Đạo diễn Hoàng Công Cường: "Sân khấu trong nhà Bế mạc SEA Games 31 sẽ lớn nhất từ trước tới nay tại Việt Nam"
Chỉ còn 4 ngày nữa là sẽ diễn ra Bế mạc SEA Games 31. Với vai trò là đạo diễn phụ trách sân khấu – hình ảnh, anh có thể tiết lộ về công tác chuẩn bị cho sự kiện quan trọng này?
- Công tác chuẩn bị cho lễ Bế mạc SEA Games 31 đã được tiến hành ngay sau khi kết thúc lễ Khai mạc. Trước đó, trong quá trình tập luyện và chuẩn bị cho lễ Khai mạc, chúng tôi cũng đã bàn tính về kịch bản cho Bế mạc.
Ở lễ Bế mạc, sau khi các cuộc tranh tài chính thức khép lại, nước chủ nhà Việt Nam của SEA Games 31 sẽ gửi lời chào nồng ấm, thân thương nhất tới bạn bè trong khu vực bằng lễ Bế mạc được tổ chức ấp áp tại Cung Điền kinh trong nhà, Hà Nội.
Hiện toàn bộ ê-kíp gồm 90 diễn viên và nhiều ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng như: Văn Mai Hương, Uyên Linh, Đông Hùng, Khánh Linh, Dương Hoàng Yến, Bảo Trâm, Phạm Anh Duy, Hà Nhi… đang tích cực chuẩn bị cho đêm bế mạc SEA Games 31. Vì muốn tạo nên một không gian ấm áp, thân thiện nên công nghệ sẽ không được áp dụng nhiều như trong đêm khai mạc.
Tuy nhiên đây sẽ là một sân khấu trong nhà hoành tráng với tổng diện tích màn hình led được sử dụng lên tới 580m2 cùng với sân khấu chính rộng 611m2, sân khấu phụ 2 bên là 315m2 để tạo nên hiệu ứng về âm thanh và ánh sáng.
Vì thời gian đang hết sức gấp rút nên từ sáng ngày mai, các biên đạo, nghệ sĩ, diễn viên… sẽ bắt tay vào tập luyện và ráp nối các tiết mục. Hệ thống nhân sự các khâu và bộ phận kỹ thuật cũng sẽ được huy động tổng lực để bắt tay vào việc luôn.
So với lễ Khai mạc diễn ra hôm 12/5 thì lễ Bế mạc SEA Games 31 lần này sẽ có những gì độc đáo và đặc biệt?
- Sự khác biệt đầu tiên là nếu lễ Khai mạc diễn ra ngoài trời thì lễ Bế mạc sẽ được tổ chức ở trong nhà để mang đến sự ấm cúng, gần gũi, gắn kết. Đó cũng chính là thông điệp về sự đoàn kết, gắn bó mà các nước Đông Nam Á muốn gửi gắm tại kỳ SEA Games 31.
Khi tổ chức trong nhà, không gian sẽ ấm áp hơn và tất cả chúng ta sẽ cùng ngồi lại sau một chặng đường dài của kỳ SEA Games 31 để cùng nhìn lại những hình ảnh xúc động nhất của các đoàn thể thao, các tình nguyện viên hay những thành viên BTC.
Với mong muốn đọng lại những ký ức tươi đẹp nhất sau những giờ phút căng thẳng tranh tài và tỏa sáng, ê-kíp sẽ mang đến những hình ảnh giản dị, ấm áp nhất để cùng nhìn lại hành trình mà các VĐV đã đạt được huy chương. Trong đó, có những giọt mồ hôi, những giọt nước mắt, những pha chấn thương và những nụ cười của chiến thắng. Chúng tôi nghĩ rằng, tất cả các VĐV đến với SEA Games 31 đều là những người chiến thắng, không có ai thất bại cả.
Đặc biệt, tại Lễ bế mạc, hình ảnh về một Thăng Long - Hà Nội mảnh đất "địa linh - nhân kiệt", nơi hội tụ khí thiêng sông núi, tinh hoa và sức mạnh của đất nước Việt Nam; một Thủ đô ngàn năm văn hiến, anh hùng, được bạn bè quốc tế tôn vinh là Thành phố vì hòa bình, Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người; một Hà Nội văn hiến, văn minh và hiện đại sẽ tiếp tục được tái hiện. Hà Nội chính là nơi tổ chức lễ Khai mạc, Bế mạc và tổ chức 18/40 môn thi đấu của Đại hội vì thế mảnh đất này cũng sẽ để lại nhiều ấn tượng nhất trong mắt bạn bè quốc tế.
Tại lễ bế mạc, chúng tôi cũng sẽ kể lại câu chuyện của đêm Khai mạc với những hình ảnh đẹp nhất, ấn tượng nhất bằng tiết mục múa nón đã đoạt giải Asian Got Talent.
Một phần nghi lễ không thể thiếu của các lễ Bế mạc SEA Games là lễ trao cờ đăng cai Đại hội của nước chủ nhà kỳ SEA Games trước cho nước chủ nhà kế tiếp. Tại lễ Bế mạc SEA Games 31, sau nghi lễ nhận cờ, nước chủ nhà của SEA Games 32 - Campuchia sẽ mang đến những tiết mục đặc sắc với những câu chuyện tiêu biểu về đất nước, con người, văn hoá của xứ sở Angkor Wat để chào đón các quốc gia tham dự SEA Games 32.
Bộ ba Trần Ly Ly (Tổng Đạo diễn) – Huy Tuấn (Giám đốc Âm nhạc) – Hoàng Công Cường (Đạo diễn Sân khấu – hình ảnh) được xem là "linh hồn" của lễ Khai mạc và Bế mạc SEA Games 31. Vậy những khen chê trái chiều sau lễ Khai mạc có khiến bản thân đạo diễn Hoàng Công Cường và ê-kíp thấy áp lực hơn khi bắt tay thực hiện Bế mạc?
- Sau khi lễ Khai mạc kết thúc, tôi đã đọc được khá nhiều ý kiến trái chiều trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông. Tôi và các thành viên trong ê-kíp đều cầu thị lắng nghe và cảm ơn những ý kiến mang tính xây dựng.
Nghệ thuật thì không có đúng sai, nghệ thuật là do góc nhìn mỗi người. Kết cấu của lễ Khai mạc SEA Games 31 rất chặt chẽ vì mỗi tiết mục ra đều có thông điệp và sự liên kết của nó. Tôi thấy rất tự hào vì việc chúng tôi đã hoàn thành xuất sắc việc triển khai kịch bản từ ý tưởng ra với hiện thực trong những điều kiện rất khó khăn về mặt thời gian, thời tiết và công nghệ.
Lễ Bế mạc cũng như vậy, sân khấu của lễ Bế mạc thì làm trong nhà và chúng tôi phải chờ các nội dung thi đấu xong thì mới vào triển khai được việc lắp đặt sân khấu, âm thanh, ánh sáng và thiết bị cho đêm Bế mạc.
Chúng tôi chỉ có đúng 3 ngày để ráp sân khấu với một khối lượng công việc khổng lồ và đòi hỏi sự tỉ mỉ trong từng chi tiết. Để hoàn thành được công việc, chắc chắn chúng tôi sẽ phải dốc 200% sức lực. Sân khấu của Bế mạc SEA Games 31 cũng là sân khấu trong nhà lớn nhất từ trước tới nay tại Việt Nam.
Trước đó, nhiều người tỏ ra rất tò mò vì không biết lễ Khai mạc SEA Games 31 đã huy động khoảng bao nhiêu người đứng sau hậu trường để lo các khâu về âm thanh, ánh sáng, hình ảnh, kỹ thuật?
- Để chuẩn bị cho sự kiện khai mạc, ê-kíp chương trình (ngoài diễn viên ra) thì có khoảng gần 700 người thầm lặng trong hậu trường để lo lắng và chuẩn bị các khâu. Đó là chưa tính lực lượng ở các tiểu ban khác của Nhà nước và các đội ngũ tình nguyện viên. Riêng đội tình nguyện viên theo như tôi biết thì có lúc lên tới 1000 người do nguồn từ Sở VHTT Hà Nội và Thành Đoàn Hà Nội huy động.
Một trong những khó khăn gặp phải trong quá trình tổ chức đó là vấn đề về mặt sân. Ee-kíp chỉ có 3 ngày tập luyện trên sân do phải giữ sân cỏ để cho trận bóng đá chung kết. Cùng với đó diện tích sân khấu mặt sàn là hơn 7000m2 và quá nhiều ứng dụng công nghệ cao xuất hiện ở Olympic hay Superbowl mà Việt Nam làm được.
Có thông tin cho rằng, ê-kíp thực hiện lễ Khai mạc 100% là người Việt Nam, thông tin này có thực sự chính xác?
- Đây là thông tin hoàn toàn chính xác! Ê-kíp thực hiện chương trình 100% là người Việt Nam và không hề có yếu tố nước ngoài. Các công nghệ tiên tiến được áp dụng vào chương trình là do tôi cùng ê-kíp tự nghiên cứu và đưa về Việt Nam bằng sự sáng tạo của chính con người Việt Nam.
Nhân đây tôi nhắc đến hai chuyên gia rất giỏi trong lĩnh vực này là Hồng Vỹ và Thảo Dark đã cùng tôi tính toán từng giây hình một để lên sóng với những đại cảnh công nghệ thật hoành tráng.
Phải kể thêm rằng, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở Việt Nam, tôi phải "án binh bất động" để tự học, đưa ra đề bài, thảo luận cùng các bạn kỹ sư Việt Nam về các chương trình đã từng ứng dụng công nghệ thành công trên thế giới. Tôi cùng các bạn có làm rất nhiều chương trình rồi và lễ Khai mạc SEA Games vừa qua là chương trình AR trực tiếp trên sóng truyền hình lần đầu tiên tại Việt Nam trên sân vận động.
Cảm ơn đạo diễn Hoàng Công Cường đã chia sẻ thông tin!
No comments