Bế mạc SEA Games 31 sẽ tôn vinh các "chiến binh" chiến thắng như thế nào?
Đạo diễn Hoàng Công Cường có chia sẻ với Dân Việt rằng, công tác chuẩn bị cho Bế mạc SEA Games 31 đang gấp rút chuẩn bị và hoàn thiện. Với vai trò là Tổng Đạo diễn lễ Khai mạc và Bế mạc SEA Games 31, bà có thể chia sẻ cụ thể hơn về việc phân chia nhiệm vụ cho sự kiện quan trọng này?
- Như Đạo diễn Hoàng Công Cường đã bật mí, kịch bản của lễ Bế mạc SEA Games 31 đã được bàn tính và xây dựng từ những ngày chuẩn bị cho lễ Khai mạc. Tinh thần chung của lễ Bế mạc là "Hội tụ để tỏa sáng". Chúng ta đón chào các đoàn thể thao của các nước trong khu vực đến Việt Nam để tham gia Đại hội Thể thao Đông Nam Á.
Đạo diễn Hoàng Công Cường chia sẻ với Dân Việt về công tác chuẩn bị cho lễ Bế mạc SEA Games 31. Clip: Hà Tùng Long.
Các VĐV đã trải qua các cuộc tranh tài và tỏa sáng tài năng của những "chiến binh" trên sàn đấu. Và giờ đây là giây phút để chúng ta tôn vinh họ, ngợi ca họ và lan tỏa tinh thần của những "chiến binh".
Trong mạch ý tưởng này, Hà Nội như trái tim của Việt Nam, nơi tổ chức Khai mạc và Bế mạc cùng 18/40 môn thi đấu của SEA Games 31 sẽ đón chào các đoàn thể thao trong khu vực trở lại để nói lời tạm biệt. Những hình ảnh về một Hà Nội thân thiện, mến khách, văn minh, hiện đại sẽ để lại nhiều ấn tượng đẹp đẽ nhất trong mắt bạn bè quốc tế. Vì thế, những yếu tố văn hóa đặc trưng của Hà Nội lại tiếp tục được lồng ghép trong tất cả các tiết mục, hình ảnh và âm nhạc.
Chúng tôi vẫn giữ nguyên ê-kíp cũ gồm có Trần Ly Ly, Huy Tuấn và Hoàng Công Cường. Nhạc sĩ Huy Tuấn vẫn "cầm trịch" phần âm nhạc, Hoàng Công Cường chịu trách nhiệm về hình ảnh – sân khấu. Ngoài ra, còn có các cố vấn, các chuyên gia là những người đã góp công lớn để cùng làm nên thành công của lễ Khai mạc trước đó.
Sự kiện Bế mạc SEA Games 31 được tổ chức ở sân khấu trong nhà, liệu có bị hạn chế để thể hiện các màn đồng diễn, đại cảnh lớn như trong lễ Khai mạc?
- Từ trước đến nay, bao giờ quy mô của lễ Bế mạc cũng sẽ gọn hơn lễ Khai mạc. Tuy nhiên, không vì thế mà mất đi tinh thần chung và tính hoành tráng trong từng tiết mục. Lễ Bế mạc sẽ thiên về tinh thần thân thiện và tôn vinh chiến thắng là chính.
Chúng tôi tổ chức Bế mạc ở Cung Điền kinh trong nhà với quy mô sân khấu chính là 611m2, gần 3000 khán giả với màn hình Led thể hiện hình ảnh tươi vui và đẹp đẽ của Việt Nam lẫn của Đông Nam Á. Mở màn sẽ là tiết mục múa nón đã đoạt giải Asian Got Talent của nhóm múa 218 nhằm thể hiện một sức sống mới và tinh thần của công nghệ hòa trộn với yếu tố văn hóa truyền thống của Việt Nam.
Trong suốt chương trình, mỗi phần đều có những tiết mục điểm nhấn, gắn với văn hóa Việt Nam và văn hóa chung Đông Nam Á. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ "chào tạm biệt" các đoàn thể thao và khán giả quốc tế bằng một màn "Giã bạn" rất đậm bản sắc văn hóa Việt.
Tiết mục này sẽ có 100 nghệ nhân quan họ mặc trang phục truyền thống xứ Kinh Bắc mang cơi trầu có trầu têm cánh phượng xuống sân khấu trao cho từng vị khách và hát "Giã bạn" để chào tạm biệt. Đây là tiết mục được chúng tôi tính toán rất kỹ và đầu tư rất chỉn chu.
Tại lễ Bế mạc SEA Games 31, sau nghi lễ nhận cờ, nước chủ nhà của SEA Games 32 - Campuchia sẽ mang đến những tiết mục đặc sắc với những câu chuyện tiêu biểu về đất nước, con người, văn hoá của xứ sở Angkor Wat để chào đón các quốc gia tham dự SEA Games 32. Tiết mục này sẽ có thời lượng hơn 11 phút và được bố cục xen kẽ để mang đến cảm giác liền mạch.
Bà có đề cập đến chuyện tôn vinh những người chiến thắng trong SEA Games 31. Vậy phần này sẽ được thể hiện như thế nào trong lễ Bế mạc?
- Trong phần tôn vinh những người chiến thắng mà chúng tôi gọi là "chiến binh", chúng tôi có đặt hàng phía Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) ngay từ đầu một phóng sự ghi lại những giây phút tỏa sáng và vinh quang của các VĐV trong các bộ môn lẫn địa điểm thi đấu. Như vậy, để làm được phóng sự này, VTV sẽ phải xây dựng một kịch bản chặt chẽ và huy động nhân sự tỏa đi nhiều nơi để bắt trọn những phút giây đặc biệt xúc động đó của các VĐV.
Tôi nghĩ rằng, phóng sự sẽ mang đến nhiều nụ cười và cả những giọt nước mắt hạnh phúc. Trong thể thao luôn có những khoảnh khắc mang xúc cảm đặc biệt của cả người chiến thắng lẫn người chưa chiến thắng. Đó là khoảnh khắc của vinh quang, tỏa sáng, sự vượt khó, sự hết mình và sự sẻ chia. Thậm chí là những sự cố hoặc những tai nạn không mong muốn trong quá trình thi đấu. Và những khoảnh khắc đó nếu được ghi lại và lan tỏa thì sẽ mang đến rất nhiều ý nghĩa. Nó sẽ truyền thêm động lực về đam mê và vượt khó của mỗi người.
Lễ Khai mạc vừa qua nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ khán giả trong nước lẫn truyền thông quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn có những ý kiến trái chiều vì chưa thỏa mãn được kỳ vọng của họ. Là người "cầm trịch" tổng thể chương trình, bà có bị ảnh hưởng bởi những phản hồi đó?
- Ngay từ đầu, chúng tôi đã xác định là không thể làm thỏa mãn toàn bộ mong muốn của khán giả. Nghệ thuật mang tính trừu tượng vì thế không thể nào tính toán như số học để đưa ra một đáp án chung. Mỗi người sẽ có một cách cảm nhận khác nhau, không ai giống ai.
Tôi nghĩ, lễ Khai mạc là một sự nỗ lực và cố gắng vô cùng lớn của hàng nghìn con người trong 45 ngày chuẩn bị. Mọi người đã chạy đua với thời gian, thời tiết và công nghệ. Sức lực bỏ ra cho sự kiện Khai mạc được tính gấp đôi bình thường. Vì thế, chúng tôi cảm thấy hài lòng với những gì mình đã làm được trong lễ Khai mạc và không cảm thấy tổn thương khi phải đọc ở đâu đó những ý kiến phản hồi chưa tốt.
Thực ra, áp lực về thời gian của lễ Bế mạc cũng rất lớn. Vì các đoàn thể thao của SEA Games 31 thi đấu ở địa điểm này tới ngày 18/5 và đến ngày 19/5 chúng tôi mới có thể vào để lắp đặt sân khấu, âm thanh, ánh sáng và thiết bị hỗ trợ. Thời gian quá ngắn ngủi nên chúng tôi phải rất "cân não" để tính toán và huy động tổng lực để chạy cho kịp tiến độ.
Và sau khi lắp đặt sân khấu xong, chúng tôi còn phải dành thời gian cho các nhóm biểu diễn vào ráp nối chương trình. Đặc biệt là thời gian cho đoàn nghệ thuật của Campuchia để các bạn ấy làm quen với sân khấu và thiết kế tiết mục của mình cho hợp lý. Nếu chúng tôi có được địa điểm đó trước 1 tuần thì mọi thứ cũng sẽ chuẩn bị tốt hơn.
Sau lễ Khai mạc, bà và các cộng sự đã tái tạo năng lượng như thế nào để tiếp tục vào thực hiện Bế mạc SEA Games 31?
- Thú thật là những ngày qua, chúng tôi chưa hề có một phút giây nào rảnh rỗi để tái tạo năng lượng. Ngay khi kết thúc Khai mạc, chúng tôi đã ngay lập tức bắt tay vào chuẩn bị các khâu cho lễ Bế mạc.
Chúng tôi tin rằng, với lễ Khai mạc "đầu xuôi" thì lễ Bế mạc cũng sẽ "đuôi lọt". Và mặc dù cả ê-kíp đã phải rất vất vả và áp lực để tạo nên sự thành công của hai sự kiện lớn này nhưng chúng tôi đã được truyền lửa từ các VĐV của các đoàn thể thao, những người mà chúng tôi gọi là "chiến binh". Chính những "chiến binh" này đã tiếp thêm cho chúng tôi sức mạnh để vượt lên mọi thử thách, hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ của mình.
Cảm ơn Tổng đạo diễn Trần Ly Ly đã chia sẻ thông tin!
No comments