghệ thuật ca hát Việt Nam, từ đó thêm phần quyết tâm không ngừng trau dồi trong cách hát. Một mặt khác, cũng thông qua cuốn sách người đọc còn cảm phục và biết thêm sự yêu nghề, cách tiếp cận các tác phẩm và những tâm huyết trong việc tìm tòi, đưa ra những hướng xử lý tốt nhất cho các tác phẩm.
Bà Minh Ngà chia sẻ, toàn bộ các phần, chương, mục đã nằm trong suy nghĩ của NSND Trần Hiếu, ông chia sẻ với người vợ lúc này với tư cách một thư ký. Bà ghi chép lại, sau đó cùng đọc để ông có thể chỉnh sửa theo ý muốn. Sau khi bản thảo đã hoàn thành, được sự góp sức của một người cháu ruột, cùng các học trò mà đứng đầu là NSND Quốc Hưng cuốn sách chuyển sang khâu tiếp theo của quá trình xuất bản.
NSND Trần Hiếu đã tin tưởng giao cho nhà lý luận âm nhạc Nguyễn Quang Long, anh cũng là một cựu học trò thanh nhạc của NSND Trần Hiếu chịu trách nhiệm hiệu đính. Và sau khoảng gần 2 năm thực hiện, cuốn sách đã hoàn thành và được Nhà xuất bản Sân khấu xuất bản, giới thiệu đến công chúng.
No comments