Kể chuyện làng: Vua Bà anh linh
Cạnh sông có một ngôi đền nhỏ tên Vua Bà, thờ người con gái nhảy sông tuẫn tiết vì lòng thảo thơm với cha. Người ta bảo, làng tôi cạnh sông nhưng chưa năm nào phải chịu hậu quả nặng nề do mưa lũ, mùa màng luôn tốt tươi bởi anh linh của người nằm trong ngôi mộ lớn đặt ở giữa sân đền.
Cạnh sông có một ngôi đền nhỏ tên Vua Bà, thờ người con gái nhảy sông tuẫn tiết vì lòng thảo thơm với cha. Ảnh: Lê Đình Trung
Hai bên bờ sông là những cánh đồng lúa, đồng cói xanh ngút tầm mắt rì rào hát trong gió chiều. Trên con đê làng bao nhiêu năm như vẫn còn vẹn nguyên dấu chân lũ trẻ chúng tôi những chiều chăn trâu. Tiếng sáo diều bay cao vút tầng không mang theo ước vọng được lớn lên, được bay xa đến những chân trời rộng lớn mới. Khát khao được rời lũy tre làng, rời con sông cánh đồng thân quen. Để rồi sau này phải đi xa lại nhớ đến da diết khoảng trời thân quen thủơ ấu thời. Thèm được về lại chân đê để cười giòn tan như ngày thơ bé cho quên đi những muộn phiền của những cơm áo, gạo tiền bon chen của người lớn. Thèm được thắp nén hương thơm, được nép mình bên cửa đền để Vua Bà chở che cho những đứa con trong làng no ấm, an bình.
Tôi nhớ ngày ấy cứ đến ngày Rằm, mùng một trên con đê làng lại dập dìu bóng dáng các mẹ, các mụ, đầu đội nón lá tay bưng mâm oản để dâng lên đền. Gió từ triền sông thổi từng cơn làm cho những tà áo nâu bay phần phần trong gió. Lũ trẻ con chúng tôi cũng nô nức theo sau đông vui như lễ hội để chờ hưởng lộc đền. Trong khi người lớn vào trong đền thì bọn con nít bu đen bu đỏ nơi căn chòi nhỏ của cụ Tứ để nghe cụ kể chuyện Vua Bà. Cụ Tứ sống một mình không người thân thiết nên làng cắt cho miếng đất nhỏ ở cạnh đền để làm luôn nhiệm vụ gác đền. Cụ đã ngoài bát tuần, hàm răng rụng hết nhưng lại "nghiện" trầu, cái cối giã trầu trên tay cụ không lúc nào được ngơi nghỉ. Dáng người cụ mảnh khảnh, tóc đã bạc trắng như sương nhưng cụ còn khỏe và minh mẫn lắm. Với từng ấy câu chuyện, lần nào cũng vậy nhưng có sức hút ghê gớm với lũ trẻ chúng tôi.
Cụ Tứ vừa móm mém nhai trầu vừa kể, giọng cụ khàn khàn, từng âm thanh phát ra nghe như thể cả ngàn xưa đang dội về: "Đức thánh lưỡng ngũ vị là năm cha con Lê Ngọc có tên thật của ông là Lê Cốc xuất thân từ Trung Quốc, là một tướng quân nhà Tùy. Ông lấy vợ người Nghệ An sinh được ba người con trai và một người con gái. Khi nhà Đường lên thay nhà Tùy, Lê Ngọc không chịu thuần phục trước nhà Đường, ông chia các con chiếm giữ các vùng. Ông đóng đô ở Đông Phố (tức Đồng Pho, nay thuộc xã Đông Hòa, huyện Đông Sơn), gọi là kinh đô là Trường Xuân, tự quản Cửu Chân chống lại nhà Đường.
Sau gần 3 năm chiến đấu chống lại quân đội nhà Đường, do chênh lệch lực lượng, cuộc khởi nghĩa của cha con Lê Ngọc đã thất bại. Gia đình ông bị địch giết, chỉ còn người con trai thứ ba là Lê Hựu phá vòng vây thoát thân nhưng bị trọng thương tìm chạy về căn cứ của chị gái ở Dốc Bò Lăn, nay thuộc huyện Như Xuân. Nhưng khi vừa qua Chạ Kẻ Nưa (thị trấn Nưa ngày nay) thì Lê Hựu mất do mất quá nhiều máu.
Chị gái của Lê Hựu từ Dốc Bò Lăn hay tin cha và các em bị địch bao vây mang quân ứng cứu, bà đưa quân đến đến khu vực Cầu Quan (nay thuộc xã Trung Chính, huyện Nông Cống) thì biết hung tin. Quá đau buồn trước tin dữ bà ngửa mặt lên trời than khóc rồi gieo mình xuống sông Cầu Quan tự vẫn. Xác của bà theo dòng chảy trôi về ngã ba sông được người dân làng mình vớt mang chôn cất và lập đền thờ tưởng nhớ công ơn của cha con bà. Đó là lý do vì sao có ngôi đền này".
"Người ta bảo, làng cạnh sông nhưng chưa năm nào phải chịu hậu quả nặng nề do mưa lũ. Mùa màng luôn tốt tươi được cho là nhờ anh linh của người nằm trong ngôi mộ lớn đặt ở giữa sân đền". Ảnh: Lê Đình Trung
Cụ Tứ còn cho biết, kể từ đấy để tránh phạm húy những người phụ nữ già được gọi là mụ, chứ không có ai gọi bà vì trùng tên với ngôi đền. Cụ Tứ vừa dứt lời gió từ đâu nổi lên lành lạnh, khiến đứa nào đứa nấy nổi cả gai ốc. Tiếng vó ngựa, tiếng binh đao như còn văng vẳng đâu đây của cuộc chiến năm nào. Ngôi đền thiêng là nơi người dân làng tôi gửi gắm bao nhiêu ước vọng. Mong ước được cuộc sống no đủ, mong cho gia đình hạnh phúc trọn vẹn, mong cho con cái học hành đỗ đạt. Bao nhiêu tâm sự, bao nỗi uất ức, nghẹn ngào được giải tỏa, tựa thể như làn khói của nén hương thơm, khói lững lờ nhẹ nhàng bay lên rồi tan biến hết vào thinh không.
Cũng tại chính ngôi đền này, người làng tôi đã tiễn đưa bao nhiêu con em lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc thiêng liêng. Những người con của làng trước khi cầm súng ra trận để chiến đấu chống giặc ngoại xâm đều về bên cửa đền để xin Bà phù hộ cho cha mẹ, vợ con họ được mạnh khỏe. Để Bà tiếp thêm sức mạnh tinh thần, một niềm tin về tương lai hòa bình độc lập. Có người may mắn trở về, cũng có người mãi nằm lại, máu xương hòa lẫn trong lòng đất mẹ. Đền Vua Bà đứng đó như một chứng nhân cho tấm lòng sắt son của người dân làng tôi với quê hương, đất nước.
Qua bao binh biến, những thăng trầm của thời gian đền đã có nhiều đổi thay. Người làng tu sửa đền đưa bài vị của những người liệt sĩ đã ngã xuống cho cuộc chiến đấu vệ quốc vào thờ như một cách để đời đời khắc ghi công ơn họ. Đền đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người dân làng tôi.
Mỗi khi trở về quê lòng tôi cứ thấp thỏm mãi cho đến khi thấy bóng dáng ngôi đền mới nhẹ nhàng thở phào rằng đã về đến làng. Thắp nén nhang trước ngôi mộ giờ được lát đá, trước mộ có khắc chữ lớn "Vua Bà Anh Linh" cảm thấy như được gột bỏ hết mọi muộn phiền, được trở về với những tháng ngày xa xưa. Đi cùng với sự phát triển về kinh tế của đất nước, việc gìn giữ và phát triển các giá trị di sản văn hóa cũng phải được chú trọng.
Mong rằng Đền Vua Bà sẽ nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm của chính quyền địa phương cũng như sự ủng hộ, quyên góp của bà con nhân dân và du khách thập phương để hoàn thiện nốt những hạng mục còn lại của ngôi đền. Góp phần xây dựng điểm sinh hoạt tâm linh cho bà con nhân dân.
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.
Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.
Rất mong được sự hợp tác, cộng tác của quý bạn đọc, của tác giả!
No comments